Ấn Độ: Vài nét về Ni viện Dongyu Latsal Ling
SVO - Tọa lạc tại vùng nông thôn của Ấn Độ, Ni viện được thành lập vào tháng Giêng năm 2000 bởi tiến sĩ Jetsunma Tenzin Palmo, là một trong những người phụ nữ phương Tây đầu tiên được thọ giới và sống như một nữ tu Tây Tạng. Trước đó, bà đã có mười hai năm sống ẩn tu trong một hang động hẻo lánh ở dãy Hymalaya, đây cũng là một trong những phương pháp thiền định khắc nghiệt nhất.
Ni viện được bao quanh bởi những cánh đồng lúa xanh mát và dãy Hymalaya hùng vĩ, mang đến cảm giác yên bình nhưng cũng toát lên tinh thần tôn giáo mạnh mẽ. Tiến sĩ Jetsuma cho biết, bà thành lập Ni viện để mang. đến cho những nữ tu một nền giáo dục chất lượng cao, nhằm thiết lập lại truyền thống Yogini và Togdenma của dòng truyền thừa Drukpa Kogyu, để chuẩn bị cho các nữ tu có cơ hội nghiên cứu sâu hơn về triết học và trở thành giáo viên. Hiện tại có hơn 90 nữ tu đang tu tập tại Ni viện, và tất cả đều cảm thấy rất hạnh phúc khi được ở đây. Kiến trúc của Ni viện mang lại cảm giác thật dễ chịu và thân thiện, những chi tiết nhỏ nhất luôn được quan tâm từ màu sắc tươi sáng của những bức tường hay những luống hoa rực rỡ được trồng khắp nơi trong Ni viện
Các nữ tu chủ yếu đến từ Darjeeling, Lahaul, Nepal. Khi được hỏi tại sao lại muốn trở thành nữ tu sĩ, một nữ tu trẻ tuổi cho biết cô cảm thấy rất hạnh phúc khi sống cùng những nữ tu khác tại đây vì vậy cô trở thành nữ tu với mong muốn mang lại hạnh phúc cho mọi người. Những nữ tu tại đây nhận được một nền giáo dục đặc biệt từ các lớp triết học Phật giáo, ngôn ngữ Tây Tạng, yoga, tiếng Anh, những nghi lễ trong Phật giáo và nhiều hơn thế nữa. Họ được hướng dẫn những phương pháp thiền định sâu, được học hỏi, tranh luận và thực hành.
Ni viện không chỉ mang đến nền giáo dục chất lượng, môi trường sống thoải mái mà đối với nhiều nữ tu đây chính là món quà của sự tự do. Hầu hết các phụ nữ ở nông thôn đều không có quyền chọn lựa trong việc kết hôn, làm việc thậm chí những công việc đơn giản như nấu ăn hay chăm sóc con cái họ cũng không có quyền tự quyết định. Có rất nhiều phụ nữ kém may mắn luôn phải chịu sự hành hạ từ người chồng say xỉn. Nhiều người phụ nữ tìm đến tu viện đơn giản vì họ không muốn chịu đựng cuộc sống như vậy, muốn làm những điều có ích và sống thật ý nghĩa. Bằng cách trở thành nữ tu, chắc chắn họ sẽ có nhiều tự do hơn nữa để thực hiện lý tưởng của mình.
Đến với Ni viện, ai cũng có một cảm giác rất nhẹ nhàng nhưng không kém phần mạnh mẽ. Thông thường, khi đến một ngôi chùa, những hình ảnh đại diện cho những bậc giác ngộ thường là nam giới, nhưng theo quan điểm của tiến sĩ Jetsunma thì chính điều này đã mang đến cho nữ giới những thông điệp sai lầm. Chính vì vậy, tại Ni viện Dongyu Latsal Ling mọi người sẽ dễ dàng nhìn thấy hình vẽ rất đẹp của những nữ tu sĩ từ thời Đức Phật Thích Ca, những nữ học trò của nhà thơ vĩ đại Kagyu –yogi Milarepa và rất nhiều vị nữ thần hộ vệ.
Giờ đây, các nữ tu đều xem Ni viện chính là nhà mình, và Jetsunma là người mẹ đã mang đến cho họ cơ hội được sống trong ánh sáng của Phật pháp. Bà chính là người đã truyền cảm hứng cho những cô gái trẻ, giúp họ nhận ra giá trị của chính bản thân mình.
Pháp Bảo ( Dịch từ Enews)
Theo PTVN