Ông Ngô Sách Thực: MTTQVN tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Thay mặt Ủy ban Trung ương MTTQVN, ông Ngô Sách Thực – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN đã có bài phát biểu tham luận, Phật Sự Online xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu này:
THAM LUẬN CỦA ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MTTQ VIỆT NAM
TẠI HỘI NGHỊ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ GẶP MẶT, BIỂU DƯƠNG
CHỨC SẮC, CHỨC VIỆC CÁC TÔN GIÁO CÓ ĐÓNG GÓP TIÊU BIỂU
TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC
(Đà Nẵng, ngày 9 tháng 8 năm 2019)
_____________
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo,
phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam,
Kính thưa đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam,
Kính thưa đồng chí Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thành ủy Đà Nẵng,
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Kính thưa các vị chức sắc, chức việc tiêu biểu các tôn giáo,
Kính thưa các vị khách quý cùng toàn thể quý vị đại biểu!
Cuộc gặp mặt biểu dương chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được tổ chức đúng vào dịp đất nước ta chuẩn bị kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, đây là một ngày hết sức ý nghĩa đối với Nhân dân cả nước nói chung và đồng bào các tôn giáo nói riêng. Trong không khí trang trọng và thân mật này, tôi xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, quý vị đại biểu dự Hội nghị, đặc biệt là các đại biểu chức sắc, chức việc, tu sĩ tôn giáo tiêu biểu lời chào trân trọng, những tình cảm thắm thiết cùng lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Kính thưa quý vị đại biểu, thưa toàn thể Hội nghị!
Việt Nam là đất nước đa tôn giáo, đồng bào các tôn giáo là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, có tinh thần yêu nước, sống gắn bó, đoàn kết, có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại đa số chức sắc, nhà tu hành tôn giáo ở nước ta yên tâm làm việc đạo, có tinh thần dân tộc, hành đạo gắn bó với dân tộc, xây dựng cuộc sống “Tốt đời, đẹp đạo”.
Các tôn giáo ngày nay đã tích cực nhập thế, hiện diện và có đóng góp trên nhiều lĩnh vực của xã hội. Trong những năm qua, các hoạt động an sinh xã hội, xã hội hóa y tế, giáo dục (nhất là giáo dục mầm non), bảo trợ xã hội, dạy nghề, từ thiện nhân đạo của các tôn giáo được đẩy mạnh, góp phần cùng Đảng, Nhà nước, Mặt trận chăm lo cho người nghèo, người có công với nước, người già cô đơn, trẻ em mồ côi, tàn tật, xây dựng Nhà tình thương, Nhà đại đoàn kết; chăm sóc, giúp đỡ những người bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, cứu trợ đồng bào vùng bị thiên tai, lũ lụt, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu… với số tiền mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng.
Hoạt động đối ngoại nhân dân tôn giáo của tổ chức và chức sắc, chức việc các tôn giáo ngày càng được mở rộng với đồng đạo ở các nước trong khu vực và trên thế giới, hỗ trợ tích cực cho công tác đối ngoại của Đảng và hoạt động ngoại giao của Nhà nước. Việc tổ chức thành công các sinh hoạt tôn giáo lớn mang tầm khu vực và quốc tế càng khẳng định chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm tự do tôn giáo của nhân dân, đồng thời mở rộng đối ngoại nhân dân và nâng cao hình ảnh tốt đẹp và vị thế của nước ta trong khu vực và trên trường quốc tế.
Sinh hoạt tôn giáo của người Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong gắn kết cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đa số những người có tín ngưỡng, chức sắc, tín đồ các tôn giáo là người Việt Nam ở nước ngoài có tinh thần dân tộc, yêu nước, hướng về cội nguồn, sinh hoạt tôn giáo lành mạnh, hướng thiện và sôi động ở các địa bàn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu văn hóa, tinh thần của bà con theo truyền thống dân tộc và phù hợp với đặc thù, pháp luật nước sở tại. Các tổ chức tôn giáo trong nước bước đầu đã quan tâm, tham gia hướng dẫn sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và tổ chức được một số hoạt động thiết thực góp phần tăng cường sự gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng hướng về quê hương, đất nước.
Nhiều tổ chức và chức sắc tôn giáo đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình đấu tranh với những âm mưu chia rẽ tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch, đấu tranh với các hành vi sai trái của một số cá nhân bảo thủ, lạc hậu và cố chấp trong tôn giáo. Qua đó, khẳng định vị thế và nâng cao uy tín của tổ chức tôn giáo và uy tín, vị thế của đất nước, góp phần làm sáng tỏ chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta.
Với chức năng nhiệm vụ của mình, trong những năm qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện tốt các chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, trong đó có chủ trương, chính sách tôn giáo và công tác tôn giáo, góp phần quan trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc.
Có thể đánh giá khái quát những đóng góp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tôn giáo trên những nội dung chủ yếu sau đây:
– Góp phần quan trọng vào nhiệm vụ tăng cường vận động, tập hợp, đoàn kết các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trên nhiều lĩnh vực và đối với nhiều tôn giáo, Mặt trận đã thể hiện vai trò cầu nối giữa tôn giáo với Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân;
– Góp phần chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đồng bào các tôn giáo; thực hiện giám sát nhân dân đối với việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo và phản biện xã hội đối với các dự thảo chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần tăng cường đồng thuận xã hội và đoàn kết các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc;
– Vận động các tôn giáo phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo mình trong đời sống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và cơ sở tôn giáo; phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc tham gia xã hội hóa các hoạt động y tế, giáo dục, trợ giúp xã hội, dạy nghề, an sinh xã hội và mở rộng các hoạt động đối ngoại nhân dân của tôn giáo theo mục tiêu chung.
Thực hiện Quy chế phối hợp giữa Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính phủ và Kết luận của Thủ tướng Chính phủ, trong mấy năm qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã cùng chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế khảo sát đánh giá hiện trạng tham gia của các tôn giáo và tổ chức 3 Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia phát triển giáo dục mầm non (năm 2014); tham gia phát triển hoạt động bảo trợ xã hội, dạy nghề (năm 2017) và tham gia chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần… (Tháng 1/2019).
– Phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo hợp pháp, của các vị chức sắc, nhà tu hành, người tiêu biểu trong các tôn giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, các hoạt động an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững…
Năm 2015, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Tại Hội nghị, lãnh đạo của 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo tại Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (giai đoạn 2015-2020) với 5 nội dung, 7 mục tiêu, giải pháp. Đến nay, đã có 63/63 tỉnh, thành phố ký kết Chương trình hoặc Kế hoạch phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường với các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh, thành phố. Nhiều địa phương tổ chức ký kết ở cấp huyện. Qua hơn 3 năm triển khai Chương trình phối hợp, đến nay, trên cả nước đã có gần 1000 mô hình các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thông qua các phong trào và các hoạt động xã hội, Mặt trận đã động viên, lựa chọn, tạo điều kiện thuận lợi để chức sắc, nhà tu hành, tín đồ tiêu biểu trong các tôn giáo tham gia Quốc hội, HĐND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận như Hội chữ thập đỏ, Hội người cao tuổi, Hội Khuyến học, Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi…;
Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam, các đoàn thể phát động đã thu hút đông đảo đồng bào các tôn giáo tham gia, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khắc phục mặc cảm, cách biệt giữa đồng bào tôn giáo với đồng bào không tôn giáo, giữa đồng bào tôn giáo với chính quyền. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội đã chú ý chăm lo, bảo vệ và tham gia giải quyết các quyền lợi, nhu cầu hợp pháp, chính đáng của các tôn giáo. Mặt trận và các đoàn thể chính trị – xã hội đã tích cực, chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đã có nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện, triển khai các nội dung công tác vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên là chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo cho các cán bộ chủ chốt, đoàn, đội, hội viên theo hệ thống của mình.
Mối quan hệ gắn bó, đối thoại giữa các tôn giáo với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ngày càng được tăng cường, thường xuyên. Lãnh đạo Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận ở nhiều nơi đã định kỳ tổ chức gặp mặt, đối thoại, lắng nghe tâm tư nguyện vọng và chủ động giải quyết nhiều đề xuất kiến nghị hợp pháp, chính đáng của các tổ chức tôn giáo, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật giữa các tổ chức tôn giáo.
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước và chủ động hội nhập quốc tế, với tư cách là tổ chức liên minh chính trị, bộ phận của hệ thống chính trị nước ta, để tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ quan tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau:
– Tăng cường phối hợp tham gia nghiên cứu lý luận về công tác tôn giáo. Tiếp tục tham gia phát triển, bổ sung, hoàn thiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo, làm cơ sở để tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
– Phối hợp với các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc tham gia các hoạt động xã hội hóa y tế, giáo dục, trợ giúp xã hội, dạy nghề, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo. Định kỳ sơ kết, tổng kết, khen thưởng, nhân rộng các mô hình, nhân tố tích cực trong các tôn giáo.
– Tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế – xã hội; đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế” và các phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào có đạo; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, của đồng bào có đạo; củng cố niềm tin của chức sắc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo đối với Đảng, Nhà nước.
Giữ gìn và phát huy truyền thống thờ cúng Tổ tiên, tôn vinh và nhớ ơn những người có công với Tổ quốc, dân tộc và nhân dân; tôn trọng tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số và đồng bào tôn giáo.
– Làm tốt vai trò chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội trong việc vận động, tập hợp đồng bào các tôn giáo và phát huy vai trò người tiêu biểu có uy tín trong các tôn giáo.
Định kỳ chủ trì phối hợp tổ chức để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận gặp gỡ, đối thoại, tập hợp tâm tư, nguyện vọng chính đáng và các đề xuất, kiến nghị của tổ chức và đồng bào các tôn giáo; kịp thời thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật đến các tổ chức, cá nhân tôn giáo.
Tăng cường tập hợp các tổ chức tôn giáo đã được công nhận tham gia làm thành viên của Mặt trận; thu hút các cá nhân tiêu biểu tôn giáo tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban chấp hành các đoàn thể chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và cơ quan dân cử ở các cấp với số lượng, cơ cấu phù hợp.
– Xây dựng và ký kết các chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia các hoạt động an sinh xã hội, y tế, giáo dục, trợ giúp xã hội, dạy nghề… giữa Mặt trận, đoàn thể chính trị – xã hội các cấp với các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.
– Thực hiện quyền làm chủ của đồng bào có đạo thông qua vai trò giám sát và phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị – xã hội các cấp trong công tác tôn giáo.
– Vận động, đoàn kết đồng bào ta ở nước ngoài là chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về Tổ quốc, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo hợp pháp trong nước tham gia tập hợp, đoàn kết đồng bào ta có tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ngoài.
– Mặt trận cần quan tâm phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, các loại hình văn hoá, nghệ thuật, mặt tích cực của các trang mạng xã hội,… trong vận động, đoàn kết các tôn giáo. Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền gắn với phát huy thế mạnh, mặt tích cực của các tôn giáo tham gia hoạt động an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, xã hội hóa y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, dạy nghề… Tôn vinh, biểu dương, quảng bá các kinh nghiệm, sáng kiến, gương người tốt việc tốt, tiêu biểu, điển hình trong các tổ chức, cá nhân tôn giáo. Thực hiện phương châm “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, đưa nhiều tin bài tích cực về gương người tốt, việc tốt, về các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác tôn giáo nhằm lấn át các tin bài xấu độc.
Phối hợp với Bộ Ngoại giao chủ động thông tin tuyên truyền về tình hình tôn giáo, đoàn kết tôn giáo và những đóng góp của các tôn giáo trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế.
– Phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương và các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có nhiều hình thức đa dạng nhằm giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước, truyền thống nhân văn tốt đẹp, ý thức tự tôn dân tộc và trách nhiệm, nghĩa vụ công dân cho tổ chức, cá nhân tôn giáo, gắn với tuyên truyền nâng cao ý thức thực thi pháp luật của tín đồ, nhà tu hành, chức sắc các tôn giáo. Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước.
– Vận động các tổ chức tôn giáo thực hiện đoàn kết nội bộ, sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, phù hợp với điều kiện của đất nước; vận động, đoàn kết tín đồ các tôn giáo nêu cao vai trò, trách nhiệm xã hội đối với đất nước, treo cờ Tổ quốc tại các cơ sở, trụ sở tôn giáo như các cơ quan, tổ chức xã hội khác.
– Phối hợp các cơ quan chức năng khắc phục tư tưởng không đúng trong một số cá nhân tôn giáo như chỉ chăm lo lợi ích của tôn giáo mình, coi nhẹ hoặc thoái thác trách nhiệm đối với lợi ích chung của xã hội; chỉ coi trọng giáo quyền, giáo luật mà coi nhẹ luật pháp nhà nước; lợi dụng chính sách tôn giáo của Nhà nước để đòi hỏi thái quá cho lợi ích của tôn giáo.
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mong muốn rằng, sau Hội nghị này, các tôn giáo sẽ có nhiều thành quả tốt đẹp, nhiều hoạt động khởi sắc hơn nữa, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Xin kính chúc đồng chí Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Chủ tịch MTTQ Việt Nam cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương, địa phương, các quý vị đại biểu sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.
Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn.
Nguồn: Phật Sự Online