Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương đóng góp ý kiến về Dự thảo Thông tư Bộ Tài chính liên quan đến quản lý, thu chi tiền công đức
Ngày 19/5/2021, Hòa thượng Thích Huệ Thông – Phó tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng II Trung ương GHPGVN, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương đã ký Công văn số 111/CV-BTS của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương gửi đến Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN về việc đóng góp ý kiến Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.
BBT xin giới thiệu nội dung công văn như sau:
Kính gửi: Ban Thường trực HĐTS – Văn phòng II TW GHPGVN
Thực hiện văn bản số 115/HĐTS–VP1, ngày 14 tháng 5 năm 2021, về việc Bộ Tài chính xin ý kiến các Bộ, ngành TW và UBND các tỉnh, thành phố về dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương xin đóng góp ý kiến như sau:
– Về mặt chủ thể Sở hữu quản lý các cơ sở tự viện Phật giáo được công nhận Di tích: Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Trị sự các cấp là một tổ chức có tư cách Pháp nhân nên “Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;” các cơ sở tự viện Phật giáo được công nhận Di tích là Giáo sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, (Quyền sử dụng đất, tài sản, công trình gắn liền với đất, kể cả công trình di tích). Việc công nhận di tích không làm thay đổi chủ thể sở hữu công trình di tích, mà chỉ để “Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá;”(Luật Di Sản Văn Hóa).
Các sinh hoạt tôn giáo, lễ hội, tín ngưỡng tôn giáo tại các cơ sở tự viện Phật giáo được công nhận Di tích đều mang tính nghi lễ Tôn giáo, không phải lễ hội mang yếu tố di tích. Việc cúng dường vào các thùng công đức tại các tự viện, chùa, cơ sở tự viện Phật giáo của bà con nhân dân, tín đồ Phật tử là sự kính tin, cúng dường Tam bảo.
Các khoản chi từ ngân sách nhà nước cho các công trình di tích thuộc cơ sở tự viện Phật giáo là khoản chi không thường xuyên, chỉ mang tính hỗ trợ để giữ gìn và bảo tồn các công trình di tích.
Các lễ hội tại cơ sở tự viện Phật giáo được công nhận Di tích là những sinh hoạt lễ nghi tôn giáo không sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước.
Những sinh hoạt thường nhật, cũng như những hoạt động tôn giáo tại tự viện Phật giáo được công nhận Di tích là hoạt động tôn giáo thuần túy không thuộc phạm vi quản lý về di tích.
Dù Thông tư có đề cập tương đối về đối tượng áp dụng, tuy nhiên vấn đề này còn mập mờ, mơ hồ về việc quản lý, sử dụng hòm công đức, cũng như việc làm rõ hai yếu tố cơ sở tôn giáo và cơ sở tín ngưỡng đã được quy định tại Luật tín ngưỡng, tôn giáo và nghị định 162/2017/NĐ – CP, ngày 30 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Do đó, mục đích việc đề nghị là làm rõ vấn đề này, để tránh tình trạng hiểu nhầm khi thực hiện Thông tư này sẽ dẫn đến việc làm mất đi ý nghĩa và truyền thống cúng dường Tam Bảo do các tín đồ Phật giáo có niềm tin với việc ủng hộ, tài trợ tiền công đức cho lễ hội và di tích.
Hiện nay có rất nhiều chùa được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia và cấp tỉnh, những ngôi chùa được công nhận này không có tổ chức lễ hội mang tính dân gian mà chỉ diễn ra các nghi lễ mang tính thuần tuý, truyền thống của tôn giáo mình; việc cúng dường Tam Bảo là biểu hiện niềm tin tôn giáo của tín đồ Phật giáo như cầu an, cầu siêu, cúng dường nuôi dưỡng Tăng Ni, … do đó, không thể áp dụng theo Thông tư này vì đây chỉ là việc cúng dường thuần tuý như các ngôi chùa không là di tích.
Trên cơ sở này, đề nghị Thông tư nên thêm 01 điều khoản để làm rõ, tách rời hai yếu tố như đã trình bày:
“Các cơ sở thờ tự (chùa) là di tích lịch sử cấp Quốc gia, cấp tỉnh không tổ chức lễ hội, không sử dụng kinh phí và ngân sách nhà nước trong việc tổ chức lễ hội, không đặt hòm công đức liên quan đến Di tích thì không áp dụng về quản lý tài chính theo Thông tư này; hoặc trường hợp có đặt hòm công đức, thì nên phân biệt hòm công đức chỉ dành cho việc tổ chức lễ hội, trùng tu di tích và các yếu tố có liên quan thì hòm công đức này sẽ được Ban Quản lý di tích quản lý theo quy định; hòm cúng dường Tam Bảo là để phục vụ các sinh hoạt cho công tác Phật sự, nuôi dưỡng Tăng Ni tại tự viện có di tích, không thuộc sự quản lý trong phạm vi Thông tư này”.
Trân trọng!
Nguồn: Phật Sự Online