Hà Nội: Học viện Phật giáo Việt Nam tổ chức tụng kinh cầu nguyện quốc thái dân an
Cũng trong dịp này, TT. Thích Minh Quang – Phó Văn phòng I TƯ GHPGVN, Phó viện trưởng Học viện đã quang lâm chủ sám khóa lễ tụng niệm và có bài chia sẻ với quý vị Tăng Ni sinh về ý nghĩa của bài kinh “Chuyển Pháp Luân”, về cách tu tập, hành trì giúp mọi người đạt được những kết quả tốt nhất trên con đường học đạo giải thoát, giác ngộ.
Trước khi đi vào phần nghi lễ tụng niệm cầu an, Thượng tọa cũng có những chia sẻ rất hữu ích cho đông đảo Tăng Ni sinh biết về bài kinh “Chuyển Pháp Luân” đây là bài kinh được chư Tôn đức lãnh đạo TƯ GHPGVN họp bàn và đi đến thống nhất dùng cho phần nghi thức trong các ngày đại lễ kỉ niệm của Phật giáo, hay thời khóa tụng niệm hằng ngày tại các tự viện. Đây là lần đầu tiên bài kinh đã được thống nhất sử dụng trên phạm vi toàn quốc và được sự đồng thuận nhất trí của chư Tôn đức lãnh đạo TƯ Giáo hội.
Bên cạnh đó Thượng tọa cũng có những hướng dẫn tới các Tăng Ni sinh cách ngồi, cách lễ sao cho trang nghiêm thanh tịnh. Trang nghiêm “Thân, Khẩu, Ý” nhất tâm tụng niệm hành trì để thấy rõ được lời Phật dạy, bản thân có sự triêm nghiệm. Nhất tâm lễ Phật “Ngũ thể đồng địa” để thể hiện tấm lòng thành kính, khi tụng niệm không vội vàng, hay quá chậm chạp mà nên tụng niệm vừa phải nhịp nhàng theo khẩu hiệu “Dị khẩu đồng âm”. Phải giữ cho tâm được an, thân phải thư thái nhẹ nhàng có như vậy thì năng lực cầu nguyện mới đạt kết quả cao khi tất cả đại chúng chí thiết chí thành.
Tiếp theo, Thượng tọa cùng quý vị Tăng Ni sinh chính thức cử hành buổi lễ tụng niệm cầu “Quốc thái dân an, thế giới hòa bình, Phật nhật Tăng huy, Pháp luân thường chuyển, mưa thuận gió hòa, nhà nhà ấm no hạnh phúc, bệnh tật tiêu trừ, hồi hướng cầu nguyện cho anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh linh anh hùng Liệt sĩ,… những người đã hi sinh cho sự độc lập tự do của dân tộc Việt Nam, các nạn nhân tử vong do dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới được siêu sinh tịnh độ, đi về cảnh giới an lành.”
Buổi lễ tuy kết thúc nhưng dư âm vẫn còn lắng đọng trong lòng của những người con Phật. Thật sự khó có dịp nào cho mọi người được trải lòng, hiểu thêm được nhiều điều về việc làm của người xuất gia đó là “dĩ công thưởng đức, đền đáp bốn ân bằng việc hàng ngày tụng kinh nguyện cầu những điều tốt đẹp an lành tới mọi người.” Đây không còn là một buổi tối tụng niệm nghi lễ tâm linh hồi hướng nguyện cầu đơn thuần nữa, mà còn là một khóa học sơ đẳng về cách xây dựng, vun bồi cho quá trình tu tập, sửa đổi bản tâm của những người con Phật.
Hải Thịnh - Nguồn: Phật Sự Online