Bắc Giang: Đại lễ cắt băng khánh thành và an vị Phật
Quang lâm chứng minh, tham dự buổi lễ có TT.Thích Thông Tánh – Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng (tỉnh Thanh Hóa); TT. Thích Giác Hiền – Phó ban Hoằng pháp tỉnh Đắk Lắk, Trụ trì chùa Phước Vân, Phó ban Hoằng pháp tỉnh Đắk Lắk; NT. Thích Nữ Như Ánh – Viện chủ Thiền viện Phổ Chiếu BR-VT; SC. Thiền Châu – Phó Ban Trị sự huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên; NS. Thích Nữ Thiền Định – Trưởng BTC đại lễ, đương vị trụ trì chùa Linh Sơn cùng đông đảo chư Tôn đức Tăng Ni trong và ngoài tỉnh Bắc Giang, chư huynh đệ trụ trì các tự viện trên khắp cả nước về tham dự.
Về phía chính quyền có sự hiện diện của ông Nguyễn Văn Luận – Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn; ông Vũ Văn Đồng – Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Dĩnh Sơn; ông Lương Văn Sáu – Mặt trận; ông Vũ Văn Kha – Hội trưởng Hội người cao tuổi cùng các lãnh đạo các thôn trong địa bàn xã Trung Sơn, các ban ngành đoàn thể, các nhà hảo tâm, các Mạnh thường quân, đông đảo Phật tử gần xa, du khách thập phương và nhân dân địa phương trong thôn.
Chùa Linh Sơn tọa lạc trên một ngọn đồi thuộc thôn Dĩnh Sơn, xã Trung Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, là ngôi chùa cổ nằm ở phía nam sông Thương, phía bắc sông Cầu được hình thành từ rất lâu trên mảnh đất có bề dày lịch sử, đã tồn tại từ nhiều năm nay. Trước năm 1945 chùa mang một kiến trúc nguy nga, cổ kính trong vùng miền. Song do trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, chiến tranh tàn phá, chùa chỉ còn lại nền móng, người dân muốn lễ Phật phải sang lễ chùa những làng bên cạnh.
Linh sơn tọa ở non chùa
Tây đem phá hỏng lễ chùa nơi đâu?
Về sau, ngôi chùa đã được xây dựng lại trên nền chùa cũ từ năm 1997 với ngôi chánh điện nhỏ bằng gỗ đơn sơ, tạm để cho bà con trong thôn thờ Phật và viếng trong các ngày lễ vía. 20 năm sau, ngôi chùa lại xuống cấp, không thể tiếp tục tu học, vì vậy ngày 26/5/2017 nhân dân trong thôn cùng với Sư trụ trì đã làm lễ đặt đá xây dựng lại để đáp ứng nhu cầu tu học, sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa, tâm linh. Do đó, được sự cho phép của các cấp Giáo hội, cũng như sự chấp thuận của chính quyền địa phương, cùng với sự phát tâm hỉ cúng tài lực, vật lực, trí lực của tín đồ Phật tử gần xa, nhân dân địa phương, NS. Thích Thiền Định đã cùng với các cấp chính quyền, nhân dân địa phương khởi công xây dựng ngôi Đại Hùng Bảo Điện chùa Linh Sơn.
Sau 3 năm kiến thiết xây dựng, đại trùng tu, ngôi chùa đã được hoàn thành với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng. Nguồn kinh phí xây dựng hoàn toàn bằng phương thức xã hội hóa, với sự góp công góp của của bà con trong thôn cùng chư Phật tử gần xa.
Ban đạo từ tại buổi lễ, TT. Thích Thông Tánh, đại diện ban quản trị Thiền phái Trúc Lâm đã tán thán công đức của Ni sư trụ trì và công đức của chính quyền các cấp, Phật tử gần xa, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, nhóm thợ mộc, thợ nề, các nghệ nhân và nhân dân địa phương, người góp công, người góp của… để phục dựng lại ngôi Đại Hùng Bảo Điện chùa Linh Sơn được khang trang, tốt đẹp như ngày hôm nay. Từ nay Phật tử, nhân dân địa phương đã có nơi lễ bái, tu học, và sinh hoạt tín ngưỡng trong mỗi tuần lễ tiết.
Ngoài ra, Thượng tọa cũng đã cùng đại chúng ôn lại lịch sử ngôi chùa, công lao của chư vị tổ sư tiền bối đã dày công giữ gìn và phát triển truyền thừa Phật giáo từ xưa và tiếp nối cho đến ngày nay, để nơi đây vẫn đang tồn tại giáo lý Phật đà trong truyền thống tín ngưỡng của dân địa phương và trong tương lai nơi đây sẽ còn phát triển hơn nữa. Thượng tọa còn nói lên công đức của việc xây chùa, tạo tượng, đúc chuông và vai trò của ngôi chùa, nền tảng của đời sống văn hóa tâm linh của người dân việt.
Thượng tọa hi vọng, trong thời gian tới, các Phật tử, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, những người con xa quê tiếp tục phát tâm xây dựng những hạng mục công trình phụ trợ còn lại để ngôi chùa được hoàn thiện một cách đầy đủ …
Trước khi kết thúc buổi lễ, chư Tôn đức Tăng Ni, các cấp chính quyền, Phật tử và nhân dân địa phương đã làm lễ cắt băng khánh thành ngôi Đại Hùng Bảo Điện và sái tịnh an vị Phật trong Ban Tam Bảo, nguyện cầu thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, tật bệnh tiêu trừ, đạo pháp được trường tồn, muôn dân đều thấm nhuần giáo pháp.
Sau đây là một số hình ảnh được ghi nhận:
Nguồn: Phật Sự Online