Chữ Hiếu Và Tình Người
Ngày đăng: 08:01:25 10-08-2015 . Xem: 22953
SVO - Chỉ có Chánh pháp, trí tuệ mới giúp cha mẹ xa lìa tham, sân, si, tác nhân của mọi phiền não khổ đau. Chỉ có Chánh pháp chỉ rõ gốc của khổ đau là chính các niệm tưởng hữu ngã trong tâm mình để loại bỏ. Chỉ có Chánh pháp mới cống hiến cho cha mẹ một nếp sống đạo đức an trú vững chắc với giới đức, và tuệ đức, từng bước đi ra khỏi khổ đau và từng bước đi vào hạnh phúc của tâm hồn trong hiện tại và tại đây. Đem lại cho cha mẹ con đường vào hạnh phúc lâu dài như thế mới thật là chí hiếu.
Phật tử Việt Nam có ngày truyền thống báo hiếu vào rằm tháng bảy hằng năm. Đó là một ngày kết thúc một mùa hạ tu tập trí tuệ và từ bi vô ngã của chư Tăng và Phật tử. Chúng tôi gọi ngày hiếu truyền thống ấy là ngày đẹp nhất của nghĩa sống, tình người. Bởi vì trong ngày hôm ấy con tim nói lên tiếng nói đích thực của nó, tiếng nói mà trần gian mong tìm. Thật là ý nghĩa, mùa giải thoát của chư Tăng lại kết thúc với sự mở đầu của tiếng nói ấy. Bước đầu tiên đi ra khỏi phiền não lại là bước đầu tiên đi vào tình người và nghĩa sống thiêng liêng của con người. Như con tim nắm giữ sinh mệnh một cơ thể, thì người ta nắm giữ sinh mệnh của nghĩa sống, là linh hồn của văn hóa nhân loại. Có thể nào có một nền văn hóa con người mà không ca ngợi tình người mở đầu là tình mẹ con, cha con ? Ở nước ta, hai dòng văn học la dân gian và trí thức đều nhiệt tình ca ngợi hiếu đức. Người mẹ đã nuôi dưỡng, ấp ủ con từ đầu nguồn cuộc sống bằng cả tinh thần và thể chất của mình, với sự chia xẻ trách nhiệm ân cần dạy dỗ của người cha. Người mẹ đã truyền cho con những dòng sữa ngọt ngào với trọn tình yêu thương : đã mớm cháo cơm với tâm tư trìu mến, cho con từng cử chỉ âu yếm, từng ánh mắt khích lệ, cho con những lời ru tình người ướp vào tâm hồn trong trắng từ thuở còn nằm nôi, đã dìu dắt từng bước đi, từng ngày học cho đến khi khôn lớn. Hầu như toàn bộ hành trang vào đời của người con là thuộc về bố mẹ. Tình sâu nghĩa nặng đó đã được nhân dân ta cảm nhận sâu sắc và đã hát thành những lời ca dao của truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc. Như là : Công cha như núi Thái Sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. Công cha nghĩa mẹ cao vời Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta. Nên người ta phải xót xa Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao. v.v... Đó là gia tài tình người mà bố mẹ đã trao cho người con từ đầu nguồn cuộc sống Các ý thức về các mối liên hệ tình người khác đều nảy mầm từ tình phụ tử và mẫu tử.. Các ý thức về trách nhiệm, bổn phận, lương tâm, vị tha và công bằng hẳn là đượđánh thức dậy từ thái độ biết ơn, đáp đền các ân nghĩa của cuộc sống mà khởi đầu là đáp đền ân nghĩa mẹ cha. Lớn lên, khi nhận thức và kinh nghiệm sống trưởng thành, người con nhận rõ ra tình thương cha mẹ không phải chỉ là ân nghĩa lớn mà còn là lẽ sống của mình. Ca dao lại hát : Con có cha như nhà có nóc, Con không cha như nòng nọc đứt đuôi. Còn cha còn mẹ thì hơn, Không cha không mẹ như đàn đứt dây. Vì ân nghĩa mẹ cha là lẽ sống, là cao quý, thiêng liêng, nên nhân dân Việt Nam xem việc hiếu thảo có giá trị ngang bằng với giải thoát tự thân : Tu đâu cho bằng tu nhà Thờ cha, kính mẹ cũng là đi tu. Hàng trí thức dân tộc cũng đề cao hiếu thảo như thi hào Nguyễn Du và nhà trí sĩ Nguyễn Trãi. Thi hào Nguyễn Du đã đặt nàng Kiều trước một sự chọn lựa nghĩa sống giữa lòng hiếu kính đối với mẹ cha và cuộc đời tình cảm lứa đôi nhiều hứa hẹn hạnh phúc của nàng, thành hôn với Kim Trọng. Nàng đã quyết định vì chữ hiếu mà bán mình chuộc cha, một chọn lựa nói lên nét truyền thống đặt nặng hiếu đức của dân tộc. Nguyễn Trãi thì giáo dục tình người mở đầu là đạo hiếu rằng : Cù lao đội đức cao dày, Phải lo hiếu kính đêm ngày khăng khăng. Khi ấm lạnh ta hầu săn sóc, Xem cháo. cơm, thang thuốc mọi bề. Ra vào thăm hỏi thường khi, Người đà vô sự ta thì an tâm. (Gia Huấn Ca, Tân Việt, 1952, tr. 12) Truyền thống tình người, đạo đức của dân tộc Việt Nam là thế. Phương chi khi Phật giáo, với giáo lý đầy từ bi, nhân ái, xem trọng chữ hiếu đặt chân lên xứ sở nầy, liền được nhân dân ta chấp nhận, và đã chung sống gắn bó với dân tộc trên suốt cuộc hành trình gần hai mươi thế kỷ. Phật giáo đã dạy những gì về hiếu đạo ? - Kinh Phân Biệt (Bắc tạng) ghi : "Ta trải qua nhiều kiếp tinh tấn nay mới thành Phật, toàn là công ơn của cha mẹ ta. Vậy nên, người muốn học đạo không thể không tinh tấn hiếu với mẹ cha. - Kinh Nhẫn Nhục ghi : "Điều thiện tối cao là chí hiếu, điều ác tối cao là bất hiếu". - Kinh Tăng Chi I, trang 75, ghi : "Có hai hạng người, này các Tỳ Kheo, Ta nói không thể trả ơn được : Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng cha, một bên vai cõng mẹ, làm vậy suốt đời, vứa đấm bóp vừa hầu hạ... cũng chưa làm đủ để đáp đền ơn mẹ cha". - Kinh Đảnh Lễ Sáu Phương, Trường Bộ I, gọi mối liên hệ giữa mẹ cha và con cái là mối liên hệ thiêng liêng đáng được tôn kính, đảnh lễ. Người con có bổn phận đáp đền bằng những việc làm thiết thực như : - Vâng lời cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ khi cần. - Chăm chỉ học hành, siêng năng làm việc. - Giữ gìn gia phong, danh dự gia đình. - Giữ gìn tài sản của cha mẹ. - Phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già. - Lo tang lễ cha mẹ đúng phong tục, khi cha mẹ mất. - Khích lệ và giới thiệu đạo giải thoát, chánh kiến đến cha mẹ. Kinh Hạnh Phúc (Nam tạng) ghi : "Phụng dưỡng mẹ và cha là vận may tối thượng" Truyền thống giáo lý Nam truyền và Bắc truyền đều xếp tội ác giết cha, giết mẹ vào năm tội lớn nhất đời gọi là năm "cực trọng tội" hay "ngũ nghịch tội". Như thế, tâm hiếu là tâm tu căn bản, từ đó các tâm thiện và tâm giải thoát phát triển, nhất là đối với hàng Phật tử tại gia. Thật hiển nhiên rằng một người không hiếu kính đối với mẹ cha thì khó có thể là một người cư xử đầy tình người đối với những người khác, đối với nhân quần ,xã hội. Hiếu hạnh rõ là đức hạnh đứng hàng đầu của những đức hạnh của con người. Từ tâm hiếu thảo, tình người được giáo dục và nuôi dưỡng. Trong thể nghiệm đời sống hiện thực, tình người ấy thể hiện qua người bạn đời chí thiết gọi là tình, qua anh chị em ruột gọi là lễ, qua bà con, mọi người gọi là nghĩa và nhân, qua xứ sở gọi là trung. Cũng từ tình người đẹp đẽ ấy mà có tình cảm quốc tế và tình yêu cuộc sống. Khi tình cảm ấy biểu lộ ra hành vi để xây dựng tốt các mối tương giao xã hội, xây dựng an lạc, hạnh phúc cho gia đình, tập thể thì gọi là hành vi đạo đức;c. Nội dung của đạo đức đúng là tình người chân thật đó. Con suối tình người ấy chảy vào văn hóa, giáo dục tạo nên các nền văn hóa, giáo dục nhân bản. Trong nền văn hóa nhân bản nầy không có mâu thuẫn từ thực chất của hiếu, tình, trung, nghĩa, bởi vì thực chất của hiếu, tình, trung, nghĩa chỉ là cùng một tình người cao đẹp ấy. Ngườicó mặt tâm hiếu, là có nhân, có tình, trung, nghĩa. Như tâm hiếu của Kiều chính là tấm lòng trinh bạch của nàng mà bụi bặm của mười lăm năm đoạn trường cũng không thể làm hoen ố. Vì thế mà thi hào Nguyễn Du viết : Như nàng lấy hiếu làm trinh, Bụi nào cho đục được mình ấy vay. Và, vì thế mà cụ Nguyễn Phi Khanh đã dạy tiên sinh Nguyễn Trãi khi theo chân Cụ khóc lóc trên đường Cụ bị áp tải ra Bắc Hà rằng : "Con là người có học, có tài, nên tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha. Như thế mới là đại hiếu. Mựa là cứ phải đi theo cha khóc lóc như đàn bà mới là hiếu sao". (Nguyễn Trãi Toàn Tập, Hà Nội, 1976, tr. 12) Ngày nay xã hội ta nói là "hiếu với dân, trung với nước". Quan niệm như thế là có giá trị nhân bản hơn các giá trị có tính cách ước lệ khác về hiếu, trung, tình, nghĩa - cái giá trị ước lệ đẩy đưa con người trong nhiều trường hợp đến các mâu thuẫn bế tắc, để rồi kết thúc bằng các hình thức tự vận đầy bi thương. Nay chúng ta thử tìm hiểu chữ hiếu trong Phật giáo đã có những cống hiến nào khác cho dân tộc ta, và mở ra những phương trời mới nào ? Về mặt ơn nghĩa mẹ cha, ngoài các công ơn mà xã hội ghi nhận, Phật giáo còn ghi nhận thêm một ơn nghĩa lớn khác : Cha mẹ đã đưa con vào đời, nhờ đó mà người con có nhân duyên học đạo, hiểu đạo và hành đạo giải thoát khổ. Về mặt đáp đền, ngoài những trách nhiệm, bổn phận làm con mà người đời ghi nhận, Phật giáo còn ghi nhận thêm một trách nhiệm, bổn phận quan trọng khác : Giới thiệu Chánh pháp đến với mẹ cha, giúp mẹ cha đi ra khỏi hết mọi thứ khổ đau. Đức Phật dạy : "Những ai đền ơn cha mẹ bằng cách nuôi dưỡng dâng cúng với của cải vật chất tiền bạc thì không bao giờ đủ để đáp đền ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỳ Kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin Tam Bảo thì khuyến khích cho có lòng tin Tam Bảo, đối với cha mẹ sống tà giới, thì khuyến khích vào chánh giới, đối với cha mẹ sinh khởi tham, thì khuyến khích bố thí, đối với cha mẹ tà kiến thì khuyến khích vào chánh kiến, cho đến như vậy, này các Tỳ Kheo, là làm đủ và đáp ơn đủ cho mẹ và cha". (Tăng Chi I, tr. 75) Như thế, ở đây hiếu hạnh có cùng hướng đi với giải thoát của chánh pháp. Tại sao việc đem chánh kiến, chánh tín đến cho me,ha lại có thể đáp đền ơn nghĩa nặng ấy ? Tại đây, Phật giáo mở ra một hướng nhận thức mới cho đời. Không ai có thể phủ nhận rằng mọi người đều có khát vọng hạnh phúc, và sống là đi tìm hạnh phúc tại trần gian. Nhưng hầu như hạnh phúc luôn luôn ở ngoài tầm tay của con người. Trước cuộc biến dịch, vô thường, nỗi khổ của bệnh, già, chết vẫn còn đó. Người con không thể bằng các phương tiện vật chất mà có thể đem lại cho cha mẹ an vui và hạnh phúc, ngoại trừ Chánh pháp. Chỉ có Chánh pháp, trí tuệ mới giúp cha mẹ xa lìa tham, sân, si, tác nhân của mọi phiền não khổ đau. Chỉ có Chánh pháp chỉ rõ gốc của khổ đau là chính các niệm tưởng hữu ngã trong tâm mình để loại bỏ. Chỉ có Chánh pháp mới cống hiến cho cha mẹ một nếp sống đạo đức an trú vững chắc với giới đức, và tuệ đức, từng bước đi ra khỏi khổ đau và từng bước đi vào hạnh phúc của tâm hồn trong hiện tại và tại đây. Đem lại cho cha mẹ con đường vào hạnh phúc lâu dài như thế mới thật là chí hiếu. Hạnh phúc ấy là kết quả của nỗ lực loại trừ tâm chấp ngã, vị kỷ, đó là con đường sống vị tha, vô ngã, con đường sống hạnh phúc của tha nhân, gia đình và xã hội. Bằng con đường nầy, qua kinh nghiệm, con người sẽ khám phá ra rằng : - Hạnh phúc là mục tiêu cao thượng ở đời. - Con đường sống đạo đức là con đường dẫn tới hạnh phúc cho mình và người trong từng bước đi, hay chính đạo đức ấy là hạnh phúc. - Hạnh phúc đồng nghĩa với vị tha vô ngã, do đó bổn phận trách nhiệm đối với hạnh phúc tự thân trở thành bổn phận, trách nhiệm đối với hạnh phúc của tha nhân, tập thể, nhân quần và xã hội. Phạm vi hoạt động vị tha càng lớn, càng đem lại nhiều hạnh phúc và hạnh phúc lâu dài. Khi lòng vị tha mở rộng đến mọi người thì bấy giờ hạnh phúc của ta chính là hạnh phúc của mọi người, và ngược lại hạnh phúc của mọi người chính là hạnh phúc của chính ta. Tại đây, không có mâu thuẫn giữa cá nhân và tập thể hay giữa tập thể với cá nhân. Quan niệm về chữ Hiếu và tình Người như thế sẽ dẫn đến một thái độ sống của người Phật tử xem bổn phận đối với gia đình xã hội, quốc gia là bổn phận đối với tự thân và hạnh phúc của tự thân. Đây chính là điều mà các nhà đạo đức đang tìm đến. Cái nhìn từ bi vô ngã và trí tuệ vô ngã của Phật giáo như thế đã tiếp thêm sức sống cho con tim dân tộc và khơi nguồn thêm cho dòng thác nhân bản của dân tộc Việt Nam chảy mạnh vào nghĩa sống vô cùng. Chúng ta có thể tạm ngưng ngang đây để kết luận rằng Phật giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam có chung một hướng nhìn của con tim mở đầu là lòng hiếu thảo. Hai thực thể lịch sử ấy sẽ có điều kiện để tiếp tục gắn bó suốt dòng lịch sử lâu dài. Ngày nay, có nhiều ý kiến cho rằng con người đang đi vào thế kỷ của văn minh đạo đức và tình người, sau khi đã thể nghiệm các hậu quả đầy tác hại của hận thù, áp bức và hệ quả chiến tranh của chúng. Vào thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, Aristote - một triết gia Hy Lạp đã nói : "Hạnh phúc là sự pháp triển hoàn toàn đầy đủ các đức tính của con người" (A story of Philosophy, by Will Durant, bản dịch Tủ Thư Vạn Hạnh, 1971, tr. 18). Đến thế kỷ mười bảy, Tây lịch, Spinoza - triết gia Do Thái - viết : "Hạnh phúc là mục đích của mọi hành động ..." (Ilid, tr. 228) Banzeladze, một nhà đạo đức người Nga, 1972, viết : "Vấn đề về lý tưởng tối cao và ý nghĩa của cuộc sống thực chất là vấn đề hạnh phúc" (Bản dịch, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1985 - tr. 222) Các quan niệm trên đều nhuốm màu nhân bản. Nhưng đấy cũng mới chỉ là những tư tưởng chưa phải là con đường thể nghiệm hạnh phúc trong hiện tại. Phật giáo, với toàn thể giáo lý nhằm đoạn tận khổ đau, là con đường sống từng bước dẫn đến hạnh phúc, đi từng bước đi hạnh phúc của tình người hướng đến vô hạn. Phật giáo hé mở cho thời đại thấy con đường đạo đức mà thời đại mong chờ. Điểm mong chờ thứ nhất là gốc người (nhân bản) : - Đức Phật khuyên con người "trở về nương tựa mình, nương tựa Pháp, không nương tựa một nơi nào khác" (Dhp, XII, tr. 4) Điểm mong chờ thứ hai là tình thương : - Đức Phật dạy, "Ta ra đời vì an lạc, lợi ích cho Chư Thiên và loài Người, vì lòng thương tưởng đời" (trong nhiều kinh) Điểm mong chờ thứ ba là chỉ hướng sống đi vào hạnh phúc ngay trong hiện tại, tại đây : Đức Phật đã chỉ rõ gốc của mọi phiền não, khổ đau là tham, sân và si. Mà tham, sân và si khởi dậy từ lòng chấp thủ các ngã tướng, nên con đường đi vào hạnh phúc là con đường dập tắt các ngã tướng. Kết quả đó con người có đủ điều kiện để thực hiện ngay trong hiện tại và tại đây. Con người hoàn toàn chịu trách nhiệm cho chính tự thân trong việc thực hiện con đường, mà không do một đấng thiêng liêng nào can thiệp vào. Điểm mong chờ thứ tư là tôn trọng sự sống của mọi loài chúng sinh và xây dựng hòa bình, an lạc cho thế giới : Pháp tu tập bố thí và trì giới của Phật giáo được xây dựng trên căn bản lòng từ bi, bảo vệ sự sống cho các loài hữu tình. Bàng bạc khắp kinh tạng Phật giáo, không có lời dạy nào của Đức Phật đi lệt ra ngoài mục tiêu ấy. Bài kệ tóm tắt về giáo lý Phật giáo nêu rõ mục đích ấy rằng : Từ bỏ các điều ác, Làm tất cả điều lành, Giữ tâm ý thanh tịnh, Là lời chư Phật dạy. (Dhp. 182) Từ bỏ các điều ác là ý nghĩa rời xa tham ái và sân hận, bởi động cơ của các hành động ác hại là tham ái, sân hận và si mê. Đây cũng là nội dung của đạo đức Phật giáo. Làm tất cả điều lành là ý nghĩa xây dựng an lạc, hạnh phúc cho mình và mọi người, là nuôi dưỡng lòng không tham ái. lòng từ bi. Ở đây, đạo đức được biểu hiện ở cấp độ cao hơn, tích cực hơn. Giữ tâm ý thanh tịnh là ý nghĩa thiết lập vững chắc an lạc, hạnh phúc, giải thoát cho tự thân và cho tha nhân. Đây là nội dung của định học và tuệ học của Phật giáo. Nếu hiểu tình người, lòng nhân ái, vị tha, từ bi, hạnh phúc chân thật và trí tuệ là nội dung của đạo đức, thì toàn bộ giáo lý Phật giáo là một hệ thống đạo đức rất là nhân bản và rất là hiện thực. Như thế Phật giáo là một con đường sống nhân bản đích thực. phát triển giá trị nhân bản đến vô hạn và toàn vẹn. Phật giáo không đi vào một hư tưởng nào. Giá trị nhân bản ấy cũng được nhân dân ta ca ngợi : Dầu xây chín bậc phù đồ Không bằng làm phúc cứu cho một người. (Truyện Kiều, Quan Âm Thị Kính va Ca dao Việt Nam) Thương người như thể thương thân. (Gia Huấn Ca, Nguyễn Trãi) Bầu ơi thương lấy bí cùng Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. (Ca dao Việt Nam) Chừng nào con người còn khát vọng hạnh phúc, chừng đó tình người và đạo đức nhân bản còn là giá trị chuẩn, và các giá trị khác phải xoay xung quanh nó; chừng đó giáo lý từ bi, vô ngã, vị tha của Phật giáo còn rực sáng ở đời, dựng xây niềm tin cho đời, và ngày Vu Lan - ngày hiếu - truyền thống phải là ngày rất đẹp, rất đáng trân trọng : điều thiện sẽ ngự trái tim, và trái tim có trí tuệ sẽ ngự trị văn hóa trên trái đất.
HT. Thích Chơn Thiện
Các Tin Khác