Thương Cha Một Đời Mưa Nắng "Lá thư mùa Vu Lan số 2" - Khóa tu Vu Lan Online 2024
Từ rất lâu rồi, văn chương thường ca ngợi công lao trời biển của mẹ, sự hy sinh cao cả của mẹ dành cho con. Vì mẹ xuất hiện trong cuộc đời như vị Bồ tát Quán Thế Âm dịu dàng, gần gũi. Nhưng với cha, Người đại diện cho sự cứng rắn, nghiêm nghị, khó tính và kiệm lời, áp lực từ cuộc sống, trụ cột kinh tế của gia đình khiến cha rất vụng về khi thể hiện tình cảm với con, làm cho mối quan hệ cha con mỗi ngày thêm xa cách.
Dù vậy, tận sâu thẳm trái tim, bất chấp mọi khoảng cách, rào chắn, tình yêu thương cha dành cho con không thể lấy gì để sánh ví, cân đo. Mùa Vu lan năm 2024, Phân ban Phật tử Hải ngoại Trung ương tổ chức cuộc thi “Lá Thư Mùa Vu Lan”, để quý Phật tử và các bạn trẻ khắp nơi trên thế giới được bày tỏ tấm lòng dành cho cha và mẹ. Thật cảm động vì trong hàng chục bài viết gửi về, rất nhiều tấm lòng hướng về cha, tri ân và tưởng nhớ đến cha bằng tình yêu thương và sự kính trọng vô ngần.
Xuôi về miền Tây thân thương, bạn trẻ Quách Đồng Đằng đến từ Bạc Liêu bộc bạch: “Cha - ngôn ngữ văn chương cũng luôn dành những lời cao quý nhất cho Người:
“Cha dành hết mọi đắng cay
Cho con vị ngọt những ngày ấu thơ
Cha dành khó nhọc từng giờ
Đắp xây cuộc sống ước mơ gia đình
Cho con cuộc sống đẹp xinh
Cho con tất cả ân tình thương yêu”
Cha âm thầm chịu đựng, dang rộng vòng tay chống chọi với bão táp phong ba của cuộc đời. Cho con được đứng vững để đi tới tương lai. Khi chúng ta mỗi ngày thêm lớn khôn thì gánh nặng gia đình đè lên vai Cha ngày một nhiều. Thời gian âm thầm đã lấy đi của Cha thời trai trẻ, trên trán Cha giờ đây đã hằn lên những vết nhăn không thể xóa mờ. Cha ơi! Thực sự con không thể nào nhận ra hết sự hi sinh cao cả của Cha trong suốt cuộc đời. Cha là thân cây tùng vững chắc, là trụ cột của gia đình để che chở cho Mẹ và các con. Cha dùng lý trí, Cha cầm cân nảy mực, dìu dắt cho con từng bước trong trưởng thành, suốt đời mình Cha luôn dành những gì ngọt ngào, sung sướng nhất cho con, nhận về phần mình những chông gai vất vả. Cha đưa cả tấm lưng gầy. Chở che con đến ngày khôn lớn. Tình thương con Cha thường giấu vào trong, nghiêm khắc khi con khờ lỡ dại. Con có được tính cách đạo đức tốt lành trong xã hội như ngày hôm nay cũng từ Cha mà có. Công lao dạy dỗ con nên người của Cha thật cao cả, khôn lường”.
Đến với đất nước Hàn Quốc xa xôi, bạn Phạm Văn Đạt hối lỗi: “Mùa Vu Lan năm nay, lòng con lại trỗi dậy bao nỗi nhớ. Nhớ về tuổi thơ hồn nhiên, nhớ về những kỷ niệm bên Ba và cả những lần con đã khiến Ba phải buồn lòng. Con thật sự ân hận vì đã từng cãi lời Ba sau cái ngày tốt nghiệp Đại học định mệnh ấy. Con đã quyết định sang Hàn Quốc sống tự lập, mặc cho sự lo lắng, khuyên can của Ba và Má. Lúc đó, con còn quá trẻ và bồng bột, không hiểu hết nỗi lòng của Ba. Giờ đây, khi đã trải qua nhiều khó khăn, con mới nhận ra rằng, Ba luôn là người bạn đồng hành, là chỗ dựa vững chắc nhất của con.
Ba ơi, con trai luôn ngưỡng mộ Ba. Ba là người đàn ông mạnh mẽ, quyết đoán và luôn đặt gia đình lên hàng đầu. Ba đã dạy con rất nhiều điều quý giá trong cuộc sống. Con biết ơn Ba vì tất cả những gì Ba đã dành cho con. Mặc dù Ba là một người cha nghiêm khắc, nhưng con luôn cảm nhận được tình yêu thương bao la của Ba lo lắng cho con. Con hứa sẽ cố gắng trở thành một người con ngoan và thành đạt ở xứ sở Kim Chi này, để có thể ngẩng cao đầu về thăm Ba. Con cầu nguyện Đức Phật luôn gia hộ cho Ba thật nhiều sức khỏe và bình an! Con yêu Ba nhiều lắm! Con trai của Ba, Phạm Văn Đạt”.
Cùng tâm trạng thương nhớ cha đang đau yếu ở quê nhà, bạn Nguyễn Thị Hồng Thảo đến tử Nhật Bản đã khóc rất nhiều khi tâm sự cùng ba: “Ba ơi! Con gái viết thư vào giờ này cũng đã là đêm muộn ở Yokohama. Lòng con ngập tràn bao nỗi nhớ và xót xa. Mùa Vu Lan năm 2024 lại đến, nghĩ về gương hiếu hạnh của Tôn giả Mục Kiền Liên, con lại nhớ đến Ba Mẹ da diết. Mẹ đã bỏ ba cha con mình đi xa. Từ ngày Mẹ mất, mùa Vu Lan nào con cũng buồn và thấy lòng mình trống vắng, vì chẳng được cài hoa hồng máu đỏ như mọi người còn mẹ ngoài kia. Mẹ mất rồi, một mình Ba lo cho hai chị em con ăn học, thiếu thốn, bệnh tật, khổ cực trăm bề nhưng chưa lần nào Ba than thở, oán trách. Con thương Ba nhiều lắm Ba ơi! Con biết Ba đang đau yếu, phải chống chọi với căn bệnh tiểu đường và viêm phổi suốt hơn 10 năm nay, mà bên cạnh chỉ có em Hải chăm sóc, đỡ đần. Con gái ở nơi đất khách quê người, chỉ biết cố gắng sống thật tốt và làm việc cật lực ở xưởng dệt, mong sao kiếm được thật nhiều tiền gửi về cho Ba chữa bệnh. Con sẽ sống tiết kiệm hơn nữa, chi tiêu dè sẻn hơn nữa để gửi thêm tiền về lo cho sức khỏe của ba.
Ba ơi? Vậy là thêm một mùa Vu Lan nữa con xa nhà, xa vòng tay của ba, xa hơi ấm tình thương của gia đình. Mỗi ngày trôi qua, ban ngày con tất bật với bao công việc ở xưởng, nhưng khi đêm về, con lại đối diện với chính mình, tự lo lắng rồi nhớ thương Ba. Nhiều khi, nghe tin ba không khỏe ở quê nhà, con bật khóc như một đứa trẻ, rồi tự lau nước mắt cho mình, tự an ủi phải nổ lực kiếm thật nhiều tiền, để có thể lo tốt nhất cho cuộc sống và sức khỏe của ba. Con ước gì có thể về bên Ba ngay lúc này, để chăm sóc cho Ba, để được tâm sự cùng Ba chuyện vui hồi nhà mình còn Mẹ. Một mình nơi xứ người, nhiều khi con cảm thấy rất cô đơn. Đã nhủ lòng đừng rơi nước mắt, nhưng vẫn thấy tủi thân cho phận người tha hương. Con xin hứa sẽ luôn cố gắng để vượt qua và sớm ngày về bên Ba đoàn tụ. Ba ơi, con yêu Ba nhiều lắm! Ba ráng giữ gìn sức khỏe để sống thật lâu với hai chị em con nha Ba! Mẹ đã bỏ chúng con đi rồi. Con không muốn mồ côi thêm Ba nữa. Có thời gian rảnh, con sẽ đi chùa tạo phước để cầu nguyện cho Ba. Ba yên lòng ba nhé! Con gái rượu của Ba, Nguyễn Thị Hồng Thảo”.
Xa gia đình là nỗi buồn không dứt, các bạn trẻ phải bươn chải nơi xứ người mưu sinh mỗi ngày đều vì lo cho cuộc sống của cha mẹ tốt hơn. Vẫn biết cuộc sống tha hương không mấy dễ dàng, nhưng chúng ta vẫn hạnh phúc hơn rất nhiều mãnh đời ngoài kia vì cha mẹ vẫn còn ở trần thế. Cùng đến với tâm sự của những người con khi cha vắng bóng ở dương trần.
Phật tử Diệu Trang (Cúc Đoàn), Q. Ba Đình, Tp. Hà Nội gửi về cha ở bên kia thế giới: “Gửi Ba thương nhớ của con!
Còn vài ngày nữa là tới ngày giỗ của Ba rồi. Năm nay, Vu Lan đối với con rất đặc biệt, vì con được nói lên tình cảm của mình dành cho Ba. Khi con viết những dòng cảm xúc này thì Ba đã không còn hiện hữu trên cõi đời này nữa. Nhưng con luôn tin rằng, hằng ngày Ba vẫn dõi theo chúng con và nghe thấy những lời con muốn nói vời Ba mà đáng nhẽ ra con phải nói từ rất lâu rồi. Năm con học lớp11, Ba đã nhẹ nhàng bỏ chúng con đi mãi, lúc đó con hiểu rằng con mất Ba thật rồi. Con đã khóc rất nhiều vì thương Ba nhưng đã quá muộn. Cho đến ngày Người mất đi, con cũng chưa có được một ngày phụng dưỡng Ba…”.
Cùng tâm trạng mồ côi cha, bạn Nguyễn Kim Oanh, Pháp danh An Bình đến từ Q.5, TP.HCM thổn thức: “Tháng 7 mưa ngâu, một mùa Vu Lan nữa lại về, khi nhìn mọi người cài những bông hoa đỏ tươi trên áo, lòng con lại dâng tràn nỗi nhớ về cha, dù không còn được nhìn thấy cha, nhưng hình ảnh của cha - người đã chịu đựng cả một đời mưa nắng - luôn hiện diện rõ ràng, như một phần không thể thiếu trong trái tim con. Mỗi mùa Vu Lan đến, nỗi nhớ về cha lại trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết”.
Còn Nguyễn Hoàng Khang, Pháp danh Trung An thì chia sẻ: “Mẹ thương con mẹ nói, Cha thương con cha làm”. Cha không quản ngại nắng mưa hay đường mòn hẹp lối, cha làm tất cả chỉ mong nụ cười con trọn vẹn. Bao đêm thức trắng, bao đêm vượt biển to, sóng lớn không run sợ, chỉ sợ rằng con chẳng được ấm no như bạn bè cùng trang lứa”. Tình thương của cha mẹ dành cho con như biển trời lai láng. Dẫu đi hết kiếp này con trả cũng chưa xong.
“Cha Mẹ là người thầy vĩ đại bậc nhất của chúng ta, cha mẹ không chỉ là người yêu thương mà còn là thầy, cô giáo đầu đời. Từ những bài học về đạo đức, nhân cách, đến những kỹ năng sống cơ bản, cha mẹ luôn dạy chúng ta bằng chính hành động và tấm gương của mình. Những lời dạy của cha mẹ không phải lúc nào cũng là những câu chữ cụ thể, mà thường là các bài học từ những tình huống thực tế, từ cách cha mẹ ứng xử với người khác, đến cách cha mẹ đối mặt với thử thách trong cuộc sống” là tâm sự của Phật tử Lê Kiều Diễm, Pháp danh Diệu Tâm.
Thời gian không chờ đợi một ai, mỗi ngày trôi qua, đoạn đường chúng ta chia xa cha mẹ lại gần thêm một chút. Vẫn biết ai cũng có nhiều bận rộn, phải lo toan cho gia đình, con cái, sự nghiệp, nên những cuộc điện thoại hỏi thăm, những tin nhắn quan tâm mỗi ngày một thưa dần. Chúng ta không còn nhiều thời gian dành cho cha mẹ, thưa thớt những bữa cơm đoàn viên, lòng của cha mẹ sẽ hiểu, nhưng làm sao tránh khỏi tâm trạng tủi hờn! Hãy yêu thương cha mẹ nhiều hơn những gì chúng ta đang thể hiện, vì mai kia mốt nọ, chúng ta có muốn làm gấp ngàn lần hơn, Người cũng chẳng còn để ta báo đáp thâm ân.
SC. TN. Nhuận Bình tổng hợp