Hà Nội: Ngày thứ ba của Pháp hội Dược Sư tại chùa Bằng (Linh Tiên Tự)
Trong ngày thứ 3 của Pháp hội Dược Sư tại chùa Bằng (Linh Tiên Tự) – số 63 phố Bằng Liệt – phường Hoàng Liệt – quận Hoàng Mai – thành phố Hà Nội, nhận lời mời của Ban tổ chức, Hòa thượng Thích Quang Nhuận – Phó trưởng Ban thường trực Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN đã quang lâm thuyết giảng cho đạo tràng bản tự với chủ đề “Tu tập theo hạnh nguyện của chư Phật”.
Mở đầu thời pháp thoại, Hòa thượng đã giới thiệu sơ lược về Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai tới toàn thể đại chúng, nhằm giúp hàng Phật tử ôn lại về hạnh nguyện của Đức Dược Sư để củng cố niềm tin trên con đường tu tập.
Cách đây hằng hà sa số nước về hướng Đông có thế giới gọi là cõi Tịnh Lưu Ly và Đức Phật ở đó gọi là Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, vì chúng sinh mà phát 12 lời thệ nguyện hầu giúp cho tất cả chúng sinh đủ nghị lực, trí tuệ vượt khỏi màn vô minh đen tối.
Sau đó, Hòa thượng đã nhắc lại cho đại chúng về khái quát lịch sử cuộc đời Đức Phật, và nhấn mạnh “lần lượt trải dài hơn 40 năm, nay đây mai đó một mình một bóng, khắc khổ để tuyên dương chính pháp nhằm giúp cho chúng sinh thoát khỏi cảnh vô minh đen tối. Không biết rằng ngài sinh sống như thế nào mà có thể truyền bá chính pháp trong một cảnh giới đầy kỵ hiềm, đầy giai cấp, đầy chướng ngại, đầy ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái mà ngài cố gắng phấn đấu để vượt qua tất cả các chướng ngại vô cùng khó khăn. Mỗi ngày chỉ ăn một bữa, ngủ một đêm dưới gốc cây, không được quá 2 đêm trừ khi bị bệnh, hằng ngày đi khất thực một mình. Sự sống, gia tài, sự nghiệp của đoàn thể Tăng già của Đức Thế Tôn cũng như 1250 vị Tỳ Khiêu chỉ có một bình bát với 3 y. Và y của Ngài không phải là y như hôm nay chúng tôi đắp, mà Ngài đi kiếm từng mảnh vải người ta bỏ trên bãi tha ma, trên bến nước của những người chết để ghép lại thành áo mà mặc. Từ Đức Thế Tôn cho đến đoàn thể đệ tử của Đức Phật sống trong nếp sống khắc khổ như vậy. Cảnh giới và thời tiết của Ấn Độ thời bấy giờ rất khắc nghiệt, khi nóng có thể lên đến 50 độ, khi lạnh có thể xuống dưới độ mà Ngài vẫn vượt qua để tuyên dương chính pháp. Ngài tùy theo căn cơ, tùy theo trình độ suốt hơn 40 năm thuyết pháp, như trong kinh điển có nói, Ngài thuyết 8 vạn 4 ngàn pháp môn tu học tùy theo căn cơ, tùy theo trình độ của con người. Trong đó có 2 pháp môn mà Đức Phật thấy rằng trong thời mạt pháp này nếu không dùng 2 pháp môn này thì khó có thể thoát ly sinh tử, thoát khỏi khổ đau. Đó là pháp môn niệm Phật. Pháp môn thứ hai chúng ta đang hành trì đó là niệm, tụng kinh, hành trì theo những lời dạy của đức Phật Dược Sư. Dược ở đây là thuốc Lưu Ly, là trong sáng, một vị Phật luôn ban cho chúng sinh thuốc để chữa hai loại bệnh đó là thân bệnh và tâm bệnh. Khi chúng ta niệm Đức Phật Dược Sư, có một cảnh giới đông phương tên là Tịnh Lưu Ly, không có nhiễm ô, không có khổ não, so với cảnh giới tây phương của Đức Phật A Di Đà thì không khác gì”.
Tiếp theo, Hòa thượng đã giải thích cho hàng Phật tử hiểu về ý nghĩa 10 danh hiệu của Đức Phật. Tất cả chư Phật đều đầy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp và đầy đủ 10 hồng danh “Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn”.
Cuối cùng, Hòa thượng khuyến tấn các Phật tử noi theo hạnh nguyện của Đức Phật, tinh tiến tu tập và hành trì nhằm chuyển hóa tham sân si, khổ đau phiền não thành sự an lạc, giải thoát và hạnh phúc ngay trong cuộc sống hiện tại.
Sau hơn một giờ đồng hồ, buổi chia sẻ pháp thoại của Hoà thượng Thích Quang Nhuận đã kết thúc trong niềm hoan hỷ vô biên của toàn thể đạo tràng có mặt tại chùa Bằng hôm nay.
Diệu Tường - Nguồn: Phật Sự Online