Phật tử chùa Pháp Tạng viếng thăm, cúng dường các Trường hạ thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bến Tre
Chính nhờ sự trang nghiêm giới hạnh, tấn tu Tam vô Lậu học của chư Tăng Ni, sau lễ Tự tứ có nhiều vị đã chứng ngộ được các quả vị Thánh từ Sơ quả, Nhị quả, Tam quả đến quả Vô Sanh. Đây là nhân lành giúp chánh pháp được bảo tồn, là ruộng phước điền cho cả chư Thiên và loài người, cho chúng ta cơ hội thân cận Tam bảo. Nét đẹp đặc trưng này của đạo Phật vẫn được Việt Nam và một số nước trên thế giới bảo tồn và giữ gìn suốt hơn 2.500 năm qua.
Tạo cơ hội để quý Phật tử gieo trồng phước duyên với nhà Phật, đồng thời hỗ trợ – tạo điều kiện cho chư hành giả an tâm tu học qua việc ngoại hộ, cúng dường đến các hạ trường, ngày 21/6/2020 (nhằm ngày 01/5 năm Canh Tý), chùa Pháp Tạng (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) đã tổ chức chương trình cúng dường các Trường hạ trong và ngoài thành phố.
Được sự dẫn đoàn của Đại đức Thích Trí Huệ – Uỷ viên Thường trực Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN, Trưởng Phân ban Từ thiện Đối ngoại và Quan hệ Quốc tế TƯ, gần 300 Phật tử chùa Pháp Tạng đã đồng hành viếng thăm, cúng dường các vật phẩm và tịnh tài đến 04 hạ trường trong thành phố Hồ Chí Minh và 2 hạ trường tại tỉnh Bến Tre.
Mở đầu cho chuyến hành trình là hạ trường Hưng Phước, đây còn là ngôi Già lam mà Đại đức Thích Trí Huệ xuất gia tu học Phật pháp. Với trên 20 năm khai mở các khóa hạ, dưới sự dẫn dắt của cố Đại lão Hòa thượng Thích Hiển Pháp – nguyên Phó Pháp chủ kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN.
Đại đức trưởng đoàn đã tác bạch cúng dường trước sự chứng minh của chư Tôn đức trong Ban chức sự hạ trường và quý hành giả ACKH, với những vật phẩm và tịnh tài. Đại diện hạ trường, chư Tôn đức đã chứng minh lễ phẩm cúng dường và tán thán công đức của quý Phật tử và chúc phái đoàn được nhiều sức khỏe.
Đại đức trưởng đoàn hướng dẫn cho quý Phật tử niêm hương bạch Phật, tác pháp cúng dường lần lượt tại các hạ trường trong thành phố Hồ Chí Minh: Chùa Hưng Phước, chùa Từ Hạnh, Tu viện Tường Vân và Liên Hoa Ni viện.
Tại mỗi trường hạ, Đại đức Thích Trí Huệ thay mặt phái đoàn gửi lời vấn an sức khỏe đến chư Tôn đức Ban chức sự trường hạ và cầu chúc cho quý hành giả an cư thành tựu Giới thân – Huệ mạng, trưởng dưỡng đạo tâm khai nguồn tuệ giác, để duy trì cội gốc Phật pháp được trường tồn, nguyện chư Tôn đức mãi là tàng cây bóng mát che chở cho hàng Phật tử nương nhờ tu học trên con đường tầm đạo giác ngộ.
Chùa Từ Hạnh không chỉ là nơi tổ chức trường hạ hằng năm, mà đây còn là mái ấm tình thương của các bé mồ côi và cụ già neo đơn không nơi nương tựa. Được biết, năm nay là khóa hạ thứ ba được tổ chức để chư Ni trở về an cư tập trung tại trú xứ Từ Hạnh (quận Bình Tân) với hơn 100 hành giả an cư.
Hình ảnh tại chùa Từ HạnhXuyên suốt 9 năm tổ chức khóa hạ, như thông lệ mọi năm, năm nay Tu viện Tường Vân tiếp đón chúng nội thiền và ngoại thiền trên 120 hành giả ACKH.
Hình ảnh tại Tu Viện Tường VânChùa Liên Hoa – nơi đây là một hạ trường thường xuyên tổ chức các khóa an cư tập trung hàng năm.
Đại diện cho hành giả ACKH đã hứa khả nạp thọ lễ phẩm cúng dường cùng lời niệm ân đến phái đoàn và cầu nguyện cho các Phật tử, thân quyến phước duyên sung mãn, sở cầu như nguyện đều được thành tựu như ý, kẻ còn người mất đều được hàm triêm lợi lạc.
Rời thành phố, đoàn xe đến tỉnh Bến Tre cúng dường hai trường hạ tiêu biểu của miền đất xứ dừa: Chùa Viên Minh và Bạch Vân Ni viện.
Đến đảnh lễ và cúng dường trường hạ chùa Viên Minh, nơi này cũng là Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bến Tre, và là Trường Trung cấp Phật học tỉnh.
Chứng minh cho phái đoàn cúng dường trường hạ, HT. Thích Nhựt Tấn – Ủy viên Thường trực HĐTS, Trưởng BTS Phật giáo tỉnh Bến Tre, Thiền chủ hạ trường cùng quý hành giả ACKH đã quang lâm chứng minh.
Sau những lời tán thán công đức cho quý Phật tử đã trợ duyên chư hành giả an cư, mặc dù thế giới và cả Việt Nam vừa phải trải qua trận đại dịch lịch sử, những lời đạo từ sâu sắc của Hòa thượng về nghĩa lý mùa an cư, truyền thống an cư của các nước trên thế giới để quý Phật tử được tỏ thông.
Hòa thượng chỉ dạy rằng: Tuy chúng ta đã xa thời Phật, nhưng một khi nơi nào chư Tăng còn câu hội tu tập trong lục hòa, lấy Giới luật làm Thầy, lấy pháp làm con đường tu học thì nơi đó Phật pháp vẫn còn tồn tại. Chúng ta là đệ tử Phật, đã gieo hạt giống Bồ đề, nên cần biết cách vun trồng sao cho hạt nảy mầm và phát triển. Đặc biệt là nhiệm vụ cao cả của người cư sĩ tại gia trong việc ngoại hộ, giữ gìn truyền thống quý báu ACKH và giữ gìn để Phật pháp mãi trường tồn tại thế gian. Song hành với nhiệm vụ cao cả đó thì công đức của việc cung dưỡng một vị Tỳ kheo cũng lớn lao vô cùng.
Theo truyền thống nhà Phật, bất kể vị tu sĩ nào xuất gia, học đạo đều phải dự các khóa ACKH. Và đây cũng là tiêu chuẩn để ghi nhận tu sĩ tăng thêm tuổi đạo. Những lời đạo từ của Hòa thượng sẽ là nguồn động lực cho quý Phật tử thêm tín tâm, nỗ lực vừa hộ trì Tam bảo, vừa phấn đấu tu học.
Tiếp đến, phái đoàn đến Bạch Vân Ni viện – một trú xứ đi đầu trong các hoạt động hoằng dương chánh pháp và sinh hoạt tu học của Phân ban Ni giới tỉnh. Thể theo đường hướng mà Đức Phật chỉ dạy, đây là năm thứ 31 mà Ni viện tổ chức khóa ACKH cho hành giả Ni về rèn trau giới đức.
Sau lời tán thán công hạnh của phái đoàn và quý thiện nam tín nữ, Ni trưởng Thiền chủ đã gửi đến đoàn những lời chỉ dạy chân tình. “Duy Tuệ Thị Nghiệp” là yếu chỉ của nhà Phật.
Bên cạnh việc ngoại hộ cho chư Tôn đức Tăng Ni trong mùa an cư và tạo các công đức lành vun trồng hạt giống thiện tâm, quý Phật tử còn phải gia tâm tu tập, theo gương chư Tăng Ni để đạo tâm tăng trưởng, hướng đến sự giải thoát, giác ngộ trong tương lai. Có như vậy mới đầy đủ ý nghĩa hộ trì Tam bảo, báo Phật ân đức.
Trước khi kết thúc chương trình, tạo điều kiện cho quý Phật tử tăng trưởng Bồ đề tâm, đoàn đã tổ chức viếng thăm Tứ Đại Động Tâm và cúng dường tại Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác (Tiền Giang).
Dù rằng không thật sự viếng thăm các Tứ Động Tâm nơi Thánh Địa Nepal và Ấn Độ nhưng hình ảnh Đức Phật sẽ mãi tồn tại ở trong trái tim của những người con Phật, tình thương kính và sự xúc động của quý Phật tử khi chiêm bái các Thánh tích đã thể hiện lên điều đó. Tuy rằng cách xa thời Phật, nhưng theo lời di huấn của chư Tôn Thiền đức, ai nấy đều nguyện lòng học và hành theo lời Phật dạy để lưu truyền chánh pháp Như Lai, mang lại an lạc và hòa bình cho bản thân và xã hội.
Chơn Niệm Nguyệt - Nguồn: Phật Sự Online