Quảng Ninh: Đại lễ tưởng niệm 711 năm Đức Vua – Phật Hoàng Tràn Nhân Tông nhập Niết Bàn
Sáng ngày 26 tháng 11 năm 2019, nhằm ngày 1 tháng 11 năm Kỷ Hợi, tại Cung Trúc Lâm – Trung tâm văn hóa Trúc Lâm – xã Thượng Yên Công – thành phố Uông Bí – tỉnh Quảng Ninh, BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đã trang nghiêm tổ chức Đại lễ tưởng niệm 711 năm Đức vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn (1308 – 2019).
Chứng minh buổi lễ có: Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nghiệp – Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN cùng chư vị Hòa thượng Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN: Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Hòa thượng Thích Gia Quang, Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Hòa thượng Thích Quảng Xả; Thượng tọa Thích Thanh Quyết – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban giáo dục Phật giáo TƯ, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh; Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký HĐTS GHPGVN cùng chư tôn đức trong HĐTS, chư Tôn đức trong BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh và quý chư Tôn đức trụ trì các chùa, tự viện tại các tỉnh thành phía Bắc.
Văn nghệ cúng dàng Đại lễ
Về phía lãnh đạo chính quyền có: ông Nguyễn Tiến Trọng – Phó cục trưởng Cục an ninh nội địa Bộ Công An; ông Vũ Ngọc Tuấn – Phó trưởng Ban dân vận Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh; ông Nguyễn Đăng Kiên – Trưởng Ban tôn giáo tỉnh Quảng Ninh; ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí; ông Đặng Đình Sách – Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch UBND thành phố Uông Bí; ông Bùi Đình Tuấn – Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm cùng quý vị lãnh đạo đại diện cho các cơ quan chức năng, ban ngành TƯ và địa phương, cùng đông đảo nhân dân tín đồ Phật tử thập phương đã về tham dự đại lễ.
Mở đầu đại lễ, để ôn lại cuộc đời, sự nghiệp, đạo hạnh và công đức cao cả của Đức vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu đã cung tuyên tiểu sử của Ngài.
Đức Vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308) là người có vị trí đặc biệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Với Đời, Ngài là vị vua anh minh kiệt xuất, đã lãnh đạo nhân dân 2 lần đánh thắng giặc Nguyên – Mông, một đội quân xâm lược mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Sau khi nhường ngôi báu cho người kế vị, Ngài đã dành tâm huyết để xây dựng và thực thi kế sách khoan hòa trong nhân dân, đề ra chính sách dưỡng dân, an dân, để xây dựng, mở mang đất nước. Phật Hoàng Trần Nhân Tông không chỉ là một nhà chính trị xuất sắc, nhà quân sự tài ba mà còn là một nhà tư tưởng lớn. Ngài là người sáng lập dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử mang đậm dấu ấn Việt; kết nối và tổ chức giới tu hành thành giáo hội, kết dựng Thiền phái với tư tưởng hòa quang đồng trần, giải thoát không rời thế gian. Những đóng góp to lớn của Ngài đã được sử sách ghi nhận là “vị vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trung hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần”.
Tiếp đến, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN thay mặt GHPGVN đọc văn tưởng niệm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Trong không khí trang nghiêm, thành kính, chư tôn đức Tăng Ni cùng quý quan khách và toàn thể đại chúng đã làm lễ niêm hương bạch Phật, cung tiến Phật hoàng và cầu nguyện quốc thái dân an.
Hoàng Tuấn – Thành Trung – Diệu Tường
Nguồn: Phật Sự Online