Kon Tum: Lễ Húy nhật lần thứ 49 cố Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Chiếu
Quang lâm chứng minh buổi lễ có Hòa thượng Thích Quảng Xả – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh, đặc trách 5 tỉnh Tây Nguyên, Viện chủ tổ đình Trung Khánh cùng chư Tôn đức Ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Kon Tum, chư Tôn đức môn phong pháp phái, các tự viện và đạo tràng Phật tử đã về đảnh lễ, dâng hương tưởng niệm cố Đại lão Hòa thượng, một trong những bậc tòng lâm trưởng lão của Phật giáo tỉnh nhà.
HÒA THƯỢNG
THÍCH HUỆ CHIẾU
(1895 – 1970)
Hòa thượng Thích Huệ Chiếu (1895 – 1970) họ Nguyễn, pháp hiệu là Huệ Chiếu, sinh ngày rằm tháng ba năm Ất Mùi (1895) tại ấp Vĩnh Lộc, xã Bình Hòa, quận Bình Khê, nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
Xuất thân trong một gia đình kính tín Tam Bảo, nên từ nhỏ Ngài thường lui tới chốn Thiền môn để học tập và nghe pháp, được Hòa thượng Trừng Tâm Trụ trì chùa Vĩnh Lộc (gần nhà của Ngài) dạy bảo những phẩm hạnh cơ bản của người xuất gia.
Đến năm 25 tuổi (Kỷ Mùi – 1919), Ngài mới cầu pháp chính thức với Hòa thượng Chánh Nhơn tại chùa Long Khánh – Qui Nhơn và được trao truyền pháp danh là Tâm Tịnh, tự Giải Thoát, hiệu Huệ Chiếu. Cũng trong năm ấy, Ngài thọ Tỳ Kheo Bồ Tát giới với Hòa thượng Chí Hưng chùa Khánh Lâm, tỉnh Bình Định. Sau khi đắc giới, Ngài y chỉ với Phổ Huệ Pháp sư để học luật.
Đến năm Nhâm Tuất (1922) chùa Hưng Long, Bình Định khuyết vị trú trì nên Hòa thượng Bổn sư bổ dụng Ngài về đó làm trú trì. Kinh tế của chùa rất eo hẹp nhưng Ngài vẫn chu toàn trách nhiệm tiếp Tăng độ chúng suốt thời gian Ngài trụ trì.
Năm Ất Sửu (1925), Ngài làm thư ký tại trường Hương chùa Phước Quang tỉnh Quảng Ngãi và được Tăng chúng thỉnh làm Giáo thọ.
Sau đó Ngài vào Nam hóa độ, thiện nam tín nữ quy ngưỡng rất đông, nhưng năm Đinh Mão (1927) Hòa thượng Bổn sư gọi Ngài về làm Hóa chủ tổ chức trường Hương (Tăng chúng có đến trên tám mươi vị) tại chùa Long Khánh, Quy Nhơn.
Năm Kỷ Tỵ (1929), Ngài được Hòa thượng Chơn Niệm chùa Trùng Khánh tỉnh Ninh Thuận thỉnh làm Thiền chủ cho trường Hương để lãnh chúng tu học trong ba tháng. Mãn hạ, trường Hương mở giới đàn và thỉnh Ngài làm Yết ma A Xà Lê.
Năm sau, 1930 Ngài cùng với Hòa thượng Trùng Khánh vào chùa Hiển Long, tỉnh Vĩnh Long (Nam phần) mở lớp gia giáo trong hai năm do Ngài làm chủ giảng, chúng Tăng học tập trên bốn mươi vị. Sau đó Ngài trở về Bình Định.
Năm Tân Mùi (1931), Ngài lo việc đại trùng tu chùa Hưng Long, Bình Định. Năm Nhâm Thân (1932), Ngài cung thỉnh chư sơn và triệu tập tín đồ thành lập Hội An Nam Phật Học. Ngài là một sáng lập viên của Hội Phật Học tại tỉnh Bình Định. Sau đó vì chưa có Hội quán nên Ngài đã cổ động kiến thiết ngôi tiền đường tại chùa Long Khánh để làm trụ sở sinh hoạt của hội.
Năm Giáp Tuất (1934), Ngài cùng Bổn sư vận động mở Phật học đường tại chùa Long Khánh, Quy Nhơn và thỉnh Quốc sư Phước Huệ làm chủ giảng, chúng Tăng Trung Nam tham học trên năm mươi vị.
Năm Đinh Sửu (1937), chùa Thiên Đức ở Bình Định khuyết vị trú trì, chư sơn cung thỉnh Ngài về trú trì chùa ấy. Chùa cũ kỹ đổ nát quá nhiều nên năm sau (1938 – Mậu Dần), Ngài mở cuộc lạc quyên đại trùng tu ngôi Tổ đình Thiên Đức. Sau đó Ngài lại trở về trùng tu chùa Vĩnh Lộc (Bình Khê, Bình Định) là nơi sanh trưởng của Ngài.
Năm Kỷ Mão (1939), Ngài thừa lệnh Hòa thượng Bổn sư ra kiến tạo lại chùa Long Quang thuộc thôn Phú Ốc, tỉnh Thừa Thiên do chính Bổn sư Ngài tức Hòa thượng Chánh Nhơn khai sơn.
Năm Nhâm Ngọ, (1942), Ngài tổ chức Đại giới đàn tại chùa Thiên Đức và được chúng Tăng cung thỉnh Ngài làm Đàn đầu thí giới, giới tử thọ Tỳ Kheo có đến trên một trăm vị.
Năm Quí Mùi (1943), Thượng tọa Giác Tánh mở lớp gia giáo tại chùa Hưng Long và cung thỉnh Ngài làm Chứng minh Đạo sư.
Năm Ất Dậu (1945), trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, Ngài được cử làm Chủ tịch đoàn Phật giáo Cứu quốc do thanh niên Tăng Bình Định tổ chức.
Dù tình thế an hay nguy, Ngài không lúc nào quên việc đào tạo Tăng tài cho tương lai Phật pháp. Cho nên cũng trong năm ấy, Ngài triệu tập thanh niên Tăng mở Phật Học Đường tại chùa Thiên Đức và mời các Thượng Tọa Huệ Phước, Giác Tánh, Tâm Hoàn, Huyền Quang v.v… giảng dạy. Sau vì nhơn duyên khác, Phật Học Đường này đã được dời về chùa Thập Tháp.
Năm Đinh Hợi (1947), Ngài đại diện cho Hội Phật Giáo Việt Nam tại liên khu 5 làm Phó chủ tịch Mặt trận Liên Việt tại liên khu 5. Trong năm đó Ngài đứng ra triệu tập chư Tăng bốn tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú, để tổ chức Hội Phật Giáo Việt Nam liên khu 5 và Ngài được cử làm Chánh Hội trưởng.
Năm Tân Mão (1951), Ngài khai sơn chùa Thiên Chơn tại ấp Kiên Mỹ, quận Bình Khê, tỉnh Bình Định, nhưng chùa đã bị chiến tranh hủy hoại. Sang năm Nhâm Thìn (1952), mặc dù chiến tranh khốc liệt đã tiêu hủy tài sản của Phật giáo rất nhiều, nhưng Ngài cũng vì đạo pháp cố gắng khai sơn chùa Thiên Phước thuộc ấp Kiên Mỹ, quận Bình Khê, tỉnh Bình Định để nối lại chùa Thiên Chơn đã bị hủy hoại.
Đến năm Ất Mùi (1955), Ngài lên Kon Tum khai sơn chùa Trung Khánh thuộc ấp Trung Lương. Cùng năm ấy, Hội Phật Học Việt Nam tái lập, thỉnh Ngài làm chứng minh đạo hạnh và Giáo Hội Tăng Già ra đời, thỉnh Ngài vào hàng Trưởng lão cố vấn cho Giáo Hội Tăng Già.
Năm Mậu Tuất (1958), Ngài họp môn phái để cải tạo Tổ đình Long Khánh. Năm sau Kỷ Hợi (1959), Ngài chứng minh cho cuộc đúc kim thân Phật Tổ bằng đồng cao 2 thước để thờ tại Bửu điện chùa Long Khánh- Quy Nhơn.
Đến năm Quý Mão (1963), Ngài tham gia vào phong trào phản đối chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Sau khi chế độ này sụp đổ, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời, thỉnh Ngài vào hàng Trưởng lão cố vấn của Giáo Hội Trung ương.
Cuối năm Giáp Thìn 1964, Ngài lại lo trùng tu chùa Thiên Đức. Cũng trong năm đó chiến tranh lan rộng, địa xứ chùa Thiên Đức bị mất an ninh, vì thế đến năm Đinh Mùi (1967), Ngài phải di trú về chùa Long Khánh.
Năm Mậu Thân (1968), Ngài làm Hóa chủ cho Đại giới đàn chùa Long Khánh và Hòa thượng Phúc Hộ làm Đàn đầu thí giới.
Năm Kỷ Dậu (1969), mặc dầu niên lãm đã cao, nhưng vì sự ân cần cung thỉnh của chúng Tăng nên Ngài đã nhận làm Thiền chủ lớp an cư kiết hạ tại Tổ đình Long Khánh – Quy Nhơn.
Hòa thượng đã đến rồi đi trong chân lý “Khứ lai tự tại”, nhưng âm dung và đức độ của ngài như vẫn còn vang vọng khắp đâu đây.
Sự hiện hữu của chân lý “tùy duyên hóa độ” mà cả suốt cuộc đời Hòa thượng đã xả thân, để rồi vào một ngày cuối xuân năm Canh Tuất (10/02 năm Canh Tuất – nhằm ngày 17/03/1970) Bồ-đề đã mãn, Hòa thượng đã an nhiên thâu thần thị tịch (hưởng thọ 75 năm – 50 Hạ lạp ) để lại bao niềm thương tiếc cho môn đồ pháp quyến cùng toàn thể Tăng, Ni, Phật tử tỉnh nhà.
Năm 1954 Hòa thượng Thích Huệ Chiếu kêu gọi bổn đạo trong làng và bá tánh gần xa quyên góp xây dựng trùng tu thêm cho ngôi chùa. Đến năm 1964 Thượng tọa Thích Giác Minh về nhận trụ trì ngôi Tự, đến năm 1993 do bệnh duyên Ngài dã lập di thư cung thỉnh Hòa thượng Thích Quảng Xả về đảm nhiệm ngôi tổ đình Trung Khánh, cho đến nay Hòa thượng Thích Quảng Xả lên Viện chủ và truyền lại cho Đại đức Thích Nhuận Quang Trụ trì ngôi Tổ đình.
Tiếp bước truyền thống, ngày nay Tổ đình Trung Khánh vẫn phát huy truyền thống tốt đời đẹp đạo, đưa đạo vào đời, tham gia vào các hoạt động xã hội, giúp đỡ người nghèo và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số.
Phúc Hậu - Nguồn: Phật Sự Online