Thông điệp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh gửi đến Liên Hiệp Quốc về vấn đề biến đổi khí hậu
Hành tinh xinh đẹp, rộng lớn và đầy sức sống mà chúng ta gọi là trái đất, đã sinh ra mỗi người chúng ta và mỗi chúng ta đều mang trái đất trong từng tế bào cơ thể mình.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Ta với trái đất là một
Trái đất là Mẹ của chúng ta. Trái đất nuôi dưỡng và bảo vệ ta từng giây từng phút. Trái đất cho chúng ta không khí để thở, nước trong để uống, thực phẩm để ăn và những cây thuốc hiền lành để ta trị bệnh. Mỗi hơi thở vào của chúng ta đều có chứa khí ni-tơ, khí oxy, hơi nước và những nguyên tố vi lượng của trái đất. Nếu thở có chánh niệm thì ta có thể chứng nghiệm được sự tương tức giữa ta với bầu khí quyển mỏng manh của trái đất, với cây cỏ, và với cả mặt trời, vì nếu không có mặt trời thì sự quang hợp sẽ không thể xảy ra. Với mỗi hơi thở, ta có thể chứng nghiệm được sự dung thông (communion), với mỗi hơi thở ta có thể nếm được những mầu nhiệm của sự sống.
Chúng ta cần thay đổi cách ta suy nghĩ và cách ta nhìn sự vật. Ta cần biết rằng trái đất không chỉ là môi trường sống của ta mà thôi. Trái đất không phải là một thực thể ở ngoài ta. Nếu thở có chánh niệm và quán chiếu hình hài của mình, ta sẽ nhận ra rằng ta là trái đất, ý thức của ta cũng là ý thức của trái đất. Nhìn chung quanh ta, tất cả những gì ta thấy đều không phải là môi trường của ta mà chính là ta.
Trái đất – Mẹ của muôn loài
Dù thuộc quốc tịch nào, nền văn hóa nào, dù theo tôn giáo nào - Phật tử, tín đồ Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo hay người theo chủ nghĩa vô thần - thì ta cũng có thể thấy trái đất không phải là một vật vô tri. Trái đất đã cho ra đời nhiều vị Bụt, Bồ tát, những nhà tiên tri, những vị thánh, những người con trai, con gái của Thượng Đế và loài người. Trái đất là một bà mẹ đã nuôi dưỡng, bảo vệ mọi người và mọi loài với một tình thương không phân biệt, không kỳ thị.
Khi nhận ra rằng trái đất không chỉ là môi trường, chúng ta sẽ thấy cần phải bảo vệ trái đất như là bảo vệ chính mình. Đó là một sự tỉnh thức, một sự giác ngộ mà ta cần phải có. Tương lai của hành tinh này tùy thuộc vào khả năng chúng ta có thể nuôi lớn tuệ giác đó hay không. Trái đất và các chủng loại sống trên đó đang ở trong tình trạng nguy hiểm thật sự. Nếu xây dựng được mối liên hệ sâu sắc với trái đất thì ta sẽ có tình thương, có sức mạnh và tuệ giác để thay đổi lối sống của mình.
Dù thuộc quốc tịch nào, nền văn hóa nào, dù theo tôn giáo nào - Phật tử, tín đồ Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo hay người theo chủ nghĩa vô thần - thì ta cũng có thể thấy trái đất không phải là một vật vô tri.
Tình yêu dành cho trái đất
Ai trong chúng ta cũng đều có thể kinh nghiệm được cái cảm giác đầy kính ngưỡng và thương yêu khi ta thấy được vẻ đẹp, sự hài hòa và thanh tú của trái đất. Chỉ cần nhìn vào một cánh hoa anh đào, một chiếc vỏ ốc hay một con dơi là có thể thấy được tính sáng tạo tuyệt vời của đất Mẹ. Những tiến bộ về khoa học kỹ thuật giúp chúng ta thấy được thêm những mầu nhiệm của trái đất, vì vậy mà càng thêm khâm phục và thương yêu hành tinh kỳ diệu này. Khi chúng ta đã thật sự thấy và hiểu được trái đất thì tình thương sẽ ứa ra trong trái tim ta. Ta cảm thấy kết nối, gắn bó mật thiết với đất Mẹ. Đó là ý nghĩa của tình yêu: ta trở thành một với đối tượng thương yêu.
Chỉ khi nào ta yêu đất Mẹ thật sự thì hành động của ta mới phát xuất từ sự tôn kính và từ tuệ giác tương tức. Hiện nay rất nhiều người đang đánh mất liên hệ với đất Mẹ. Chúng ta bị lạc lối, xa cách và cô đơn. Chúng ta làm việc quá nhiều. Đời sống của ta quá bận rộn. Tâm ta trở nên bất an, tán loạn và ta đánh mất mình trong sự tiêu thụ. Nhưng đất Mẹ luôn có mặt đó cho ta, hiến tặng cho ta những thứ cần thiết cho sự nuôi dưỡng và trị liệu: những hạt ngũ cốc mầu nhiệm, những dòng nước mát trong, những cánh rừng thơm ngát, những đỉnh núi tuyết hùng vĩ và tiếng chim hót tươi vui của buổi bình minh.
Hạnh phúc chân thật được làm bởi tình thương
Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng cần phải có nhiều tiền hơn, nhiều quyền lực hơn, nhiều địa vị hơn thì mới có thể hạnh phúc. Chúng ta quá bận rộn chạy theo tiền bạc, uy quyền và địa vị nên thờ ơ trước những điều kiện hạnh phúc đang có mặt đó cho ta. Đồng thời chúng ta tự đánh mất mình trong sự mua sắm và tiêu thụ những thứ không cần thiết, tạo thêm áp lực đè nặng lên thân thể của chúng ta và trái đất. Trong khi đó, phần lớn những gì ta ăn, ta uống, ta xem hay ta nghe là những thứ độc hại. Nó làm cho thân tâm ta bị ô nhiễm bởi bạo động, giận dữ, sợ hãi và tuyệt vọng.
Cũng như môi trường vật lý bị ô nhiễm không khí, môi trường nhân loại cũng đang bị ô nhiễm tâm linh với bầu không khí độc hại do cách tiêu thụ của chúng ta tạo ra. Chúng ta cần tiêu thụ như thế nào để có thể duy trì được bình an và hạnh phúc trong tự thân. Chỉ khi nào loài người chúng ta có một nếp sống bền vững thì nền văn minh của nhân loại mới có thể bền vững được.
Hạnh phúc có thể có được bây giờ và ở đây. Chúng ta không cần phải tiêu thụ thật nhiều mới có thể hạnh phúc. Thật ra ta có thể sống rất giản dị. Nếu có chánh niệm thì mỗi giây phút đều có thể trở thành một giây phút hạnh phúc. Thưởng thức một hơi thở, cho phép mình dừng lại để ngắm bầu trời xanh, thưởng thức trọn vẹn sự có mặt của một người thương, chỉ như vậy thôi cũng đã quá đủ để cho ta hạnh phúc. Mỗi người trong chúng ta cần phải trở về để kết nối lại với chính mình, với những người thương của mình và với trái đất. Tiền bạc, uy quyền và sự tiêu thụ không cho ta hạnh phúc, mà ta chỉ có hạnh phúc thực sự khi trong trái tim ta tràn đầy tình thương và sự hiểu biết.
Chúng ta không cần phải tiêu thụ thật nhiều mới có thể hạnh phúc. Thật ra ta có thể sống rất giản dị. Nếu có chánh niệm thì mỗi giây phút đều có thể trở thành một giây phút hạnh phúc.
Chiếc bánh mì trong tay ta chứa đựng cả vũ trụ
Chúng ta phải tiêu thụ như thế nào để nuôi dưỡng lòng từ bi trong ta. Hiện nay nhiều người trong chúng ta đang tiêu thụ một cách rất bạo động. Những khu rừng đang bị tàn phá để làm đồng cỏ nuôi gia súc lấy thịt hay để trồng ngũ cốc làm rượu, trong khi hàng triệu người trên thế giới đang chết đói. Nếu ta giảm ăn thịt và uống rượu xuống 50% thì đó là một hành động thương yêu, thương yêu chính mình, thương yêu trái đất và những loài khác. Ăn với lòng từ bi có thể giúp làm thay đổi tình trạng mà hành tinh của ta đang lâm vào và thiết lập lại sự cân bằng cho chúng ta và cho trái đất.
Không có gì quan trọng hơn tình huynh đệ
Cần phải có một cuộc cách mạng và cuộc cách mạng đó cần bắt đầu từ chính trong mỗi người chúng ta. Chúng ta phải thức tỉnh và thương yêu trái đất. Chúng ta đã là homo sapiens (con người có trí tuệ) trong một thời gian dài, bây giờ đã tới lúc chúng ta phải trở thành homo conscious (con người có ý thức, có chánh niệm). Tình thương và sự kính phục đối với trái đất có sức mạnh gắn kết chúng ta lại với nhau, lấy đi những biên giới, những chia cách và kỳ thị. Những thế kỷ của chủ nghĩa cá nhân và cạnh tranh đã gây ra sự tàn phá và chia cách rất lớn. Chúng ta cần tái lập sự truyền thông thật sự với chính mình, với đất Mẹ và với những chủng loại khác trên hành tinh này với tư cách là những đứa con cùng chung một mẹ. Chúng ta cần phát minh ra nhiều kỹ thuật tân tiến hơn để bảo vệ hành tinh này. Chúng ta cần những cộng đồng thật sự và cần sự hợp tác với nhau.
Tất cả các nền văn minh đều vô thường và phải tàn hoại một ngày nào đó. Nhưng nếu chúng ta vẫn tiếp tục đi theo lối sống như hiện nay thì văn minh nhân loại sẽ bị hủy diệt sớm hơn là ta nghĩ. Trái đất có thể sẽ cần vài triệu năm để trị liệu, để lấy lại sự cân bằng và phục hồi lại vẻ đẹp của mình. Trái đất có khả năng phục hồi, nhưng loài người chúng ta và những chủng loại khác sẽ biến mất cho tới khi trái đất tạo ra đủ những điều kiện để đưa chúng ta trở lại dưới những hình thức mới. Khi ta chấp nhận được sự vô thường của nền văn minh nhân loại một cách bình an thì ta sẽ thoát khỏi sự sợ hãi. Lúc đó ta mới có sức mạnh, tuệ giác và tình thương để đoàn kết lại với nhau. Trân quí và thương yêu trái đất, đó không phải là bổn phận, mà là vấn đề hạnh phúc cũng như sự sống còn của cá nhân và của mọi người trên hành tinh này.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Nguồn: Phật Giáo Việt Nam