Hà Nội: Hòa Thượng Thích Bảo Nghiêm thuyết giảng tại chùa Tương Mai (Linh Ứng Tự)
Tối ngày 07/01/2020 (nhằm ngày 13/12/Kỷ Hợi), tại chùa Tương Mai – Linh Ứng tự – phố Trương Định – phường Tương Mai – quận Hoàng Mai – thành phố Hà Nội, đáp lại lời thỉnh mời từ Ni sư trụ trì, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN, Trưởng ban BTS GHPGVN TP. Hà Nội đã quang lâm và có thời pháp thoại với chủ đề “Ý nghĩa của ngày Phật thành đạo” cho hơn 300 Phật tử Đạo tràng nơi đây.
Mở đầu thời pháp thoại, Hòa thượng đã kể lại sơ lược về lịch sử cuộc đời Đức Phật và giải thích cho hàng Phật tử hiểu rõ về ngày thành Đạo của Ngài, từ đó giúp đại chúng chiêm nghiệm con đường thành đạo của Đức Phật để tiến đến giải thoát an vui. “Con người thường bị rơi vào con đường ngũ dục: tham ăn, tham ngủ, tham tiền tài, tham danh vọng và tham sắc đẹp, chữ Hán gọi là: Tài, sắc, tham, thực, thụy. Từ khi thành lập thế giới cho đến ngày hôm nay, vì 5 cái này mà con người phải rơi vào chiến tranh, nước lớn bắt nạt nước bé, nước mạnh bắt nạt nước yếu, trên thế giới không ngày nào là không có chiến tranh, mà chiến tranh đó chỉ để phục vụ cho 5 cái đam mê của con người. Nó là quy luật muôn đời của con người, nhu cầu của con người sinh ra phải được hưởng những thứ đó, thế giới cũng cho đây là quyền của con người, con người phải được hưởng thụ và con người cũng mong muốn được 5 mục đích đó.
Nhưng chúng ta hãy nhìn lại cuộc đời của Thái tử Tất-đạt-đa trước khi thành Phật thì chúng ta mới thấy Ngài rất vĩ đại, ai mà chẳng muốn có địa vị cao sang, từ chức vụ này đến chức vụ khác, từ địa vị nhỏ đến địa vị cao, đặc biệt là địa vị và danh vọng. Người ngày xưa quan niệm rằng được làm vua trị vì thiên hạ là đỉnh cao của danh vọng. Rất nhiều nước đã phải chịu hậu quả thảm khốc từ ngai vàng này. Ngai vàng là đỉnh cao của danh vọng, vì vậy có rất nhiều người dòm ngó, rất nhiều người muốn đạt tới mà bất chấp luân thường, đạo lý, tình người. Ở Việt Nam từ đời Hồng Bàng cho đến ngày chấm dứt Vương Triều cuối cùng vẫn không có điều đó. Tuy nhiên ở những nước láng giềng của chúng ta thì lại có những việc bất chấp luân thường đạo lý để đoạt ngôi báu. Chúng ta thấy từ ngôi báu đó, khi đạt được có cả tiền tài trong đó, tất cả tiền tài đất đai đều do vua trị vì, khi có quyền có chức rồi thì sẽ có tiền tài. Nhưng duy nhất trong lịch sử loài người, chỉ có một người ở trên địa vị cao sang, tương lai hứa hẹn, con đường sáng lạng trước mặt mà lại khước từ tất cả đó là Thái tử Tất-đạt-đa. Thái tử Tất-đạt đa được sinh ra trong bộ tộc Sakya, người là con trai duy nhất được vua Tịnh Phạn chọn làm Hoàng thái tử – là người sẽ kế vị vua cha. Vua cha cũng đặt toàn bộ niềm hy vọng vào người con này. Vậy mà Thái tử đã nhìn tất cả cuộc đời bằng sự vô thường, nhìn cuộc đời với tình thương muôn loài. Theo Thái tử, tình thương đó còn hơn cả tình thương của vua thương quần thần, thương con dân, Thái tử nhìn thấy rằng trong cuộc đời, tất cả mọi cảnh vật đều thay đổi vô thường, mọi cảnh vật đều nằm trong quy luật thế giới có thành, có trụ, có hủy hoại và có tan biến, vạn vật cũng như vậy và con người cũng như vật: sinh, lão, bệnh rồi tử. Những điều đó đã làm Thái tử trăn trở. Để rồi một ngày, Thái tử mạnh dạn đến trước bệ ngọc xin vua cha được trình bày một tâm nguyện của mình, đó là cho phép Thái tử được từ bỏ ngôi vị Thái tử, từ bỏ con đường danh vọng cao sang mà vua cha chuẩn bị cho mình. Biết rằng ngôi vị Đế Vương biết bao người mong muốn, nhưng đối với Thái tử chỉ luôn tồn tại câu hỏi làm sao cho ta trẻ mãi không già? Làm sao cho bệnh tật không đau? Làm sao để sống hoài không chết? Làm sao cho tất cả mọi người đều được an lạc?
Chúng tôi muốn nhắc lại câu truyện này để thấy rằng Đức Phật của chúng ta là một con người của hiện thực, đứng trên địa vị cao sang như vậy mà Ngài từ bỏ được. Còn nhớ trong lịch sử ghi lại , khi vua Tịnh Phạn không cho Ngài đi, vua Tịnh Phạn muốn rằng có người kế vị ngai vàng của bộ tộc Sakya trị vì thành Ca-tì-la-vệ. Do đó vì lòng hiếu thuận, Thái tử đã vâng lời kết hôn với công chúa Da-du-đà-la để làm vui lòng vua cha. Sự xuất gia của Ngài cũng không được vua cha ủng hộ từ đầu. Cho nên trong đêm, Ngài đã cùng một người đầy tớ và một con ngựa thân quen lẳng lặng vượt thành xuất gia. Ngài đến nơi các nhà tu khổ hạnh cắt tóc, cởi hoàng bào và con ngựa giao lại cho người đầy tớ trả lại nhà vua, rồi một mình bắt đầu phát nguyện xuất gia. Kinh điển Nam Truyền thì ghi năm đó Ngài 29 tuổi, kinh điển Bắc Truyền ghi Ngài 19 tuổi, nhưng dù là 19 hay 29 tuổi thì Thái tử đều phải dày công học hỏi và tu tập chuyên tâm. Kinh điển Bắc Truyền ghi là 6 năm khổ hạnh, khát thì uống nước suối, đói thì ăn ngô rừng và 5 năm tìm thầy học đạo rồi thành Phật năm 30 tuổi. Kinh điển Nam Truyền thì ghi lại xuất gia năm 29 tuổi, trải qua 6 năm vừa học đạo, vừa khổ hạnh. Nhưng con số 6 năm hay 11 năm không tính, điều mà chúng tôi muốn thưa với đại chúng hôm nay để chúng ta chiêm nghiệm cuộc đời của Ngài để học tập là phải dày công khổ hạnh, cho nên tôi rất thích câu của người Việt là “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Tổ sư cũng có 1 câu rất hay là “Không tu ai rước mình lên”.
Hôm nay trong đạo tràng này , thầy và các Phật tử sinh ra trong các hoàn cảnh khác nhau, không ai cậy mình là con nhà ông này, không ai cậy mình là con nhà ông khác. Chính vì vậy mà sau này Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông của chúng ta cũng nằm trong hoàn cảnh đó, khi xuất gia là bình đẳng hết, phải có tu. Đức Phật đi tất cả mọi nơi, nghe có thầy nào nổi tiếng Ngài cũng đều đến học, Ngài cũng đã từng tu khổ hạnh, như trong kinh điển Nam Truyền đã ghi lại: xương sườn nẩy ra, sống lưng sụn lại, chỉ còn đống da bọc xương. Và cuối cùng sau khi học với tất cả các thầy, Ngài cũng tìm được chân lý mà Ngài đang tìm kiếm, vẫn nằm trong vòng luân hồi sinh tử rồi Ngài mới bắt đầu đổi lại phương pháp tu. Ngài xuống dòng sông Ni-liên-thiền, tại đây có một nàng thiếu nữ chăn bò đã cúng cho Ngài bát sữa và Ngài đã đổi phương pháp tu từ đó, dưới cội bồ đề Ngài thề nguyện nếu không đắc đạo thì sẽ không đứng dậy khỏi nơi đây. Ngay đêm đó Ngài đã chứng được thiên nhãn minh, thấu biết tất cả mọi sự việc trong 3 đời, quá khứ, hiện tại và tương lai toàn pháp giới, thứ 2 là túc mạng minh, thấu biết được đời mình, chúng sinh, trong quá khứ sinh ra ở nơi nào, mang thân hình gì thuộc đẳng cấp nào, giai tầng xã hội nào và làm việc gì. Thứ 3 là lậu tận minh tức là tất cả những phiền não khổ đau Ngài đã giải thoát, đắc quả vị A-La-Hán thành Phật. Nhưng sau khi thành đạo, Đức Phật vẫn ngồi thiền thêm 49 ngày nữa”.
Từ đó, Hòa thượng khuyến tấn đại chúng “trong mùa Phật thành đạo này, quý vị hãy gắng tu, tu và chiêm nghiệm học theo theo Đức Phật vì sau khi thành đạo xong, tuần đầu tiên Ngài ngồi lại quán sát kiểm nghiệm lại sự chứng đắc của mình và cảm ơn sự che chở của cây. Ở đây chúng ta cũng vậy xem một năm qua chúng ta đã tu tập như thế nào. Đức đệ nhị Chủ Tịch GHPGVN – Hòa thượng Thích Trí Tịnh khi còn sinh thời, Ngài tu pháp môn Tịnh độ. Ngài dạy rằng hằng ngày khi niệm Phật Ngài tính một ngày là Ngài niệm 100 tràng hạt. Mỗi tràng hạt Ngài niệm một câu. Nhưng khi đến tràng hạt nào đó mà tâm của Ngài bị xao nhãng một chút thì cái tràng hạt đó Ngài không tính nữa. Như chúng ta thấy thành công của doanh nghiệp là làm ra tiền tài, thành công của nông nghiệp là làm ra lương thực, thành công của một nhà khoa học là một công trình nghiên cứu, ở đây thành công của Đức Phật là từ một con người phàm phu mà thành Phật, trở thành một bậc giải thoát giác ngộ, nhìn mọi sự vật như thượng tri kiến thì ở đây các Phật tử chúng ta cũng vậy, chiêm nghiệm mùa Phật thành đạo này 2 việc: bản thân xem năm 2019 này so với năm 2018 việc tu tập có tiến bộ hơn không, từ đó đặt ra mục tiêu cho năm 2020. Đức Phật thành công trong cuộc đời của Ngài thì chúng ta cũng nguyện thành công trong việc chuyển hóa ở nơi tự thân mình. Và chúng ta mong rằng, từ ý thức này mà thành công trong mỗi lĩnh vực, trong cuộc đời chúng ta. Kỷ niệm ngày Phật thành đạo là từ phàm phu tức là từ Thái tử đi xuất gia bỏ ngai vàng bệ ngọc, lìa vua cha, tránh xa cung điện nguy nga, cắt tóc xanh, khoác lên mình chiếc áo nâu sòng. Để rồi thành Bồ Tát, và từ ngày mùng 8 tháng 12 năm 31 tuổi (nói theo Đại thừa là năm 35 tuổi) thành đạo Vô thượng Chính đẳng – Chính giác thành Phật Thích Ca Mâu Ni đủ 10 hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Chúng ta cũng nguyện làm được như vậy thì đấy cũng là ý nghĩa cao cả mà chúng ta kỉ niệm ngày Phật thành đạo”.
Sau khi kết thúc thời pháp thoại, Hòa thượng đã tặng cho đạo tràng chùa Tương Mai một tấm thiệp chúc Tết nhân dịp xuân Canh Tý sắp tới, với mong muốn đại chúng đều có một năm mới hạnh phúc, an vui và thành tựu mọi sở nguyện.
Diệu Tường - Nguồn: Phật Sự Online