Hình tượng Đức Phật trong kinh Đại Phương Quảng Đại Trang Nghiêm
Có nhiều truyền thuyết về sự đản sanh cũng như cuộc đời hoằng pháp của đức Phật, bởi thời gian Ngài xuất hiện giữa trần thế và dư âm về cuộc đời Ngài vẫn vang vọng mãi cho đến ngày nay đã trải qua hơn 2558 năm. Một học giả đã dành cả 2/3 cuộc đời mình chuyên nghiên cứu về Đức Phật đã có nhận định như sau:
“…Rất hiếm nhân vật trong lịch sử tư tưởng nhân loại từng có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài như đức Phật Siddhattha Gotama, và cũng không ai từng để lại dấu ấn sâu đậm lên toàn cõi châu Á như Ngài. Đạo giáo do Ngài sáng lập không chỉ đem lại nguồn an ủi cho vô số người mà còn cung cấp nền tảng học thuyết nhân bản cao thượng và một di sản văn hóa vô cùng tinh tế. Bài pháp đầu tiên do Ngài thuyết giảng ở Sàrnath gần Benares vào năm 528 trước Công Nguyên là một sự kiện lớn mang lại kết quả đầy lợi lạc liên tục mãi cho đến tận ngày nay”[1]
Thật sự, Đức Phật lịch sử vĩ đại đến nổi không cần phải có truyền thuyết tô điểm cho Ngài ra vẻ vĩ đại hơn, bởi lẽ Ngài là đấng Đạo Sư thông thái nhất mà thế giới đã từng thấy. Giáo pháp và ngay cuộc sống thường ngày của chính Ngài đã có cống hiến vô cùng to lớn cho cuộc đời. Thế nhưng,với những giá trị vượt thời gian và không gian về đức Phật và giáo pháp của Ngài, kết hợp với sự phát triển của tinh hoa Phật giáo qua những tác phẩm văn học theo bối cảnh văn hóa của từng quốc gia và từng thời đại nên hình tượng của đức Phật với những công hạnh của Ngài từ khi giáng trần, gá thai, sanh ra , trưởng thành cho đến khi xuất gia tu hành thành đạo, chuyển bánh xe pháp ngày càng được thể hiện rất đặc sắc vừa gần gũi nhưng cũng cao siêu đến phi thường. Điều này thể hiện rõ trong các Đại thừa, đặc biệt trong kinh Đại Phương Quảng Đại Trang Nghiêm.
Bài viết “Hình tượng Đức Phật trong kinh Đại Phương Quảng Đại Trang Nghiêm” được người viết tập trung nghiên cứu về đức Phật “được định rõ như một bậc siêu vĩ nhân, được cả nhân thiên tán dương và tôn kính”[2].
Bản kinh “Đại Phương Quảng Đại Trang Nghiêm” còn có tên gọi khác là “Lalitavistara sutra” ; nghĩa là tường thuật về thần thông diệu dụng của đức Phật. Tác phẩm văn học Phật giáo này được viết bằng tiếng Sanskrit và là một trong những bản kinh cổ và quan trọng nhất của Đại thừa Phật giáo, thuộc về bộ kinh Phương Đẳng. Kinh được chuyển ngữ từ Sanskrit sang Hán cổ và có các tên gọi khác như: Phổ diệu kinh, Thần Thông du hí kinh: “ Đến gần sáu thế kỷ sau công nguyên, Lalitavistara mới chính thức được công nhận là một trong những kinh Phương Quảng quan trọng và thiêng liêng nhất của Phật giáo Đại thừa. Như những kinh văn cổ thuộc hệ Sanskrit của Phật giáo, kinh này được trình bày theo hai thể loại : văn xuôi và kệ tụng. Nó được viết bằng Sanskrit thuần túy và Sanskrit pha trộn với Prakrit (phương ngữ Ấn). Việc hình thành tác phẩm này không phải là một tác giả mà là một sự biên soạn gồm nhiều tác giả vô danh khác nhau. Có thể nói rằng, kinh này trình bày những điều phi thường với đặc trưng của một kinh Đại thừa, kể lại những chuyện sinh tiền của thời đức Phật”[1].
Bản kinh gồm 27 phẩm , trong đó chia làm ba nhóm chủ đề chính. Cụ thể như sau:
· Phẩm giới thiệu : nội dung trọng tâm nhằm giới thiệu sự xuất hiện của đức Phật như một bậc Thánh. Với những mẫu chuyện tiền thân của đức Phật được mô tả pha trộn với tính mầu nhiệm, màu sắc linh thiêng tôn giáo, sự đản sinh và suốt quá trình hiện hữu của Thế Tôn xuất hiện như là một vị Bồ tát thị hiện trên cõi đời để cứu khổ độ sanh. Chính sự diễn đạt tài tình bằng ngôn ngữ hình tượng tinh tế và giàu sắc thái biểu cảm trong bản kinh đã góp phần tăng thêm uy đức của Đức Phật và tạo sự thu hút được rất nhiều tín chúng quy tụ vì lòng kính ngưỡng.
· Phẩm thứ hai đến phẩm thứ bảy: nhóm phẩm này với nội dung chủ yếu trình bày về quá trình đức Phật được chư Thiên cung đón Ngài giáng sanh vào cõi Ta bà để bắt đầu hoằng hóa độ sanh. Sự đản sanh của đức Phật không chỉ như là một sự kiện hy hữu[2] mà lồng vào đó với những huyền thoại tôn giáo mặc định không thể lý giải bằng trí tuệ phàm phu qua cụm từ “pháp nhĩ như thị” hay “pháp thường của chư Phật” . Có khá nhiều yếu tố ly kỳ về Phật đản sanh bắt đầu từ lúc gá thai mẹ cho đến lúc chào đời.
· Phẩm thứ tám đến phẩm thứ hai mươi bảy: nội dung chính của nhóm này mô tả về hành trình từ tuổi niên thiếu vui chơi, tài năng học tập thông minh xuất chúng cho đến lúc trưởng thành chứng kiển những cảnh khổ cuộc đời rồi quyết định cuộc xuất học đạo, tu hành khổ hạnh và hàng phục chúng ma, chứng đắc đạo quả sau đó chuyển pháp luân giúp cho chúng sinh thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, giải thoát khỏi màn đêm vô minh tối tăm khổ đau trong tam giới.
Theo truyền thống Phật giáo đại thừa, sự ra đời của một đức Phật mang một ý nghĩa quan trọng đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử nhân loại. Bởi chính nhờ sự ra đời của con người này, mà sau đó nhân loại được thừa hưởng một gia tài trí tuệ tâm linh và tri thức khoa học lớn nhất hành tinh. Thế cho nên, trong hầu hết các kinh điển Đại thừa Phật giáo, hình ảnh của đức Phật xuất hiện như một vị Bồ tát “thị hiện” trên cõi đời với “tâm Phật không nhiễm ô, trong sạch như hoa sen chẳng dính bùn nhơ, tiếng tăm vang dội khắp mười phương”[3]. Trong Kinh Pháp Hoa – một bản kinh khác thuộc Đại thừa Phật giáo cũng khẳng định: “ Các đức Phật Thế Tôn vì muốn cho chúng sanh khai tri kiến Phật để đặng thanh tịnh mà hiện ra nơi đời; vì muốn chỉ tri kiến Phật cho chúng sanh mà hiện ra nơi đời, vì muốn cho chúng sanh tỏ ngộ tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời”[4]. Với những cách giới thiệu như thế, đức Phật hiện ra như một vị Thánh nhân với đầy đủ sự hiểu biết vá thần thông diệu dụng, đức Phật được xác định có đầy đủ ba thân: Báo thân, Ứng hóa thân và Pháp thân. Ba thân này kết thành con người thật của Đức Phật.
· Báo thân: (報身)được dịch là Thụ dụng thân, tức là “thân của sự thụ hưởng công đức”. Nghĩa là, do đã tạo được các thiện nghiệp và giác ngộ mà thân được thụ hưởng quả báo tốt đẹp thể hiện qua thân tướng với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của một vị Phật; và chỉ Bồ Tát mới thấy được trong giai đoạn tu cuối cùng của quả vị Thập địa. Các trường phái Tịnh độ tin rằng, Báo thân Phật hay xuất hiện trong các quốc độ trang nghiêm và thanh tịnh, vô nhiễm.
Báo thân Phật là cốt lõi bên trong của Phật, là phước đức – trí tuệ - phạm hạnh trang nghiêm của Phật toát lên lòng vị tha, từ bi vô lượng, trí tuệ siêu phàm soi chiếu khắp cả đến tận cùng mọi ngõ ngách của vũ trụ.
· Ứng thân (應 身) cũng được gọi là Ứng hóa thân hoặc Hóa thân, là thân Phật và Bồ tát hiện diện trên trái đất. Ứng thân do báo thân chiếu hiện, dựa trên lòng từ bi và có mục đích giáo hóa chúng sinh.
Ứng hóa thân của Đức Phật thì có vô số . Nghĩa là Ngài hiện thân vào tất cả các loại hình thế giới, mà ở thế giới nào thì đức Phật có ứng thân giống như chúng sinh ở thế giới đó. Vì vậy, Phật Thích Ca Mâu Ni khi xuất hiện trên thế gian này, Ngài phải mang thân tứ đại ngũ uẩn giống như loài người để Ngài có thể sống gần gũi với mọi người, cảm thông với những vướng mắc khổ đau của con người. Chính sự hiện hữu hóa thân Phật như thế cho nên, chúng sanh nào nghĩ đến Phật thì Phật sẽ xuất hiện vào tâm họ và Ngài hóa giải phiền não trần lao giúp cho họ an vui giải thoát (trong nhất thời mà thôi chứ không miên viễn).
Trong kinh điển thường diễn tả, thiên bách ức hóa thân cũng chính là đề cập đến tính chất linh hoạt vô cùng của hóa thân. Chỉ cần một tâm niệm tốt của chúng ta khởi lên thì là Phật ra đời, một tâm niệm xấu sinh ra là đức Phật nhập diệt. một tâm niệm không nghĩ đến Phật là không có Phật. Nói cách khác, Đức Phật đản sinh trong từng sát na tâm của con người.
· Pháp thân (法 身) là thể tính thật sự của Phật, đồng nghĩa với Chân Như, là thể của vũ trụ. Pháp thân là thể mà Phật và chúng sinh đều có chung. Pháp thân cũng được gọi là Pháp, chính là quy luật vận hành của vũ trụ, là giáo pháp do đức Phật truyền dạy. Pháp thân còn được xem chính là Phật Pháp, là thường hằng vô tướng. Đức Phật được xem là có Pháp thân hằng hữu miên viễn bất tử là đức Tỳ Lô Giá Na, là đức Phật với nguồn ánh sáng vô tận từ vô thỉ kiếp quá khứ cho đến tận vị lai không cùng, vẫn luôn sáng tỏa cho muôn loài trong pháp giới, không thay đổi, không mất mát.
Trên bước đường theo dấu chân Phật, mỗi người chúng ta tiếp nhận được nguồn ánh sáng vô tận giải thoát của đức Phật nhiều hay ít tùy theo công phu tu tập của chính mình mà đạt được Pháp thân ấy. Đó là con đường tu tập, hành trì Giới – Định – Tuệ, Giải thoát và giải thoát tri kiến.
Trong bản kinh “Đại Phương Quảng Đại Trang Nghiêm”, lần đầu tiên hình tượng về cuộc đời đức Phật cũng không ngoài quan điểm trên. Nghĩa là, trong kinh cũng nêu rõ ràng đầy đủ Báo thân, Ứng hóa thân và Pháp thân của Đức Phật. Tuy nhiên, trong giới hạn nội dung với thời gian cho phép, người viết tập trung những điểm nổi bật hình tượng đức Phật qua quá trình nhập thai, đản sinh, thời thiếu niên như là những nét gợi mở ban đầu về cuộc đời của một bậc vĩ nhân.
· Đức Phật nhập thai ( Phẩm 6): Quá trình nhập thai của đức Phật được xem là hy hữu, bởi sự xuất hiện của Ngài trên trần thế là một sự kiện lớn và vô cùng hiếm hoi. Theo sự mô tả trong kinh, ngay từ khi gá vào thai mẹ, thì sự thị hiện của Ngài là một điều thật vi diệu. Đó là một hiện tượng đặc biệt “có một không hai” theo truyền thống chư Phật: một con người duy nhất, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương tợ, không có ngang bằng, bậc tối thượng giữa các loài hai chân. Bồ tát từ cung trời Đâu Suất chánh niệm tỉnh giác nhập vào thai mẹ. Do thần lực của Ngài mà khi ấy thân tâm Thánh mẫu vui vẻ, an tịnh như vào thiền định. Trong mộng, thánh mẫu thấy rõ hình tướng voi trắng sáu ngà đi vào phía hông phải, thân bà luôn được khoan khoái nhẹ nhàng, không có lỗi tham muốn, tham dục, sân nhuế, ngu si…Tâm bà cũng không sanh dục tâm đối với người khác phái mà luôn được thanh tịnh, thọ trì cấm giới, tu mười điều lành. Không chỉ dừng lại ở đó, nhờ thần lực của Bồ Tát, mà nếu ai bị mắc bệnh ngặt nghèo như hủi, cùi, ung điếc…khi gặp Thánh hậu cũng đều được tiêu dứt bệnh. Ngoài ra, khi Bồ Tát ở trong thai mẹ, Ngài luôn được chư Thiên và loài người bảo vệ bất khả xâm phạm:
“ …Này các Tỷ Kheo, khi vị Bồ Tát nhập mẫu thai, mẹ vị Bồ Tát không một bệnh tật gì. Bà sống với tâm hoan hỷ, với thân khoan khoái. Bà thấy trong bào thai của mình, vị Bồ tát đầy đủ mọi bộ phận và chân tay. Pháp nhĩ là như vậy”[5]
· Đức Phật đản sanh: huyền thoại đản sanh của đức Phật trong kinh đã tạo nên nét văn hóa Phật giáo. Khi đức Phật sắp đản sinh, vương cung hiện ra các điềm tướng lạ với những điều lành như các đại thọ hoa sắp nở, các chum hoa đều có nhụy đẹp, có bảy hàng cây báu và muôn vàn bảo tràng từ dưới đất vọt lên, có chư Thiên trỗi nhạc trời… Tất cả mọi thứ chuyển biến rung động, đặc biệt là diệu âm diễn xướng ngôn ngữ “lành thay! Lành thay!” tiếp đó là hình tượng một vị hoàng nhi chào đời giữa khung cảnh trang nghiêm, sinh động đẹp đẽ, thơm tho nhưng không kém phần thanh tịnh. Thái tử đứng vững thăng bằng trên hai chân, bước đi bảy bước và dõng dạc tuyên bố “ Ta là bậc tối thượng trên đời! ta là bậc tối tôn trên đời! Ta sẽ vì tất cả chúng sanh khiến họ được chiêm ngưỡng!”[6] . Sự xuất hiện của Ngài là một pháp thần thông, một sự diệu kỳ như mặt trời chói sáng mọi phương hướng . Âu đó cũng là quy luật tự nhiên của một vị Bồ tát từ cung trời Đâu Suất, trong vô lượng kiếp đã chánh niệm liễu tri về vai trò và sứ mệnh của mình đối với mọi loài chúng sinh, mang đến cho chúng sinh những điều tốt đẹp, an lành nhất, thiện hiền lợi lạc nhất. Khi Đức Phật đản sinh cũng như khi chân lý xuất hiện thì luôn được đón nhận và bảo vệ, và nó luôn đứng vững trước mọi hoàn cảnh mà không bị trở ngại bởi bất cứ thế lực nào.
Cũng như truyền thống của các vị Phật trong quá khứ, đức Phật khi ra khỏi bụng mẹ đã cất bảy bước chân đi : “Khi Bồ Tát sanh ra,…bước đi bảy bước…một lọng trắng được che trên. Ngài nhìn khắp tất cả mọi phương, thốt ra lời: “Ta sẽ là bậc thượng thượng trong tất cả chúng sanh. Ta là bậc tối thắng, tối thắng trong thế gian này. Ta xứng đáng thọ của nhân thiên cúng dường.”[7].
Thật sự, trong ý nghĩa ngôn từ Phật học, bảy bước đi ấy chính là lộ trình thực tập tu hành để trở thành một vị Phật đà. Bảy bước đi là thất giác chi, nghĩa là bảy yếu tố giác ngộ của một đức Phật. Đó là : Trạch pháp giác chi, Tinh tấn giác chi, Hỷ giác chi, Khinh an giác chi, Niệm giác chi, Định giác chi và Xả giác chi[8].
Sau khi trình tự bảy bước như thế, với sự tinh tấn dũng mãnh của mình, Ngài có thể khẳng định rằng: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”, chỉ có Ngài là bậc duy nhất” xứng đáng thọ nhận sự cúng dường, vì Thế Tôn là bậc đã hàng phục ma quân, giác ngộ thanh tịnh, dứt trừ sạch những nhiễm ô của các dục tham sân si, không còn bị chi phối bởi phiền não trần lao. Đức Phật là bậc vĩ nhân, bậc thượng tôn trên cõi đời vì Ngài đã vượt lên trên bản năng chính mình, chiến thắng mọi tham dục bình thường, trở thành người phi thường. Đây cũng là điều tất yếu lý giải cho lời tuyên bố “ trên trời dưới đất, chỉ có đức Phật mà thôi”. Người viết thật sự cảm thấy thích thú với cách diễn đạt ngôn ngữ biểu tượng về hình ảnh đức Phật đản sanh trong kinh tạng Nykaya lẫn kinh điển Đại thừa, vừa sống động trừu tượng cao siêu nhưng lại vừa gần gũi thâm trầm mà lại vô cùng sâu sắc.
· Đức Phật thời niên thiếu (phẩm 8 – phẩm 10): Theo truyền thống văn hóa Ấn Độ, những đứa trẻ sinh ra lúc còn nhỏ thường được cha mẹ ẳm bồng đến thiên miếu để được các thần linh ban cho phước lành. Thái tử Siddhatha Gotama cũng được vua cha và nhũ mẫu cưng chiều như thế.
Trong bản kinh, hình ảnh Bồ tát đến thiên miếu điện thờ được xây dựng với những chi tiết thật ly kỳ sinh động. Khung cảnh trên đường từ cung vua và Thiên miếu đẹp rực rỡ với người người mặc áo quần đẹp đẽ, thoa dầu thơm đứng hai bên đường cầm tràng phan bảo cái , rải hoa thơm và ca hát nhảy múa đón chào. Nổi bật nhất trong khung cảnh đó là hình ảnh tiền thân đức Phật – thái tử Siddhatha với thân tướng trang nghiêm đẹp đẽ - báu thân ấy là kết tinh của vô lượng công đức trí tuệ tu tập và phước báo tích tụ của vô lượng kiếp quá khứ hành Bồ tát đạo. Chính báu thân tỏa sáng trí tuệ và từ bi của Phật đã tác động đến chư Thiên và loài người tôn kính mà phát tâm vô thượng Bồ đề: “Phật bảo các Tỷ Kheo, Bồ tát thị hiện vào thiên miếu, lúc ấy có ba mươi ngàn thiên tử và vô lượng chúng sanh phát tâm vô thượng Bồ đề. Này các Tỷ Kheo, do nhân duyên này nên ta vào Thiên miếu”[9]. Thật ra, Bồ Tát là bậc tối thắng thiện, thiên tướng làm sao sánh được nên phải cung kính đảnh lễ Ngài, hơn thế nữa, vì lòng từ bi và tùy thuận thế gian nên Ngài thị hiện vào thiên miếu để làm lợi lạc cho chúng sanh.
Phẩm thứ 9 – đồ báu trang nghiêm[10] mô tả lại cảnh Bồ Tát thị hiện thọ nhận châu báu trang sức quý giá mà loài người cho là quý giá nhất, sáng rỡ đẹp tuyệt vời nhất. Tuy nhiên, những thứ châu báu này lại lu mờ trước ánh sáng rực rỡ của Bồ tát, nghĩa là giá trị của vật chất sáng rỡ kia không thể nào so sánh được với tâm trong sạch, không cấu nhiễm mà trong veo thanh tịnh của Bồ tát. Bồ tát sống ung dung tự tại không bị trói buộc trước những vật chất tầm thường của thế gian, và vì thế lại càng không phụ thuộc vào vấn đề xem sao đoán hạn trong thiên miếu. Bồ tát với tâm không mong cầu, không tham sân si nên nhận đồ báu của chúng sinh chẳng qua là Pháp để giúp chúng sinh giảm đi tâm bỏn sẻn tham dục, dạy cho chúng sinh biết sống chia sẻ để đạt được lợi ích chung. Điều này cũng dạy cho chúng ta biết rằng, hạnh phúc và may mắn chính là do chúng ta tự tạo ra, do quá trình công phu tu tập để đạt được giới thân huệ mạng, phước trí trang nghiêm thanh tịnh mà không một của cải vật chất gì của thế gian có thể sánh được.
Lên đến bảy tuổi, cũng như những bạn đồng học, Thái tử được đưa đến trường cùng với mười ngàn đồng nam, muôn ngàn đồng nữ . Khắp các ngã tư đường có trăm thứ nhạc trời trỗi lên, trăm ngàn hoa trời rơi xuống, có tram ngàn thể nữ rải nước thơm. Bồ tát bước vào lớp học với phong thái uy nghi, oai đức vô thượng. Vị thầy dạy học của Ngài vừa thấy dung mạo khả ái của Bồ Tát như thế đã tự xét lại bản thân mình thấy không đủ đức để làm thầy Bồ tát được đến nỗi bất tỉnh nằm dài nơi đất: “ Lúc này, Bồ Tát vừa bước vào học đường. Bác sĩ Tỳ Xa Mật Đa thấy Bồ tát đi tới, uy đức vô thượng thì tự xét mình không thể làm thầy Bồ tát được, bèn sinh xấu hổ sợ hãi đến nỗi bất tỉnh nằm dài nới đất. Bấy giờ, có vị thiên tử của trời Đâu Suất tên là Diệu Thân, đã đỡ vị thầy dạy kia đứng lên và đặt yên trên tòa ngồi, rồi phóng thân lên hư không nói kệ:
“ Các kỹ nghệ hiện có thế gian
Nơi vô lượng kiếp đã tu tập
Vì muốn thành thục các đồng tử
Tùy thuận pháp tục lên học đường
Lại nhằm điều phục các chúng sanh
Khiến nhập pháp chân thật Đại thừa
Khéo hiểu nhân duyên biết bốn đế
Hay diệt các hữu đạt trong mát
Trời của trong trời là tối tôn
Bậc mở cam lộ không ai hơn
Hết thảy chúng sinh tâm hành khác
ở trong một niệm đều nhận biết
Pháp tịch diệt còn có thể ngộ
Huống lại văn tự mà phải học.”
Bồ tát ứng thân trong thế gian để cứu độ nhân gian. Trong vô lượng kiếp tu tập, Ngài đã thông hiểu mọi pháp thế gian. Ngài tự mình chứng ngộ sự thật Tứ diệu Đế. Pháp ấy chỉ rõ rằng, chúng sinh sống trong nhân gian là đang sống trong khổ, do đó phải hiểu nguyên nhân của Khổ, và trạng thái hạnh phúc vắng bặt Khổ bằng con đường tu tập Bát Thánh Đạo. Pháp ấy chính là con đường giải thoát bằng công phu hành trì Giới – Định – Tuệ và “Giải thoát tri kiến lung tung – Vào tri kiến Phật vô cùng đơn sơ”. Pháp ấy là pháp vị cam lồ đưa chúng sinh thoát khỏi vô minh mê mờ đưa tất cả chúng sinh tâm hạnh phúc trong sự chánh niệm tỉnh giác. Như chính lời đức Phật tuyên bố: “ Chư Tỷ Kheo, xưa cũng như nay, Ta chỉ nói lên sự khổ và diệt Khổ” “ Này các Tỷ Kheo, có một người khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa đến hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, là sự xuất hiện của mắt lớn, là sự xuất hiện của đại quang, xự xuất hiện của đại minh…là sự xuất hiện của minh và giải thoát. Người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A La Hán, Chánh đẳng giác”[11]
Sự xuất hiện của Đức Phật trên cõi đời này là một sự kỳ diệu nhiệm màu. Nhưng cách thị hiện của Ngài với đầy đủ báo thân, ứng hóa thân và Pháp thân càng kỳ diệu hơn. Chính Đức Phật cũng bảo ngài A Nan rằng: “Nếu có Tỷ Kheo nào không tu giới, định, tuệ mà có tâm ngu si, kiêu mạn, cống cao trạo cử, loạn trược lẫy lừng, không tin chánh pháp, có đủ tâm cấu uế của sa môn hay không phải sa môn mà hiện tướng sa môn,… những sa môn như thế dù được nghe, được biết Bồ tát thanh tịnh vào thai, họ cũng không đủ lòng tin quyết định”[12] và “ Này A Nan, người ngu si còn không tin Phật có vô lượng công đức, huống gì tin được thần thông biến hóa của Bồ tát” “ Công đức của Như lai rất sâu rộng, khó có thể tính lường được”[13]
Đức Phật đã là Bồ tát từ vô lượng kiếp, đã thấu hiểu vạn pháp với trí tuệ siêu phàm . Tâm Ngài thanh tịnh , sáng trong như ngọc mani không tỳ vết. Tấm long Ngài từ bi vô lượng xót thương chúng sinh đang chìm đắm trong biển khổ. Pháp thân, Báo thân, Ứng hóa thân của Ngài thị hiện chỉ vì một mục đích duy nhất: “Ra đời vì an lạc và hạnh phúc cho chư Thiên và loài Người”. Đức Phật và giáo pháp của Ngài về Tứ Thánh đế, Bát chánh đạo, duyên khởi và vô ngã chỉ dẫn cho chúng sanh thoát khổ cách đây hơn 2558 năm vẫn còn nguyên giá trị. Bởi đó là sự thật, là chân lý không gì lay chuyển. Ân đức vô lượng của Phật với thần thông vi diệu của Ngài không có ngôn từ nào diễn đạt hết. Nhiều đời, nhiều kiếp, con người vẫn cố gắng tìm ngôn từ cao quý nhất, trong sáng nhất để mô tả về Ngài, nhưng càng diễn đạt thì lại càng Thánh hóa đức Phật.
Theo sự nghiên cứu, hình tượng đức Phật xuất hiện được xem như là một sự hy hữu với những huyền thoại linh thiêng mầu nhiệm tạo nên nét văn hóa Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo đại thừa. Việc phác họa ra mô hình vườn Lâm Tỳ Ni đầy đủ những hình ảnh kỷ niệm ngày lễ Vesak[14] minh họa quá trình đản sinh – xuất gia tu hành – thành đạo hoằng pháp và nhập diệt của Đức Phật trở thành nét văn hóa tâm linh không chỉ có ý nghĩa đối với những người con Phật nói riêng mà cả nhân loại nói chung. Tuy nhiên, xét trên phương diện ngôn ngữ và ý nghĩa triết học về sự xuất hiện linh thiêng một hình tượng đức Phật dưới góc độ mô tả của bản kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm nói riêng và kinh điển Phật giáo Đại thừa nói chung thì sự diễn đạt ngôn ngữ biểu tượng có những mặt hạn chế của nó.
Thứ nhất, chú trọng thần thánh hóa hình tượng đức Phật với những yếu tố huyền thoại mang tính trừu tượng vô hình trung làm cho hình ảnh đức Phật trở thành một người xa lạ hay một vị thần linh đầy quyền năng. Điều này mâu thuẫn với chính cuộc đời tu tập, hành đạo của đức Phật và mâu thuẫn với những lời dạy của Ngài trong kinh điển, nhất là kinh điển thuộc hệ Nikaya. Chính đức Phật thường răn dạy các đệ tử không được lạm dụng thần thông và Ngài luôn khuyến khích phát huy loại thần thông giáo hóa. Vì vậy những huyền thoại về sự đản sinh của Ngài không phải là nhân tố chính làm nên sự nghiệp giác ngộ và hoằng hóa độ sanh của Ngài.
Thứ hai, trong một số chi tiết của các bản kinh Phật giáo đại thừa diễn đạt về sự ra đời của Ngài có sự mâu thuẫn ở một vài điểm. Ví dụ: “ Bồ Tát từ bụng mẹ sanh ra không đụng đất, chư Thiên đỡ lấy Ngài rồi đến loài người”, nhưng ở chỗ khác lại mô tả: “Khi Bồ Tát sanh ra đứng vững thăng bằng trên hai chân,…bước đi bảy bước…một lọng trắng được che trên. Ngài nhìn khắp tất cả mọi phương, thốt ra lời: “Ta sẽ là bậc thượng thượng trong tất cả chúng sanh. Ta là bậc tối thắng, tối thắng trong thế gian này. Ta xứng đáng thọ của nhân thiên cúng dường”. Bồ tát sanh ra đứng vững, đi được bảy bước rồi thì cần gì phải đỡ lấy, rồi đã đi được bảy bước sao không tiếp tục bước đi nữa? Bồ tát mới sinh ra đã nói được bốn câu kệ nhưng sau đó lại không nói được nữa mà phải chờ đúng thời gian như các đứa trẻ khác mới nói.
Thứ ba, sự huyền thoại hóa đức Phật làm cho Ngài trở thành đấng đáng tôn thờ cúng bái, cầu nguyện tiếp dẫn hơn là Bậc Đạo Sư chỉ đường dẫn lối cho chúng ta tự mình tu hành để đạt được an lạc hạnh phúc trên cuộc đời này. Có lẽ vì những văn bản kinh Phật giáo Đại thừa nói chung và bản kinh Đại Phương Quảng Đại Trang Nghiêm sử dụng nhiều ẩn dụ mang tính huyền thoại nên hình thức Phật giáo tín ngưỡng nghi lễ cúng bái phát triển mạnh ở các nước theo truyền thống này. Ở khía cạnh tích cực của hình thức lễ bái cúng tế là duy trì được văn hóa lễ nhạc, gieo duyên cho Phật tử sơ cơ vào con đường đạo nhưng xét về mặt hạn chế của nó thì thiết nghĩ Phật giáo cũng nên có sự suy ngẫm.
Ngày nay, người con Phật vui mừng vì cộng đồng thế giới đã công nhận đức Phật là một con người lịch sử thông qua những bằng chứng khoa học cụ thể. Điều đó có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định đức Phật là một vĩ nhân, một người giác ngộ giải thoát bằng nỗ lực tu tập khổ luyện đúng phương pháp. Sự thành công nào cũng phải trả giá bằng sự siêng năng tinh tấn, quyết tâm bền sức, kiên trì dũng mãnh đi tới kèm theo những tri thức cần thiết và phương pháp đúng đắn. Không có những yếu tố này, thì chúng ta dù có cường điệu hóa hay thần thánh hóa thì kết quả cũng chỉ là mơ mộng không thực tế. Huyền thoại hóa về cuộc đời đức Phật có thể làm cho hình tượng Ngài linh thiêng hơn, mầu nhiệm hơn nhưng điều đó chưa đủ làm cho Ngài thành Phật. Sự thật, đức Siddhatha Gotama đã phải mất 6 năm tu khổ hạnh và quyết chí thiền định đến 49 ngày đêm mới giác ngộ. Ở góc độ văn hóa tín ngưỡng, huyền thoại đức Phật góp phần tạo nên nét văn hóa tín ngưỡng. xét về góc độ thực tiễn, đức Phật lịch sử có tính thuyết phục hơn, gần gũi hơn, thực tế và dễ chấp nhận hơn.
Tự thân tu tập, tự thân hành trì pháp môn hướng thiện đến giải thoát khổ đau, để rồi tự thân trở thành vị thuyết pháp ở đời là bức thông điệp mà đức Phật muốn trao truyền cho chúng ta để bánh xe Pháp thường chuyển từ đời này sang đời khác.
Chúng sinh muôn loài mê lầm từ vô thủy, cõi đời uế trước tạo nhiều chướng duyên khó diệt trừ, tập khí hữu lậu không ngừng phát sinh khi xúc cảnh. Xét ra để hiểu rõ về đức Phật và giáo pháp của Ngài, đồng thời trở về bản tâm thanh tinh, bản giác thường trụ của chính mình là việc làm muôn kiếp, là hạnh nguyện nỗ lực nhiều đời của những người học Phật. Đôi khi chúng ta tự hỏi tu bắt đầu từ đâu, và sẽ đi đến đâu. Chỉ khi có niềm tin chân thật nơi cửa Đạo, một lòng phụng thờ lời di giáo của Như Lai, kiên tâm hành trì chuyển hóa đời sống, chân thật tu, thật chất học, quyết chí diệt trừ mê lầm từ ba độc tham sân si, tích lũy công hạnh trọn đủ, may ra hy vọng một ngày thật gần trong kiếp tương lai sẽ nở hoa giải thoát – thành Phật. Đạo còn nơi xa, chúng sinh cang cường, thời gian vô thường, ma chướng nhiều đông, nghiệp quả thậm thâm, tập chân thật từ những điều nhỏ nhất? Con Phật chẳng nhận những gì không phải là của mình, tất cả chỉ theo duyên giả hợp, có lại hoàn không, tại sao phải dối trá mong được việc mình? Tụng kinh học giới, rộng ra thành tựu lý tưởng giải thoát độ sinh tất cả đều không rời minh tâm chân thật với đạo. Chỉ khi chúng ta lắng lòng suy ngẫm và trải nghiệm sẽ thấy được những điều mầu nhiệm, thật giản đơn, ở quanh ta , chẳng đâu xa, ngay nơi tâm - ta phát xuất, chăm chú kiếm tìm sẽ buông được gánh nặng tâm tư, những nỗi lo thời cuộc. Sự nghiệp tu học của mỗi hành giả là thường xuyên giác tỉnh quán chiếu các pháp vốn như thị , thật tướng vô ngã trong nguyên lý duyên khởi bước ra. Hãy chánh lại những điều cần chánh, thành tựu giới hạnh tròn đầy, sống chân thật, không lỗi đạo, mỗi ngày trôi qua, một ngày an lạc không vơi. Tất cả chỉ là cuốn phim đời mà chúng ta là người đóng vai trò rồi tự nếm ý vị. Đức Phật đã đồng điệu với căn bệnh nan y của nhiều kiếp sinh linh nên Ngài đã xác định : “Hãy trở về nương tựa mình và nương tựa pháp, ngươi là hải đảo, là nơi nương tựa của chính ngươi”[15] Và tất nhiên, tinh tấn nỗ lực hành trì sẽ đạt được chỗ tựa khó đạt!
Tóm lại, “…Bằng một lần thị hiện trên mảnh đất trần thế, đức Phật là người đã Thánh hóa cuộc đời”[16]. Nhận định của đại thi hào R. Targo quả thật là tuyệt vời. Đức Phật – Ngài là vị sứ giả hòa bình, bởi cuộc đời và sự nghiệp thuyết pháp độ sinh của Ngài là tấm gương sáng và bài học lớn cho mỗi chúng ta. Bài học về sự tự thân chiến thắng bản ngã, dứt sạch tham sân si, sống nếp sống an tịnh không tranh chấp, không tranh luận, luôn tôn trọng sự sống và môi trường sống của mọi loài.
Thế giới hiện tại của chúng ta đang khao khát hòa bình hơn bao giờ hết bởi cảm giác lo lắng bất an luôn ám ảnh tâm tư con người và bởi sự sống không ngừng bị đe dọa bởi tình trạng bạo động, khủng bố, tai nạn và chiến tranh. Tất cả là sản phẩm của con người. Con người đã tạo chiến tranh gây bất an cho mình thì chính con người phải xây dựng hòa bình, tạo an lạc cho chính mình. Hiến chương UNESCO nêu rõ: “Chiến tranh bắt nguồn từ trong tâm thức con người, do đó, chính trong tâm thức con người hòa bình phải được xây dựng”. lời tuyên bố trên rất gần gũi với quan điểm và lập trường hòa bình của đức Phật.
Nghiên cứu hình tượng đức Phật trong kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm như là một sự nhắc nhở cho chúng ta quay trở về với đức Phật trong tâm mình. Mỗi lời kinh, mỗi ngôn từ diễn đạt về đức Phật - mặc dù là những ngôn ngữ biểu tượng hơi thâm thúy cao siêu sâu sắc khó hiểu – nhưng cũng là sự may mắn và hạnh phúc cho chính bản thân mỗi người. Bởi đức Phật xuất hiện trên từng trang kinh cũng chính là đức Phật đang khai mở trong tâm mình – đó là sự kiện hy hữu, khó gặp ở đời, Ngài thị hiện như là ánh sáng quang minh xua tan bóng đêm mờ tối vô minh giúp cho con người và muôn loại chúng sanh xa lìa ác pháp, an trú vào thiện pháp để sống an lạc hạnh phúc giải thoát.
Phương Như
Tài liệu tham khảo
1. Hương Vân dịch, Chuỗi ngọc trai, nxb Phương Đông, 2006
2. Viện NCPHVN ấn hành, Trường Bộ Kinh, tập II, Kinh Đại Bát Niết Bàn, 1992.
3. TT. Thích Tâm Minh, Đức Phật – vị sứ giả của hòa bình, nxb Tôn giáo, 2006
4. H.W.Schumann, The Historical Buddha, Arkana Peguin Books, London, 1989
5. Thích Kiên Định, Lược sử Văn học Sanskrit và Hán tạng Phật giáo, nxb Thuận Hóa, 2008
6. Viện NCPHVN ấn hành ,Trung Bộ Kinh, Kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp, 1992
7. Ni Sư Trí Hải dịch, Đại Phương Quảng Đại Trang Nghiêm Kinh, chùa Từ Nghiêm Tp. Hồ Chí Minh.
8. HT. Thích Trí Tịnh dịch, kinh Pháp Hoa, nxb Tôn Giáo, 2009
9. HT. Thích Minh Châu, Kinh Trường Bộ, nxb Tôn giáo, Hà Nội 2013
[1] Thích Kiên Định, Lược sử Văn học Sanskrit và Hán tạng Phật giáo, nxb Thuận Hóa, 2008, trang 66
[2] Đọc thêm Trung Bộ Kinh, Kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp, Viện NCPHVN ấn hành,1992
[3] Ni Sư Trí Hải dịch, Đại Phương Quảng Đại Trang Nghiêm Kinh, chùa Từ Nghiêm Tp. Hồ Chí Minh.
[4] HT. Thích Trí Tịnh dịch, kinh Pháp Hoa, nxb Tôn Giáo, 2009, trang 66
[5] HT. Thích Minh Châu, Kinh Trường Bộ, nxb Tôn giáo, Hà Nội 2013, trang 234.
[6] Ni Sư Trí Hải dịch, Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm, GHPGVN PL 2546 – DL 2002
[7] Ni Sư Trí Hải dịch, Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm, GHPGVN PL 2546 – DL 2002
[8] Trạch pháp giác chi: sự quán chiếu sâu sắc bằng tuệ giác để hiểu thấu đáo quy luật vô thường và bản chất duyên sinh của vũ trụ, vạn vật. Tinh tấn giác chi: là nỗ lực tinh chuyên trên lộ trình tu tập với niềm tin bất động vào Chánh Pháp mà các Đức Phật đã chỉ dạy. Hỷ giác chi: là sự vui trong trạng thái tỉnh giác với kết quả đạt được trên lộ trình tu tập. Khinh an giác chi: là tâm nhẹ nhàng thanh thoát nhờ thực hành các pháp phần giác ngộ. Niệm giác chi: là luôn ghi nhớ chân chánh để duy trì năng lượng của trạng thái giác tỉnh. Định giác chi: là tập trung đúng để đạt được giác ngộ trong hành thiền. Xả giác chi: trạng thái buông bỏ các tư niệm sai lầm liên hệ đến tham dục, vô minh, nhân duyên.
[9] Ni Sư Trí Hải dịch,Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm, GHPGVN PL 2546 – DL 2002, phẩm thứ 8 – Vào Thiên Miếu.
[10] Sđd, Phẩm thứ 9 – đồ báu trang nghiêm, trích: “ Năm trăm vị đại thần dòng họ Thích cũng vì Bồ tát sắm tạo các thứ trang nghiêm như khoen đeo tay, khoen vòng cổ, dây chuỗi anh lạc, chuông, lắc, giày, vòng bằng vàng…Bấy giờ, có vị dòng họ Thích tên Bạt Đà la đem các thứ báu trang nghiêm đã sắm sẳn như áo, mão , khan..cho Bồ tát. Ngay lúc ấy thân Bồ Tát phóng ra ánh sáng rực rỡ, nên đã lấn hết ánh sáng của các đồ báu, ví như đống mực đen , đem sánh với vàng Diêm Phù”.
[11] TT. Thích Tâm Minh, Đức Phật – vị sứ giả của hòa bình, nxb Tôn giáo, 2006, trang 20.
[12] Ni Sư Trí Hải dịch,Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm, GHPGVN PL 2546 – DL 2002, Phẩm 7 – Đản sinh.
[13] Sđd, Phẩm 7 – Đản sinh.
[14] Vesak còn gọi là ngày lễ Tam hợp : Đản sinh – Thành Đạo – Nhập Niết Bàn của Đức Phật
[15] Viện NCPHVN ấn hành, Trường Bộ Kinh, tập II, Kinh Đại Bát Niết Bàn, 1992.
[16] Hương Vân dịch, Chuỗi ngọc trai, nxb Phương Đông, 2006, trang 5.