Thái Bình: BTS GHPGVN tỉnh trang nghiêm tổ chức Đại lễ Phật đản PL 2564 – DL 2020
Sáng 05/05, tại chùa Thánh Long, trụ sở của BTS GHPGVN tỉnh (phường Kỳ Bá, TP. Thái Bình), đã trang nghiêm long trọng tổ chức Đại lễ Phật Đản PL. 2564 – DL. 2020.
Tham dự Đại lễ có: Trưởng lão HT. Thích Thanh Dục – Ủy viên Thường trực HĐCM, Chứng minh BTS Phật giáo tỉnh; TT. Thích Thanh Hòa – Ủy viên HĐTS, Trưởng BTS Phật giáo tỉnh; TT. Thích Thanh Định – Ủy viên HĐTS, Phó ban Thường trực BTS Phật giáo tỉnh Thái Bình, cùng quý Tôn đức Tăng, Ni BTS Phật giáo tỉnh và BTS Phật giáo các huyện thị trong tỉnh.
Chính quyền tham dự có: ông Nguyễn Văn Giang – Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh; Thượng tá Nguyễn Thanh Trường – Giám đốc CA tỉnh; ông Phạm Văn Nghiêm – Giám đốc sở Nội vụ tỉnh; ông Trần Quang Minh – Phó Trưởng ban dân vận tỉnh; ông Nguyễn Quang Minh – Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh; ông Hoàng Văn Thành – Phó Bí thư Thành ủy, cùng đại diện Sở Nội vụ, Ban Tôn giáo, Công an tỉnh, lãnh đạo TP và các cơ quan hữu quan đồng tham dự.
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đón nhận lẵng hoa chúc mừng và tình cảm nồng hậu của các vị lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội.
Mùa Phật đản năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, BTS Phật giáo Thái Bình, cũng như các Tự viện trong tỉnh thực hiện nghiêm về quy định phòng và chống dịch bệnh của Chính phủ và thông tư hướng dẫn về việc tổ chức Đại lễ Phật đản PL.2564 của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã tổ chức ngày lễ Phật đản theo đúng các quy định phòng dịch, cử hành Đại lễ Phật đản với thành phần không quá 20 người, các đại biểu tham dự lễ phải theo dõi y tế, thân nhiệt, sức khỏe. Trước ngày diễn ra đại lễ 2 tuần, phối hợp với cán bộ y tế địa phương (phường, xã) tiến hành kiểm tra y tế trước khi diễn ra buổi lễ, giữ khoảng cách an toàn, thường xuyên đeo khẩu trang và bố trí nước sát khuẩn tại khu vực sảnh chờ.
Đại lễ Phật đản năm nay, Phật giáo Thái Bình tổ chức tuy có đơn giản hơn những năm trước nhưng các nội dung và hình thức của buổi lễ đầy đủ và trang nghiêm chương trình lễ Phật đản có các nghi thức chính – niệm Phật cầu gia hộ, tuyên bố lý do, Niêm hương bạch Phật và lễ tắm Phật.
TT. Thích Thanh Hòa, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh đã tuyên đọc thông điệp của Đức Pháp chủ HĐCM GHPGVN gửi Tăng Ni, cư sĩ Phật tử Việt Nam nhân dịp Đại lễ Phật đản PL. 2564 – DL. 2020.
Thông điệp năm nay của Đức Pháp chủ kêu gọi toàn thể chư Tôn đức Tăng Ni, cư sĩ, đồng bào Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài bằng các hành động thiết thực đóng góp sức mình đoàn kết cùng toàn xã hội vượt qua khó khăn, thách thức để tiếp tục xây dựng Giáo hội cũng như đất nước Việt Nam vững mạnh trường tồn phát triển trên mọi lĩnh vực của đời sống .
Tiếp theo, TT.Thích Thanh Định – Phó trưởng BTS tuyên đọc diễn văn Phật đản của BTS, kêu gọi Tăng Ni Phật tử trong tỉnh cùng đoàn kết hoàn thành Phật sự năm 2020, phát huy trí tuệ tập thể, đổi mới, sáng tạo trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp.
Sau đó là nghi thức chính, lễ tắm Phật hay còn gọi là lễ Mộc dục. Chư Tôn đức cùng quý vị lãnh đạo đã trang nghiêm và thành tâm thực hiện nghi lễ trong tiếng nhạc thiền thanh tịnh linh thiêng.
Trong lễ Phật đản, nghi thức này có ý nghĩa đặc biệt tắm Phật là một cơ hội để hành giả thực tập nếp sống chánh niệm, trau dồi lòng khiêm cung, hướng tâm nhiệt thành đến Đức Phật, do vô minh nên chúng sanh tạo vô số oan nghiệp, tâm thức luôn bị vẩn đục bởi những tố chất nhiễm ô của phiền não, tà kiến. Do vậy, mỗi khi được tắm Phật, tâm của chúng ta được lắng đọng trong niềm tôn kính thanh tịnh. Đó là cơ duyên hy hữu để mỗi người gội rửa thân tâm, sám hối những lỗi lầm trong bao đời, để từ đây hướng đời mình đến sự tịnh hóa ba nghiệp, từ bỏ những niềm vui tầm thường, mong manh thế tục để tìm đến niềm an lạc đích thực của tâm hồn.
Tiếp đến, là tụng nghi thức Khánh đản, Kinh Chuyển pháp luân để kính mừng Phật đản PL.2564. Cầu nguyện cho dịch Covid -19 được tiêu trừ; cầu nguyện quốc thái dân an, sớm ổn định, phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân. Trong suốt chiều dài lịch sử Dân tộc, Phật giáo luôn gắn liền, đồng hành cùng dân tộc, không chỉ làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam mà bằng các hành động thiết thực của mình, các chức sắc, tín đồ, đồng bào Phật tử đã có những đóng góp không nhỏ vào công cuộc dựng nước và giữ nước. Phật giáo Việt Nam ngày nay tiếp tục thể hiện tinh thần nhập thế, luôn gắn bó cùng Đảng, Nhà nước và Nhân dân thực hiện nhiều hoạt động chung tay mang lại một xã hội nhân hòa, góp phần xây dựng, phát triển đất nước, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Giáo hội Phật giáo .
CTV: Trọng Hải TB
Nguồn: Phật Sự Online