Chùa Linh Sơn Pháp Ấn - tổ chức đại lễ Vu Lan
Buổi lễ có sự chứng minh của HT. Thích Minh Khai, viện chủ chùa Bửu Quang, huyện Cam Lâm, HT.Thích Tịnh Nghiêm, viện chủ chùa Vạn Hạnh, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa và Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni cùng hơn 1500 Phật tử đến từ khắp nơi có chung một lòng thành kính đã về tham dự.
Lễ Vu Lan mang một ý nghĩa báo ân cha mẹ, đồng thời còn bao hàm ý nghĩa tìm về cội nguồn là biết ơn và báo ơn tứ trọng ân, đó là ân quốc gia, ân sư trưởng, ân cha mẹ và ân chúng sanh vạn loại. Tư tưởng ấy hoàn toàn phù hợp với tư duy hiền hậu chất phác của người Việt
Mặc dù 8g lễ mới chính thức tiến hành nhưng không ít Phật tử đã đến từ 6g sáng, có một số người đã đến từ hôm trước. Tại giảng đường, nơi diễn ra đại lễ, hàng ngàn Phật tử đứng xếp hàng để thắp hương, lễ bái nguyện cầu bình an cho hai đấng sinh thành.
Phật tử Nguyễn Long Hiền, pháp danh Nguyên Hòa điều phối buổi lễ đã thông qua chương trình gồm hai nội dung chính:
Phần 1: Lễ dâng phẩm vật cúng dường, cài hoa hiếu hạnh và văn nghệ cúng dường Vu lan.
Phần 2: Phật tử thính pháp và lễ cúng dường trai tăng.
Sau khi Hòa thượng đạo hiệu Thích Minh Khai niêm hương bạch Phật, buỗi lễ được bắt đầu với nghi thức dâng Lục cúng dường của các đoàn sinh GĐPT em chùa Linh Sơn Pháp Ấn. Không gian chừng như ngưng đọng, cả hội chúng chìm trong khoảnh khắc thiêng liêng cùng hướng tâm thành kính tri ân Đức Bổn sư.
Phật tử Nguyên Hằng, đoàn sinh GĐPT chùa Linh Sơn Pháp Ấn đã đọc bài cảm tưởng về Ân đức của cha mẹ
Sau phần tuyên bố lý do và nghi thức dâng phẩm vật cúng dường là nghi thức cài hoa hồng.
Đầu tiên là thành kính cài hoa hồng hoặc trắng lên chiếc Y Ca-sa của Chư Tôn Đức. Giây phút bông hồng cài lên ngực áo đã có những ánh mắt rạng ngời hạnh phúc nhưng cũng có những ánh mắt đượm buồn nhớ về đấng sinh thành. Ai may mắn được cài bông hoa hồng đỏ lên ngực áo là đang còn mẹ, bông hoa như một lời nhắc nhở mỗi con người chúng ta bài học sâu sắc về chữ Hiếu thiêng liêng.
Tiếp theo đó là đạo từ của TT.Thích Minh Tâm, đại diện Chư tôn đức nhắc nhở những bậc làm con phải biết giữ trọn chữ Hiếu, không chỉ hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, mà còn phải có hiếu với tất cả mọi người xung quanh, tất cả chúng sanh. Riêng những bậc làm cha làm mẹ giữ trọn chữ Hiếu và còn phải dạy dỗ, chỉ bảo cho con cháu mình ngay từ khi còn nhỏ về chữ Hiếu, đạo làm con phải biết yêu thương chúng sanh, vâng lời cha mẹ để tránh mắc phải những lỗi lầm.
BTC đã cung thỉnh TT.Thích Nguyên Hiền, trụ trì Vĩnh Minh Tự Viện (thôn Phú An, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ Phật pháp. Với tâm nguyện hoằng pháp độ sinh, Thượng tọa giảng sư đã giảng giải cho đại chúng về cốt lõi của đạo Phật là nhân duyên. Từ một bông hoa trên bàn giảng sư, thầy đã giảng về sự có mặt của đóa hoa là có tất cả (con người, đất, nước, mặt trời…) khi hiểu được lý nhân duyên thì sẽ không còn đau khổ vì đã thấy được Pháp, thấy được Phật.
Qua câu chuyện trong Kinh Sa-di-la, kể về chú Tiểu trong khi thiền định đã thấy được 5 bà mẹ trong tiền kiếp, thầy đã dạy cho đại chúng về chữ Hiếu trong đạo Phật. Hiếu chính là tâm từ bi, Hiếu có 3 cung bậc:
- Sanh duyên hiếu từ: Lòng từ bi đối với tất vả chúng sanh (chúng nhân duyên sanh)
- Pháp duyên hiếu từ: Phải có lòng từ bi với tất cả các pháp.
- Vô duyên hiếu từ: Phải trang trải lòng từ bi khắp muôn loài, lòng từ bi không đợi có nhân duyên mới thể hiện.
Là người xuất gia hay tại gia cũng phải thực hiện Tam vô lậu học vì đó là môn học thù thắng gồm có Giới-Ðịnh-Tuệ. Ba môn học này chỉ có trong giáo pháp của Ðức Phật.
Bài pháp thoại của Thượng tọa giảng sư như đám mưa lành rưới mát tâm hồn những đứa con thơ dại đang mãi mê theo dòng đời khổ ải.
Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm và thấm tình đạo vị đã hoàn mãn sau phần tác pháp cúng dường Trai tăng và cảm tạ của BTC.
Tin, ảnh: Quảng Ấn