BR-VT: TT. Thích Minh Nhẫn chia sẻ đề tài “Kỹ năng thuyết trình” đến với Tăng Ni sinh Cao đẳng Phật học khóa VII
TT. Thích Minh Nhẫn, thuyết giảng
Trước khi vào bài giảng, thay mặt nhà Trường TT. Thích Nhuận Nghĩa – Phó ban kiêm Chánh Thư ký BTS GHPGVN tỉnh BR-VT, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Cao – Trung cấp Phật học giới thiệu Thương tọa giảng sư đến với lớp học.
Mở đầu bài pháp thoại, Thượng tọa Thích Minh Nhẫn nêu lên 3 mục tiêu trọng tâm của việc thuyết trình đó là: Tiếp cận các kỹ năng về thuyết trình, phát huy khã năng trình bày giao tiếp, ứng dụng thuyết trình trong giao tiếp – hoằng pháp. Trong 3 mục tiêu này người thuyết trình cần phải nắm bắt rõ ràng và vận dụng một cách thuần thục linh động để đạt được hiệu quả trong thuyết trình hay nói cách khác hơn là Hoằng pháp.
Người Hoằng pháp thành công, trước tiên phải có các kỹ năng và nghệ thuật thuyết trình, nói chuyện để thu hút sự chú ý quan tâm của thính chúng và người tiếp chuyện. Để Tăng Ni sinh nắm bắt được nội dung bài giảng, Thương tọa đưa ra các định nghĩa sau:
- “Thuyết trình là “trình bày” một vấn đề theo cách nào đó, nhằm “thuyết phục” đối tượng, để đạt được “mục tiêu” đặt ra.
- “Thuyết trình” là một hình thức của giao tiếp và có thể được nhận thấy ở dưới nhiều hình thức khác nhau.
- Thuyết trình: là cách truyền đạt các ý tưởng và các thông tin đến một nhóm người.
- Khác với một báo cáo, một bài thuyết trình: Thể hiện rõ nét tính cách của người thuyết trình, cho phép sự tương tác trực tiếp giữa những người tham gia buổi thuyết trình.
Trong phần định nghĩa này, Thượng tọa đã giảng giải và chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong giao tiếp hằng ngày, trong hoằng pháp và đời sống tu học. Người tu sĩ phải luôn luôn tiếp xúc với bá tánh, thường xuyên thuyết giảng và truyền đạt thông tin đến Phật tử, tín đồ để Hoằng pháp lợi sanh, xiển dương Đạo pháp. Để làm được điều này cần phải rèn luyện phong thái tự tin. Phong thái tự tin sẽ gây ấn tượng rất tốt, thậm chí ngay cả trước khi bắt đầu buổi nói chuyện. Nếu chúng ta không tự tin và tin tưởng vào những gì mình nói, người nghe cũng sẽ có thể đặt sự tin tưởng vào người thuyết trình. Vì vậy, hãy có phong thái chững chạc, nở nụ cười và giao tiếp bằng mắt với thính chúng để thấy rằng chúng ta làm chủ pháp tòa hay buổi chia sẻ.
Kế đến, để thuyết phục được người nghe thì lời mở đầu hay sự gặp gỡ giao tiếp đầu tiên rất quan trọng bởi nó quyết định và tạo sự thu hút để người nghe phải có sự thân thiện, gần gũi, cùng quan điểm v.v… Thông thường khi bắt đầu vào bất cứ buổi thuyết trình nào dù đơn giản hay trang trọng, khi người nghe vẫn chưa thực sự chuẩn bị tâm lý sẵn sàng. Một mở đầu ấn tượng của chúng ta sẽ giúp người nghe gạt bỏ mọi yếu tố gây nhiễu từ bên ngoài và cuốn vào bài thuyết trình. Nếu ngay lời nói ban đầu đã tạo nên sự tập trung, thu hút, chắc chắn họ ngồi lắng nghe hết bài pháp thoại mà chúng ta chia sẻ hay là một buổi thuyết trình.
Để bài thuyết trình thêm sinh động, hào hứng, người thuyết trình phải nắm vững các kỹ năng để phát huy khả năng thuyết phục và vận động quần chúng theo một định hướng mục tiêu đã đề ra, trong việc tu học và hành trì Phật Pháp.
Bên cạnh đó, người thuyết trình cần vận dụng và rèn luyện cách nói chuyện có nghệ thuật và phù hợp logic với vấn đề trình bày. Nội dung trình bày phải mạch lạc, lời văn trong sáng, rõ ràng, phù hợp với đời sống, khoa học và đúng với tinh thần nhà Phật.
Qua hơn 3 giờ chia sẻ, Thượng tọa đã truyền trao kinh nghiệm Hoằng pháp, kỹ năng thuyết trình đến với toàn thể Tăng Ni sinh Cao đẳng Phật học Khóa VII. Mặc dù thời tiết ôi bức, nhưng cả lớp học đều chăm chú lắng nghe, tiếp thu và ghi nhận với những tràng vỗ tay và tiếng cười vui tươi khi tâm đắc những điều từ các câu truyện được thượng tọa giảng sư gửi gắm.
Một số hình ảnh đã ghi nhận:
Tuệ Tánh - Nguồn: Phật Sự Online