Hải Phòng: Lễ cài hoa hồng và dâng đăng cầu nguyện nhân mùa Vu Lan tại chùa Vẽ
Tham dự và chứng minh buổi lễ có Ni Sư Thích Tâm Chính – Ủy viên Ban hoằng pháp thư ký Ban từ thiện – xã hội TƯ GHPGVN, trưởng Ban từ thiện – xã hội GHPGVN thành phố Hải Phòng, trưởng BTS GHPGVN quận Hải An, trụ trì chùa Vẽ, Hải Phòng, trưởng Ban tổ chức đại lễ Vu Lan Báo Hiếu PL. 2563 – DL. 2019 tại chùa Vẽ, chư tôn đức Ni trong chốn trụ xứ, cùng đông đảo phật tử đạo tràng An Lạc, đạo tràng Đại Bi đang tu học tại chùa Vẽ, quý thiện nam tín nữ gần xa và nhân dân địa phương.
Theo thông lệ hàng năm, cứ vào mùa lễ Vu lan Báo Hiếu, chư tăng kết thúc 3 tháng an cư kiết hạ, trau dồi Giới – Định – Tuệ, thúc liễm thân tâm, chư tôn đức Ni chùa Vẽ lại trang nghiêm, thành kính tổ chức Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu, lễ Bông Hồng Cài Áo cho các Phật tử trong đạo tràng, các Phật tử trong thành phố và nhân dân địa phương trên tinh thần của Đạo Phật, luôn đưa đạo hiếu lên hàng đầu, đồng thời cũng là cơ hội để cho Phật tử và nhân dân ôn lại truyền thống “ Uống nước nhớ nguồn – Ăn quả nhớ người trồng cây” của cha ông ta từ ngàn đời nay.
Chư tôn đức Ni chứng minh
Lễ Hội Vu Lan Báo Hiếu được coi là lễ hội của tình mẫu tử, tình phụ tử thiêng liêng, đồng thời cũng chính là lễ hội của lòng tri ân, báo ân của mỗi người con đối với cha mẹ; Vu Lan còn là dịp để mỗi người con Phật tôn vinh ân cha, nghĩa mẹ và đề cao tinh thần Hiếu đạo, nhắc nhở nhau hai chữ ‘tri ân’ để tìm về nguồn cội tâm linh và duy trì hơi ấm tình người trong kiếp sống nhân sinh.
Tinh thần Hiếu đạo là căn bản đạo đức của thế gian và xuất thế gian. Cũng với ý nghĩa này, trong kinh Hạnh Phúc Đức Phật đã dạy: “Phụng dưỡng mẹ và cha, là điềm lành tối thượng”. Có thể nói, hiếu đạo là nền tảng đạo đức vững bền cho hạnh phúc gia đình và đem lại sự hài hòa trong xã hội. Do đó, phong tục dân gian thờ cúng ông bà cha mẹ khi qua đời cũng là một nét đẹp văn hóa tâm linh đáng quý, nhằm nhắc nhở và tôn vinh hai chữ Hiếu Thuận này.
Hay trong kinh Tăng Chi Bộ Đức Phật dạy: “Những ai đền ơn bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường Cha Mẹ với của cải vật chất, tiền bạc thời không bao giờ đủ để trả ơn Cha Mẹ. Nhưng này các Tỳ kheo, ai đối với Cha Mẹ không có lòng tin, thì khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào lòng tin; đối với Cha Mẹ theo ác giới thì khuyến khích, hướng dẫn an trú vào thiện giới; đối với Cha Mẹ xan tham, thì khuyến khích, hướng dẫn an trú vào bố thí; đối với Cha Mẹ theo ác trí tuệ, thì khuyến khích, an trú vào trí tuệ, cho đến như vậy, này các Tỳ kheo, là làm đủ và trả ơn đủ cho Mẹ và Cha.”
Các em thanh thiếu niên Phật tử chùa Vẽ trong đoàn cài hoa hồng
Tại buổi lễ, thay mặt cho hàng Phật tử tại gia có mặt tại đạo tràng, các em thanh thiếu niên Phật tử chùa Vẽ, các Phật tử đại diện các đạo tràng đã thành kính dâng hoa, dâng phẩm vật cúng dàng chư Phật, chư tôn đức Ni trong chốn trụ xứ nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu, nguyện hồi hướng công đức lành đó cho ông bà cha mẹ hiện tiền được tăng phúc, tăng thọ; đồng thời, cầu nguyện cho cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ quá vãng được sinh về cảnh giới an lành.
Một nghi thức rất quan trong, không thể thiếu được trong mỗi đại lễ Vu Lan Báo Hiếu. Đó là nghi lễ “ Bông Hồng Cài Áo”. Đây cũng là chính là linh hồn của buổi lễ, là thời khắc xúc động và ý nghĩa nhất trong đại lễ vu lan. Thay mặt cho hàng Phật tử tại gia, Phật tử Dương Liễu đã lên tuyên đọc ý nghĩa cài hoa hồng: “ Bông hồng là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực hoa hồng cao quý là tình cảm đẹp nhất, kính trọng nhất đối với bậc sinh thành. Mang ý nghĩa sâu sắc đó, nhiều người Việt Nam khi đến ngày Vu Lan đều cài một bông hồng trên áo. Người có hoa hồng hẳn sẽ tự hào vô cùng vì trên đời này còn có Mẹ – Cha. Ai mang hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở, rằng mình đã lỡ mất những gì quý giá nhất, từ đó mà hành động sao cho phải với lương tâm. Vu Lan là dịp đặc biệt để giới trẻ sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn. Những người đến chùa đều không quên dừng lại để cài lên ngực một bông hồng, để nhắc nhớ về công ơn của cha mẹ. Bông hồng màu đỏ cho những ai may mắn còn cha mẹ trên đời, bông hồng màu hồng cho những người còn mẹ mất cha và bông hồng trắng cho những người kém may mắn khi không còn cha và mẹ trên đời. Đối với bậc xuất gia, quý Ngài là những người đã hy sinh cả cuộc đời mình cho đạo pháp, là những người lìa bỏ thế tục, thượng cầu giải thoát, hạ hóa chúng sinh, mong cầu giác ngộ, giải thoát và theo đạo Phật thì màu vàng là màu của tuệ giác, tượng trưng cho sự buông bỏ, nên quý Ngài sẽ cài lên ngực áo của mình một bông hoa hồng màu vàng tượng trưng cho sự giải thoát…”
Ni sư Thích Tâm Chính ban đạo từ
Để bày tỏ lòng thành kính đối với Tam Bảo, cũng như đối với hai bậc sinh thành, chư tôn đức chứng minh, cùng toàn thể đại chúng đã thắp sáng ngọn đèn biểu tượng của tình thương và sự hiểu biết, cùng dâng ngọn đèn ngang trán, kính dâng lên Tam Bảo, kính dâng lên cha mẹ nhân mùa Vu lan Báo hiếu, thầm nguyện cầu cho cha mẹ hiện tiền được sống an vui, hạnh phúc, cha mẹ quá vãng nhiều đời nhiều kiếp được sinh về cõi lành.
Nhân dịp này, Ni sư Thích Tâm Chính – Trưởng BTC đại lễ đã ban đạo từ ôn lại nguồn gốc của ngày lễ Vu lan Báo Hiếu và sự tích về Ngài Mục Kiền Liên Bồ Tát, để qua đó các Phật tử hiểu hơn về lịch sử của Ngài và nguyện noi theo tấm gương hiếu hạnh của Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát. Gương của ngài Mục Kiền Liên là một tấm gương sáng nói lên lòng hiếu thảo của người con đối với cha mẹ, nên rất thích hợp với Phật giáo Việt Nam bởi người Việt Nam luôn nặng về chữ Hiếu, tổ tiên, ông bà chúng ta từ ngàn đời nay cũng vẫn luôn lấy chữ Hiếu làm đầu. Do đó, bổn phận làm con không bao giờ được quên công ơn của cha mẹ và thâm ân đó chúng ta phải luôn khắc nghi trong lòng.
Trước khi kết thúc buổi lễ chư tôn đức Ni hiện tiền cử hành nghi lễ niêm hương bạch Phật, tụng kinh Vu lan Báo hiếu, cầu nguyện thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc , Phật pháp được trường tồn và cầu nguyện cho ông bà cha mẹ hiện tiền được phúc thọ tăng long, biết đến Phật Pháp, sống an vui, hạnh phúc bên con cháu thảo hiền.
Buổi lễ đã khép lại trong niềm xúc động vô biên khi nghĩ nhớ về công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu.
Sau đây là hình ảnh ghi nhận:
Niệm Phật cầu gia bị
Sư thầy Thích Giới Định điều hành buổi lễ
Quán quân Giọng hát việt 2019 Hoàng Đức Thịnh hát cúng dàng đại lễ
Phật tử Dương Liễu tuyên đọc ” Ý Nghĩa cài hoa hồng”
Nghi thức cài hoa hồng
Dâng đăng cầu nguyện
Phật tử dâng phẩm vật cúng dàng
Các em TTNPT dâng phẩm vật cúng dàng chư tôn đức Ni
Phật tử Ngô Hoàng Ngọc Anh tác bạch cúng dàng
Ni sư Thích Tâm Chính ban đạo từ
Phật tử tụng kinh cầu nguyện nhân mùa Vu lan Báo hiếu
Thành Trung - Nguồn: Phật Sự Online