Hà Nội: Mùa “An cư tại chỗ” đặc biệt của chư Tăng chùa Bằng
Giữa không gian tĩnh lặng, vào lúc 4h sáng, tiếng chuông báo chúng vang lên, báo hiệu giờ đại chúng thức dậy để lên chùa, cử hành khóa lễ công phu sáng, trì tụng thần chú Lăng Nghiêm; bắt đầu một ngày “An cư tại chỗ đặc biệt” của đại chúng chùa Bằng (số 63 phố Bằng Liệt, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội).
Hàng năm, các hành giả Tăng Ni tại Hà Nội sẽ an cư tại 18 điểm trên toàn thành phố, chưa tính điểm an cư tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội và chùa Quán Sứ – Trụ sở TƯ GHPGVN, nhằm thúc liễm thân tâm, trau dồi Giới – Định – Tuệ, trang nghiêm Giáo hội, lợi lạc tự thân và lợi ích xã hội. Thế nhưng, đặc biệt năm nay, trước diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 đang rất phức tạp, Ban Trị sự GHPGVN Hà Nội đã căn cứ vào tình hình diễn biến dịch bệnh, xem xét việc tổ chức An cư kết hạ tại chỗ vào thời gian Hậu an cư (từ 16/5 AL đến 16/8 AL).
Năm nay, vừa dạy xong bộ môn “Các tông phái Phật giáo Trung quốc” tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội thì Đà Nẵng phát dịch không thể trở về. Tôi liền về trú xứ Linh Tiên đảnh lễ xin phép tòng Tăng an cư trong thời gian chờ dịch ổn định. Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm hoan hỷ cho phép và tâm sự: “Đã 45 năm y kinh, y luật, y Phật sở chế, cấm túc an cư nhằm thúc liễm thân tâm, trau dồi Giới – Định – Tuệ. Điều này đã ngấm vào tâm thức thiêng liêng rồi, không thể vì lý do gì mà mình không an cư, trong chùa thầy trò đủ chúng theo luật tác pháp tiền an cư. Cho nên năm nay, trước tình hình dịch bệnh phúc tạp, Tôi cùng các đệ tử tại chùa Bằng y Luật tác pháp an cư. Trong cái rủi có cái may. Thầy trò cùng nhau sách tấn tu học, giữ gìn quy củ chốn thiền môn, giữ niềm tin cho tín đồ Phật tử nương tựa. Thực hành pháp an cư này chính là biểu hiện mẫu mực đời sống được thực hành miên mật đầy đủ bốn chất liệu thanh tịnh, gồm: Thanh tịnh về biệt giải thoát luật nghi, Thanh tịnh về các căn môn, Thanh tịnh về mạng, Thanh tịnh về niệm.”
Sau thời công phu khuya, chấp tác và điểm tâm sáng; đúng 8 giờ, đại chúng vân tập lên giảng đường, cung thỉnh Hòa thượng trú trì giảng giải bộ “Vân thê quy ước cộng trụ” của Ngài Vân Thê soạn, nêu rõ giềng mối cộng trụ sinh hoạt trong chốn thiền môn. Bộ Quy ước nêu rõ: “Các bậc cổ đức buộc dây mà sửa, theo thời mà chế định, nhờ dây mực mà quy định thẳng cong. Chư Tổ khuông đồ lãnh chúng, từ Tam tạng giáo lý mà thi hành. Bởi cơ – giáo phù hợp như nước với sữa. Thầy – trò khế hợp; khắc ý như thế, chuyên tâm như vậy thì sáu căn thanh tịnh, ba nghiệp viên minh, chân chính đi vào đạo tràng… Trời rồng cung kính, quỷ thần khâm phục. Lo gì chính Pháp không cửu trụ; tùng lâm không hưng thịnh. Học là bắt chước theo hạnh của Phật – Tổ, để thành tựu cái đức của các Ngài.”
Đọc qua nội dung bộ Quy ước, tôi liên tưởng đến nội dung bài Cảnh sách phân công mà những năm 1992, lúc còn hành tiểu, đã đọc trong bữa điểm tâm sáng.
Nên suy xét đảm đang nghiêm túc
Phục vụ người như phục vụ mình
Chăm lo củi nước hoàn thành
Cũng là đường lối tu hành chính chuyên…
Nay đại chúng đồng tâm cộng trụ
Chức sự thường thiếu sự gắng công
Ai có sức nên xung phong
Rụt rè khoáng phế việc chung sao đành.
Có công Phật Tổ mới thành
Không thời biển khổ lênh đênh đời đời.
Về sau, phát hiện bài này nằm trong Khóa lễ mộc bản cảnh sách buổi sáng, khuyên người tỉnh dậy tu trì, thức tỉnh chúng sinh. Khuyên rằng, xác phàm đắm chấp làm chi, cất đầu tỉnh dậy tu trì hôm mai. Chuyên cần sáu niệm không sai, sao cho công quả tương lai tròn đầy.
Ngày đêm phải sáu giờ tinh tiến
Ý miệng thân ba nghiệp cần chuyên
Thân tâm lễ bái tọa thiền
Miệng cần phúng tụng lặng yên ít lời.
Ý cần chuyên không rời tịnh niệm
Đêm và ngày kế tiếp không ngơi
Mới hay Tịnh độ hiện thời
Rõ ràng tam muội sáng ngời tự tâm.
Sau giờ nghe Pháp, đại chúng chia nhau nấu cơm để đến 11h15 vân tập tại Trai đường cử hành Nghi thức Niệm thực.
Đầu giờ chiều, đại chúng cùng vân tập để trao đổi kinh nghiệm tu học, thỉnh Hòa thượng dạy Nghi lễ căn bản, các đường tán tụng, thỉnh Phật thỉnh Tổ, chuông mõ hòa âm, nhịp nhàng cung kính.
Đúng 17 giờ, đại chúng nghệ vu Tổ đường, mộc bảng cảnh sách, thức tỉnh hành giả, ý thức thời gian trôi qua, bệnh già theo sát bên mình. “Chẳng ai có thuốc trường sinh, hằng ngày cái chết vẫn rình bên ta. Hôm trầm tán loạn tránh xa, mọi người tự giác để mà tiến tu”. Giữa không gian trời đổ về chiều, mặt trời thấp thoáng gác đầu non Tây, giọng của Thầy tuyên cảnh sách ngân nga theo nhịp điệu trầm bổng:
Thế giới nào khác không hoa
Thân người huyễn hóa như là chiêm bao.
Mọi sự vật trước sau đều thế
Là vô thường không thể cậy trông
Nhân tu nếu chẳng sớm trồng
Thời theo cảnh huyễn mãi trong luân hồi….
Sau khi kết thúc thời Cảnh sách niệm Phật, đại chúng thể thao tùy theo sở thích, hoặc kinh hành quanh Vườn tượng hóa thân của Bồ tát Quán Thế âm để trao đổi, hàn huyên.
Tới 19 giờ, đại chúng vân tập tại Phật điện để thực hành khóa lễ Tịnh độ và cúng chúc thực, bá thí cô hồn, cầu sinh Tịnh độ.
Sau khóa lễ Tịnh độ, đại chúng tự học, lâm thụy. Không gian chùa Bằng trở nên vắng lặng. Để rồi, sáng hôm sau, trở mình bắt đầu một ngày mới, cũng từ những tiếng chung báo chúng thanh thoát vang lên giữa trời không tĩnh mịch.
Thiển nghĩ, dẫu hình ảnh của đức Thế tôn đã khuất dấu vô thường nhưng cỗ xe Chính pháp vẫn tiếp tục lăn bánh qua những sa mạc khô cằn, những đô thị trù phú, mang những giá trị phổ quát, những quyền cơ bản làm nên giá trị hiện hữu của những người con Phật cùng nhau tạo dựng xã hội hoà bình, an lạc. Thông điệp bao dung, hỷ xả mà đức Thích Tôn trao truyền cho các chúng Thanh văn và Bồ tát, vẫn hằng tỏa sáng bằng các phẩm tính từ bi và trí tuệ của tuệ giác vô thượng, dẫu thế giới đầy sợ hãi vì bạo lực vì dịch bệnh.
Dẫu hệ truyền thừa Nam Bắc không đồng, nhưng tất cả đều dựa trên một nền tảng Tỳ-ni tạng, với những học xứ tương đồng của giới bổn Biệt giải thoát. Các chúng Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, trong từng trú xứ riêng biệt, cùng hòa hiệp và thanh tịnh trong đồng nhất trú xứ, và đồng nhất thuyết giới; là nền tảng phước điền cho các chúng đệ tử xuất gia cũng như tại gia, lấy đó làm y chỉ để tăng trưởng đạo lực, vun bồi gốc rễ phước lạc nhân thiên và đạo quả Niết bàn.
Vì vậy, mỗi người trong chúng ta, cần có thời gian lắng đọng tâm tư để thành tâm cầu nguyện uy lực Tam bảo gia hộ; hội đủ thiện duyên, bỏ bớt dần những vọng tưởng trần lao, xa dần những bôn ba thế tục; chuyên tu giới định huệ, hướng tâm nguyện đến sự tồn tại chói sáng của Tăng già. Có như thế, Phật pháp mới là nguồn suối an lạc cho một xã hội đạo đức và trật tự, cùng góp công đức kiến tạo thế giới hòa bình, dân tộc an lạc./.
Chùa Bằng, mùa an cư 2565
Khách tăng Thích Thanh Tâm - nguồn: Phật Sự Online