Đồng Nai - Viện Chuyên Tu 2 long trọng tổ chức Đại lễ Vu-lan với chủ đề "Nước mắt vẫn chảy xuôi"
SVO - Giá trị Phật giáo về đạo hiếu đã hình thành nên ngày lễ Vu Lan Rằm tháng 7 - đây là lễ báo hiếu tứ trọng ân, gần gủi nhất là báo hiếu cha mẹ, là một trong những ngày lễ chính của Phật Giáo. Theo truyền thống tốt đẹp đó, sáng ngày 20/8 /2017 (nhằm ngày 29/6 AL ) Viện Chuyên Tu 2 (Ấp Bình Lâm, Lộc An, Long Thành, Đồng Nai) long trọng tổ chức Đại lễ Vu Lan với chủ đề "Nước mắt vẫn chảy xuôi" để cùng nhau tri ân và tạ ơn hai đấng sinh thành.
Đông đảo Phật tử khắp nơi về tham dự Đại lễ Vu lan
Trong không khí trang nghiêm của Đại lễ, cung kính đón nhận sự quang lâm tham dự của Chư Tôn đức Tăng Ni GHPG-VN. TT. Thích Huệ Khai, Uỷ Viên TT, HĐTS GHPGVN, Phó trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai. TT. Thích Thông Hạnh, Phó Trưởng ban, kiêm Trưởng ban Văn Hóa Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai. TT. Thích Huệ Sanh, Phó Trưởng ban, kiêm Trưởng Phật giáo Quốc tế ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai. TT. Thích Giác Thông, Phó ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. TT. Thích Nhuận Nghĩa, Phó Trưởng ban, kiêm Chánh thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. TT. Thích Nguyên Thái, Phó Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. TT. Thích Trí Định, Phó thư ký, kiêm Trưởng Ban Thông tin Truyền thông Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. TT. Thích Đạo Huy, Phó thư ký, kiêm Chánh văn phòng, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai. ĐĐ. Thích Viên Minh, Phó ban Hoằng pháp, GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. ĐĐ. Thích Viên Anh, Phó ban Hoằng pháp, GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. ĐĐ. Thích An Đạt, Phó Thường trực phân ban thanh thiếu nhi Phật tử TW. ĐĐ. Thích Nguyên Trang, Phó giám đốc Trung tâm phiên dịch Hán Nôm Huệ Quang, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam và Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni cùng hơn 20.000 Phật tử từ khắp nơi có chung một lòng thành kính đã về tham dự.
Về phía chính quyền gồm có: Bà Cao Thị Lệ, Phó vụ Trưởng Vụ tổ chức hành chính nhà nước và công vụ văn phòng Chính phủ. Bà Dương Thị Thu Hương ủy viên Ban Chấp Hành Đảng Bộ Văn phòng Chính Phủ-Giám đốc Trung tâm Hội nghị Quốc Gia Văn phòng Chính phủ, Ông Nguyễn Quốc Vũ, Trưởng ban tôn giáo tỉnh Đồng Nai. Ông Nguyễn Hữu Quang, Trưởng phòng Phật giáo và các tôn giáo khác, ban tôn giáo tỉnh Đồng Nai. Bà Nguyễn Thị Hoàng Trinh, Phó bí thư Thường trực huyện ủy huyện Long Thành. Bà Nguyễn Thị Mộng Thu, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Long Thành. Ông Doãn Đức Thành, Phó ban dân vận huyện ủy huyện Long Thành. Ông Lý Minh Long, Phó Chủ tịch ủy ban Nhân dân xã Lộc An. Ông Nguyễn Văn Sanh, Chủ tịch ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam xã Lộc An
“Đây là sự kiện Phật giáo tương đối lớn. Thu hút rất đông đảo Phật tử tham gia. Hình thức Vu-lan không chỉ gói ghém trong tín ngưỡng dân gian hay là nghi thức của tôn giáo mà là một diễn đàn mang tính giáo dục. Giáo dục cộng đồng, nhất là giới trẻ, sống đạo đức, trên tinh thần của người biết ơn và người đền ơn”.Theo chia sẻ của TT.Thích Thiện Thuận Trụ trì Viện Chuyên Tu 2:
TT. Thích Thiện Thuận – Trưởng ban tổ chức phát biểu khai mạc chương trinh
Trước thực trạng của xã hội là các em sống rất thực dùng và bất cần, đợi đến khi các em mất hết tất cả, mới tiếc nối thì đã quá muộn. Chương trình này là chương trình mang tính giáo dục để các em biết trân quý những gì đang có, để không phải đến khi mất đi người thân yêu thì mới tiếc nuối những ngày tháng qua. Đây chính là nội dung chính chương trình Vu Lan lần này.
Nghi thức cài hoa hồng
Ngoài ra, điểm nổi bật tại đại lễ Vu Lan là nghi thức cài hoa hồng với màu đỏ cho những người còn cha mẹ và hoa hồng màu trắng cho những người đã mất mẹ. Chính nghi lễ này đã thức tỉnh bao người con biết quay về hiếu đạo với cha mẹ và giúp thế hệ trẻ luôn sống tốt đúng với đạo lý đã học tại nhà trường.
Cũng như bao năm trước, mùa Vu Lan năm nay còn là dịp Phật tử khắp nơi được giao lưu với các vị khách mời, họ là những người con mong ước đến ngày Vu Lan để được chia sẻ nỗi niềm của mình trong giây phút lắng đọng tâm hồn khi nhớ về mẹ. Nhớ những kỷ niệm trải dài hạnh phúc trong tình yêu thương của mẹ, nhớ vòng tay mẹ mở ra, ấm áp chở che con những giây phút nhọc nhằn của cuộc sống, để con được tựa vào và được an ủi. Càng nhớ về mẹ, con càng đau đáu trong lòng, khao khát nói lên một lời xin lỗi, tình yêu thương bao năm tháng dại khờ con đã bỏ quên, để mẹ ngậm ngùi trong cô đơn, trống trải với những giọt nước mắt nuốt ngược vào trong.
Nhân vật đầu tiên mà Chư tôn đức và đại chúng cùng gặp gỡ là Phật tử Trương Thị Hường, Pháp danh Diệu Phương, ngụ tại quận 7, TP. Hồ Chí Minh. Người con đang tha thiết muốn dâng lên mẹ lời nói yêu thương và lời tạ lỗi nhân chương trình Vu-lan “Nước mắt vẫn chảy xuôi”. Phật tử tâm sự: Có một lần đứa con gái của mình khi bị mẹ la rầy đã cãi lại bằng một câu nói mà khi nghe xong thật sự giật mình thảng thốt “Mẹ đã làm sao thì con mới như vậy?” Câu nói ấy đã khiến chị phải suy nghĩ rất nhiều, nhờ vậy mà chị mới hiểu lòng người mẹ và càng yêu mẹ hơn. Chị muốn dành tất cả những tình cảm gửi tới mẹ trong những năm tháng tuổi già, để bù đắp lại những gì mẹ đã hi sinh hết mình vì chị để chị có ngày hôm nay.
Phật tử Trương Thị Hường, Pháp danh Diệu Phương, ngụ tại quận 7, TP. Hồ Chí Minh
Nhân vật thứ hai đến với chương trình Vu-lan, là người con, một thanh niên lao động thủ công đến từ tỉnh Thừa Thiên - Huế chính là Phật tử Nguyễn Ngọc Huy, Pháp danh Thiện Quang. Thiện Quang tha thiết đăng ký tham gia diễn đàn Vu-lan “Nước mắt vẫn chảy xuôi” với lời tâm sự: “Con có điều muốn được đứng trên diễn đàn giao lưu này, để gởi đến mẹ của con như lời tri ân trân trọng trong ngày lễ Vu-lan báo hiếu”. Phật tử bùi ngùi tâm sự khi nhớ về mẹ, nhớ về những tháng ngày mò cua bắt ốc trong tiết trời giá lạnh của mẹ, để nuôi các con trưởng thành. Nhớ lại những lúc vì tính ham chơi của mình đã khiến mẹ buồn lo, rồi có lúc trong quảng đời niên thiếu còn thơ của mình, từng than trách mẹ đã sinh ra con mà không cho con một số phận may mắn hơn. Khi nhắm mắt nghĩ về mẹ, trong ký ức của chuỗi ngày cơ cực con rất ăn năn và hối hận khi đã làm mẹ buồn và điều này càng thôi thúc con yêu mẹ nhiều hơn và mong sẽ bù đắp lại những gì mà mẹ đã tảo tần hôm sớm, hi sinh cho chúng con thật nhiều.
Đến từ tỉnh Thừa Thiên – Huế chính là Phật tử Nguyễn Ngọc Huy, Pháp danh Thiện Quang. Thiện Quang
Nhân vật thứ 3 đến với chương trình, là người vô cùng đặc biệt, chính là Phật tử - Nghệ sĩ Nhân dân Kim Cương, thần tượng được nhiều khán giả sân khấu Việt Nam hâm mộ và yêu mến suốt 60 năm qua và năm 2017 được tạp chí Forbes Việt Nam công bố là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam với vai trò là Phó Chủ tịch hội khuyết tật và trẻ mồ côi TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài là một kịch sĩ, Phật tử Kim Cương còn là một nhà viết kịch tài năng của sân khấu kịch Sài Gòn một thời vang bóng với bút danh Hoàng Dũng qua các vở kịch nổi tiếng: “Lá sầu riêng, dưới hai màu áo, Trà hoa nữ…” điều đặc biệt là Phật tử Kim Cương lúc nào cũng luôn viết về mẹ. Và hình ảnh người mẹ trong kịch của cô luôn âm thầm hi sinh vô bờ bến và thương con vô điều kiện. Nghệ sĩ Kim Cương được biết là người rất thương mẹ, điều này được thể hiện rất rõ trong từng trang hồi ký.
Phật tử – Nghệ sĩ Nhân dân Kim Cương, thần tượng được nhiều khán giả sân khấu Việt Nam hâm mộ và yêu mến suốt 60 năm qua
Nghệ sĩ nhân dân Bảy Nam nổi tiếng là người mẹ “khó”, dạy con không chỉ bằng lời mà còn bằng đòn roi. Kể cả khi đã thành danh vẫn chịu sự roi đòn của mẹ mỗi khi làm sai. Thế nhưng chưa bao giờ nghệ sĩ oán trách mẹ vì điều đó, mà chỉ thoáng buồn. Đến khi đã thành công và trở thành một Kim Cương để lại dấu ấn trong lòng khán giả, một Kim Cương mạnh mẽ đầy nghị lực, nghệ sĩ đã hiểu được nỗi niềm của mẹ sau cái đau của ngọn roi ấy.
“Mỗi lần khi nghe khúc hát “Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi, mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần…” mà con cảm thấy đau thắt ruột gan. 9 năm trôi qua, mẹ âm thầm chịu đựng những cơn đau hành hạ. Con nhớ từng ngày, từng ngày một trôi qua mẹ phải sống trong tuổi già bệnh tật, con biết rằng tới hơi thở cuối cùng mẹ vẫn dành cho chúng con sự bình an, muốn cho chị em chúng con yên tâm. Có những đêm con chợt tỉnh giấc và hình dung dáng người liêu xiêu của mẹ đang cố kìm nén cơn đau, mà tim con đau nhói, con cảm nhận được sự cô đơn không gì bù đắp được của mẹ. Một mình mẹ lầm lũi ngồi dậy tìm lấy chai dầu để xức, lầm lũi lần theo vách tường đi vào nhà vệ sinh, mỗi mỗi đều lầm lũi, thứ thứ đều lặng thầm. Sự lầm lũi và lặng thầm đó như một vết dao cứa vào tim chúng con - những đứa con vô tâm”. Đây là một đoạn trích trong lá thư gửi mẹ của Phật tử Diệu Liên. Những dòng tâm sự gởi mẹ của Phật tử nghe rất não ruột, như một lời ân hận, tự trách của đứa con còn nhiều lỗi lầm.
Phật tử Diệu Liên, chia sẻ nỗi lòng của mình về mẹ
Đây chính là tâm sự không chỉ của 4 vị khách mời trong chương trình mà là rất rất nhiều những người con đã bao lần để nước mắt mẹ rơi, để mẹ ngậm ngùi âm thầm sống cô đơn. Thông qua chương trình, TT. Thích Thiện Thuận mong rằng, khi còn được sống những ngày êm đềm hãy vui vẻ bên mẹ, những người còn may mắn hãy tận hưởng hạnh phúc của mình được thấy mẹ cười, được nghe mẹ nói, được mẹ mở cửa đón con… Hãy làm tất cả những điều có thể làm được để giữ nụ cười trên môi mẹ, để giữ lâu hơn, tia sáng vui vẻ cuối cùng trên đôi mắt đang mờ dần. Xin đừng để có giọt nước mắt nào thêm một lần chảy xuôi trong đêm trường giá lạnh.
Chung trà hiếu hạnh là dịp để những người con bày tỏ những lời nói chưa thể nói với mẹ - người cho con hình hài, cuộc sống.
Trao tặng 30 suất học bổng (1,5 triệu đồng/ suất) cho các em học sinh mồ côi huyện Long Thành
Ngoài ra, trong đại lễ Vu Lan PL 2561 – DL 2017, Viện Chuyên Tu 2 cũng đã trao tặng 30 suất học bổng (1,5 triệu đồng/ suất) cho các em học sinh mồ côi nghèo, hiếu học của huyện Long Thành. Đây là món quá tinh thần trao tặng cho các em mừng năm học mới, mong các em cố gắng vươn lên trở thành những mầm non giúp ích cho đất nước.
Lễ Vu-lan Báo hiếu năm 2017 với chủ đề “Nước mắt vẫn chảy xuôi” đã khép lại trong âm vang của tình đời tình đạo, tình của những người con biết hối cải, biết thổn thức vì đã từng làm mẹ khổ ngày xưa. Có được sự thành công này, chính là nhờ vào sự đóng góp công sức, tiền bạc, trí tuệ và tấm lòng của biết bao Phật tử xa gần từ kỹ thuật đến âm thanh, từ văn nghệ sĩ đến xây dựng chương trình, từ dọn cỏ đến cắm hoa, từ biên tập đến nấu nướng, từ cài hoa đến chụp ảnh, từ điều phối xe đến san lấp mặt bằng, từ xếp ghế đến dọn vệ sinh… tất cả còn thấm đẫm mồ hôi của anh chị em Phật tử đã chung sức chung lòng, kề vai gánh vác các công tác quan trọng để có một mùa Vu-lan ấn tượng và sâu lắng, nhẹ nhàng và chu đáo.
Một số hình ảnh tại buổi lễ:
Ca sĩ Kim Yến
Trịnh Thắm - Lê Nhân