Hàng phật tử cảm niệm về đám tang Nội tổ của Đại Đức Thích Thiện Mỹ
Cuộc đời sắc sắc không không
Trăm năm còn lại tấm lòng mà thôi
Người trồng cây hạnh để chơi
Bà trồng cây Đức để đời cháu con
Bầu trời xứ Huế hôm nay thật buồn Bà ơi, hai hàng phật tử vân tập tiễn đưa Bà về nơi an nghỉ cuối cùng. Và từ đây, cuộc chia ly này sẽ chẳng còn có ngày gặp lại.
Nguyện cầu hồng ân Chư Phật khắp mười phương thùy từ phóng đại hào quang tiếp độ hương linh Bà sớm về cõi thế giới Tịnh độ an lành.
96 năm trên cõi đời này, Bà là một người Bà người Mẹ tuyệt vời. Bà từ xứ ngự sông Hương, tay bồng tay bế các con các cháu vào đất miền nam xây dựng cuộc sống.
Trong sự thành đạt của các con, các cháu ngày hôm nay có mồ hôi nước mắt của bà. Trải qua bao gian lao Bà tạo dựng được một gia đình đủ đầy, có truyền thống Phật giáo. Cả cuộc đời Bà luôn hướng về Tam Bảo. Dù đã hơn 90 tuổi nhưng Bà vẫn luôn thích đi chùa, thích đọc kinh niệm Phật, thành tâm lạy Phật.
Điều đặc biệt nhất là Bà có 2 người cháu nằm trong hàng ngũ xuất gia của đức Phật, một là cháu nội - Đại đức Thích Thiện Mỹ, hai là cháu ngoại - Đại đức Thích Pháp Huyền. Cả 2 thầy đều là những người tu sĩ trẻ tuổi làm nên Phật sự. Đó là niềm hạnh phúc, là phước báu lớn lao của Bà của gia đình.
Người xưa có câu:
"Nhất nhơn tác phước thiên nhơn hưởng
Độc thọ khai hoa vạn thọ hương"
Một người làm phước nhiều người hưởng, một vườn hoa chỉ cần có 1 nụ hoa thơm thôi thì đã làm thơm cả khu vườn.
Bà và gia đình là những người Phật tử thuần thành, luôn thành tâm hướng về Tam Bảo, cho nên nhờ hồng ân Tam Bảo, nhờ phước đức ông bà và cha mẹ mà hạt giống bồ đề đã nảy mầm và nở ra 2 người cháu làm nên Phật sự.
Một cành hoa thơm đã đủ làm thơm cả khu vườn, huống gì Bà và gia đình lại có tới 2 cành hoa thơm.
Nhờ phước báu đó của Bà, nên khi Bà mất 2 người cháu xuất gia làm nên Phật sự đã tổ chức cho Bà một đám tang trang nghiêm ấm cúng. Bà được cử hành tang lễ trong mái chùa Viên Giác theo truyền thống Phật giáo, cuối cùng Bà được trở về dưới mái chùa của các cháu mình, nương về dưới chân Phật, thân tứ đại được gửi gắm thiền môn, trở về với tấm lòng của biết bao Phật tử yêu quý Bà.
Đó là công đức, phước báu, là tấm lòng của 2 người cháu xuất gia và toàn thể gia quyến dành cho người Bà người Mẹ kính quý của mình.
Đến với tang lễ, tất cả mọi người đều cảm nhận được tấm lòng của gia quyến nói chung và của Đại đức Thích Thiện Mỹ nói riêng, thầy đã đem hết tấm lòng của mình đối với Bà nội qua ca khúc "Nội Tôi". Thầy đã gửi gắm bao nhiêu sự thương yêu, bao nhiêu sự gắn bó, bao nhiêu sự kính mến tặng Bà nội trong những đêm cuối cùng này.
Có lẽ rất hiếm có một tang lễ cho Phật tử nào mà Đại đức chúng Tăng đông đảo, có một ban kinh sư sẵn sàng ngồi hộ niệm, có rất nhiều các đoàn thể, chính quyền, đông đảo Chư tôn đức Tăng, Ni, Phật tử hải ngoại và trong nước cùng về thăm viếng.
Đây là phước báu lớn lao nhất của Bà - một người luôn thành tâm hướng Phật và có 2 người cháu xuất gia làm nên Phật sự.
Và cuối cùng, tấm lòng của những người con người cháu đã hoàn thành tâm nguyện của Bà, dù đi xa nhưng tâm Bà vẫn hướng vọng về quê hương, xa quê nhưng không xa Tổ, xa xứ nhưng chẳng xa Tông. Bà được trở về với xứ Huế, trở về sông Hương núi ngự trong vòng tay của bà con lối xóm.
Trong bức di ảnh Bà luôn mỉm cười, đó là nụ cười mãn nguyện của Bà về tất cả...
Bà ơi, xứ Huế chiều nay vắng Bà thật rồi, chúng con sẽ vẫn nhớ mãi về Bà và nguyện học tập theo đức hạnh của Bà.