Phóng sự: Hành hương về miền Đất Phật – Hệ đào tạo từ xa HVPGVN (TP.HCM) ngày thứ 3
Ngày 02/01/2021 Đoàn hành hương của HVPGVN tại TP.HCM bước sang ngày thứ 3 với điểm đến là danh thắng Trúc Lâm Yên Tử. Đây là khu di tích Quốc gia đặc biệt tại xã Thượng Yên Công, TP. Uông Bí tỉnh Quảng Ninh, nơi Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã xuất gia tu hành và hóa Phật.
Núi Yên Tử là một khu rừng nguyên sinh. Quần thể Di tích này có tọa độ trung tâm từ 21005’ đến 21009’ vĩ độ Bắc và 106043’ đến 106045’ kinh độ Đông, phân bố ở địa bàn 03 tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương. Độ cao trung bình của núi trên 600m, đỉnh cao nhất là ngọn núi Yên Tử có độ cao 1.068m so với mực nước biển.Tại đây, nhiều di tích lịch sử, văn hóa vẫn đang được bảo tồn.
Nơi đây từ trước Công nguyên, đạo sĩ An Kỳ Sinh đã tu hành và đắc đạo. Đặc biệt, Yên Tử đã được đầu tư xây dựng thành khu Quần thể kiến trúc chùa, tháp có quy mô to lớn. Khởi đầu là Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông) đến Yên Tử tháng 4 năm Bính Thân (1236). Sau đó, Vua Trần Nhân Tông đại thắng quân Nguyên – Mông vào năm 1285 và 1288 đã nhường ngôi báu để lên núi Yên Tử tu hành.
Năm 1299, vua Trần Nhân Tông đã chính thức thành lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và là vị Sư Tổ thứ nhất mang Phật danh Điều Ngự Giác Hoàng. Sau đó là Sư Tổ Pháp Loa và Huyền Quang Tôn Giả. Cả ba vị được gọi là Trúc Lâm Tam Tổ.
Từ đó, Yên Tử trở thành kinh đô tư tưởng của Phật phái Trúc Lâm, đánh dấu sự phát triển triết học và tư tưởng của Phật giáo dân tộc Việt Nam. Gắn liền với lịch sử phát triển dòng thiền Trúc Lâm tại Yên Tử là việc xây dựng và hình thành một quần thể các công trình kiến trúc gồm nhiều chùa và hàng trăm am, tháp, mộ, bia, tượng. Quần thể kiến trúc này được đặt trong một tổng thể cảnh quan hùng vĩ, trải dài hàng chục km tạo thành Quần thể di tích và danh thắng Quốc gia đặc biệt Yên Tử.
Yên Tử là Trung tâm Phật giáo Thiền Tông thuần Việt, do người Việt sáng lập ra. Đây là nơi hội tụ của các công trình kiến trúc cổ kính do chư Tăng Ni, Phật tử và triều đình phong kiến của các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn xây dựng, tu bổ và tôn tạo. Những công trình này đã phản ánh khá rõ nét sự phát triển của kiến trúc, mỹ thuật, điêu khắc, tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.
Khách hành hương đến thăm chiêm bái quần thể danh thắng Yên Tử vừa tìm hiểu, cảm nhân sự linh thiêng nơi đất Phật với các kiệt tác của thiên nhiên và các công trình tâm linh Phật giáo vừa thu nạp được những năng lượng tốt, mở rộng kiến thức về Phật học, thiền học cũng như ân đức cao dày của các bậc tổ sư tiền bối.
Trước đây, chỉ có duy nhất một con đường mòn với vách dựng đứng qua hàng ngàn bậc đá để lên núi Yên Tử. Ngày nay, du khách có thêm sự lựa chọn để lên núi bằng các tuyến cáp treo.
Điểm đến đầu tiên là “Cung Trúc Lâm là công trình xây dựng trong không gian hiện đại nhưng lại mang hồn cốt dân tộc. Đây là công trình mang phong cách kiến trúc độc đáo để phục vụ cho các hoạt động hành hương, hội họp, tham quan, lễ Phật, thưởng ngoạn, trải nghiệm, tu tập… ở Yên Tử.
Công trình được xây dựng trong 2 năm và đã hoàn thành giai đoạn 1, trên diện tích rộng hơn 6.000m2, do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư.
Chiêm bái và viếng thăm khu lăng mộ nhà Trần, qua hàng trăm bậc đá đến với Chùa Hoa Yên hay chùa Cả ở độ cao 543m. Đây là ngôi chùa to nhất với Tiền Đường, Hậu Cung, có Tả vu Lầu Chuông, Hữu vu Lầu Trống và nhà thờ Tổ, tạo nên không gian kiến trúc kiểu “Nội công, ngoại quốc”.
Trải nghiệm tiếp theo là Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được đúc liền khối bằng đồng nguyên chất. Tượng đúc ngồi trên bệ được làm bằng bê tông cốt thép ốp đá điêu khắc cao 2,7 mét, phần đài sen và tượng cao 9,9 mét. Tổng thể tượng cao 12,6m, trọng lượng nặng 138 tấn được dựng trên khu đất rộng 2.200 m2. TT. Giác Hoàng – trưởng đoàn đã tổ chức chương trình niêm hương bạch Phật và cùng đại chúng tụng một thời kinh cầu cho Quốc thái dân an, chúng sinh được an lạc.
Cuối cùng là chùa Đồng một công trình độc nhất vô nhị không chỉ bởi kiến trúc, điêu khắc độc đáo mà còn bởi ý nghĩa tâm linh to lớn của nó. Chùa nặng khoảng 70 tấn, dài 4,6m, rộng 3,6m và chiều cao từ cột nền tới mái là 3,35m. Các hoa văn, họa tiết trên đầu đao, bệ mái mang đậm phong cách đời Trần. Toàn bộ xà ngang, xà dọc đều đúc hình đầu rồng. Bốn đầu chùa hình mái vẩy, trông tựa như hình bông sen đang nở vươn lên.
Người ta vẫn truyền miệng nhau rằng ai đi Yên Tử được 3 năm liên tiếp thì ước gì được nấy. Điều này được diễn đạt qua ý thơ sau:
Trăm năm tích đức tu hành
Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu.
Tại đỉnh thiêng chùa Đồng, TT. Giác Hoàng đã chia sẻ một thời pháp tới đại chúng và về cảm nhận linh khí của đất trời sông núi hội tụ nơi đây. Trong bài pháp cũng như một bài giảng của TT giảng sư tại Chùa Đồng có giá trị thực tiễn để các học viên được thực hành cảm nhận một cách sâu lắng và linh thiêng.
Buổi Chiều đoàn hành hương đã di chuyển về thăm tòa thành cổ Luy Lâu cách Hà Nội chừng 30km, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và tôn giáo đầu tiên của nền văn minh sông Hồng với lịch sử hình thành khoảng hơn 2.000 năm trước và đã phát triển không ngừng trong nhiều thế kỷ.
Ghé thăm di tích chùa Dâu, ngôi chùa cổ rất nổi tiếng có từ buổi đầu Công nguyên. Kiến trúc gỗ của ngôi chính điện được dựng lại dưới thời Nguyễn. Một số thành phần kiến trúc có từ thời Trần rất quý giá.
Điểm kết thúc của ngày hành hương thứ ba là gia đình một Phật tử và cũng là học viên của Khóa 6 hệ ĐTTX gia đình anh Lê Phúc Tuấn (PD: Đức Điền) tại Ninh Hiệp, tỉnh Bắc Ninh. Tại đây TT. Thích Giác Hoàng đã gặp gỡ giao lưu và chia sẻ một thời Pháp với đạo tràng và tán thán công đức của gia đình Phật tử thuần thành đã dành một không gian thờ Phật và là nơi tu tập của một Đạo tràng tại địa phương.
Toàn thể Đại chúng có một ngày hành hương chiêm bái và tu học đầy ý nghĩa.
Hành trình của đoàn sẽ được Phóng viên của Phật sự Online tiếp tục đưa tin.
PV: Tronghaitb - Nguồn: Phật Sự Online