Trung ương GHPGVN góp ý về Dự thảo Thông tư Bộ Tài chính liên quan đến quản lý, thu chi tiền công đức
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 17 tháng 6 năm 2021
|
– Kính gửi:
- Ban Dân vận Trung ương;
- Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính Phủ;
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Văn hóa, Thể thaovà Du lịch.
Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam xin gửi tới Quý Cơ quan lời chào trân trọng.
Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam được biết, ngày 28/4/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 4269/BTC-HCSN về việc lấy ý kiến tham gia đóng góp của các Bộ, ngành trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội (Dự thảo Thông tư).
Nhận thấy Giáo hội Phật giáo Việt Nam là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản nhưng Bộ Tài chính không lấy ý kiến theo quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, nên ngày 14/5/2021 Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chủ động ban hành Văn bản số 115/HĐTS-VP1 đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho ý kiến về Dự thảo Thông tư.
Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhận được góp ý Dự thảo Thông tư của các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, thành phố, đồng thời cũng nhận được góp ý của trụ trì các chùa, cơ sở tự viện, các nhà khoa học, nhà quản lý và đông đảo tín đồ Phật tử trong và ngoài nước.
Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam xin gửi tới Quý Cơ quan Góp ý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về Dự thảo Thông tư như sau:
I. Hạn chế, bất cập trong quy định của Dự thảo Thông tư về quản lý thu chi “tiền công đức”.
Các quy định của Dự thảo Thông tư về quản lý thu chi “tiền công đức” có những hạn chế, bất cập sau:
Thứ nhất, không bảo đảm tính chính xác, phổ thông, rõ ràng và dễ hiểu của ngôn ngữ văn bản pháp luật.
Dự thảo Thông tư sử dụng thuật ngữ “tiền công đức” trong khi thuật ngữ này chưa được định nghĩa, giải thích nội hàm trong chính Dự thảo Thông tư cũng như trong bất kì văn bản pháp luật nào của Nhà nước. Còn trong truyền thống văn hóa dân tộc, lịch sử và thực tiễn, thuật ngữ “tiền công đức” chỉ được sử dụng trong Phật giáo và một số tôn giáo, tín ngưỡng, mà không được sử dụng trong tất cả các tôn giáo tại Việt Nam. Việc Dự thảo Thông tư (cũng như khoản 6 Điều 19 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội mà Dự thảo Thông tư này hướng dẫn) sử dụng thuật ngữ “tiền công đức” là sử dụng thuật ngữ cá biệt của Phật giáo và một số tôn giáo, tín ngưỡng, không phải là thuật ngữ chung có thể áp dụng cho tất cả các tôn giáo tại Việt Nam, vì vậy không bảo đảm tính chính xác, phổ thông, rõ ràng và dễ hiểu của ngôn ngữ văn bản pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Thứ hai, không bảo đảm sự bình đẳng giữa các tôn giáo trước pháp luật.
Dự thảo Thông tư chỉ hướng dẫn quản lý thu chi đối với “tiền công đức” mà không có quy phạm định nghĩa thế nào là “tiền công đức”. Vì vậy, hoạt động thu chi của các tôn giáo khác đối với “tiền lễ”, “tiền khấn”, “tiền dâng”… là những loại tiền cùng bản chất pháp lý với “tiền công đức” lại không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư. Việc Dự thảo Thông tư chỉ nhằm quản lý “tiền công đức” của Phật giáo và một số tôn giáo, tín ngưỡng là không bảo đảm sự bình đẳng giữa các tôn giáo trước pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 24 Hiến pháp năm 2013 và khoản 1 Điều 3 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.
Thứ ba, không bảo đảm quyền sở hữu riêng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhà tu hành là thành viên Giáo hội theo quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành.
Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, “tiền công đức” là tiền do cá nhân, tổ chức cúng dường (tặng cho) tổ chức, cơ sở tôn giáo và nhà tu hành của Giáo hội để hoạt động tôn giáo, xây dựng cơ sở vật chất và nuôi dưỡng, bảo đảm sinh hoạt cho nhà tu hành.
Khoản 6 Điều 7 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có quyền “nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tự nguyện tặng cho”. Như vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có quyền được nhận “tiền công đức” là tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tự nguyện cúng dường (tặng cho).
Khoản 1 Điều 56 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: “Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo bao gồm tài sản được hình thành từ đóng góp của thành viên tổ chức; quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn khác theo quy định của pháp luật”. Như vậy, “tiền công đức” cúng dường (tặng cho) tổ chức tôn giáo là Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì trở thành tài sản của Giáo hội.
Khoản 1 Điều 205 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Sở hữu riêng là sở hữu của một cá nhân hoặc một pháp nhân”. Như vậy, “tiền công đức” cúng dường (tặng cho) tổ chức, cơ sở tôn giáo, nhà tu hành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì trở thành sở hữu riêng của Giáo hội và nhà tu hành là thành viên Giáo hội.
Điều 53 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Như vậy, “tiền công đức” không phải là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Khoản 1 Điều 206 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh và các mục đích khác không trái pháp luật”. Như vậy, với tư cách chủ sở hữu của “tiền công đức”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhà tu hành là thành viên Giáo hội có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt “tiền công đức” nhằm phục vụ nhu cầu hoạt động tôn giáo và các mục đích khác không trái Giáo luật của Đức Phật, pháp luật của Nhà nước và quy định của Giáo hội.
Quyền sở hữu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhà tu hành là thành viên Giáo hội đối với “tiền công đức” được Nhà nước bảo hộ theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016: “Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo” và theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 32 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”. Như vậy, “tiền công đức” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhà tu hành là thành viên Giáo hội là bất khả xâm phạm.
Các cơ sở tôn giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng thời là di tích và có hoạt động lễ hội thì có ba nguồn thu độc lập với ba chủ thể quản lý khác nhau:
– Một là tiền, tài sản công đức cho cơ sở tôn giáo, nhà tu hành để hoạt động tôn giáo, xây dựng cơ sở vật chất và nuôi dưỡng, bảo đảm sinh hoạt cho nhà tu hành thì thuộc quyền quản lý của Trụ trì;
– Hai là tiền, tài sản tài trợ cho việc bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị của di tích thì thuộc quyền quản lý của Ban Quản lý di tích;
– Ba là tiền, tài sản tài trợ cho hoạt động lễ hội thì thuộc quyền quản lý của Ban Tổ chức lễ hội.
Các quy định của Dự thảo Thông tư về quản lý thu chi “tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội” là những quy định rất mập mờ, đánh đồng giữa hai loại tiền có tính chất tâm linh (tiền công đức) và tính chất thế tục (tiền tài trợ), dẫn đến hậu quả khi Thông tư có hiệu lực pháp luật thì toàn bộ “tiền công đức” cho cơ sở tôn giáo đồng thời là di tích và toàn bộ “tiền công đức” cho cơ sở tôn giáo có hoạt động lễ hội đều do Nhà nước trực tiếp quản lý và định đoạt. Vì vậy, Bộ Tài chính cần phân định rõ ràng, minh bạch “tiền công đức cho cơ sở tôn giáo, nhà tu hành” hoàn toàn khác với “tiền tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội” nhằm: tôn trọng ý chí của chủ thể công đức và chủ thể tài trợ, tránh sự nhầm lẫn của những chủ thể này khi thực hiện hành vi công đức cho cơ sở tôn giáo, nhà tu hành và hành vi tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội; tránh sự lạm quyền của chủ thể quản lý đối với những loại tiền này, dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột giữa các chủ thể quản lý và hậu quả (quả báo) mà người lạm quyền phải gánh chịu.
Hành vi cúng dường “tiền công đức” của tín đồ Phật tử không đơn thuần là hành vi tặng cho tài sản về pháp lý, mà còn là hành vi thể hiện niềm tin tôn giáo, thực hành giáo lý và lễ nghi tôn giáo, hành vi có tính thiêng, làm phát sinh phúc báu trên cơ sở tôn kính Đức Phật, hộ trì Tam Bảo, hộ trì Giáo pháp và Tăng Ni – những người đang thực hiện nếp sống tu hành đạo hạnh riêng theo Giáo lý, Giáo luật và quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng thời là những người đang đóng góp tích cực cho xã hội bằng việc hướng dẫn tín đồ Phật tử thực hành nếp sống đạo đức theo Giáo lý của Đức Phật. Trong Phật giáo, hành vi cúng dường “tiền công đức” là hành vi cúng dường Tam Bảo (tức Phật, Pháp, Tăng), trong đó Đức Phật và Giáo Pháp là đối tượng tôn thờ, còn Tăng (Nhà tu hành) không chỉ là người có đạo hạnh được tín đồ Phật tử tôn kính mà còn là chủ thể pháp lý có quyền quản lý, sử dụng “tiền công đức” phù hợp với Giáo luật của Đức Phật, pháp luật của Nhà nước và quy định của Giáo hội.
Với truyền thống lịch sử văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc, và vai trò, vị thế của Phật giáo Việt Nam trong lịch sử đồng hành cùng dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến nghị Nhà nước không nên thế tục hóa tính thiêng của “tiền công đức”. Việc Nhà nước trực tiếp quản lý và định đoạt việc sử dụng “tiền công đức” sẽ làm tục hóa (secularization, sécularisation), giải thiêng (desacralization, désacralisation) “tiền công đức” cúng dường Tam Bảo, làm tổn thương đến giáo lí, lễ nghi, niềm tin tôn giáo của tín đồ Phật tử, không tôn trọng ý chí của người thực hiện hành vi công đức, cúng dường. Trong lịch sử pháp luật và lịch sử Phật giáo Việt Nam, chưa bao giờ xuất hiện việc Nhà nước trực tiếp quản lý và định đoạt việc sử dụng tài sản của Phật giáo.
Tóm lại, việc quy định mập mờ của Dự thảo Thông tư về quản lý thu chi “tiền công đức” là không hợp hiến, không hợp pháp, không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, không tôn trọng niềm tin, giáo lý và lễ nghi tôn giáo, không bảo đảm quyền sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo và nhà tu hành, không bảo đảm sự bình đẳng của các tôn giáo trước pháp luật và không khả thi trong thực tiễn. Dự thảo Thông tư dễ gây hiểu lầm về chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật về tôn giáo tại Việt Nam. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Dự thảo Thông tư phải “phù hợp với chủ trương tôn trọng tự do tôn giáo, tín ngưỡng” tại Văn bản số 9507/VPCP-KTTH ngày 12/11/2020.
II. Kiến nghị và hành động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
1) Giáo hội Phật giáo Việt Nam kiến nghị Bộ tài chính:
a) Hoàn thiện Dự thảo Thông tư theo hướng: hủy bỏ toàn bộ các quy định về quản lý thu chi “tiền công đức” hoặc bổ sung quy phạm định nghĩa “tiền công đức” và xác định rõ: Nhà nước không quản lý thu chi “tiền công đức” được cúng dường (tặng cho) tổ chức, cơ sở tôn giáo, nhà tu hành.
Trường hợp Dự thảo Thông tư tiếp tục quy định mập mờ về quản lý thu chi “tiền công đức” thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ xem xét thay thế thuật ngữ “tiền công đức” bằng thuật ngữ “tiền cúng dường Tam Bảo” trong các văn bản và hoạt động tôn giáo của Giáo hội để tự bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của Giáo hội và nhà tu hành là thành viên Giáo hội, đồng thời thông báo rộng rãi cho tín đồ Phật tử về thay đổi này để bảo đảm không bị nhầm lẫn khi cúng dường Tam Bảo và tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội.
b) Lấy ý kiến tất cả các tổ chức tôn giáo là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Thông tư theo quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
2) Giáo hội Phật giáo Việt Nam tán thành việc tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động thu chi “tiền tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội” của Dự thảo Thông tư. Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến khích các nhà tu hành là thành viên Giáo hội và tín đồ Phật tử tự nguyện phát tâm, tài trợ kinh phí cho việc tổ chức lễ hội phù hợp với giáo lý Phật giáo, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị của di tích theo quy định của pháp luật.
3) Giáo hội Phật giáo Việt Nam bảo vệ quyền sở hữu tài sản của Giáo hội và nhà tu hành là thành viên Giáo hội theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật; tiếp tục hoàn thiện các quy định của Giáo hội về tài sản của Giáo hội và tăng cường giám sát việc thực thi, tăng cường giáo dục nhận thức, thái độ và hành vi của Tăng Ni đối với tài sản theo Giáo lý, Giáo luật của Đức Phật, bảo đảm “tiền công đức” và các tài sản khác của Giáo hội “phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật” như quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Giáo hội Phật giáo Việt Nam kiến nghị Nhà nước phối hợp với Giáo hội phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh theo thẩm quyền các trường hợp vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Giáo hội.
Trân trọng!
Nơi nhận: – Như trên; – Trưởng ban Ban Dân vận TƯ; – Chủ tịch UBTWMTTQVN; – PTTg Vũ Đức Đam; – Bộ trưởng Bộ Tài chính; – Bộ trưởng Bộ Nội vụ; – Bộ trưởng VH, TT và DL; – Bộ trưởng Bộ Tư pháp; – Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng (BNV); – Ban Tôn giáo Chính phủ; – Cục A02-BCA; – Ban TTr HĐTS; – Lưu VP1. |
TM. BAN THƯỜNG TRỰC KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH – TỔNG THƯ KÝ Thượng tọa Thích Đức Thiện |