Trong vòng tay của ngã
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Giữa trời, vách đá cheo leo
Ai mà chịu rét thời trèo với thông.(1)
Nguyễn Công Trứ ngán ngẫm kiếp người đến nỗi chỉ muốn làm cây thông vào kiếp sau. Cuộc đời con người đáng chán đến như vậy sao?
Bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật há không nói đời là bể khổ?
Trong Thánh kinh, khi trục xuất Adam và Eve ra khỏi thiên đường, Đức Chúa Trời chẳng phải đã phán rằng: “… Tu enfanteras dans la douleur…A la sueur de ton front, tu gagneras ton pain". (…Ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén, lúc sinh con…Ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời người mới kiếm được miếng ăn từ đất ra. Ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn). (2)
Mọi người ai cũng đồng ý, nếu đời không là khổ thì đứa trẻ sơ sinh đã không mở mắt chào đời bằng tiếng khóc oe oe. Người đàn bà mang nặng đẻ đau, đôi khi còn bỏ cả mạng sống và người đàn ông thì phải vất vả lao động để gánh vác gia đình, đôi khi đến hết cả cuộc đời, chưa kể còn gánh vác luôn cả nhà vợ, họ hàng thân thích, con cháu!
Hãy thử nhìn lại từ đầu khi con người cất tiếng khóc chào đời. Trong những năm tháng đầu đời thì chắc chắn đứa bé chẳng hiểu gì về mình và cuộc đời, có khóc chăng cũng chỉ là những phản ứng tự nhiên của các hiện tượng sinh vật lý, vì đói, vì khát, vì đau, vì nhức, vì nóng, vì lạnh… Rồi dần dà theo ngày tháng, nhờ vào các giác quan mà thấy và nhận ra hình ảnh, nghe được âm thanh, ngửi được mùi, biết được vị của thức ăn, có cảm giác dễ chịu khi được hôn, được vuốt ve âu yếm, và cái trí nhỏ bé cũng bắt đầu biết, nhận ra, phân biệt, tích lũy trong trí nhớ các sự vật chung quanh, những người chung quanh, người quen, người lạ, kèm những phản ứng không đồng đều, vui mừng, sợ hãi, thích thú, không thích thú, khó chịu, dễ chịu…
Đứa bé đã bắt đầu biết có mình và người khác quanh mình. Kêu tên nó thì nó nhận ra là nó. Nếu không kêu đúng tên nó thì nó cũng biết là không phải mình.
Chỉ cần một khoảng thời gian từ một năm tuổi cho đến hai tuổi trở đi là đứa bé con hoàn toàn nhận thức mình là ai, tên gì, trai hay gái, ai là cha mẹ mình, anh chị em mình, nhận biết các thứ đồ vật, cái này là gì, cái kia là gì, và biết giành giật với các chúng bạn, đồ chơi này là của tôi, tôi thích cái này, không được lấy đồ của tôi... Khái niệm “của tôi ” thật rõ rệt.
Trong cái đầu óc non nớt nhưng đã có đầy đủ mầm tư duy, gốc rễ của trí tuệ phát triển theo với thân hình, vóc dáng, theo thời gian.
Triết gia Descartes đã khẳng định: “Je pense donc je suis” (Tôi tư duy tức là tôi tồn tại).
Cũng nhờ cái tư duy này mà có sự nhận biết phân biệt tôi và người khác. Ý thức tôi hiện hữu với thế giới chung quanh tôi. Cái tôi liên quan, mật thiết gắn liền với xã hội.
Thời gian trôi qua, bên ngoài là cái tôi vật lý, sinh lý cao lớn dần thì bên trong, cái tôi tinh thần, tâm lý, tâm linh, là cốt lõi của ý thức cũng lớn theo. Tùy môi trường sinh sống, tùy sự hấp thụ giáo dục, tùy ảnh hưởng của xã hội, người chung quanh mà cái tôi này khác với cái tôi kia. Cho dù cùng sinh trong một môi trường, cùng hấp thụ một nền giáo dục, cùng chịu chung ảnh hưởng của một xã hội nhưng cái tôi nào cũng là một cá thể hoàn toàn khác biệt.
Từ những nhận thức hay ý thức đơn giản nhất, cái tôi bỗng thành hình thật vững chắc, với những nhận thức hay ý thức càng ngày càng phức tạp.
Cái tôi không chỉ là biết đi, biết ăn, biết nói, biết ngủ, biết thức… Cái tôi còn biết vui biết buồn, biết giận, biết hờn, nghĩa là đủ thứ hỷ nộ ái ố.
Nhà Phật thì tóm gọn vào ba tánh xấu căn bản tham, sân, si. Tham là lòng muốn, muốn sở hữu, muốn là của tôi, muốn thuộc về tôi, muốn chiếm đoạt, muốn có, muốn được, muốn thỏa mãn “ý muốn” của tôi. Từ cái muốn này mà không biết tự chủ thì gây ra vô số phiền toái, lầm lỗi, từ lỗi nhỏ có thể thành lỗi to, từ ăn cắp vặt có thể trở thành tướng cướp, giết người cướp của không gớm tay, vì muốn chiếm đoạt người mình yêu mà có thể không ngần ngại giết chết tình địch… Tai họa của tham không nhỏ. Sân là lòng tức giận, không bằng lòng, không vừa ý, không thỏa mãn, không có, không được, không đúng như những gì cái tôi mong cầu, ao ước, chờ đợi thì sẽ nổi lên lòng tức tối, giận hờn, buồn phiền thậm chí mạnh mẽ hơn nữa thì trở thành thù ghét, oán hận. Từ đó cũng có thể tạo ra những mối thù “không đội trời chung”, đưa đến bạo lực, tàn phá, giết hại… Tai họa đem lại từ cái sân thành hận này cũng không nhỏ. Si là mê mờ, ngu si, không trí tuệ, tư duy sai, lệch lạc với đạo đức, lẽ phải, phép tắc hay luân lý. Và hậu quả của si cũng vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn đến bạo lực, chết chóc. Chỉ cần suy nghĩ không đúng thì sẽ hành động không đúng và tất yếu là hậu quả cũng không đúng.
Nơi cái thân hình bé nhỏ chứa đựng một cái tôi bé nhỏ và đang lớn dần với thời gian, thì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Thiện cũng như ác. Cho dù “Nhân chi sơ tánh bổn thiện”(3), nghĩa là bản tánh con người sinh ra vốn đã thiện. Nhưng vì “Tánh tương cận, tập tương viễn”(3) nên con người có thể không còn thiện nữa vì thói quen tật xấu làm cho xa rời cái bản tánh thiện của thuở ban đầu.
Điều này cho thấy ảnh hưởng của môi trường sinh sống, giáo dục và xã hội thật quan trọng.
Chúng ta đang ở vào thế kỷ thứ XXI và dường như mọi sự việc vận hành với một tốc độ thật nhanh, quá nhanh. Một đứa trẻ 10 tuổi cũng có điện thoại cầm tay, có IPad và lướt trên mạng tài tình hơn cả người lớn, tuyệt nhiên là vượt xa người…già, nếu người già không chịu hiện đại hóa kiến thức và đời sống.
Chúng trẻ này hiểu nhiều, hiểu sớm, hiểu nhanh và cũng từ đó, nảy sinh ra rất nhanh chóng ý thức về một cái tôi rất đồ sộ “tôi hiểu hết, tôi biết hết, tôi làm được hết”. Dạy dỗ một đứa trẻ thời đại này thật khó hơn xưa nhiều lắm.
Cái tôi sinh vật lý và cái tôi tinh thần, tâm lý đã thành hình và lớn lên rõ rệt, mang một khuôn mặt, một cái tên, một cá tính, một phong cách.
Từ cái ý thức đơn giản nhận biết có người khác và có mình, nảy sinh cái tham muốn: cái này là của tôi, cái này phải thuộc về tôi, tương tự như cái ý thức đem thức ăn về nuôi dưỡng tấm thân, ý thức của bản năng, của sinh tồn, sẽ xuất hiện cái ý thức Tôi là. Cho dù ý thức này đã có từ ban đầu nhưng nó rất tiềm tàng và chỉ rõ rệt dần dà với thời gian cùng với sự trưởng thành của cả hai phần tâm sinh lý.
Khi cái ý thức Tôi là bắt đầu hoạt động thì tất cả mọi chướng ngại, phiền toái dường như cũng bủa đến.
Như một giòng sông đang trôi chảy tự nhiên “đói ăn, mệt nghỉ”(4) bỗng bị chặn lại bởi muôn vàn con đê. Những con đê của định kiến, kiến chấp. Tôi là tôi. Tôi không là anh, không là chị. Tôi không thể làm như anh, không thể làm như chị, không chấp nhận như thế này, không chấp nhận như thế kia, việc đó phải là như thế này, không thể như thế kia… Nhiều vô tận không thể kể hết. Tất cả cũng bởi vì Tôi là. Tôi là như vậy, không thể khác.
Ý thức này chắc chắn như núi đá. Một sự tự tin mạnh mẽ không gì làm lay chuyển.
Cùng xuất hiện với ý thức Tôi là này là ý thức về các giá trị nơi bản thân. Tôi đẹp, tôi thông minh, tôi tài ba và cũng có thể ngược lại, tôi xấu xí, tôi ngu si, tôi không ra gì…Tùy theo đó mà cái tôi có thể trở thành tự cao, tự mãn hay tự ti mặc cảm. Cái tôi tự tôn hay cái tôi tự ti đều đem lại khổ đau và phiền toái cho chính bản thân.
Ý thức về tôi, sự hiện hữu của cái tôi, tôi là, dễ dàng kéo theo tính ích kỷ. Ít có suy nghĩ nào mà không quy về mình trước. Tôi phải ăn để nuôi cái thân của tôi trước, tôi phải làm để cho tôi đươc hưởng trước, thỏa mãn tôi trước, tôi muốn như thế này bởi vì lợi cho tôi trước, hại cho ai thì dường như tôi không cần biết đến... Vừa tự tôn mà vừa ích kỷ có thể không ngần ngại chà đạp kẻ khác, xem như hàng nô lệ, tôi tớ những kẻ không may, thấp kém hơn về tinh thần lẫn vật chất.
Từ cái tôi tự cao cũng dẫn đến sự tự ái. Mà tự ái có nghĩa là thương mình, cũng bắt nguồn từ cái tính ích kỷ. Vì thương mình, chỉ nghĩ đến mình trước nên dễ dàng thấy mọi chuyện dường như đều đụng chạm đến mình, đến cái tôi và cần được bảo vệ tối đa, như thế là có phản ứng ngay để tự vệ. Sự tự ái thường làm mù nhận thức phải trái, đúng sai, chỉ thấy một điều duy nhất là cái tôi đang bị tổn thương. Cái tôi đang bị chỉ trích, phê bình, đánh giá. Đó có thể là một mối đe dọa lớn cho tên tuổi, địa vị, gia tộc, nghề nghiệp… của tôi. Tôi có thể vùng lên gào thét như một con hổ.
Cái tôi tự cao này thì rất khó mà nhận lỗi, nhất là với những ai có địa vị cao hay danh tiếng, ngược lại cái tôi tự ti thì lại dễ nhận lỗi dù mình chẳng có lỗi gì!
Cái tôi tự tin thì dễ thành công, thành đạt. Cái tôi tự ti thì dễ nản chí, thụt lùi. Cái khó là giữ được mức trung dung, quân bình. Khổng Tử dạy đạo Trung dung, biết tiết chế, điều phục mình để giữ hòa khí ở đời. Phật cũng dạy Trung đạo, con đường tránh hai cực đoan, dù đích thực là nói đến hai cực đoan của người xuất gia: hoặc là buông theo dục lạc, hoặc là ép mình khổ hạnh. Cũng như tránh cực đoan chấp có chấp không. Nhưng rồi cụm từ Trung đạo này trở thành thông dụng, áp dụng cho người đời, được hiểu như là một thái độ sống dung hòa, hành động gì không thái quá, không cực đoan.
Khổng giáo xem trọng cái tôi có tình, có nghĩa, hợp với lẽ Trời: dân biết kính trọng, tuân thủ vua, quan, con cái hiếu thảo với cha mẹ, sống thuận hòa, vợ chồng, con cái, có trên có dưới, có trật tự, có luân thường đạo lý, xã hội có kỷ cương, con người biết sống hợp với thời thế, biết giữ gìn khí tiết, biết điều hòa âm dương…
Lão giáo chủ trương xem cái tôi như không có, không hiện hữu thì mới có thể đồng nhất với vũ trụ, như vũ trụ thì hòa nhập vào đạo. Cuộc sống mới thật sự là cuộc sống đúng nghĩa, không gì ngăn ngại làm khổ đau.
Phật giáo giúp con người thoát khổ bằng cách nhìn thẳng vào bản chất thật của cái tôi hay ngã là không thật, là vô thường, không thường còn mà biến chuyển, hợp rồi tan, tan rồi hợp tùy theo nhân duyên cả. Vì bản chất của cái tôi là không chắc thật, không thường hằng, bám vào thì chỉ có tự mình rước khổ. Rũ bỏ cái ngã này, trong Phật giáo, cũng là một trong những pháp môn tu tập để giải thoát.
Thiên Chúa giáo chẳng thường dạy: Nước Chúa dành cho những ai có lòng khiêm hạ và tinh thần nghèo khó ư?(4)
Ngã, chữ Hán, có nghĩa đơn giản là tôi, không gì khác hay phức tạp hơn cả. Song khi muốn đề cập đến những cái “bịnh” liên quan đến cái tôi thì chúng ta thấy thường chỉ dùng các từ Hán Việt như ngã chấp, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái. Và tự nhiên khi dùng đến chữ ngã thì chúng ta liên tưởng đến ngay những cái bệnh vấp phải của cái tôi. Một cái tôi thuờng hằng, bất diệt, một cái tôi khổng lồ đồ sộ, một cái tôi hiện diện bất cứ ở đâu dù ở đó tôi không có mặt, không ai thấy tôi, dù tôi không thức, tôi ngủ, nhưng cái tôi không thể ngủ, cái vô thức của cái tôi vẫn làm cho tôi hiện hữu, không hề có gián đoạn. Trong mơ, đôi lúc tôi lại thấy tôi càng rõ hơn cả thức, lúc mở mắt to vào ban ngày. Thậm chí tôi cũng có thể vươn dài, với tới cái chẳng phải là tôi (le faux moi) được xem như tôi bởi cùng vui, cùng buồn, cùng lên xuống thăng trầm với cái tôi không thật này. Đó là trường hợp của những tín đồ “fan” ngưỡng mộ thần tượng của mình. Đó có thể là những tài tử xi-nê, ca sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, văn sĩ, siêu mẫu, siêu nhân, anh hùng dân tộc, cầu thủ đá bóng, vô địch thể thao...
Chữ ngã nói lên được tất cả những đặc tính và hoạt động của cái tôi.
Bắt đầu từ đây chúng ta sẽ làm quen với ngã. Ngã có đủ khuôn mặt: trang nghiêm, lễ độ, trịnh trọng, khiêm cung, dịu dàng, hòa ái… cũng như vô phép tắc, kiêu căng, cuồng ngông, hài hước, châm biếm, thô tục, lỗ mãng… muôn hình vạn trạng, kể không thể hết.
Ngã có nhiều cách hiện diện. Có khi đường đường chính chính. Đưa cái mặt ra mà ai cũng thấy. Có khi không ra mặt mà ai cũng thấy!
Ngã đã có mặt tự khi con người được sinh ra song ngã không được nhắc đến nếu không phải là “con của Trời’’, nghĩa là vua, hoặc là đấng thay mặt Trời, thay mặt Thượng đế, như Chúa Giê Su, hoặc là các đấng tiên tri, các bậc đại hiền đại thánh như Phật, như Khổng, như Lão, hoặc các vị cứu tinh, anh hùng dân tộc.
Cái ngã của kẻ phàm phu tục tử, của thường dân thì không ai nói đến. Hạng này chỉ biết cúi đầu kính phục các bậc cao trọng hơn mình.
Qua lịch sử, văn học, nghệ thuật chúng ta khó kiếm ra dấu tích của phàm phu tục tử, dường như không có gì đáng nói. Được nhắc đến chỉ là những vị siêu nhân, siêu đẳng với các thành tích, lập công hay đức hạnh đáng tôn kính, đáng noi theo của các “Ngài”.
Từ thời cổ đại qua đến trung đại và rồi chỉ có thời hiện đại thì cái ngã của phàm phu tục tử mới bùng nổ, vùng lên như núi lửa phực cháy.
Trong văn chương, thi ca, hội họa, âm nhạc, hay kịch nghệ chúng ta đều nhận thấy sự bùng nổ của cái ngã phải trải qua rất nhiều giai đoạn. Và tất cả các phong trào hầu như đều dính líu, ảnh hưởng qua lại. Âm nhạc, hội họa, kịch nghệ đều dựa trên thi ca, văn chương để tìm cảm hứng. Thi sĩ người Đức, Geothe, đã cung cấp những vần thơ tuyệt diệu cho các bài Lied nổi tiếng của Schubert, Schumann, Brahms… Các thi sĩ, nhà viết lời cho nhạc kịch như Monteverdi, Metastasio, Boito đều viết lời cho Mozart, Scarlatti, Handel, Verdi… Những bản Préludes của Lizst đều có phụ đính thơ của Lamartine. Bản “ Prélude à L’après midi d’un faune” của Debussy thì dựa trên một bài thơ của Mallarmé.
Từ thời xa xưa nhất, hầu như từ Tây sang Đông, âm nhạc chỉ mang tính cách tôn giáo, phục vụ cho nhu cầu tôn giáo của con người, đó là loại nhạc Lễ, nhạc Phụng tự (liturgical), nhạc hỗ trợ cho các nghi lễ tôn giáo, nhà thờ, chùa chiền. Loại nhạc này được giữ gìn như một kho tàng quý giá. Trong dân gian thì chỉ có các bài hát rong, hát ru con, các điệu hò của các tác giả vô danh và chỉ được truyền miệng.
Trong âm nhạc Tây phương, cho đến thời cận đại, âm nhạc vẫn còn mang màu sắc tôn giáo mạnh mẽ, bởi một lẽ dễ hiểu là các nhà soạn nhạc phần đông sống được là nhờ vào sự bảo trợ tài chính của Giáo hội. Thử nghe nhạc của Bach, chúng ta thấy ngay tính chất tâm linh hiển hiện trong đó, ngược lại với Beethoven, mở đường cho dòng nhạc lãng mạn thì chúng ta cảm nhận ngay những cảm xúc riêng tư, cá nhân, sáng tạo đầy cá tính, được thể hiện một cách mạnh mẽ, tiếp đến là Schubert, Berlioz, qua đến Chopin được xem như là thượng đỉnh của dòng nhạc này. Qua nghệ thuật, nhờ nghệ thuật, cái ngã trở nên siêu việt. Cái đẹp của ngã là cái đẹp đáng yêu, đáng trân quý, bởi nó đã thăng hoa, trở thành mỹ, cùng đứng ngang hàng với chân và thiện.
Trong hội họa thì có quá nhiều trường phái từ Tân cổ điển cho đến Pop Art, phải trải qua nhiều giai đoạn mới thấy sự bùng nổ của ngã, làm nổi bật hoàn toàn cá tính riêng biệt của mình khởi đều từ trường phái Hậu Ấn Tượng với Van Gogh, rồi từ từ xuất hiện những khuôn mặt nổi bật như Picasso, Braque của trường phái Lập Thể và Dali với trường phái Dada. Lại tiếp tục với các truờng phái mang tính khiêu khích cao độ, tính đập phá, phủ định, đề cao chủ nghĩa hư vô, chống lại nghệ thuật, nghệ thuật phi nghệ thuật. Cái ngã càng ngày càng lớn mạnh.
Thử ngắm và so sánh La Joconde của Leonard de Vinci, thế kỷ thứ XVI với Weeping Woman của Picasso thế kỷ thứ XX, chúng ta nhận ra nàng Mona Lisa đích thực là nàng Mona Lisa mà Leonard de Vinci muốn cho chúng ta thấy, cái hồn, cái “tinh khí thần” của nàng tỏa rạng nơi bức tranh. Nhưng người đàn bà đang khóc của Picasso là người đàn bà của Picasso. Là cái ngã của Picasso hiện lên, ụp xuống nơi khuôn mặt người đàn bà được Picasso phác họa lại trong tranh. Ở đây đã biến mất cái tinh khí thần của người đàn bà, chỉ còn lại cái tinh khí thần của Picasso!
Có thể đó là lối nhìn chủ quan của người viết. Sẽ có người nói: cách vẽ của Picasso không phải là cách vẽ truyền thần. Không thể có sự so sánh. Đồng ý ở điểm này, nhưng ở đây điều mà người viết muốn đề cập đến là cái Ngã được hiển lộ rõ rệt qua nét độc đáo, cá tính riêng biệt, phong cách đặc thù của sự sáng tạo.
Cái ngã bắt đầu phát triển trong thơ ca lãng mạn là đề cao sự sáng tạo, tự do cá nhân, phá bỏ lề luật, ràng buộc với quy luật, hình thức. Phong trào Tượng trưng đi xa hơn nữa và quan niệm thi ca là giải phóng ngôn ngữ. Ngôn ngữ được sáng tạo hoàn toàn mới, xa lạ với ngôn ngữ thông thường. Cái ngã cũng không dừng ở đó, nó lôi kéo vào luôn cả mộng và thực. Vô hình và hữu hình. Tỉnh táo và Điên loạn. Phong trào Siêu thực ra đời.
Có thể nói, bằng mọi giá, qua mọi hình thức, con người cần bộc lộ, cần phơi bày. Hoan hô, đả đảo, biểu tình, chống đối, đồng tình, xuống đường, và… lên đường (xung phong, làm nghĩa vụ, đấu tranh hoặc từ bỏ, xa lánh…) cho đến cả việc tuyệt thực, tự thiêu, tự hủy.
Ở đây cái ngã có một lý tưởng, một mục đích, hướng thượng, hướng thiện. Sống trong xã hội, thao thức cùng xã hội.
Cái ngã cũng có thể chẳng có một mục đích gì gọi là cao thượng mà chỉ thấm đẫm nét trữ tình, như Hồ Dzếnh:
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Tôi sẽ trách, cố nhiên, nhưng rất nhẹ
Nếu trót đi em hãy gắng quay về
Tình chỉ đẹp khi tình dang dở
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề
Thơ viết đừng xong, thuyền trôi bến đỗ
Cho ngàn sau lơ lửng với ngàn xưa.(6)
Hay Nguyên Sa:
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn nguyên màu lụa trắng.(7)
Cái ngã của Hàn Mặc Tử thì đã hóa dại hóa khờ:
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.(8)
Xuân Diệu cũng là một nhà thơ trữ tình, song cái Ngã của ông lớn và ông cũng không che giấu, kênh kiệu:
Ta là một, là riêng, là thứ nhất
Không có chi bè bạn nỗi cùng ta.(9)
Kỳ lạ, vậy mà có lúc ông lại thấy mình thật nhỏ bé:
Tôi chỉ là cây kim bé nhỏ
Mà vạn vật là muôn đá nam châm!(10)
Thế rồi cái ngã của ông lại huênh hoang qua hai câu thơ:
Tôi là con chim đến từ núi lạ
Ngứa cổ hót chơi.(11)
Cái ngã của Tản Đà thật phóng túng, ông lên tận cõi trời để bán thơ mình và được trời khen (hay tự khen):
Văn dài hơi tốt ran cùng mây
Trời nghe trời cũng lấy làm hay.(12)
Cái ngã của Hoàng Cầm thấm đượm tình cảm khắng khít giữa người, thú và thiên nhiên:
Ta con chim cu về gù rặng tre
Đưa nắng ấu thơ về sân đất trắng
Đưa mây lành những phương trời lạ
Về tụ nóc cây rơm
Ta con bê vàng lạc
dáng chiều xanh
Đi mãi tìm sim chẳng chín.(13)
Cái ngã của Thế Lữ thì thong dong lãng tử:
Tôi là người bộ hành phiêu lãng
Đường trần gian xuôi ngược để vui chơi.(14)
Mỗi người đều có thể tự tìm thấy cái ngã của mình. Cũng như uốn nắn cái ngã theo ý mình muốn.
Thời gian thì vô hình, không diện mạo và chỉ biểu hiện qua các sự vật hay sự việc (15) mà cái ngã thì có một diện mạo rõ rệt, có tên, có tuổi hẳn hòi, tuy vậy mà nó cũng khi ẩn, khi hiện, đó gọi là không thực, không chân tình, giả dối, trốn tránh, khuất lấp, giấu giếm sau những lời nói, nụ cười, ánh mắt, cử chỉ…Đôi lúc vì hoàn cảnh, vì thời thế, cái ngã phải được che giấu, dẹp qua một bên, nhắm mắt, bịt tai, ngậm miệng mới mong an toàn mạng sống!
Cụ Nguyễn Công Trứ muốn trở thành cây thông cũng chỉ vì ngán ngẫm cái ngã này. Nhưng suốt cuộc đời thăng trầm của cụ, cụ vẫn luôn đứng thẳng và vững chắc như cây thông rồi.
Biết sống với thời gian là điều khó, bởi vì con người chỉ có một thời gian hạn định, phí phạm nó rất uổng. Cũng thế, sống trong vòng tay của ngã cũng là điều vô cùng khó. Ngã mà siết chặt vòng tay thì con người…chết. Chết vì kiêu căng, ngạo mạn, khinh khi, ích kỷ, hoặc là quá tham sân si ngu muội, bị người chung quanh ghét bỏ, xa lánh, tự cô lập mình, chết trong cô đơn.
Nhưng vòng tay của ngã có thể rất êm ái dịu dàng, đong đưa như võng ban trưa dưới ánh mặt trời, ru ta giấc ngủ hiền hòa. Bởi ngã chính là… ta, không ai khác và ta đã làm chủ được ngã, điều phục được ngã. Ngã chỉ còn biết nghe lời ta!
Lê Khắc Thanh Hoài
_____________________________
(1) Cây thông, Nguyễn Công Trứ.
(2) La Bible, Ancien Testament, Génèse 3 / Kinh Thánh Cựu ước, Sáng thế ký.
(3) Tam tự kinh.
(4) Cư trần lạc đạo, Trần Nhân Tông.
(5) Kinh Thánh, Bài giảng trên núi, Tám mối phúc,
(6) Ngập ngừng, Hồ Dzếnh.
(7) Áo lụa Hà Đông, Nguyên Sa.
(8) Những giọt lệ, Hàn Mặc Tử,
(9) Hy Mã Lạp Sơn, Xuân Diệu.
(10) Cảm xúc, Xuân Diệu,
(11) Lời thơ vào tập Gửi hương, Xuân Diệu.
(12) Hầu Trời, Tản Đà.
(13) Về với ta, Hoàng Cầm.
(14) Thế Lữ tên thật là Nguyễn Đình Lễ, và cũng là Thứ Lễ. Lấy biệt hiệu là Thế Lữ, từ Thứ Lễ nói lái. Có nghĩa là người khách phiêu du cõi trần thế.