Hà Nội: HT.Thích Bảo Nghiêm thuyết giảng tại chùa Cát Linh
Tối ngày 18 tháng 07 năm 2020, nhằm ngày 28 tháng 05 năm Canh Tý, nhận lời thỉnh mời của Ni sư trụ trì, Hòa Thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN đã quang lâm về chùa Cát Linh – quận Đống Đa – Hà Nội và có thời pháp thoại chia sẻ với các Phật tử Đạo tràng bản tự về “Năm hạnh lành của người đệ tử Phật”.
Mở đầu thời pháp thoại, Hòa thượng bày tỏ niềm hoan hỷ khi được gặp lại các Phật tử Đạo tràng chùa Cát Linh sau một thời gian dài giãn cách xã hội. Hòa thượng vui mừng khi nhận thấy các Phật tử vẫn giữ được tâm tinh tiến tu học cầu đạo. Đức Phật dạy rằng nếu ở nơi nào, có ai đó thực hành theo chính pháp, nghe theo lời dạy của Thế Tôn thì cho dù ở bất cứ nơi đâu cũng có Đức Thế Tôn bên cạnh.
Hòa thượng chia sẻ thêm “Tâm của thầy nói riêng và của Hòa Thượng Tôn sư cũng như của các bậc Giáo Thọ trong đạo tràng đều luôn luôn hướng vào sự tu tập của Phật tử. Tuy không thể giảng trực tiếp cho các đạo tràng như ngày hôm nay nhưng thời gian qua, quý chư Tôn đức đã tìm mọi cách trực tiếp – gián tiếp giảng dạy dưới nhiều hình thức như phát trực tuyến, quay video đưa lên các trang mạng để làm sao giúp cho quý Phật tử được nghe chính pháp của Đức Thế Tôn”.
Nhân dịp này, Hòa thượng đã giảng giải cho đại chúng về 5 hạnh mà người Phật tử cần thực hành tốt để đưa đến con đường giải thoát, theo lời dạy của Đức Phật trong Kinh Đại Bát Niết Bàn. Đức Phật dạy nếu đệ tử của Ngài còn có người thực hành 5 hạnh: Thánh Hạnh, Phạm Hạnh, Thiên Hạnh, Bệnh Hạnh, Anh Nhi Hạnh thì người đó được chúng sinh tôn kính, tán thán và cúng dường.
Đức Phật dạy hạnh thứ nhất là Thánh Hạnh. Trong kinh Đức Phật đã dạy rằng cúng dàng chư Phật là tôn quý nhất, nhưng nếu chúng ta mang thân này mà phục vụ cho tha nhân, làm được nhiều lợi ích cho những người xung quanh, cho toàn xã hội, toàn thế giới thì đấy cũng chính là đã cúng dàng chư Phật. Vì trong kinh đã chỉ dạy tất cả mọi người ở đây không kể là người xuất gia hay người tại gia, không kể nam hay nữ, già hay trẻ mà tất cả mọi người đều có nhân tố Phật. Như kinh Pháp Hoa cũng đã nói phục vụ một chúng sinh nào đó tức là ta đã cúng dàng cho vị Phật tương lai.
Hạnh thứ hai là Phạm Hạnh. Người xuất gia được nhắc đến là phạm hạnh, tức là những người từ bỏ gia đình, từ thân cắt ái, xuất gia mong xuất tam giới vượt qua luân hồi, từ thân không có gia đình sống phạm hạnh độc thân nhưng mà không bị cô quạnh. Xung quanh là bên phải có bạn bên trái có bạn, đằng trước có bạn tốt đằng sau có bạn hiền. Bởi vì khi chúng ta đối xử tốt với hết thảy mọi người thì xung quanh chúng ta cũng sẽ không thấy người ác với tâm ác được, như vậy là sống phạm hạnh, phạm hạnh ở đây là hạnh viễn ly mà đó là viễn ly ác pháp.
Hạnh thứ ba là Thiên Hạnh. Theo cách chia của Tông Thiên Thai, thế giới này chia làm 10 bậc 10 cõi. Trong 10 cõi đó là 4 cõi thánh và 6 cõi phàm, nhưng trong 6 cõi phàm này cũng chia đôi làm 3 cõi thiện và 3 cõi ác : địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh là 3 cõi thuần ác; Tu – la, người và trời là 3 cõi thiện. Khổng Tử đã nói “nhân chi sơ, tính bản thiện”. Con người sinh ra vốn đã hiền lành, nếu em bé sinh ra đời không bị ảnh hưởng bởi các tệ nạn xã hội thì những em bé đó hoàn toàn trong trắng. Còn nếu sống trong môi trường thầy tà bạn xấu sẽ làm cho con người xấu xa. Nếu gặp minh sư thiện hữu và môi trường trong sạch thì một em bé sẽ trở thành người tốt. Từ những điều đó chúng ta thấy đó là cõi thiên, là cõi trong sạch. Con người phải tu tập 10 điều thiện, tránh xa những xấu ác, giữ thân tâm thanh tịnh, đó mới chính là lời chư Phật dạy.
Hạnh thứ tư là Bệnh Hạnh, tức là thương cứu giúp người bệnh. Đức Phật thương tất cả chúng sinh, nhưng đặt biệt là đức Phật dạy công đức chăm lo người bệnh là công đức lớn nhất trong 8 thứ công đức: Một là cúng Phật, hai là cúng Thánh nhân, ba là cúng thầy hòa thượng, bốn là cúng thầy Xà – Lê, năm là cúng bậc La Hán, sáu là cúng cho cha, bảy là cúng cho mẹ, tám là trông nom người bệnh.
Hạnh thứ 5 là Anh Nhi Hạnh, anh nhi tức là người nhỏ. Các em như tờ giấy trắng, vẽ lên thế nào thì nó như vậy, gần mực thì đen gần đèn thì rạng. Gặp bậc minh sư thiện hữu thì thành con người tốt, mà nếu sống ở một môi trường xấu gặp thầy tà bạn xấu thì trở thành kẻ xấu. Ở đây, người Phật tử học hạnh này ở trong Phật pháp luôn luôn thương tưởng đến tất cả mọi người, phải chăm nom dạy dỗ các con của mình ngay từ bé để sau này nó xây dựng đất nước tương lai, giữ gìn được truyền thống của dòng họ nhiều đời khoa bảng, nhiều đời có người làm quan, có nhiều người làm công việc nhà nước, nhiều người đỗ đạt, nhiều người thành đạt trong cuộc sống. Khi ra chùa ta dạy cho đứa bé biết chắp tay niệm Phật, chắp tay chào quý thầy thì lần sau nó gặp quý thầy nó cũng chắp tay xá theo, mỗi nơi có mỗi nghi thức khác nhau, chúng ta là người Phật tử phải học theo nghi thức lễ phép, chào hỏi theo nghi thức nhà Phật là chắp tay. Khi ta lên chùa cho em bé theo để học các lễ nghi của nhà chùa, học được cách lễ phép, về nhà lễ phép với ông bà cha mẹ nhằm dạy các em nhỏ nên người.
Cuối cùng, Hòa thượng sách tấn hàng Phật tử “hãy luôn giữ thân tâm mình trong sạch trang nghiêm, học kỹ những lời Phật dạy, tu tập cho thật chắc rồi chuyển tải lại cho những người xung quanh mình. Đấy chính là các vị đang cùng chư tôn đức Tăng Ni hoằng truyền chính pháp, làm cho chính pháp cửu trụ mãi mãi trên thế gian. Công đức hoằng pháp là công đức vô lượng vô biên, chúng ta hãy phát huy diễm phúc được sinh ra làm người, được học Phật, được nghe Pháp và được truyền tải chính pháp để cuộc sống luôn an lành, cát tường bớt khổ đau, nhờ sự gia trì của Tam Bảo mà được sự giải thoát cho đời hiện tại và mai sau”.
Diệu Tường – Khánh Duy
Nguồn: Phật Sự Online