Lễ Chiêu Phan và cầu siêu bạt độ tại chùa Trường Thọ
Phần nghi lễ do Đại đức Thích Nhuận Từ (du học sinh học vị Tiến sĩ tại Ấn Độ) làm sám chủ. Ban kinh sư gồm TT.Thích Nhật Thông, Phó Ban Nghi lễ PG thị xã Ninh Hòa; ĐĐ.Thích Nhuận Hương; ĐĐ.Thích Nhuận Duy (trú xứ Tổ đình Thiên Bửu); ĐĐ.Thích Nhuận Chương (chùa Phước Long)
Buổi lễ diễn ra tại hai địa điểm: Cống Cô Đơn và Bờ kè Cầu Dinh 2. Đây là nơi thường xảy ra các nạn chết đuối mỗi khi lũ lụt. Với tâm niệm thành kính của các thành phần tham dự nhằm cầu nguyện cho các hương linh được siêu sanh về cảnh giới an lành.
Sau khoa nghi cổ truyền được Chư Tôn Đại Đức Tăng cử hành như pháp, Chư Tăng cùng toàn thể đạo tràng hiện diện đã nghinh vong về chùa Trường Thọ - nơi kiến lập Pháp Hội Thù Ân - chuẩn bị cho nghi thức Thượng Phan đúng theo chương trình đã dự liệu của Pháp Hội.
Lễ phóng sanh cũng được tiến hành ngay tại bờ kè sông Dinh sau khóa lễ.
Trong vòng sanh tử, tử sanh bất tận của mỗi kiếp người không ai không có bà con quyến thuộc. Kiếp sống một chúng sanh nào đó, họ chưa có duyên lành gặp Phật Pháp, chưa rõ lẽ nhân quả, nghiệp báo, nên khi chết làm sao tránh khỏi sự đọa lạc nơi chốn đau khổ, cực hình, đói khát vô cùng, vất vưởng đó đây, hang cùng hẻm nọ. Chỉ có Đức Phật, chư Bồ Tát chứng ngộ mới thấy rõ nghiệp lành, dữ của chúng sanh mà dạy lại chúng ta. Chúng ta chưa chứng làm sao thấy sự đau khổ của họ! Vì vậy, với lòng thương vô hạn những kẻ chết nhiều nghiệp khác nhau, Đức Phật dạy chúng ta lập đàn Bạt độ, chẩn tế, giúp người đã khuất mau thoát cảnh cực hình.
Đúng 6g30 phút tối, Ban Kinh Sư đã tiến hành lễ cầu siêu bạt độ. Chư Tăng chứng minh thực hành lễ tế độ với sự thanh tịnh chí tâm; tất cả Phật tử trong đàn tràng đều chí thành; lễ đài được thiết trí trang nghiêm, khuôn viên chùa sạch sẽ, chỉ có tiếng đọc kinh niệm Phật không gian lắng đọng không hề xen tạp một âm thanh nào khác.
Chính nhờ những điều căn bản trên, Trai đàn sẽ có kết quả, chư hương linh, cô hồn, ngạ quỷ nương nhờ công đức này mà được siêu thoát hướng tâm tu thiện, cải tà quy chánh, quy kính Tam Bảo.
Người con Phật làm được hạnh nguyện này là pháp bố thí rất lớn, tạo được thiện nghiệp, Bồ đề tâm mở rộng, Đạo nghiệp sáng trong, trí tuệ phát triển.
Tin, ảnh: Quảng Ấn