Phật đản sinh và tính giải thoát trong đạo Phật
Suy ngẫm về sự kiện lịch sử có tầm quan trọng này, mục đích là nhận chân được bài học có giá trị muôn đời cho con người mà thiết thực hơn hết là cho con người Phật tử Việt Nam đang sống trong thời đại có xu hướng toàn cầu hóa, của nền văn minh vật chất được sùng thượng. Vấn đề đặt ra, giá trị thiết thực của đạo Phật, trong đó tính giải thoát sẽ góp phần đem lại sự bình an nội tại, hạnh phúc cho con người trong cuộc hành trình tâm linh truyền thống.
Ý niệm về giải thoát trong đạo Phật
Đức Phật từng dạy rằng: “Cũng như nước biển chỉ có một vị là mặn, đạo của Như Lai cũng có một vị là giải thoát”. Giải thoát là lý tưởng muốn đạt tới của con người muôn thuở, chứ không riêng gì trong thời đại Đức Phật. Theo đó, Phật giáo hướng con người vượt qua sự mê mờ (vô minh), nhận ra bản tính của mình và thực tướng của vạn vật, hòa nhập được vào với bản thể vũ trụ tuyệt đối, chân thực, bằng nhận thức trực giác, và cả thực nghiệm tâm linh. Đó chính là sự giải thoát.
Giải thoát theo tiếng Phạn là moksha, mukti. “Giải” nghĩa là gỡ ra, cởi ra, chia tách ra hay giải thích cho rõ; chữ “thoát” nghĩa là vượt ra khỏi sự trói buộc, vượt ra ngoài sự ràng buộc của cái ách của sanh, già, bệnh, chết, ách của sanh tử, luân hồi mà đã làm người thì ai cũng phải chịu.
Theo các kinh sách triết học và tôn giáo cổ Ấn Độ, thì từ giải thoát có rất nhiều nghĩa và có thể xem xét nó qua các mặt khác nhau như trạng thái, mục đích, phương tiện và kết quả. Người ta cũng có thể xem xét nó ở các mặt bản thể luận hay nhận thức luận, triết học, tâm lý cũng như đạo đức, tôn giáo. Trong triết lý Phật giáo Ấn Độ, giải thoát tức là trạng thái đời sống tinh thần con người vượt ra khỏi mọi sự ràng buộc của thế giới nhục dục, là sự “diệt” hết mọi dục vọng, đạt tới cảnh trí Niết-bàn với cái tâm tuyệt đối thanh tịnh, bất sinh, bất diệt và tự do, tự tại, bằng con đường thực nghiệm tâm linh theo lộ trình Giới - Định - Tuệ.
Chúng ta nhớ lại chuyện thái tử Siddharta, khi còn ở trong hoàng cung, mấy lần đi chơi ngoại thành gặp những cảnh người ốm, người già, người bệnh và lần thứ tư gặp một nhà tu hành với dáng điệu giải thoát. Tất nhiên dáng điệu giải thoát đó của nhà tu hành mà thái tử gặp ở ngoài thành, phải phản ánh, phải thể hiện nội tâm giải thoát của vị ấy, nếu không như vậy thì sẽ không có tác động sâu sắc đến thái tử như vậy, khiến thái tử quyết chí từ bỏ hoàng cung xuất gia đi cầu đạo.
Nội tâm giải thoát như các sách Phật hiện nay thường nói, là tâm giải thoát và tuệ giải thoát, giải thoát khỏi phiền não và vô minh. Sự giải thoát phải thật sự đạt được từ bên trong nội tâm, rồi mới bộc lộ ra bên ngoài thành tướng giải thoát, chứ không phải cứ mặc áo nâu sồng, đầu cạo sạch tóc là tướng giải thoát. Thiết nghĩ, người phương Tây đã nói đúng với câu: “Cái áo không làm thành người tu sĩ” (L’habit ne fait pas le moine). Và Khổng Tử cũng nói rất đúng khi ông viết trong cuốn Đại học: “Thành ư trung, hình ư ngoại”. Nghĩa là chân thành ở bên trong thì lộ ra ở bên ngoài. Giải thoát hay không giải thoát đều lộ ra bên ngoài.
Kinh Bổn duyên (Mahavastu) kể lại chuyện ngài Xá Lợi Phất sau khi ngộ đạo gặp lại ngài Mục Kiền Liên trên đường đi. Ngài Mục Kiền Liên thấy ngài Xá Lợi Phất dung mạo khác thường bèn hỏi: “Này Tôn giả Xá Lợi Phất, dung mạo Tôn giả thanh tịnh, thần thái Tôn giả trang nghiêm, an ổn khiến mọi người đều kính. Phải chăng Tôn giả đã uống được nước cam lồ bất tử, đã tìm được con đường lớn dẫn tới sự giải thoát? Dung mạo Tôn giả giống như bậc đắc đạo, nó trong sáng như hoa sen nở…” (Chuyển từ cuốn Buddhist Thought In India-Mahavastu).
Tính giải thoát ưu việt của đạo Phật trong đời sống xã hội
Mọi tôn giáo và triết thuyết đều không phải nảy sinh trong sa mạc, mà là trong bối cảnh lịch sử - xã hội nhất định. Đạo Phật là một đạo giải thoát, xuất hiện trong bối cảnh lịch sử - xã hội Ấn Độ cổ đại, bị chi phối bởi giáo điều giải thoát rất đặc biệt của Bà-la-môn giáo.
Vì sao lại nói giáo điều giải thoát đặc biệt? Giáo điều giải thoát của Bà-la-môn giáo đặc biệt ở chỗ chỉ dành cho những người thuộc đẳng cấp Bà-la-môn và đẳng cấp Sát-đế-lỵ (tức là đẳng cấp giáo sĩ và vương tướng); còn người thuộc đẳng cấp tiện dân, Thủ-đà-la mà trộm nghe kinh Veda thì bị phạt đổ dầu nóng vào tai; trộm xem kinh Veda thì bị phạt đổ dầu nóng vào mắt… Giáo điều giải thoát của Bà-la-môn còn đặc biệt ở chỗ nó xem kinh Veda là thần khải, do đó mà gọi lời chép trong kinh đều là chân lý tuyệt đối, phải tin và phục tùng không được bàn cãi.
Và cũng theo lời dạy của kinh Veda, tổ chức tế đàn cúng pháp là điều tối thượng, đảm bảo cho người dâng tế sự gia hộ và che chở của thần linh. Tuy nhiên, để có thể tổ chức tế đàn đúng quy định, thì không thể không dựa vào lớp giáo sĩ Bà-la-môn, thông thạo sách Veda. Từ đó, mọi người kể cả vua chúa phải tôn sùng đẳng cấp Bà-la-môn như là đẳng cấp cao quý nhất trong xã hội, đẳng cấp có thể giao tiếp với thần linh, thậm chí có thể sai sử thần linh.
Như vậy biện pháp gọi là giải thoát của của Bà-la-môn giáo thực ra là biến con người thành nô lệ của tế đàn của kinh Veda, thần linh và đẳng cấp Bà-la-môn.
Gọi là giải thoát nhưng trên thực tế là nô lệ hóa. Một trong những chức năng cách mạng của đạo Phật khi nó xuất hiện ở Ấn Độ là giải thoát người Ấn Độ khỏi những ràng buộc đó, và bày vẽ cho người Ấn Độ con đường dẫn tới cảnh giới đích thực. Đúng như Tiến sĩ Radhakrishnan viết khi mở đầu tập hai cuốn Triết học Ấn Độ: “Kỷ nguyên của Đức Phật là suối nguồn vĩ đại của tinh thần triết học Ấn Độ… Đạo Phật tác động như một liều thuốc tẩy, rửa sạch tinh thần khỏi ảnh hưởng làm xơ cứng của những trở ngại và ách tắc xưa. Chủ nghĩa hoài nghi, nếu trung thực thì sẽ giúp tổ chức lại tín ngưỡng trên cơ sở tự nhiên của nó. Các trường phái bảo thủ buộc phải điều chỉnh những quan điểm của mình, và bảo vệ chúng một cách lô-gic…” (Indian Philosophy. Vol 2 p. 17. Radhakrishnan).
Có thể nói, với sự xuất hiện của đạo Phật, mặt phê phán của triết lý trở thành quan trọng ngang bằng mặt tự biện. Khác với giáo chủ các tôn giáo khác, Đức Phật chưa từng bao giờ xưng mình là thần linh và đòi hỏi tín đồ phải tin và phục tùng mình như thần linh. Đức Phật đến với loài người như là một con người nhưng là một con người hoàn thiện, và chỉ bày cho mọi người con đường để trở thành hoàn thiện. Tính nhân bản của đạo Phật là ở chỗ đó.
Cảnh giới giải thoát mà Đức Phật chỉ bày cho con người tuy là không thể nghĩ bàn, siêu việt ngôn ngữ và tư duy thế tục, thế nhưng con đường dẫn tới cảnh giới đó lại được Đức Phật mô tả và giảng dạy bằng ngôn ngữ, và sau này được chép lại thành văn tự, đó là con đường Giới - Định - Tuệ; con đường của nếp sống đạo đức (giới), của tịnh tâm (định), và trí tuệ bừng sáng (trên cơ sở của giới và định). Đó là con đường tự mình cố gắng, tự mình nỗ lực hàng ngày, hàng giờ, trong từng giây phút của cuộc sống.
Cuộc sống đạo đức trong sáng hàng ngày sẽ dần dần đem lại sự định tâm, sự bình lặng và trong sáng của tâm thức, từ đó trí tuệ Bát-nhã nảy sinh. Đó là con đường tu tập vững chắc nhất, ai cũng theo được dù là xuất gia hay tại gia.
Vua Trần Thái Tông đã nói lại tư tưởng này trong cuốn Khóa hư lục với câu mà hầu như người nào nghiên cứu Phật giáo thời Trần đều thuộc lòng và tâm niệm không phút nào quên: “Mạc vấn đại ẩn tiểu ẩn, bất câu Tăng tục, xuất gia tại gia, chỉ yếu biện tâm…” (Không kể là ở ẩn trên núi hay là giữa thị thành, không kể là Tăng hay tục, là xuất gia hay tại gia, điều chủ yếu phải làm là biện tâm, tức là tu tập tâm, cải tạo tâm...).
Cũng trong thời Trần, ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ, trong bài Phật tâm ca nổi tiếng, cũng khẳng định: “Phật tức tâm, tâm tức Phật”. Và học trò của ngài là vua Trần Nhân Tông, Sơ tổ của dòng Thiền Trúc Lâm, trong Cư trần lạc đạo phú, lại diễn đạt tư tưởng đó với những câu như: “Chỉn Bụt là lòng, xá ướm hỏi đòi cơ Mã Tổ…;“Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn nghi ngờ đến phương Tây”, “Di Đà là tính lặng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc…”.
Đúng như vậy, tinh thần đạo Phật là trong sự nghiệp cầu tìm chân lý, cầu tìm giải thoát, cầu tìm Phật, không nên tìm tòi ở đâu xa, ở Ấn Độ hay Hymalaya… mà chính ngay ở trong nội tâm mình.
Đó cũng là bức thông điệp đầy tính nhân bản và cũng đầy tính cách mạng mà Đức Phật Thích Ca gởi đến loài người, khi Ngài xuất hiện không phải trong hào quang của thần linh, mà như một con người đã hoàn thiện, đến với những con người.
Có người, nhiều người chứ không phải là một số ít người, nhìn đạo Phật như là một cái gì đó xa xôi, siêu nhiên, huyền bí. Nhưng “hoa sen đâu có mọc trên núi rừng xa vắng, mà mọc ngay ở cạnh đường đi, ở trong bùn”. Ảnh dụ hoa sen vươn lên từ trong bùn lầy, hoa sen vẫn tươi đẹp trong lò lửa tham, sân, si của cái thân năm uẩn này là một ảnh dụ rất có ý nghĩa, rất sâu sắc, xứng đáng để cho chúng ta suy tư và tâm niệm hàng ngày, hàng giờ phút trong cuộc sống.
Chúng ta cũng gần gũi với Phật bằng cả cuộc sống của mình với việc hướng tâm đến sự giác ngộ và giải thoát bằng nỗ lực sống theo phương châm “Việc hại người dù nhỏ cũng không làm; việc lợi người dù nhỏ cũng cố gắng làm”. Đấy chính là con đường dẫn đến cuộc sống an lạc, hạnh phúc cho bản thân và cộng đồng. Giá trị của tính giải thoát trong đạo Phật là vậy.
Thích Phước Đạt