Sư giả tràn lan tại New York
Không những thế, biểu hiện của họ đã tạo nên sự bất ổn và cả nguy hiểm trong sinh hoạt thường ngày của các cư dân địa phương cũng như du khách.
Những người đàn ông giả danh nhà sư cố gắng nài nỉ du khách xin tiền ở công viên High Line
Những hành vi lạ
Nhóm những kẻ ăn xin cải trang giống các nhà sư Phật giáo đã xâm nhập vào Công viên High Line và những công viên thành phố khác, yêu cầu các du khách bố thí cho họ từ 40 USD trở lên. Việc này đang làm đau đầu các cơ quan chức năng.
Một du khách tham quan Công viên High Line đã bố thí cho một trong số những kẻ đó 5 USD vào tuần trước, nhưng đối với hắn, bấy nhiêu đó là chưa đủ. “Người đàn ông đó đã cố gắng nài xin tôi để được 20 USD”, cô kể với nhà báo.
Một kẻ giả danh nhà sư khác đã trở mặt sau khi chỉ nhận được 1 USD cho chiếc vòng tay nhựa rẻ tiền mà ông ta chào mời. Ông ta liên tục nài nỉ cho bằng được 5 USD mà không hề giải thích số tiền bán được sẽ dành cho hoạt động và mục đích gì.
Những kẻ mạo danh ở Công viên Bryant lại thực hiện các hành vi bôi nhọ danh dự của những nhà tu hành đến từ dãy Hy Mã Lạp Sơn khi một tên bị phát hiện cướp giật chai nước từ một vị doanh nhân đang đi dạo trên vỉa hè.
Một số tu sĩ giả mạo khác lại bị phát hiện hút thuốc trong lúc đang nghỉ ngơi, cố gắng che giấu hành vi đáng xẩu hổ của mình bằng cách lẩn trốn gần lối vào đường xe điện ngầm. Họ tranh thủ làm việc này khi cố gắng nghỉ trưa nơi rìa tường của một thư viện.
Những kẻ giả dạng nhà sư phần lớn là người gốc Trung Quốc, sau “công việc” họ lại trở về những quán trọ rẻ tiền để thay đổi trang phục với số tiền mình kiếm được, đôi khi họ thay trang phục tu sĩ ngay trong đường xe điện ngầm, trước khi tụ tập tại một nhà hàng địa phương để ăn uống mà hầu hết các bữa ăn đều không thiếu rượu bia - một người quan sát cho biết.
Trong khi đó, những nhà sư Phật giáo chân chính thật sự không bao giờ đụng đến rượu bia, thuốc lá.
Dan Biederman, người đứng đầu cơ quan quản lý Công viên Bryant nói: “Tôi sẽ thật sự bị sốc nếu bất kỳ ai trong những kẻ đó là nhà sư thật sự”.
Thiếu tôn kính
Trên thực tế, một vài người trong họ đã sử dụng nhà vệ sinh của công viên để cải trang, khoác lên người những chiếc áo màu nâu, màu cam hoặc màu lam trước khi đi ra ngoài, dễ dàng thấy bên trong bộ đồ tu vẫn là quần kaki và đôi giày Nike rất thế tục.
Những người giả mạo nhà sư đã có mặt tại khắp nơi trên thế giới và họ xác định sự hoạt động của mình ở các quảng trường nơi đông người qua lại. Cứ khi thời tiết ấm áp là họ lại xuất hiện tại các công viên. Vào mỗi tháng 4 hàng năm, địa điểm ưa thích của họ chính là Công viên High Line, nơi có đông du khách qua lại.
“Chúng tôi đã nhận ra đây là một vấn nạn và đang trong tiến trình thảo luận với cơ quan quản lý công viên thành phố New York để xử lý vấn đề này”, Martin Nembhard, Phó Chủ tịch Hiệp hội công viên cho Những người bạn của công viên High Line, tuyên bố. “Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi khuyến khích mọi người khi gặp phải những vấn đề tương tự hãy báo ngay cho nhân viên quản lý tại khu vực đó để biết và có cách ứng phó phù hợp”.
Người giả danh nhà sư này (trái) luôn gây phiền hà cho du khách khi chặn họ lại để xin tiền nhưng sau đó chỉ cần một sự thay đổi trang phục nhanh chóng (phải), ông ta trông giống như những người bình thường khác
Khi được hỏi, đại diện lãnh đạo công viên cho biết: “Luật lệ của công viên nghiêm cấm việc đeo bám ăn xin, xúc phạm tôn giáo, phá hoại các công trình. Những ai vi phạm sẽ nhận được giấy triệu tập từ đội tuần tra có thẩm quyền và trách nhiệm”. Trong khi đó, về phần mình, Sở Cảnh sát thành phố New York cho đến giờ vẫn chưa tiến hành một cuộc bắt giữ nào.
“Nếu là những nhà sư Phật giáo thật sự thường mang theo một chiếc bình bát khất thực để nhận được tặng vật hoặc đồ ăn và tiền, họ sẽ không đeo bám và nài nỉ để xin tiền”, Rev. T. Kenjitsu Nakagaki, Chủ tịch Hội đồng Phật giáo ở New York khẳng định. Ông cũng tuyên bố rằng những kẻ giả danh nhà sư đang xúc phạm tới đức tin Phật giáo thiêng liêng của những người Phật tử và có cảm tình với Phật giáo.
Nakagaki cũng chia sẻ: “Người ta tin vào những người mang chiếc áo tu hành đơn giản vì các vị ấy giảng dạy Phật pháp và mang niềm hạnh phúc tới mọi người. Nếu những người nào mặc chiếc áo này mà có những hành vi sai trái, biểu hiện trục lợi bất chính, đó thật sự là một hành động thiếu tôn kính tới Phật giáo”.
Bảo Thiên - Anh thư (theo New York Post)
Nguồn : giacngo.vn