Hạnh phúc giản đơn
Ở miền Nam nắng nóng này, gọi là mùa đông cho có vẻ nên thơ thôi: mùa đông để cho các cô thiếu nữ có dịp khoe những chiếc áo len mỏng đủ màu khi ra phố,các em bé ngủ ngon trên bờ vai ấm áp của mẹ; cho tôi thoải mái tản bộ đến chùa qua các con ngõ quanh co mà mồ hôi không ướt đầm lưng áo. Đối với tôi, có một người đồng hành đi chùa vào mỗi tối vào đông như thế là một niềm hạnh phúc; hai chị em đi bên nhau nói những câu chuyện không đầu không cuối như : than phiền về những người hút thuốc lá nơi công cộng làm ảnh hưởng sức khỏe mọi người; có khi chỉ là những tâm sự đời thường về con cái, những hoài niệm về mẹ,về ba và các anh đã ở xa chúng tôi nửa vòng trái đất.Có khi là những bài pháp thoại của Quý thầy về Phật pháp ứng dụng, về những bài giảng nghe được trong lớp Sen vàng Trí Tuệ, chúng tôi thường nhớ và kể lại những câu chuyện giảng sư dẫn chứng trong bài giảng, và những câu nói vui của Quý thầy để cùng cười vui suốt đoạn đường. Nghiêm túc hơn , thỉnh thoảng tôi còn tóm tắt lại cho em nghe những bài viết hay ,được thầy giới thiệu trên Facebook .Ví dụ như bài: Trách nhiệm cuả người Phật tử tại gia, bài này do Hòa thượng Thích Thanh Từ viết từ năm 1962, nhưng đến nay tôi thấy vẫn còn nguyên giá trị. Theo như Hòa thượng nhận định, trách nhiệm hoằng dương đạo pháp chính yếu là cuả người Phật tử gọi chung là cư sĩ. Người Phật tử phải tu tập giữ giới hạnh theo Phật và đem những điều đã tu tập thực hành vào đời sống cá nhân, gia đình làm cho gia đình mình hạnh phúc, sau đó đến xã hội..Chính những điều đó mới có sức thuyết phục mọi người tin vào đạo pháp và đi theo chánh đạo để cùng nhau tu tập tìm đến bến bờ giải thoát…
Có đôi khi lại là những câu đố vui, có lần tôi đặt câu hỏi :
- Ngày xưa khi Đức Phật Thích Ca còn tại thế, Người và tăng đoàn của Người có bao giờ bị người khác nói xấu không? Em tôi mỉm cười, trả lời:
- Mình có ở vào thời đó đâu mà biết!
-Theo cuốn Đường xưa mây trắng của Thiền sư Nhất Hạnh, chương 31: Ngón tay chỉ mặt trăng. Thì có đoạn viết như thế này : “…Dưới sự hướng dẫn của Bụt (Đức Phật Thích Ca) , đại chúng học rất tinh tiến và đạt được nhiều tiến bộ…Các Đại đức đã giúp Bụt tổ chức và hướng dẫn tăng đoàn…Uy tín của tăng đoàn ngày càng lên cao và vì vậy tại thủ đô Ra-gia-ga ha đã có 1 luồng dư luận nói xấu Bụt…Một số các vị khất sĩ không hài lòng khi nghe…Rốt cuộc tiếng đồn tới được tai Bụt. Bụt an ủi các vị khất sĩ và các vị đệ tử tại gia: “Quý vị đừng phiền muộn về những lời đồn đãi đó.Những lời đồn đãi đó trước sau gì cũng sẽ im bặt”.
Mà đúng như thế. Chỉ trong vòng nửa tháng sau, không ai còn nói đến luồng dư luận kia nữa…”
- Vậy mới biết, ở thời đại nào, tổ chức nào khi phát triển lớn mạnh cũng bị những người thích “quậy” ganh ghét, tìm cách nói xấu há !
- Ờ! trong những hoàn cảnh như vậy tuy bực mình thật .Nhưng câu trả lời tốt nhất là sự im lặng và hành động hướng thiện nhiều hơn tích cực hơn!
- À! Hôm qua thi giáo lý môn Thập thiện và Phật pháp ứng dụng vui lắm! Môn thập thiện thầy cho 15 câu 20 điểm. Còn môn Phật pháp ứng dụng thầy chỉ cho có 5 câu thôi!
- Tui hổng dám đi thi vì nghe thầy bảo làm bài theo tự luận chứ không phải trắc là nghiệm.
- Cũng có 1 số câu trắc nghiệm và 1 số câu tự luận. Mình hiểu tới đâu, làm tới đó.Thi là dịp để mình xem lại mình đã tiếp thu được những điều thầy dạy tới đâu , để bổ khuyết lại những thiếu sót
- Có khó không ?
- Khó với những người không đi học thường xuyên giống như tụi mình nè! Đã vậy, khi vắng còn không chịu photo tài liệu để ôn thi nũa thì…Bó tay! Người xưa đã nói: học là cái gì còn lắng đọng lại trong ta, sau khi đã quên hết! Nhưng khi làm bài thì cái tâm tham - Sân - Si nó nổi lên- từ già đến trẻ gặp câu bí cũng cạy cục ,quay tới quay lui, giở tài liệu tùy theo độ tuổi!
- Là sao !?
- Thì tuổi trẻ tìm kiếm trên Google bằng điện thoại còn tuổi già thì giở tài liệu (sợ không thấy đường photo chữ to bằng quả trứng gà luôn!). Có 1 số tổ trưởng sợ nhóm mình làm sai nhiều quá – Quê - nên còn làm dùm thành viên trong nhóm mình.Dễ thương hông?
- Thầy có biết không!
Thầy biết hết, nhưng chỉ cười và nhắc nhở thôi! Tự mình thấy áy náy khi không trung thực là chính.Nói như vậy cho vui thôi! Nhưng cũng có những người làm bài nghiêm túc lắm! Có quay phim để làm tư liệu nữa đó!
- Nhà ngươi có nhớ bà cụ 85 tuổi giống má không?
- Có !
- Bà cũng đi thi nữa đó nghe! Giờ giải lao nghe bà nói chuyện dễ thương lắm!Ta giả bộ đòi lại bà cái nón bảo hiểm hôm tuần trước cho mượn để nhờ 1 em trong Gia đình Tuổi trẻ đưa bà về,vì không có nón, ai mà dám chở. Bà có vẻ ngại ngùng nói:
- Hôm đó máng cái nón trên xe, con bé nó chạy luôn rồi! Thôi rằm này con có đi chùa không, bà trả cho!
- Con nói giỡn thôi mà! Bà đừng ngại! Cái nón đó con cũng không xài tới đâu !. Bà hớn hở ra mặt:
- Vậy hả! Cám ơn con nghe! Bữa này đi tu một ngày đi! Bà cúng dường đạo tràng một bữa cơm chay!
- À! Sao độ rày con không thấy bà đi chùa buổi tối nữa!?
- Ờ !ở tuốt ngã tư A-Ma-Ta phải băng qua con lươn để đi, mọi khi nó còn thấp,bây giờ xây cao không leo qua được nữa, với lại về tối quá! Có khi mất phương hướng đi lạc luôn, tới 10 giờ mới mò được về tới nhà.
-Thấy thương hông! Nhưng nếu con là chú công an, thấy bà leo qua con lươn lúc đó con cũng phạt bà luôn! Nguy hiểm quá!
-Bởi vậy bây giờ tối không đi nữa, chỉ ở nhà trì chú niệm phật , lạy phật thôi!
Bà thuộc nhiều kinh lắm!Khen bà minh mẫn nhưng bà không ưng mà nói: -“ Minh mẫn cái gì. Ôn thi kinh thập thiện; Khế cơ, khế lý, khế thời học “nhừ”luôn mà tới khi thầy ra câu hỏi không nhớ 1 cái gì luôn! Tức ghê!”
-Thôi đừng tức nữa. Cuối cùng cũng làm được hết đó thôi!Kỳ này thế nào bà cũng được lãnh phần thưởng người lớn tuôỉ nhất lớp cho coi! Bà cụ cười.Hai bà cụ bảy mươi ngồi kế bên cũng góp chuyện :
-Bà còn giỏi ,còn thấy đường viết,tôi nheo, chảy cả nước mắt ra mà khôg viết được nữa kia! Thôi tuổi mình đi học, nghe là chính, còn làm bài thì để trẻ như cô này (trời! sung sướng quá! Có người khen trẻ!), hay mấy bọn trẻ ngồi bên dãy kia nó thi!(nói vậy chứ cũng phải cầm tay, chỉ cho làm hết mấy câu trắc nghiệm đấy, không thì mai mốt đi chùa đừng nhìn mặt nhau!) ….Cả hai chúng tôi cùng cất tiếng cười vì câu nói đó.
Cứ thế, ngày tiếp theo ngày, hạnh phúc tôi cứ theo những câu chuyện vui trên đường đến chùa như thế. Hạnh phúc không ở đâu xa. Nó ở đây khi tâm mình biết đủ!.