Pháp khí Phật giáo : Nguồn gốc Khánh trong Phật giáo
Đối với Phật giáo Ấn Độ thì khánh có từ thời xa xưa.
Loại nhạc khí nầy được nhân loại phát minh rất sớm, nhân vì có rất nhiều chất liệu để làm như: đá, ngọc, vàng,… do đó lúc đánh thì phát ra những âm thanh bất đồng…
Kinh chép: Trong Tinh xá Kỳ Hoàn phát hiện cái khánh bằng đồng, dung lượng có thể đựng năm thăng, bốn bên khánh đều là vàng ròng, chạm trổ hình Phật và các đệ tử thời quá khứ, có chín rồng, và hình trời người cầm chày ngọc, khi đánh khánh phát tiếng kêu vang cả ba ngàn thế giới.
Trong Từ Nguyên chép: Khánh là một loại nhạc khí, làm bằng đá, bằng ngọc, bằng đồng, do âm thanh hình dáng đặc biệt nên hàm chứa ý nghĩa trang nghiêm kính cẩn thanh tịnh siêu thoát, vì vậy trong Phật giáo chọn làm pháp khí. Khánh là một trong các loại nhạc khí sử dụng trong các pháp hội, có dáng giống như hình chữ nhật.
Khánh ở Trung Quốc có nguồn gốc từ thời Nghiêu Thuấn, nó là một loại nhạc khí rất quan trọng. Khánh thời bây giờ là dùng ngọc hoặc đá mài thành, một vài loại đá ở Trung Quốc là Tứ Thủy (nay thuộc tỉnh Sơn Đông), lấy từ trong núi sâu, màu nó giống như cây sơn, có rất nhiều đường vằn nhỏ giống y như ngọc, cũng có khi dùng đá Thái Hồ chế thành nhưng chất lượng thì không bền và đẹp bằng ngọc đá Tứ Thủy.
Theo Văn Hiến Thông Khảo: Đến thời Nam Tề mới có khánh bằng sắt, lại đến đời Trần mới đúc khánh bằng đồng.
*Khánh có thể dùng chất liệu bất đồng chế thành:
Thời kỳ đầu là dùng ngọc và đá, cách chế tạo khánh là đem khối đá cưa thành hình chữ nhật, mài ở giữa uốn cong 2 đầu thấp xuống. Do vì độ dày và lớn nhỏ bất đồng cho nên khi đánh âm luật cũng bất đồng. Về sau mới xuất hiện khánh bằng sắt, bằng đồng, hình dạng có nhiều biến hóa như hình đám mây, hình cái bát,… Hiện tại trong tự viện Phật giáo dùng khánh phần nhiều là bằng sắt hoặc bằng đồng, còn dùng ngọc, đá phần nhiều là khánh dẹp.
Ví như phương pháp chế tạo biên khánh là dùng 16 miếng đá rồi căn cứ theo thứ tự âm luật, sau đó xếp thành hàng ngang để gõ.
Lại có một loại nhạc khí gọi là “phương hưởng”. Nó là một loại dụng phẩm thay thế cho khánh, dùng 16 miếng sắt có hình dẹp vuông xếp theo thứ tự mà thành.
Các loại khánh đã được trình bày trên, đều treo ở giá chung khánh, làm nhạc khí để gõ. Trên bán đảo Triều Tiên đến nay còn có lưu truyền sử dụng loại “phương hưởng” của “biên khánh, đặc khánh”. Tại chùa Nại Lương Hưng Phước nước Nhật có một “Hoa Nguyên Khánh”, đây là một loại cổ vật. Xét về hình dạng thì thuộc một loại chiêng trống.
“Tăng khánh” trong Phật giáo và những loại “nhạc khí khánh” được nêu trên đều không giống nhau. Khánh trong Phật giáo là hình cái bát.
Theo Thiền Lâm Tượng Khí Tiên “Bái Khí Môn” chép: Tăng khánh và nhạc khí khánh, hình dạng hoàn toàn khác biệt. Nhạc khí khánh hình như tấm bảng mài cong, y hệt như nửa hình chữ nhật. Còn Tăng khánh là hình như cái bát.
Kỳ Viên Đồ Kinh chép: “Khánh có thể đựng 5 thăng, qua đó cho ta thấy khánh ở Thiên Trúc có hình dạng như cái bát ở đây vậy.”
Lại nữa, trong Thạch Hồ Mai Phổ, lấy phân nửa hoa mai búp để ví dụ cho Tăng khánh. Như vậy, ta cũng đủ biết hình dáng của Tăng khánh trong Phật giáo Bắc truyền rồi vậy.
*Các loại khánh:
Trong Tự viện Phật giáo Trung Quốc từ thời Nam Bắc Triều đến triều đại nhà Đường, đa phần là sử dụng khánh dẹp truyền thống, nhưng từ thời Ngũ Đại đến Bắc Tống thì mới xuất hiện khánh tròn như ngày nay.
Hiện tại trong tự viện sử dụng khánh có ba loại:
-Khánh tròn: Hình như cái bát, phần nhiều được dùng đồng sắt đúc thành. Khánh tròn để ở phía Đông của chánh điện, khi cử hành pháp hội, hoặc thời khóa tụng niệm thì thầy Duy na đánh, khánh tròn có hai loại lớn nhỏ khác nhau.
–Khánh dẹp:Hình như vân bảng, phần nhiều dùng đá hoặc kim loại làm thành. Khánh dẹp thường treo ở ngoài hành lang phương trượng, dùng để đánh khi có việc cần thông báo.
–Khánh tay: Lại gọi là dẫn khánh, hình bán cầu, dùng đồng đúc thành, ở dưới đáy có khoan lỗ gắn cán bằng đồng hoặc bằng gỗ dùng thanh bằng đồng hoặc bằng sắt để gõ.
Trong Kinh Phật dạy: “Tiểu khánh to như trái đào, dưới đáy có khoét lỗ tra nhánh trúc nhỏ làm cán, dùng dùi sắt nhỏ đánh, vì để dẫn chúng tụng niệm hành lễ nên gọi là dẫn khánh.”
- Công dụng của khánh:
Khánh tròn Đối với người Việt ta gọi là cái chuông gia trì, có hình dạng giống như cái bát, phần nhiều làm bằng đồng, sắt, dùng kim loại đúc thành, kích cỡ cũng bất đồng.
Sử dụng trong lúc Tăng chúng tán tụng. Bách Trượng Thanh Qui Pháp Khí Chương chép: “Khánh, lúc sớm tối Trụ trì, Tri sự hành hương trên đại điện, lúc đại chúng tụng kinh chú, thì người trực chánh điện đánh, lúc làm lễ xướng y thì Duy na đánh, hành giả cạo tóc đắp y thì vị Xà Lê đọc bằng tiếng Phạn đánh.
Khánh dẹp Chủ yếu là để báo tin, như có khách đến thăm, thì đánh ba tiếng, như báo tang thì đánh bốn tiếng.
Dẫn khánh Thiền Lâm Tượng Khí Tiên chép: Khánh nhỏ lớn như trái đào, ở dưới đáy có khoét lỗ tra cán, rồi dùng 1 cục sắt nhỏ mà đánh, đó gọi là dẫn khánh. Bởi vì đây là hiệu lệnh dẫn chúng cho nên có tên như thế. Hiện tại dẫn khánh được sử dụng trong Tự viện, đều dùng chất liệu bằng đồng, hình dạng như quả chuông nhỏ, trên đảnh có nhô lên một quả gù to, có tra thêm cán, dùng tay cầm khi lễ Phật tụng kinh đều đánh nó. Vì để làm tiết tấu dừng hay bắt đầu, đây là một nhạc khí dùng trong các pháp sự. Tăng sĩ Tịnh Độ thông thường dùng để niệm danh hiệu Phật hoặc đánh để nhiễu Phật, nhằm cho thanh điệu của đại chúng điều hòa, thống nhất. Trong các hoạt động pháp sự xướng niệm cũng sử dụng nó, có khi dùng làm hiệu lệnh để lạy Phật cho đều, dẫn khởi đại chúng chú ý, hoặc chỉ huy hành động đại chúng. Khi đánh dẫn khánh, phần nhiều là để vấn tấn, chuyển thân, lễ bái và các trường hợp hoạt động khác.
Tự viện Trung Quốc từ đời Đường trở về trước, khánh sử dụng theo truyền thống là dùng khánh dẹp, từ thời Ngũ Đại trở về sau xuất hiện khánh tròn. Trong Tự viện ngày nay đều thấy sử dụng khánh tròn, dùng đồng để chế thành như cái bát để ở phía đông trong điện Phật, sáng sớm chiều tối tụng kinh hoặc cử hành các pháp hội thì đây là loại pháp khí mà Thầy Duy na sử dụng. Dùng nó để khống chế điều tiết thanh điệu, đa phần là cử xướng, ngưng, chấp tay, buông tay, danh hiệu Phật,… đều đánh lên.
Khi Phương trượng, cao Tăng thăng tòa, lúc thuyết pháp, thì dẫn khánh đánh lên và đi trước.
Bách Trượng Thanh Qui, Pháp Khí Chương chép: “Khánh cầm tay hình dáng nhỏ, Đường Ty hành giả thường mang theo bên mình, gặp lúc chúng Tăng tụng kinh thì theo tiết tấu mà đánh hoặc dừng. Dẫn khánh là loại cầm để đánh. Mỗi khi gặp tín đồ vào chùa thắp hương lễ Phật, chư Tăng thường đánh khánh, vì nó có âm điệu trong trẻo hòa nhã khiến lòng người kính ngưỡng.”
Đây là một pháp khí quan trọng do Duy na hoặc Duyệt chúng chấp lệnh, để ra hiệu cho đại chúng vân tập tiến thoái, và đánh nhịp hướng dẫn đại chúng trong khi tán tụng.
Trong những tự viện lớn, trong đại Tòng lâm, Duy na sử dụng đại khánh – chuông gia trì, Duyệt chúng cầm dẫn khánh – riêng ở Việt Nam ta thì duyệt chúng đánh mõ. Lúc trên chánh điện Duyệt chúng đứng đối diện với Duy na. Duyệt chúng đợi Duy na khởi xướng, Duyệt chúng ứng tiếp, Duy na chuyển giọng, Duyệt chúng chuyển giọng theo. Mọi người phải đọc rõ ràng, nhằm đề phòng ngừa đại chúng có giọng cao thấp mất đi chuẩn tắc,
chênh lệch không đồng.
Đánh đại khánh phần nhiều là đánh lúc cất giọng xướng, dừng giọng, chắp tay, buông tay, cho đến danh hiệu Phật,…
Dẫn khánh dùng để vấn tấn, chuyển thân, lễ bái, cho đến những trường hợp khác như công phu chiều thời khóa Mông Sơn.
Đại khánh dùng để điều tiết khi đọc kinh, dẫn khánh thì dùng để hướng dẫn những động tác. Đại khánh có tác dụng làm phấn chấn tinh thần. Ngoài ra dẫn khánh còn phối hợp với tang, cáp, linh, trống, mõ, tạo nên một tiết tấu âm nhạc rất hay.
Trong các tự viện nhỏ hoặc đạo tràng ít người thì Duy na, Duyệt chúng, 2 chức vị này do một người đảm nhiệm, vừa đánh đại khánh và vừa đánh dẫn khánh, mõ.
Đại khánh và tiểu khánh, ngoài thời khóa thường ngày ra, trong các pháp hội, khánh chúc, tiêu tai, độ vong,… đều cần phải có, lại có rất nhiều nghi tiết khác cũng cần dùng đến các loại pháp khí này.
Theo “Phật Giáo Nghi Thức Tu Tri” do Thượng Hải Thế giới Phật giáo cư sĩ Lâm biên tập, chép rằng: “Viên khánh là do Duy na sử dụng khi tụng niệm. Trụ trì, tôn túc, quan liêu, thí chủ, những người hộ trì chánh pháp,… đến chùa lễ Phật đều đánh 3 tiếng. Biển khánh dùng đá để làm, hình dạng giống như vân bảng treo ở ngoài phương trượng; hoặc có khách đến thăm Trụ trì, thì Tri khách đánh 3 tiếng.”
Lại nữa “Tiểu thủ khánh”, lễ Phật tụng kinh đều phải đánh hoặc khởi hoặc dứt.
Theo Pháp Khí Chương chép: “Khánh là hai thời sám hối trên đại điện, Trụ trì, Tri sự khi hành hương, đại chúng tụng kinh chú do người trực điện đánh. Khi xướng tụng thì Duy na đánh, hành giả đắp y cạo tóc thì Xà lê đánh.”
Khánh là một loại khí vật quan trọng, trong Kỳ Viên Đồ kinh chép: “Nơi Phật y phục viện, A Nan thường ở đó để giữ gìn y Phật, có một khánh bằng đồng đựng được 10 thăng. Xung quanh khánh có dùng vàng ròng để khắc hình đệ tử Phật thời quá khứ. Lại nữa, trên cái quai khắc hình 9 con rồng, trên lưng rồng có hình Trời người đứng, cầm chày ngọc để đánh khánh. Tiếng nghe vang rền khắp 3000 thế giới, trong âm thanh ấy phát ra lời chư Phật giáo giới cho các đệ tử. Khánh là do Phạm Vương làm ra, sau khi Phật diệt độ, Ta Kiệt La Long Vương lấy đem về tàng trữ trong biển.
Chính vì khánh có năng lực như thế nên trong tự viên cần phải có. Đối với Phật Giáo Việt Nam khánh còn gọi là chuông gia trì, sử dụng lúc đọc kinh, điều hòa tiết tấu âm điệu, hoặc đánh lên mỗi khi có thí chủ vào chùa lễ Phật, chư Tăng đang hành lễ thì lâu lâu đại khánh được đánh lên, nhằm cảnh tỉnh đại chúng, trở về với thực tại sâu xa.
Thích Thiện Phước