Tinh thần thiết thực hiện tại trong lời dạy của Đức Phật
Một trong những tinh thần giáo dục đặc sắc khác mà Đức Phật truyền dạy là tinh thần “thiết thực hiện tại”, hay tinh thần thực tiễn, thực tế.
Phẩm kinh Cây Lau ghi lại lời dạy của Ngài:
Không than việc đã qua,
Không mong việc sắp tới,
Sống ngay với hiện tại,
Do vậy sắc thù diệu,
Do mong việc sắp tới,
Do than việc đã qua,
Nên kẻ ngu héo mòn,
Như lau xanh lìa gốc.(1)
Kinh A Nan Nhất Dạ Hiền ghi:
Quá khứ không truy tìm,
Tương lai không ước vọng,
Quá khứ đã đoạn tận
Tương lai lại chưa đến
Chỉ có pháp hiện tại,
Tuệ quán chinh ở đây…(2)
Với nếp sống của con người thì chỉ có hiện tại là tương đối có thực. Sống có nghĩa là sống với hiện tại, sống vào hiện tại, hay nói cách khác, chỉ có hiện tại là sống. Sống ngay với hiện tại là tinh thần thiết thực. Than thở, tiếc nuối quá khứ hay mơ ước tương lai, chẳng những để mình rơi vào chỗ phi thực mà còn bị vướng mắc vào rối loạn tâm lý, khổ đau, và đánh mất hiện tại đang là, cái hiện tại sống động, mới mẻ đầy sáng tạo, đầy nghĩa sống. Có thể hiện tại này trở thành vĩnh cữu nếu mình biết nhiếp phục cái tâm chấp thủ ngã tướng.
Nếu không biết tích cực chấp nhận hiện tại như nó đang là để vận dụng hiệu quả khả năng và trí tuệ của mình đi đến an lạc, hạnh phúc và giải thoát, thì như Đức Phật đã dạy, dung sắc của mình sẽ khô héo nhanh chóng như cây lau xanh lìa gốc. Hạnh phúc của đời mình cũng héo khô như thế.
Chúng ta sẽ thấy rằng phần lớn các rối loạn, sầu muộn của tuổi trẻ, của người lớn đều do tư duy của họ gây ra, nhất là những tư duy về quá khứ không thiết thực, về những tương lai hão huyền.
Quan sát đời sống cá nhân, có thể phát biểu rằng 90% cuộc sống của mình bị đánh mất bởi các tư duy và mộng tưởng sai lầm ấy.
Thật là dễ hiểu, những sự kiện không vừa ý xảy đến với mình gây phiền muộn cho mình thì ít, mà tư duy của mình về các sự kiện ấy quấy rầy, phiền hà mình thì nhiều.
Vả lại, nghĩ nhiều về quá khứ và tương lai không thiết thực chỉ đánh mất thời gian và năng lượng đáng lẽ được dùng vào việc lợi mình và ích người.
Như thế, “hiện tại”, và “tại đây” như là hòn đảo an toàn mà Đức Phật đã chỉ cho con người nương tựa, để khỏi bị rơi chìm vào trong đại dương phiền muộn của vọng tưởng, để từ đó có thể đi vào nghĩa sống hạnh phúc mà nghìn thu con người tìm kiếm.
Sau khi trở về với hiện tại, con người phải biết làm chủ tư duy và dục vọng (phần giải thích rộng rãi của Tôn giả Ca Chiên Diên) để được lợi ích thiết thực.
Chàng trai Màlunkyaputta, trongTrung Bộ II (kinh Cùla Màlunkyaputtasuttam) và trong kinh Tiểu dụ (Hán tạng: Đại 1.917) đặt mười câu hỏi siêu hình với Đức Phật: Thế giới là thường? Vô thường?… Như Lai sẽ tồn tại sau khi chết? v.v……
Thế Tôn đã im lặng không trả lời. Ngài nói cho Màlunkyaputta nghe câu chuyện một người bị mũi tên độc. Vấn đề cấp thiết là giải phẫu để giải độc ngay, chứ không phải là vấn đề tìm hiểu ngọn ngành mũi tên, người bắn mũi tên… trước khi chịu giải phẫu. Cũng thế, vấn đề cấp thiết của con người là nhổ mũi tên khổ đau, chứ không phải là đi tìm câu trả lời cho các vấn đề siêu hình không thiết thực kia.
Đức Phật đã từng dạy trong Tương Ưng V, và nhiều kinh khác: “Những gì Như Lai biết ví như rừng lá Simsàpa, còn những gì mà Như Lai thuyết giảng thì ít như nắm lá trong tay, nhưng đấy là những phương thuốc trừ khổ”.
Đấy là tính chất thực tiễn.
Nói về hạnh phúc đời sống gia đình, Đức Phật chỉ dạy những bổn phận và những việc phải làm cụ thể, mà không chỉ cho hàng đệ tử đi vào cầu nguyện, cúng lễ. Ngài đã dạy tế đàn có ý nghĩa là bố thí, giúp đỡ tha nhân, và tế đàn có ý nghĩa hơn hết là tu tập Giới, Định, Tuệ của chính tự thân, (Trường Bộ I; Tăng Chi IV, tr 39; Tăng Chi II, phẩm Bổn pháp).
Lời dạy của Đức Phật xuất phát từ yêu cầu thực tế của con người, đó là chỉ ra con đường, phương cách để giải quyết nỗi khổ đau và có hạnh phúc ngay trong đời sống bây giờ và tại đây. Con đường đó xuất phát từ tự thân, do giữ giới, thiền định chứ không phải do cầu nguyện và cúng lễ, nhờ ân huệ của một đấng thần linh nào đó. Lời dạy của Ngài qua hơn 25 thế kỷ ảnh hưởng đã đóng góp nhiều vào văn hóa nhân loại. Sự kiện đóng góp này soi tỏ Phật giáo là một nếp sống tâm linh không giáo điều và mang tính thiết thực, đầy trí tuệ.
(1) Tương Ưng I, Hán tạng, tập 36.3; Đại 2.260c; Biệt tập 8.1 , Đại 2.
(2) Trung Bộ III, Hán tạng: Trung A Hàm số 167.
HT. Thích Chơn Thiện