Pháp đàm "Vu Lan Mọi Miền" tại Khóa tu Vu Lan Online 2024 - chủ đề: Bóng Cả Đời Con lần thứ 2
Mỗi năm, khi tháng Bảy âm lịch đến, lòng người Phật tử lại rộn ràng đón mùa Vu Lan báo hiếu. Đây là dịp để chúng ta nhớ về công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và tổ tiên, cũng như thắp lên ngọn lửa yêu thương, hiếu thảo trong mỗi trái tim.
Ở Việt Nam, Vu Lan không chỉ là một ngày lễ tôn giáo mà còn là dịp để mọi người thể hiện lòng hiếu thảo, tình cảm gia đình. Trong ngày này, các chùa tổ chức nhiều hoạt động như tụng kinh, cầu siêu, cúng dường và phát quà từ thiện... Người Phật tử thường đến chùa để dâng hương, cầu nguyện cho cha mẹ hiện tại được tăng phước tăng thọ và người quá vãng sớm được sanh về cõi an lành.
Đối với người Việt Nam ở hải ngoại, Vu Lan cũng là dịp để gắn kết cộng đồng, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc của quê hương.
Trên tinh thần gắn kết cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại Phân ban Phật tử Hải ngoại TƯ đã tổ chức khóa tu “ BÓNG CẢ ĐỜI CON ” lần 2 cho gần 200 Phật tử ở các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Cộng Hòa Séc, Mỹ, Việt Nam,…. Sau phần nghi lễ truyền thống là buổi pháp đàm với chủ đề “ VU LAN MỌI MIỀN” nhằm tạo cơ hội cho người Việt xa quê hương có dịp gặp gỡ, chia sẻ và cùng nhau hướng về cội nguồn Vu Lan.
Mở đầu cho buổi pháp đàm Đại đức Thích Hải Nguyện khái quát về các khóa lễ và những hoạt động truyền thống tại các tự viện trên khắp cả nước Việt Nam với 54 dân tộc anh em, qua tinh thần tứ trọng ân trong mùa Vu Lan và tinh thần ấy mỗi năm đều được nhân rộng hơn với tất cả tấm lòng của những người con luôn hướng về ông bà cha mẹ cữu huyền thất tổ thể hiện lòng hiếu hạnh của mình. Đó là nét đẹp truyền thống của Phật giáo Việt Nam trong mùa Vu Lan.
Sư cô Giác Lệ Hiếu góp phần chia sẻ về mùa Vu Lan tại Hàn quốc. theo lời Sư cô đặc trưng Vu Lan của Hàn Quốc gói gọn trong phần nghi thức trai đàn chẩn tế cho người mất, nên Vu Lan là hướng về tạo phước cho người khuất. Do đó, nhằm thu hút tín đồ Phật tử nên các chùa Hàn Quốc đã lồng ghép lễ thất tịch vào lễ Vu Lan nhằm truyền bá văn hóa Phật giáo đến số đông, qua các hoạt động chia sẻ ẩm thực chay tại quảng trường, giải thích ngắn gọn bài kinh Sức Mạnh Quán Thế Âm, kết quả giới trẻ đã tham dự rất đông. Tại Hàn Quốc hiện nay có 11 đạo tràng Việt Nam, các đạo tràng này, tổ chức lễ Vu Lan theo truyền thống Phật giáo Việt Nam rất long trọng suốt 1 tháng, ăn chay và tụng kinh Vu Lan và cài hoa hồng. Qua đó, đã duy trì truyền thống Vu Lan Phật giáo Việt Nam trên đất Hàn.
Tại Singapore Phật tử Anna Phạm pháp danh Đức Tuệ chia sẻ : Singapore có 80% là người Trung Quốc, vào tháng 7 đa số người Singapore đều sống chậm lại để tri ân báo hiếu người còn và kẻ mất. 20h đường phố sẽ vắng vì mọi người đi thăm cha mẹ và dùng cơm cùng gia đình. Tại các trung tâm, đều có các khóa tu tụng kinh cầu an. Đặc biệt là người Singapore rất tin phong thủy nên sẽ mang vật phong thủy đến chùa tụng kinh, họ cho là năng lượng sẽ được truyền vào vật phong thủy, sau đó sẽ đem đấu giá vật ấy và đem tiền cúng dường chùa. Vào tháng 7 các hàng quán chay phải đặt trước 1 tuần, hàng ăn mặn vắng khách qua đây ta thấy được tinh thần của người Singapore trong mùa Vu Lan. Tại Singapore chưa có chùa Việt chỉ có các group nhỏ tổ chức lễ Bông hông cài áo tri ân cha mẹ cho Phật tử Việt tại Singapore. Trong tháng 7 Singapore thường tụng kinh Quán Thế Âm, vì người Phật tử cho rằng có thể dùng sức mạnh Quan Âm hồi hướng cho cha mẹ cữu huyền thất tổ đây cũng là đặc điểm riêng của Singapore.
Đại đức Thích Tâm Quảng trụ trì chùa Bồ Đề tại Lào, có những chia sẻ như sau: lễ Vu Lan tại Lào sẽ được tổ chức vào ngày 14 và ngày rằm nhằm cầu phước thọ cho hàng Phật tử, để thể hiện lòng hiếu kính các người con sẽ rửa tay, chân cho cha mẹ. Đặc biệt là tại chùa Bồ Đề, trong mùa Vu Lan chỉ cài hoa hồng màu đỏ vì cho rằng cha mẹ còn hay mất đều luôn hiện diện trong trái tim. Vu Lan không chỉ tưởng nhớ công ơn cha mẹ mà còn phát huy nét đẹp văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Lào.
Phật tử Hoàng thị Phương pháp danh Linh Quang Phương du học sinh đã khái quát về Vu Lan tại Nhật Bản: Lễ hội Vu Lan tại Nhật còn gọi là lễ hội Obon được tổ chức trong 3 ngày. Tất cả mọi người đều được nghỉ lễ để hướng về cội nguồn ông bà cha mẹ, đi chùa và nhảy các điệu nhảy truyền thống, cùng cha mẹ mặc kimono xem bắn pháo hoa. Những người Việt tại Nhật trong những ngày này về chùa Việt, thưởng thức thiền trà, trồng cây, làm vườn … tạo nên cộng đồng Phật tử tại Nhật. Đến mùa Vu Lan đa số những người con xa xứ đều cảm nhận sự cô đơn khi ở đất lạ quê người, nhớ mái ấm gia đình nhớ về hai đấng sanh thành, và mong một ngày gần nhất có thể được trở về thăm cha mẹ báo đáp phần nào công ơn sanh thành dưỡng dục.
Đại đức Thích Thiện Tài trụ trì chùa Kim Cang tại Đài Loan nói về Vu Lan: Vu Lan của người Đài Loan nổi trội nhất là lễ trai tăng quốc tế được tổ chức tại 3 huyện khác nhau của Đài Loan, trong đại lễ hội tụ từ 2 đến 3 chục ngàn người. Phần nghi lễ truyền thống cũng có phần giống như nghi lễ Phật giáo Việt Nam. Trong lễ Vu Lan có sự góp mặt của người Việt sinh sống tại Đài qua các hoạt độngcúng dường, dâng tứ sự rất trang nghiêm. Và ở đây bất kỳ ai mang hình dáng tu sĩ đều được cúng dường. Đại đức khái quát câu chuyện con sư tử và người thợ săn, nhằm lột tả tấm lòng trọng tăng của người Đài. Tại Đài Loan có hai ngôi chùa Việt được cấp giấy phép chính thức là chùa Linh Ẩn và chùa Kim Cang. Tại đây, Tăng Ni cũng tạo nên chổ dựa tâm linh cho người Việt cùng về nương tựa, nhất là trong mùa Vu Lan cùng có nơi quy ngưỡng trở về, cầu nguyện cho hai đấng sanh thành cho những người thân thương.
Đại đức Thích Tuệ Minh phó trưởng phân ban Phật tử hải ngoại TƯ, đúc kết buổi pháp đàm: Qua những lời chia sẻ của đại diện các nước đã vẽ nên một bước tranh sinh động về mùa Vu Lan trên thế giới. Đại đức nhấn mạnh về đạo đức và công ơn sanh thành dưỡng dục của mỗi con người đó là ý nghĩa thiết thực nhất, mong rằng tinh thần Vu Lan ngày một lan tỏa trên thế giới khắp cõi nhân gian. Vu Lan không chỉ là dịp để nhớ về công ơn của cha mẹ mà còn là cơ hội để chúng ta sống chậm lại, nhìn nhận lại bản thân và cách chúng ta đối xử với những người xung quanh. Lòng hiếu thảo không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc cha mẹ mà còn là sự yêu thương, quan tâm và chia sẻ với mọi người trong xã hội.
Qua sự hướng dẫn của Đại đức Thích Thiện Hưng buổi pháp đàm đã dần khép lại trong sự trang nghiêm và lòng hoan hỷ. Dù ở bất kỳ nơi đâu, người Phật tử vẫn luôn hướng về cội nguồn, nhớ về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và tổ tiên. Hãy để mùa Vu Lan năm nay trở thành dịp để chúng ta thể hiện lòng biết ơn, yêu thương và chia sẻ với những người thân yêu và cộng đồng.
Tiểu Ban Truyền thông PB. PT. Hải Ngoại