Hungary: Cảm nhận từ buổi giảng tại Hungary về Đại đức Thích Thiện Mỹ.
Những cảm xúc chân thành, lắng đọng càng lúc càng được phát triển bởi phương pháp sân khấu hóa bài giảng của Đại Đức Thích Thiện Mỹ. Với một lối giảng Pháp mới, đưa con người về lại với cha mẹ, gia đình, quê hương của mình thông qua những hình ảnh về cây đa giếng nước, qua những vần thơ, điệu nhac, những câu hát về cha, về mẹ, về quê hương đất nước mà tác giả lại chính là Thầy, làm các Phật tử đang ngồi lắng nghe tự mình cất lời đọc lên những câu thơ nói lên nỗi nhớ về công lao của người cha đã không còn trên thế gian này nữa, nay ân hận vì khi cha ra đi con ở xa nên không về kịp để gặp cha lần cuối, dằn vặt mình khi chưa tròn chữ hiếu với cha :
“Tháng Tám mùa Thu lá nhuộm vàng
Ấy mùa nhân loại đón Vu lan
Bâng khuâng nỗi nhớ cha ngày ấy
Chữ hiếu chưa tròn, xé lòng con…”
Nỗi đau đớn khôn nguôi khi nghĩ về người mẹ đã mang nặng, đẻ đau, chẳng quản thân mình, chịu bao khó nhọc, thiếu thốn để nuôi nấng, dạy dỗ ta nên người, mà nay ta ở quá xa không thể hằng ngày chăm sóc mẹ, nhưng tình mẹ thì vẫn dõi theo ta suốt mọi nẻo đường :
“Trái đất trong con đi cùng trời cuối đất
Tình mẹ hiền đi vạn nẻo chân mây
Tìm đâu đây bóng dáng mẹ con gầy
Con đi mãi không cùng đường - Tình mẹ ”
Rồi tiếng quê hương đang gọi thiết tha, với hình ảnh của gốc đa, giếng nước nhắc nhở chúng ta hãy nhớ về cội nguồn, hãy nhớ mình là người Việt Nam. Cứ mỗi độ Thu về, gió heo may thầm nhắc, khiến trong ta trỗi dậy những tình cảm quê hương vấn vương trong nỗi nhớ. Với khoảng cách địa lý, không gian ngàn trùng xa xôi, quê nhà chỉ còn là áng mây đang bay về phương nam xa xôi, vời vợi :
“Mỗi độ Thu về tình vấn vương
Hoàng hôn buông xuống trải trên đường
Thả hồn sâu lắng theo hồn gió
Êm đềm gió hát khúc tha hương ”
Bóng chiều thương nhớ trải nơi đây
Cho lòng vời vợi những phút giây
Hàng cây lay động như khẽ nhắc
Nơi ấy quê nhà – Một áng mây ”
Tiếng sáo trúc da diết, tiếng nhạc yêu thương quyện vào với những lời đọc, lời ngâm thơ, lời hát đã lôi kéo ta về lại tuổi thơ, về lại quê nhà. Thật sự xúc động, bao tiếng sụt sùi, bao cánh tay đưa lên chùi nước mắt khi những lời chia sẻ của những người đã mất cha hoặc mẹ, như những lời nhắn nhủ tới những ai đang còn cha, còn mẹ hãy cố gắng sống sao cho tròn chữ hiếu.
“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe con ”
Và hãy noi theo gương của cha mẹ mà giữ gìn lấy bản sắc dân tộc ở nơi đất khách quê người, giữ gìn và bảo tồn những nét văn hóa, đạo đức của đất nước, quê hương không chỉ ở thế hệ này mà còn phải dạy dỗ cả cho các con, các cháu ở những thế hệ kế tiếp mãi mãi không ngừng.
“Cha đi để lại một lối mòn
Theo gót cha già bước chân con
Gắng sống cho đời tươi đẹp mãi
Trọn tình, vẹn nghĩa với nước non”
Trong buổi thuyết Pháp, thông qua những câu đố vui Thầy lại dẫn dắt các Phật tử nhớ lại mình, nhớ lại sâu xa thế nào là gốc rễ, thế nào là cội nguồn. Nhắc nhở chúng ta cách ứng xử, cách sống theo lối sống thật tốt đẹp, lối sống của Chân - Thiện - Mỹ mà Đức Từ Phụ đã chỉ dạy trong kinh sách, Những câu hỏi được trả lời dù đúng, dù sai cũng vẫn có thưởng để khuyến khích. Mà phần thưởng là những chuỗi hạt, đĩa nhạc Thầy mang từ Việt Nam sang, dẫn dắt chúng ta theo con đường chân lý do chính Thầy sáng tác và hát. Ai ai cũng hoan hỷ. Bầu không khí trong Pháp hội vui nhộn hẳn lên.
Kết thúc của buổi Pháp thoại là những lời tri ân, nhưng cũng là những lời căn dặn các Phật tử và nhất là những người đứng đầu trong Ban chấp hành của Hội Phật Tử Việt Nam tại Hungary phải làm sao cho các Phật tử ngày càng đoàn kết, thương yêu, dẫn dắt nhau tu tập để ngày càng tinh tấn, đi đúng theo con đường chánh Pháp mà ánh sáng Đạo vàng của Đức Từ Phụ đã chỉ dạy và soi rọi.
Một số hình ảnh giảng pháp tại Hungary:
THANH SƠN - HÂN ĐỊNH