Mông Cổ: Lễ bế mạc hội thảo Phật Giáo Châu Á vì Hòa bình (ABCP)
Vào lúc 18:00, ngày 23/6/2019 tại Tu viện Gandan Tegchenling, thủ đô Ulaanbaatar, Mông Cổ đã diễn ra lễ bế mạc hội thảo Phật giáo Châu Á vì Hòa bình (ABCP) lần thứ 11 sau ba ngày làm việc trong tinh thần hòa hợp và tôn trọng các dị biệt, với sự tham dự của 12 nước thành viên chính thức, trong đó đoàn PGVN vinh dự là thành viên chính thức sang tham dự Hội thảo Phật giáo với tầm quan trọng quốc tế dưới sự lãnh đạo về hòa bình tại Mông Cổ.
TT. Thích Đức Thiện – Phó chủ tịch, Tổng Thư ký HĐTS kiêm Trưởng Ban Phật giáo quốc tế GHPGVN
TT. Thích Nhật Từ – Phó ban Phật giáo quốc tế, Phó viện trưởng HVPGVN tại TP.HCM
Đến tham dự lễ bế mạc có Bà Ingha Rhonda King – Chủ tịch Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên Hiệp Quốc; đại diện lãnh đạo Phật giáo Nam tông; đại diện Bắc tông và Kim cang thừa; thuộc các nước Phật giáo châu Á và hơn 160 đại biểu quốc tế đến từ 40 quốc gia và hàng trăm Phật tử Mông Cổ.
Bà Ingha Rhonda King – Chủ tịch Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên Hiệp Quốc
Trong ngày 22/6/2019, TT. Thích Đức Thiện – Phó chủ tịch, Tổng Thư ký HĐTS kiêm Trưởng Ban Phật giáo quốc tế GHPGVN thay mặt đoàn GHPGVN đại diện phát biểu: “Nhấn mạnh tầm quan trọng những lời dạy về hòa bình của đức Phật đã mang lại an lạc và hạnh phúc cho công dân toàn cầu, cũng như những nỗ lực của cộng đồng Phật giáo châu Á trong việc xây dựng hòa bình suốt năm thập niên qua”
TT. Thích Đức Thiện – Phó chủ tịch, Tổng Thư ký HĐTS kiêm Trưởng Ban Phật giáo quốc tế GHPGVN phát biểu
TT. Thích Nhật Từ – Phó ban Phật giáo quốc tế, Phó viện trưởng HVPGVN tại TP.HCM vinh dự được mời tham gia Ủy Ban tu chỉnh Hiến chương và làm chủ tọa diễn đàn thành lập các Ủy ban ABCP. Đại hội đã thảo luận và tu chỉnh Hiến chương ABCP gồm 12 điều và 121 khoản. Các đề xuất của TT. Thích Nhật Từ về việc “Thành lập 8 Ủy ban Thường trực” tại hội thảo đã được các đại biểu thảo luận và nhất trí thông qua.
Trong 8 Ủy ban gồm:
1.Ủy ban về hòa bình, giải trừ quân bị và tránh xung đột (Commission on Peace, Disarmament and Conflict Avoidance)
2.Ủy ban về môi trường, biến đổi khí hậu (Environment and Climate Change)
3.Ủy ban về phát triển bền vững (Sustainable Development)
4.Ủy ban về đối thoại và hợp tác tôn giáo (Interreligious Dialogue and Cooperation)
5.Ủy ban về phụ nữ và bình đẳng giới (The Status of Women and Gender Equality)
6.Ủy ban về trẻ em và tuổi trẻ (Children and Young People)
7.Ủy ban về nhân quyền (Human Rights)
8.Ủy ban về truyền thống, di sản và văn hóa Phật giáo (Buddhist Tradition, Culture and Heritage), GHPGVN đảm trách Ủy ban về môi trường, biến đổi khí hậu và Ủy ban về trẻ em và tuổi trẻ.
Trong ngày 23/9/2019, với sự tín nhiệm cao của các Trung tâm quốc gia ABCP, HT. Thích Thiện Nhơn; Đức Dalai Lama 14; HT. Tep Vong – Tăng thống Bangladesh – được bầu làm Cố vấn của ABCP; GS. Lê Mạnh Thát và TT. Thích Nhật Từ – được bầu làm Ủy viên Thường trực của ABCP; TT. Thích Đức Thiện – được bầu làm Phó chủ tịch ABCP, nhiệm kỳ 2019-2022. Trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam TT. Thích Đức Thiện là người thứ hai đảm nhận vai trò Phó chủ tịch ABCP và người thứ nhất là Trưởng lão HT. Thích Minh Châu.
Trong năm thập niên qua, lãnh đạo Phật giáo Việt Nam làm thành viên sáng lập ABCP gồm có HT. Thích Tâm Anh; HT. Thích Danh Hảo là thành viên của ABCP, qua các nhiệm kỳ có HT. Thích Trí Thủ; HT. Phạm Thế Long; HT. Thích Minh Châu cho đến ngày viên tịch.
Trong buổi họp báo trước lễ bế mạc, Hòa thượng Khambolama D.Choijamts – Chủ tịch ABCP, Trưởng Ban tổ chức hội thảo ABCP lần thứ 11, khẳng định: “Với sự tu chỉnh Hiến chương và sự tham dự của 3 vị Phó chủ tịch mới (Việt Nam, Ấn Độ và Liên bang Nga) và sự tham gia của các Trung tâm quốc gia ABCP mới, ABCP sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho hòa bình và phát triển bền vững tại châu Á và trên toàn cầu”; TT. Thích Đức Thiện cam kết: “Với sự tin tưởng của ABCP, bản thân tôi và GHPGVN sẽ đóng góp tích cực vào các hoạt động xây dựng hòa bình và phát triển bền vững theo chủ trương của LHQ, mà Việt Nam là một thành viên tích cực”.
Diễn đàn ABCP được khởi xướng vào tháng 7/1969 và chính thức thành lập ngày 13/7/1969 tại thủ đô Ulaanbaatar, Mông Cổ. Từ năm 1970 đến nay, ABCP đã trải qua 10 kỳ đại hội, tại Sri Lanka năm 1972; Ấn Độ năm 1974; Nhật Bản năm 1976; Lào năm 1986 và 2003; tại Mông Cổ trong các năm 1979, 1982, 1990, 1998. Theo dự kiến, hội thảo ABCP sẽ diễn ra tại Ấn Độ năm 2020 và tại Việt Nam năm 2021. Diễn đàn ABCP được đăng ký vào nhóm các tổ chức phi chính phủ về “Các hoạt động kinh tế và xã hội của LHQ” (ECOSOC consultative status).
Chiều ngày 22/6/19, hơn 160 đại biểu quốc tế dự tiệc chiêu đãi của Chính phủ Mông Cổ, sau đó, thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật Mông Cổ đặc sắc tại Nhà hát lớn quốc gia.
Sau lễ bế mạc, các đại biểu dự tiệc chiêu đãi của Giáo hội Phật giáo Mông Cổ. Đại hội ABCP lần thứ 11 đã khép lại trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết và mở ra cơ hội giao lưu hợp tác giữa các truyền thống Phật giáo với nhau, góp phần cống hiến các giải pháp Phật giáo về hòa bình và phát triển bền vững trong khu vực và trên toàn cầu.
Tin và ảnh: Thích Ngộ Dũng - Nguồn: Phật Sự Online