Bến Tre: Tiểu sử, hành trình ngã bệnh đến viên tịch – Cố Đại Đức Thích Huệ Nghiêm, Trụ trì Chùa Long Phước, huyện Ba Tri
Vào lúc 9h:00 sáng ngày 17/05/2020 (nhằm ngày 25/04/Canh Tý). Ban Trị sự GHPGVN huyện Ba Tri cùng Tông phong môn đồ hiếu quyến bùi ngùi tiễn biệt và cung tống Kim quang Cố Đại đức Thích Huệ Nghiêm nhập Bảo Tháp được an trí tại khuôn viên Chùa Long Phước, ấp Giồng Cục, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Thôi khép lại cuộc rong chơi cõi mộng
Từ chơn không, người đã trở về không
Bốn mươi lăm năm, một tấm gương thị hiện
Vẫn còn đây, muôn thuở sáng soi lòng…
CỐ ĐẠI ĐỨC THÍCH HUỆ NGHIÊM
Trụ thế 45 năm – Hạ lạp: 18 năm (1976-2020)
-Phó Thư Ký BTS GHPGVN huyện Ba Tri
-Trưởng ban Văn Hoá, Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử BTS GHPGVN huyện Ba Tri
-Trụ Trì Chùa Long Phước, ấp Giồng Cục, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
– Do bệnh duyên nên Đại Đức đã thuận thế vô thường, Viên tịch vào lúc 04h:40` sáng ngày 12/05/2020 (nhằm ngày 20/04/Canh Tý), tại Chùa Long Phước, ấp Giồng Cục, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre
– Trụ thế: 45 năm – Hạ lạp: 18 năm.
-Lễ nhập quan: Chính thức cử hành vào lúc 12h:00`, ngày 12/05/2020 (nhằm ngày 20/04/Canh Tý.
-Lễ viếng: Bắt đầu từ lúc 14h:00`, ngày 12/05/2020 (nhằm ngày 20/04/Canh Tý)
-Lễ truy niệm và Cung tống Kim Quan: vào lúc 9h00`, ngày 17/05/2020 (nhằm ngày 25/04/Canh Tý)
TIỂU SỬ CỐ ĐẠI ĐỨC THÍCH HUỆ NGHIÊM
(1976-2020)
I.THÂN THẾ
Cố Đại Đức Thích Huệ Nghiêm, thế danh Lê Thanh Tú, sinh năm Bính Thìn (1976) tại TP.HCM. Thân phụ là cụ ông Lê Văn Vinh, thân mẫu là cụ bà Phan Thị Triều. Đại đức có 10 anh chị em, 08 trai, 02 gái, Đại Đức là người con út trong gia đình.
Đại Đức được sinh trưởng trong gia đình phúc hậu nhân từ có nề nếp đạo đức và kính tin Tam Bảo. Khi vừa lớn lên Đại Đức thường được thân phụ dẫn đến Chùa Từ Khánh lễ Phật và thăm cô ruột của mình là Ni Trưởng Thích nữ Như Hoàn. Nhờ đó mà hạt giống Bồ Đề ngày càng nảy nở.
II.THỜI GIAN XUẤT GIA TU HỌC
Năm 1999, hội đủ duyên lành với chí nguyện xuất gia chín mùi, Đại Đức được thân phụ cho phép và đến cầu làm pháp tử với Hòa Thượng thượng Minh hạ Thuận trụ trì Chùa Giác Hoằng, Q11, TPHCM, đặt cho pháp danh là Huệ Nghiêm. Với tư chất thông minh chăm chỉ, Đại đức luôn sống hòa nhã kính trọng mọi người, ngoài giờ học ở trường thường hay nghiên cứu oai nghi cảnh sách.
Năm 2001, Đại Đức được Hòa Thượng Bổn Sư cho đăng đàn thọ giới Sa di tại giới đàn Quảng Đức, do Thành hội Phật giáo TP.HCM tổ chức và được đại lão Hòa Thượng thượng Trí hạ Tịnh – đương vi Hòa Thượng Đàn đầu. Sau khi thọ Sa di giới, Đại Đức không ngừng nỗ lực nghiên tầm giáo điển nhằm thâm nhập vào biến Pháp, cộng thêm sự từ bi chỉ dạy của Hòa Thượng Bổn Sư, Đại Đức đạt được nhiều niềm tin vững chắc và sáng tỏ trên con đường giác ngộ.
Đầu tháng 12 năm 2003, Hòa Thượng Bổn Sư nhận thấy Đại Đức có thể nhận lãnh trách nhiệm của một vị Sa môn nên được Người cho phép đăng đàn thọ Cụ Túc, Bồ Tát giới tại đại giới đàn Thiện Hoa chùa Phổ Quang, quận Tân Bình, TP.HCM, do cố đại lão Hòa Thượng thượng Huệ hạ Hải – đương vi Hòa Thượng Đàn đầu. Sau khi thọ giới trở về, Đại Đức được Hòa Thượng Bổn Sư ban cho pháp húy Trung Trang, pháp tự Tịnh Tạng nối dòng thiền Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 43.
Năm 2005-2009, Đại Đức được Hòa Thượng Bổn Sư cho theo học Trường cơ bản Phật học tại Chùa Vĩnh Nghiêm quận 3, TP.HCM.
III. THỜI KỲ HÓA ĐẠO
Năm 2012, trong thời gian tham cầu Phật học, trau dồi tư lương Phật pháp để mai sau có cơ duyên Hoằng pháp lợi sanh. Sau khi tốt nghiệp chương trình Phật học, Đại Đức bén duyên lành trong công tác Phật sự cùng huynh đệ mình là cố Đại Đức Thích Huệ An đến vùng đất Ba Tri là nơi khai sinh ra nhiều bậc hiền tài đức yêu nước như: Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, Đại học sĩ Phan Thanh Giản…Trong việc Hoằng pháp lợi sinh Đại Đức đã đảnh lễ cầu Y chỉ sư cố Hòa Thượng thượng Minh hạ Từ; cố Hòa Thượng thượng Huệ hạ Đức. Đến khi nhân duyên hội tụ và sự hương dẫn bảo lãnh của Hòa thượng trụ trì Chùa Hòa Nam – Thượng tọa Chùa Thánh Quan, Đại Đức được diện kiến cố Thượng Tọa Thích Nguyên Sơn, trụ trì Chùa Long Phước, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Đến năm 2015, Cố Thượng tọa Thích Nguyên Sơn viên tịch, với sự thiết tha của Ban hộ tự và quý nam nữ Phật tử nơi đây thỉnh cầu Đại Đức về lại ngôi già lam Long Phước chăm lo nhang khói và hướng dẫn hàng Phật tử tu học.
Đến cuối năm 2018, thừa sự tín nhiệm của Chư tôn đức Thường trực BTS GHPGVN Tỉnh Bến Tre; BTS GHPGVN huyện Ba Tri; các cấp chính quyền địa phương sở tại, tin tưởng giao phó, tạo điều kiện cho Đại Đức chính thức được bổ nhiệm trụ trì chùa Long Phước. Buổi lễ bổ nhiệm được diễn ra vô cùng trang nghiêm và được trực tiếp long trọng bởi kênh truyền hình trực tuyến Phật Sự online.
Tại Đại hội đại biểu Phật Giáo Việt Nam huyện Ba Tri nhiệm kỳ (2016-2021), Đại Đức được BTS GHPGVN tỉnh Bến Tre tin tưởng giao với các nhiệm vụ:
-Phó thư ký kiêm Trưởng ban hướng dẫn Phật tử BTS GHPGVN huyện Ba Tri;
-Trưởng ban văn hóa BTS GHPGVN huyện Ba Tri.
– Từ năm 2009-2019, bằng giới đức trang nghiêm thanh tịnh, mô phạm chốn tòng lâm biểu trưng nơi quy hướng cho Tăng Ni và Phật tử, Đại Đức đã từng đảm nhiệm các chức vụ dẫn thỉnh sư, Ban kiến đàn trong các Đại giới đàn để truyền trao giáo pháp cho Tăng Ni, Phật tử và đã có nhiều Giới tử đắc đăng giới vị trở thành người hữu ích cho Đạo pháp và Dân tộc.
Trong sự kế thừa đạo mạch tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức, Đại Đức thế độ cho nhiều Phật tử có tín tâm xuất gia và hàng Phật tử quy y tam bảo và đã có cống hiến to lớn trong việc hướng dẫn Phật tử; tích cực tham gia tổ chức giáo lý Phật pháp cho tuổi trẻ ở các đạo tràng khóa tu mùa hè; công tác Phật sự từ thiện xã hội; Văn hóa truyền thông của địa phương và được Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân tỉnh Bến Tre biểu dương gương người tốt việc tốt trong nhiều năm liền.
Đối với công đức hiến dâng của Đại Đức cho đạo pháp, chúng sanh. Chính vì thế, hàng Phật Tử nam nữ đã phát tâm hùn phước trùng tu ngôi Tam Bảo Long Phước làm cho đạo tràng trang nghiêm xứng và được tín nhiệm của chư Tôn đức đặt làm trụ sở Văn phòng BTS GHPGVN huyện Ba Tri.
I.THỜI KỲ VIÊN TỊCH:
Những tưởng trên bước đường phục vụ đạo pháp và chúng sanh còn tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa, đến năm 2019, phát hiện bản thân phải gánh chịu cơn bệnh hiểm nghèo gây ảnh hưởng đến sức khỏe ngày giảm dần, nhưng Đại Đức vẫn kiên trì nỗ lực phục vụ đạo pháp, lợi lạc quần sanh. Như lời cổ đức đã nói:
“Bầu thuốc Thánh đâu cứu người hết số,
Chén linh đơn sao chữa được bệnh nan y”
Dù được Y bác sĩ tại TP.HCM tận tình điều trị, cùng với sự chăm sóc yêu thương của chư huynh đệ và tràn đầy nghĩa tình giáo dưỡng của Hòa thượng bổn sư Thích Minh Thuận – trụ trì Chùa Giác Hoằng, Q.11, TP.HCM, nhưng căn bệnh hiểm nghèo “Viêm màn não nấm, Đái tháo đường” đã bào mòn thân xác của Đại đức đến ngày từ giả cõi trần về miền Cực Lạc.
Thế rồi ngày qua tháng lại, sức khỏe kém dần, Đại Đức đã xả báo thân, an tường, thu thần thị tịch vào lúc 04h:40 phút, ngày 20/ 04/Canh Tý (nhằm ngày 12/05/ 2020), trụ thế 45 năm – Hạ lạp: 19 năm – Đại đức đã ra đi vĩnh viễn, bỏ lại hạnh nguyện chưa tròn, đường phụng sự đạo pháp chưa xong và chúng sanh còn nhiều điều mong đợi.
Cõi Ta bà đã khuất bóng một vì sao, hình ảnh mộc mạc, giản dị của Đại đức như một tấm gương sáng về giới hạnh và đức độ khiêm cung, sẽ luôn trong tâm khảm của Tăng ni và Phật tử.
Phụng Vì Từ Lâm Tế Gia Phổ Tứ Thập Tam Thế, húy Trung Trang, hiệu Huệ Nghiêm, tự Tịnh Tạng Lê Công Đại Đức Giác Linh Thùy Từ Chứng Giám./.
Sau đây là hình ảnh lưu niệm tại tang lễ:
Nguồn: Ban TT-TT PG tỉnh Bến Tre