Đồng Nai: Tổng kết Khóa tu “Sống Chung Tu Học” lần 2 của chư Ni Giáo đoàn IV tại tịnh xá Ngọc Tâm
Sáng ngày 21/11/2020 (mùng 7/10 năm Canh Tý), tại tịnh xá Ngọc Tâm – huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã diễn ra lễ Tổng kết Khóa tu “Sống chung tu học” lần thứ 2 của chư Ni Giáo đoàn IV được tổ chức từ ngày 15 – 21/11/2020 (mùng 1 đến mùng 7/10 năm Canh Tý).
Tham dự Khóa tu lần này có 42 hành giả. Trong đó gồm 2 vị Ni trưởng, 3 vị Ni sư, 24 vị Tỳ kheo Ni, 2 vị Thức xoa, 1 vị Sa di Ni, 2 vị tập sự, 8 vị cư sĩ từ nhiều tịnh xá đồng trở về tham dự.
Khóa tu đã cung thỉnh HT.Thích Giác Toàn – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trưởng Ban thường trực Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, Trụ trì Pháp viện Minh Đăng Quang (TP.HCM) làm Chứng minh kiêm Giáo thọ giảng dạy; NT.Thông Liên – Trụ trì tịnh xá Ngọc Bình (Dĩ An) làm Chứng minh Khóa tu.
Ban Tổ chức và điều hành Khóa tu do: NT.Tuyết Liên – Trụ trì tổ đình Tịnh xá Ngọc Hiệp (Tiền Giang); NS.Dũng Liên – Trụ trì tịnh xá Ngọc Tâm (Đồng Nai) và NS Liêm Liên đảm trách. NS.Duyên Liên phụ trách Kiểm soát; SC.Tuyền Liên phụ trách Thư ký. Ngoại hộ do chư Ni và Phật tử tịnh xá Ngọc Tâm.
Sau thời kinh cầu nguyện khuya bắt đầu cho khóa tu, vào lúc 7 giờ sáng ngày mùng 01/10 năm Canh Tý, chư Tôn đức Ni đã có phiên họp để ổn định hội chúng cũng như cung an Chức sự. Nhằm trợ duyên cho việc tu học được ổn định, cũng như những khóa tu trước, Ban Tổ chức đã thông qua bản Nội quy, Chương trình tu học trong một ngày đêm, bắt đầu từ 03 giờ 30 sáng và kết thúc vào lúc 8 giờ 45 phút tối.
Chương trình tu học gồm có: 2 thời học sáng chiều, 1 thời Pháp đàm, 2 thời Thiền hành, 4 thời Thiền tọa, 1 thời Khất thực và độ cơm trong chánh niệm, 2 thời tụng kinh sám hối vào buổi sáng và kinh Di Giáo vào buổi tối.
Nội quy và thời khóa tu học được lập ra với mục đích giúp hành giả ôn lại truyền thống của Tổ sư đã chỉ dạy để có cơ hội cho chư Ni sống chung tu học, một hội chúng sinh hoạt nề nếp, trang nghiêm và thanh tịnh.
Đối với một người tu Khất sĩ, ngoài Tam tạng Thánh điển của đức Phật, thì Chơn lý còn được xem là Tam Tạng Kinh điển thứ hai; sự tu tập và hành trì trên con đường đạt đến sự giác ngộ của đức Tổ sư Minh Đăng Quang được thể hiện rất rõ trong 69 quyển Chơn lý. Vì vậy hàng hậu tấn muốn noi theo cần nên đọc hiểu để tu tập.
Với sự phân công 2 vị đọc một bài chơn lý và đại chúng cùng tìm hiểu để nêu lên những ý pháp mà mình tâm đắc, hay chưa hiểu về những vấn đề trong 7 bài chơn lý, từ bài số 21 đến 28. Sau mỗi giờ tọa đàm, NT.Tuyết Liên sẽ tóm tắt cũng như đúc kết những ý pháp trong quyển Chơn lý mà ngày hôm đó đại chúng đã học và thảo luận. Với cách học tương tác này đã tạo sự sinh động và khắc sâu hơn trong tâm trí hành giả về những lời dạy của đức Tổ sư. Bên cạnh đó hành giả còn được tìm hiểu về ý nghĩa và bổn phận của người xuất gia qua tác phẩm “Xuất gia toàn tập” của TT.Thích Minh Thành cùng những ý pháp trong chơn lý thông qua quyển “Chánh Luận IV” của KS Minh Bình.
Ngày tu thứ nhất: Đại chúng cùng đọc và tìm hiểu về bài chơn lý số 22 “Chánh kiến”. Chánh kiến là 1 trong 8 chi pháp đầu tiên của Bát Chánh Đạo, con đường quan trọng trong việc hành trì và tu tập đạt đến quả vị giải thoát. Trong bài này, đức Tổ Sư đã làm cho đại chúng nhận định rõ hơn về sự đối lập giữa Tà kiến và Chánh kiến để đưa đến sự Giác Ngộ.
Ngày tu thứ hai: Đại chúng cùng đọc và tìm hiểu bài chơn lý số 23 “Tam giáo”. Tam giáo là ba Tôn giáo được Tổ sư đề cập trong bài chơn lý này là Đạo Nho – Khổng Tử, Đạo Lão- Lão Tử, Đạo Phật – Phật Thích Ca. Ba đạo này cũng như ba lớp học của một trường đạo lý, mỗi tầng bậc tu chứng đều phải được trải nghiệm từ thấp đến cao, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Tuy nói là tam giáo nhưng với Tổ Sư thì chỉ là một mà thôi, một con đường, một sự giác ngộ. Đức Tổ sư mượn những triết lý của đạo Lão và đạo Khổng để làm sáng tỏ con đường trung đạo chánh đẳng chánh giác mực giữa của Đạo Phật. Mỗi vị khất sĩ tu hành trong giáo pháp của Phật thì đã trải qua con đường của thiện nhơn cư sĩ để đến với Đạo Phật.
Ngày tu thứ ba: Đại chúng cùng đọc và tìm hiểu chơn lý số 24 “Tông Giáo”. Tông giáo tạm được hiểu trong Chơn lý của đức Tổ sư là các tông phái của một tôn giáo. Bởi lẽ có sự phân chia như vậy là vì sự chia lìa của Tăng chúng mới phân ra Nam, Bắc Phật giáo. Giáo pháp Phật chỉ là có sự tu tập và gìn giữ giới luật trọn đủ, dầu là Đại thừa hay Tiểu thừa thì cũng phải thực hiện như vậy. Vả lại, Tổ sư xem trọng sự tu hành đạo đức hơn là tài trí, vì tài trí chỉ làm Tăng sư thêm phần ngã mạn và danh vọng. Tăng sư là giềng mối của tâm hồn và đạo Pháp, nên Tăng sư phải cần hòa hợp và không phân biệt tông này phái kia. “Tông giáo càng rộng, sự tín ngưỡng càng nhiều thì giới lại càng mất, trí càng lu.”
Ngày tu thứ tư: Buối sáng, đại chúng được cung đón Hòa thượng Giác Toàn, Trụ Trì Pháp viện Minh Đăng Quang (TP.HCM) quang lâm. Đến với khóa tu lần này, Hòa thượng rất hoan hỷ khi thấy Ni chúng cùng nhau tu tập tinh tấn. Ngài chia sẻ giá trị của sự tu tập cùng những điều cốt lõi trong Chơn lý của Tổ sư. Hòa thượng dạy “Để sống chung tu học cho thật tốt thì mỗi vị khất sĩ phải tự mình nỗ lực tu tập, không vì ý tư riêng của mình mà làm cho mọi người phải bận tâm, tu không phải đợi đến giáo hội, giáo đoàn tổ chức khóa tu mình mới tham dự, mà sự tu tập phải trong mỗi lúc mỗi giờ, tu ngay khi mới bước chân vào tịnh xá, đừng bận tâm đến chuyện thế gian, xã hội. Dầu ở một hội chúng đông người hay ít người, ở nơi đầy đủ hay ở những nơi thiếu thốn về vật chất thì sự tu tập vẫn không thay đổi và ni chúng cần phải hiểu và thâm nhập các ý pháp quan trọng trong chơn lý. Được đọc và học chơn lý là hữu duyên của mỗi vị khất sĩ, vì chính chúng ta đang được uống những dòng sữa pháp của Tổ Thầy, nhiệm vụ của mỗi vị khất sĩ là đem chơn lý đi khắp mọi nơi, truyền bá giáo pháp khất sĩ cho mọi người được nghe, được hiểu và tu tập”.
Buổi chiều: Đại chúng cùng đọc và tìm hiểu chơn lý số 25 “Thần Mật”. Thần mật là ba phép thần thông của Thân, Khẩu và Ý được phát sanh do sự giữ gìn giới luật và sự yên lặng chơn như, hay chúng ta còn được gọi là linh, giác và thần. Người tu khất sĩ là cần phải gìn giữ ba cái mật, có định là có thần thông, càng trang nghiêm thuần hậu là càng oai nghi chỉnh túc. Người không tu tập thần mật sẽ rất khổ sở và sợ sệt trước tội lỗi. Vậy nên, phép thần thông ai ai cũng có sẵn chỉ việc chú tâm, yên lặng thì sự linh nghiệm mới hiễn lộ, còn ai vọng động mà đi cầu xin, vái van một đấng Thần linh nào thì cũng vô ích.
Ngày tu thứ năm: Đại chúng cùng đọc và tìm hiểu chơn lý số 26 “Giác Ngộ”. Trước khi làm sáng tỏ ý nghĩa của Giác Ngộ, đức Tổ sư dụng phương pháp tự vấn tự thuyết để làm rõ về vấn đề Địa ngục. Địa ngục không phải là một cảnh giới hay một cõi nào đó mà mắt thường chúng ta không thấy được mà địa ngục chính là sự khổ, sự chấp, là tam độc nguy hại, bỡi lẽ người đời vô minh nên không biết mình đang bị giam hãm, chôn sâu trong 4 vách của sắc thân tứ đại, chỉ còn cách học tu học theo công lý, theo Phật Pháp Tăng và hành theo giới luật mới có thể đập vỡ được các vách ngăn của Địa Ngục mà đến với Giác ngộ. Sự giác ngộ đôi khi đến với chúng ta qua sự dạy, sự thưởng, sự phạt để ta thấy rõ được con đường đi đến nơi giải thoát Niết Bàn.
Ngày tu học thứ 6: Đại chúng cùng đọc và tìm hiểu chơn lý số 27 “Khuyến Tu”. Mở đầu bài chơn lý Đức Tổ Sư nêu lên “vật chất là ác, giáo lý cái có là ác , tự đại vạn sự là ác, thân trẻ nhỏ là ác. Vậy chúng ta muốn sống an vui, thì phải bỏ xuống cái ác mới được.”. Vì ham mê vật chất, ái tình, danh vọng mà con người đeo bám theo bánh xe luân hồi của sắc thân. Nơi bài này, Tổ Sư cho chúng ta một sự nhận định rõ ràng giữa Đời và Đạo. Đời là gươm đao, đời là hố sâu nguy hiểm, còn Đạo là sự giải thoát nhẹ nhàng, đạo là sự tu tập buông bỏ tham lam. Bấy lâu nay chúng ta làm tôi mọi cho ý dục sai sử, điều khiển. Vậy nên cần phải tu tập đạo đức và gìn giữ giới luật để đủ năng lực buông bỏ những của cải vật chất thế gian như vàng bạc, danh vọng, tài hay, trí giỏi, mùi thơm, tiếng tốt ….
Ngày học thứ 7: Đại chúng cùng đọc và tìm hiểu chơn lý số 28 “Đi Tu”. Trong bài chơn lý này, đức Tổ sư khuyến tấn mọi người ai cũng phải bỏ lớp trần tục để xuất gia tu học, đi tu là chuyển xấu thành tốt, chuyển dơ thành sạch, đi tu là phải xa lánh sắc, danh, lợi, tật đố, cang ngạnh, dốt nát…chính những điều đó làm chúng ta phải bị nạn khổ.Người đời vì mê lầm khổ não do chấp vào hai pháp tương đối của thái quá và bất cập, ham mê sự quyến rũ của vật chất mà bị chúng hành phạt để phải chịu khổ. Vậy nên chỉ só sự kham nhẫn, sự chịu cái nghèo, cái khổ của vật chất thì tinh thần mới được trong sạch, đạo đức nhờ đó mà sanh trưởng, có như vậy chúng ta mới hiểu và mạnh dạng để đi trên con đường đạo lý, con đường của sự tu tập giải thoát.
Về phần đọc luật: (3 ngày đầu của khóa tu) Trong giờ đọc luật của khóa tu lần nay, đại chúng được nghe NT.Tuyết Liên đọc và chia sẻ 4 chương đầu trong tác phẩm “Xuất gia toàn tập” của TT.Minh Thành. Qua 4 chương này chúng ta sẽ nhận định rõ sự tu tập của chúng ta ở chừng mực nào và sự khác biệt giữa một người tu chân chánh phạm hạnh và một người xuất gia thiếu phạm hạnh khác nhau ở những điểm nào.
Chương I: Ý nghĩa của việc xuất gia: Trước nhất để trở thành một người xuất gia thì cần phải ra khỏi được ba nhà thế tục, phiền não và 3 cõi Dục, Sắc và Vô Sắc. Ba nghĩa của Sa Môn là người nghèo (chịu sống an phận nghèo để vui đạo), người chuyên cần (chuyên tu giới, định và tuệ), người đoạn dứt ( đoạn trừ được tham, sân và si) và Ba nghĩa của vị Tỳ kheo là Khất sĩ, Bố ma và phá ác. Và khi hiểu được ý nghĩa rồi thì mỗi vị xuất gia cần phải nổ lực tinh tấn tu tập cho đúng với danh từ mà mình đang thọ nhận.
Chương II là nói về mục đích của người xuất gia. Trong Tăng đoàn nhà Phật có tồn tại 5 hạng bậc xuất gia:
Cành lá phạm hạnh: là xuất gia được sự lợi dưỡng tôn kính mà làm hoan hỹ tự mãn, khen mình chê người, tu hành mà tham sự uy quyền.
Vỏ ngoài phạm hạnh: tuy được cung kính, lợi dưỡng nhưng không hoan hỷ và tự mãn.
Vỏ trong phạm hạnh: được cung kính cúng dường nhưng không khen mình chê người, giữ được giới pháp, không có ỷ lại sự tu tập của mình. Nhưng khi chứng được 1 trong 4 quả thiền thì tự mãn mà khen mình chê người.
Giác cây phạm hạnh: là vị thành tựu được sự thấy biết do sống không phóng dật nhưng lại khen mình chê người
Lõi cây phạm hạnh là bậc xuất gia vì lòng tin, sống không buông lung mà đạt được thành tựu của sư giải thoát.
Chương III: Giá trị xuất gia. Người xuất gia chân chánh là người thừa tự được Chánh Pháp, làm hưng thịnh Phật pháp chứ không phải là người thừa tự vật chất của cải thế gian, vì vật chất chỉ làm cho con người gây oan trái và sanh sầu khổ cho nhau.
Chương IV: Uy nghi giới hạnh. Tất cả ý nghĩa và bản chất thật sự của Tăng đều ở nơi oai nghi và giới hạnh, đi phải nhẹ như gió, đứng thẳng như tùng, ngồi vững như chung, nằm cong như cung… nếu một vị xuất gia chỉ biết lo học và theo đuổi bằng cấp thế gian mà không gìn giữ sự oai nghi giới hạnh thì khó mà thành tựu được đạo quả, chính oai nghi là nền tảng đầu tiên để dẫn người xuất gia đến Giới và phát huy định, tuệ, và cái tuệ do sự tu chứng mới là rốt ráo, viên mãn.
Chánh luận tập IV: (4 ngày sau của khóa tu) Trong quyển “Chánh Luận IV” của Khất sĩ Minh Bình nêu lên rất rõ những nét biệt truyền của Hệ phái khất sĩ cho những ai tu theo giáo lý Khất sĩ cần hiểu rõ, Tổ Sư không phải chắp vá giáo lý của Nam, Bắc Phật giáo mà tạo thành giáo pháp Khất sĩ chính nhờ nguyện lực “Nối truyền Thích ca Chánh Pháp” và sự tu hành chứng đắc của Ngài đã tạo nên được Đạo Phật Khất Sĩ như ngày nay. Khất sĩ có pháp tu học làm cho hành giả phát sanh trí tuệ qua sự tu tập chứ không phải vay mượn của ai. Giáo lý Phật là giáo lý chung cho cả thảy, là giáo lý không phân biệt hai thừa. Chính quyển Chơn lý là gia tài pháp bảo mà Tổ sư để lại cho hàng hậu học. Là người con Khất sĩ thì cần phải thừa hưởng gia tài cao quý đó.
Nhìn chung trong thời gian 7 ngày cùng sống chung, chư hành giả khóa tu đã nỗ lực, tinh tấn tu tập nhằm thúc liễm thân tâm, trau dồi Tam vô lậu học, đúng tinh thần “Sống chung tu học” mà Tổ sư đã đề ra. Đây cũng là một trong những nhân duyên tốt để hành giả có thời gian ngồi lại cùng nhau chia sẽ và học hiểu giáo pháp của Tổ sư. Bên cạnh đó, chư hành giả còn được đi khất thực hóa duyên trong ngày cuối khóa nhằm ôn lại truyền thống của ba đời chư Phật và giáo pháp khất sĩ tại Việt Nam.
Suốt thời gian diễn ra khóa tu, phần đông các hành giả đều thực hiện tốt nội quy của Ban Tổ chức, nhưng bên cạnh đó thì cũng còn một ít ni trẻ chưa giữ được sự thanh tịnh trong hội chúng nên thường được sự nhắc nhở của chư tôn đức giáo thọ. Điều này, chư hành giả cần khắc phục trong những khóa tu tiếp theo.
Khóa tu “Sống chung tu học” của chư Ni trực thuộc Giáo đoàn IV lần thứ 2 được diễn ra thành công tốt đẹp.
Sau đây là một số hình ảnh trong khóa tu:
Tâm Tuyền - Nguồn: Phật Sự Online