Từ hiệu ứng con bướm đến pháp giới Hoa Nghiêm
· Câu chuyện về sự cáo chung chủ nghĩa tất định
Trong tâm thức con người, các thành tựu khoa học trong đó có toán học thường phản ánh một truyền thống lãng mạn của tư duy thiên tài cô đơn, đã nỗ lực giành giật sự hiểu biết từ thế giới tự nhiên vô cảm. Các thông tuệ của họ dường như đến từ hư không, đầy huyền bí, làm thay đổi bộ mặt thế giới trong các thập kỷ sau đó.
Cho đến cuối thế kỷ 19, các nhà Vật lý học vẫn còn lòng vòng trong vành đai của Vật lý Newton. Quan niệm của Newton về một vũ trụ mang tính rời rạc, cơ giới, bị chi phối bởi nguyên lý tất định khô khan, cứng nhắc. Các nhà vật lý còn say đắm trong chủ nghĩa tất định Laplace. Đồng thời tư tưởng cho rằng vũ trụ vận hành theo những qui luật xác định và do đó, về nguyên tắc, khoa học phải dự báo được tương lai một cách chính xác họ ung dung trong phương pháp “quy giản luận” để nhìn về bức tranh sống động của tự nhiên.
Năm 1905, Einstein bằng lý thuyết tương đối của mình đã xóa đi luận cứ của Newton về một không gian và thời gian tuyệt đối. Những năm 1920 – 1930, sự xuất hiện lý thuyết cơ học lượng tử với khái niệm “nhòe lượng tử” đã loại trừ niềm tin vào khả năng đo đạc chính xác và sau cùng “tất định luận” lại tỏ ra hụt hơi bởi “lý thuyết hỗn độn“.
Thuật ngữ hỗn độn theo ý kiến chung bao hàm nghĩa khoa học là “không thể dự đoán” hay không thể “dự báo dài hạn được”.Người tiên phong suy nghĩ vấn đề này là nhà toán học lừng danh Henri Poincaré. Lúc bấy giờ máy tính chưa có nên không có công cụ hỗ trợ để cho các nhà toán học có thể triển khai biện pháp ngoại suy.
Henri Poincaré là hình ảnh tiêu biểu về sự thành đạt trí tuệ lẫn xã hội cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Ở tuổi 32, năm 1887 được bầu vào Viện Hàm lâm Khoa học Pháp và trở thành Chủ tịch năm 1906, sau đó 3 năm được bầu vào Viện Hàm lâm Pháp. Bên cạnh David Hílbert, ông được xem là nhà toán học vĩ đại nhất, đã sáng lập ngành toán học mới mà ngày nay gọi là tôpô học. Trong giới các nhà toán học gọi ông là “Mazat của toán học“.
Năm 1687, khi nghiên cứu về chuyển động của các thiên thể trong mối quan hệ tương tác hấp dẫn lực, Isaac Newton đặt bài toán “ba vật thể” trong tác phẩmPrineipia như sau: “Hãy xác định vị trí của ba vật thể chuyển động trong không gian nếu biết vị trí ban đầu của chúng“.
Về bài toán này, mãi đến cuối thế kỷ 19 vẫn chưa có giải đáp, trong đó có các nhà toán học nổi tiếng lúc bấy giờ như Euler, Lagrange… tham gia theo đuổi.
Poincaré, lúc bấy giờ đang ở tuổi 33, đã mất 3 năm mới giải xong. Ông gởi tới hội đồng lời giải của ông rất phức tạp và dài dòng. Đề nghị giải thích, ông gởi tới bản giải trình dài 100 trang. Khi hội đồng đã hiểu được lời giải và trao giải thưởng cho ông. Sự kiện này đã gây chấn động dư luận cuối thế kỷ 19.
Nhưng chưa hết, dư luận còn kinh ngạc hơn nữa khi ông tiếp tục công bố trên tạp chí Acta Mathematica cái sai lầm của chính ông trong lời giải đã đoạt giải thưởng nói trên cho Hội đồng.
Các sai lầm này thuộc lãnh vực về hình học mà khi chứng minh ông cho rằng không quan trọng nên bỏ sót qua. Khi rà soát lại, ông thấy chính các bỏ sót này có vai trò quan trọng, bởi nó dẫn đến một kiểu chuyển động vô cùng phức tạp và kỳ lạ có xu hướng hầu như ngẫu nhiên. Poincaré dừng lại lời giải ở chỗ bỏ sót này và thốt lên nguyên văn là: “I don’t know wath to do with this” . Chính lúc này, là lúc ông “đóng lại”cánh cửa đi vào “chủ nghĩa tất định“, đồng thời mở ra một chân trời mới: “lí thuyết hỗn độn” bước lên diễn đàn khoa học.
Năm 1908, Henri Poincaré đưa ra lời tiên tri: “Một cái “nhân” cực nhỏ mà ta dễ bỏ qua, đôi khi lại quyết định một cái “quả” khá lớn mà chúng ta không thể không thấy, nhưng lúc đó chúng ta lại nói rằng, cái “quả” đó do ngẫu nhiên mà có”.
Mặc dầu lời tiên tri mang tính báo động, nhưng vào lúc này ngành máy tính chưa có để các nhà toán học ngoại suy xa hơn nữa sự hành xử của các hệ thống nhạy cảm. Hơn nữa thế kỷ sau mới xuất hiện một nhân tài. Đó là Edward Lorentz đã tiếp lửa được của thiên tài Poincaré.
· Hiệu ứng con bướm
Edward Lorenz, nguyên là nhà nghiên cứu toán học và có điều kiện làm việc tại Học viện Công nghệ MIT, ông thường xuyên dùng máy tính để tính toán khí tượng. Lorenz đã bước đầu thành công khi quy giản kết quả của dự báo thời tiết qua 2 tham số tương tác là chuyển động không khí và nước thông qua máy tính in ra được những đường lượn sóng cho biết hiện tượng biến thiên theo thời gian.
Mùa đông năm 1961, muốn kiểm tra một trong những đoạn biểu đồ trên một thời gian dài. Thay vì cho chạy lại từ đầu, ông lại nhập những con số tức là những thông tin từ tờ in kết quả gần nhất, xong bỏ đi làm công việc khác và một giờ sau ông trở lại, điều quá bất ngờ đập vào mắt ông: nhìn vào biểu đồ thấy dự báo lần này khác xa lần cũ, không ăn nhập gì với nhau. Ông chợt hiểu được một sự thật nằm ở chỗ số mã ông nhập vào bộ nhớ lần sau. Bộ nhớ máy tính lưu giữ con số có 6 số thập phân. Chẳng hạn số: 0, 5056127 nhưng ông chỉ lấy 3 số thập phân 0,506 để nhập vào máy cho lần sau. Sự không ăn khớp của kết quả dự báo lần sau và lần đầu có nguyên nhân từ chỗ loại bỏ ba số thập phân sau cùng, vì cả hai lần ông đều dùng cùng một hệ phương trình tất định. Ông đã nghĩ rằng sự khác biệt quá nhỏ (một phần nghìn) nên không để tâm đến sự phụ thuộc nhạy cảm vào điều kiện ban đầu. Ông đã lầm: một sự thay đổi rất nhỏ lúc ban đầu lại dẫn đến những thay đổi rất lớn lao cuối cùng. Chính đều bất ngờ này đã khai sinh ra ngành khoa học mới, khoa học về hỗn độn. Sự hỗn độn thường được giải thích bằng sự hành xử như hình ảnh thường được gọi là “hiệu ứng con bướm“, một cái đập cánh của con bướm ở Braxin có thể gây ra bão tố ở Texas hay trời đổ mưa tại Paris…
Về nguyên tắc của dự báo, người ta truyền cho máy tính dữ liệu thu thập như áp suất, nhiệt độ, độ ẩm và những dữ liệu địa lý các dãy núi, các đại dương cùng với định luật vật lý mô tả hành trạng của khối lượng khí. Máy tính sẽ theo yêu cầu mà tính toán đưa ra dự báo. Trong vài ngày đầu thì thực tế và dự báo không mấy sai biệt, nhưng 6, 7 ngày sau lại là chuyên khác, do những thăng giáng nhỏ trong khí quyển, nhỏ đến mức không thể phát hiện được. Những mầm mống của sự không hiểu biết đó không tách rời sự vận động của tự nhiên. Dự báo dài hạn là vấn đề ảo tưởng, cũng giống như làm tròn con số thập phân của Lorentz.
· Quy giản luận – Một vấn đề triết lý của tự nhiên
Quan niệm chung tổng thể về tự nhiên là một lưới đan xen của nhiều bộ phận, trong đó mỗi bộ phận tương tác với bộ phận khác tạo nên một tổng thể hài hòa. Chẳng hạn, sự rơi một vật, về nguyên tắc được quyết định bởi không những hấp lực của quả đất mà còn chịu hấp lực của mặt trăng, mặt trời và các tinh tú nữa. Quan điểm chia tự nhiên thành nhiều bộ phận, đồng thời mỗi bộ phận được nghiên cứu một cách riêng rẻ độc lập với nhau, sau đó đem lắp ghép với nhau thì có thể hiểu được tổng thể, đó là phương pháp “quy giản luận“. Khoa học Tây phương được xây dựng phần lớn theo phương pháp này. Sự hiệu quả của phương pháp quy giản nhờ hai tính chất: tính chất tuyến tính và tính cục bộ.
- Tính chất tuyến tính: khi toàn bộ bằng đúng tổng các thành phần, do đó ta chỉ cần nghiên cứu riêng lẻ hành vi cá thể của mỗi thành phần rồi lấy tổng lại để có hành vi toàn bộ. Chẳng hạn ta lấy ví dụ: một miếng xốp rất nhẹ có trọng lượng không đáng kể. Ta bắt đầu thả lên nó một thìa nước có trọng lượng x, miếng xốp trở thành có trọng lượng là x. Nếu đổ thêm 4 thìa thì miếng xốp có trọng lượng là 5x. Mối liên hệ giữa miếng xốp và nước là quan hệ tuyến tính.Đến lúc sau, miếng xốp không hút được nước nữa thì trọng lượng nước đổ lên miếng xốp không còn tỷ lệ với trọng lượng miếng xốp, lúc đó hành vi có được gọi là hành vi phi tuyến. Trong thực tế hầu hết các hiện tượng vật lý đều trở thành phi tuyến khi vượt qua một giới hạn dung sai và trở thành hỗn độn.
Một hệ thống không thể dự báo được mức độ trật tự và trở nên rất nhạy cảm đối với mỗi lần có biến động của thành phần trong hệ. Cái “hệ quả” có khi trở nên quá lớn đối với cái “nguyên nhân“, một cánh bướm đập nơi này có thể gây bão tố nơi khác.
- Tính chất cục bộ: là một hệ thống mà hành vi của nó chỉ phụ thuộc vào ảnh hưởng trong phạm vi trực tiếp gần với nó, nếu xét về các lực thì một hệ chỉ chịu tác động của các lực từ môi trường gần kề nó.
Chính vì 2 tính chất vừa nêu trên mà các nhà khoa học khi khám phá tự nhiên đã tách riêng ra rất nhiều hệ có tính chất tuyến tính và tính chất cục bộ, từ đó làm nên khoa học để từng bước hiểu sâu thêm thế giới. Lý thuyết hỗn độn ra đời với sự hỗ trợ máy tính hiện đại sẽ giữ vai trò cuộc “cách mạng thứ ba” sau hai cuộc cách mạng của lý thuyết tương đối và lý thuyết lượng tử đã mang lại những thành tựu sâu sắc.
· Pháp giới Hoa Nghiêm
Các kinh văn Phật học đều có nói đến con đường tu tập của Đức Thế Tôn qua nhiều giai đoạn khác nhau, kể từ khi Ngài còn là Thái tử đi dạo quanh bốn cửa thành và nhìn rõ sự khổ đau của sinh, lão, bệnh, tử cho đến khi Ngài trải qua 5 năm tìm thầy học đạo, 6 năm tu khổ hạnh.Về công hạnh thiền định (của ngoại đạo), Ngài đã thăng chứng ở những quả vị cao nhất. Tuy vậy, Ngài thấy rằng tất cả đều đưa đến trạng thái hư vô, sự khổ đau của sinh tử vẫn cứ trói chặt thân phận con người. Sau cùng, suốt 49 ngày tư duy thiền định ở cội Bồ-đề, vào canh ba, lúc sao Mai vừa xuất hiện và ngay lúc đó Ngài chứng đắc giác ngộ giải thoát tối thượng.
Chặng đường quan trọng nhất của Ngài là chặng đường tư duy thiền định, quan sát tường tận giáo lý duyên sinh. Quá trình này đã tạo nên một bước nhảy vào thế giới tâm linh, vĩ đại, siêu thế gian. Từ đây chúng ta được khai mở một thế giới quan vừa xuất hiện sau khi Đức Phật thành đạo, đó là thế giới Hoa Nghiêm (Gandavyùha).
Thế giới Hoa Nghiêm là một thế giới huyền nhiệm, một thế giới toàn bích của tâm linh chư Phật, chư Bồ Tát và đương nhiên của con người, một khi đã loại bỏ ngã chấp và đạt được siêu việt nhị nguyên (chủ – khách thể phân biệt). Tất cả sinh hoạt ở đây đều tỏa ánh sáng trùng trùng điệp điệp, không có cái được sinh ra, không có cái bị mất đi trong thế giới giao thoa tương tức, tương nhập giữa các luồng ánh sáng năng động và rực rỡ.
Theo các luận sư Phật học, trọng tâm của Hoa Nghiêm là học thuyết về tâm. Điều này biểu hiện trong toàn bộ hoạt cảnh và các nhân vật, tất cả đều có mục đích phô diễn, trần thuật tính chất kỳ vĩ diệu dụng của tâm. Thiết chế trong Hoa Nghiêm là “Tam giới duy tâm” tức là trong ba cõi, và tất cả các sự vật hiện tượng, từ vật nhỏ nhiệm (hạt hay nguyên tử) đến các hành tinh xa xôi đều do tâm tạo tác, do tâm duyên sinh.
Như vậy thế giới Hoa Nghiêm là một thế giới siêu việt trần tục, được Đức Phật xây dựng tại rừng Thệ Đa và thế giới đó tồn tại ngay trên trần gian này, biểu trưng cho một cõi sống tâm linh và trong cõi tâm linh ấy, trái tim đại từ, đại bi của Đức Phật tự nó sinh khởi và khơi mở thành một cõi vô biên.
Đọc Hoa Nghiêm rất dễ nhầm lẫn hai khái niệm thế giới hay thế gian giới và pháp giới. Tuy nhiên hai khái niệm này lại hàm các nội dung rất khác biệt, pháp giới hiện hữu trong lòng thế giới, không cách ly với thế giới, nó không trống rỗng, không đồng nhất với hư vô. Như vậy với ý nghĩa sâu lắng của tồn tại, thì lúc nào cũng hàm chứa cái năng lực hiện hữu, trong đó ẩn tàng một năng lực sáng tạo, biểu thị “thế giới vô biên trong một niệm” hoặc một hạt nhân qua luật tương duyên, cấu tạo nên hằng hà thế giới.
Như vậy, yếu nghĩa của Hoa Nghiêm là từ Bản thể của vũ trụ phóng hiện ra các hình tượng của muôn vật trong thế giới hiện tượng sinh diệt. Vũ trụ vạn hữu do nhân duyên hoà hợp mà sinh thành. Cái này có là vì cái kia có, và ngược lại, mọi sự vật đều tương quan, tương duyên với nhau cho nên gọi là trùng trùng duyên khởi. Đứng về thời gian nó có vô số quan hệ nhân quả địa thời, về mặt không gian nó được đan dệt bởi nhiều quan hệ hỗ tương và cùng chịu sự chi phối bởi lẽ biến dịch sống động của luật nhân quả.
Đức Phật đã triển khai chân lý Duyên khởi khi Ngài đã ngộ được sau 49 ngày đêm tư duy trong đại định. Trên nền tảng đó, Ngài đã dạy nhiều khía cạnh huyền diệu có ý nghĩa thâm sâu bao hàm trong bốn pháp môn: Sự Pháp giới; Lý Pháp giới; Lý Sự vô ngại Pháp giới; Sự Sự vô ngại Pháp giới.
Bốn Pháp giới này, xác định quan điểm của đạo Phật về toàn bộ vũ trụ và nhân sinh. Để hiểu được các pháp làm duyên khởi sinh ra vũ trụ vạn hữu ra sao, ta cần phải biết đến 4 Pháp giới, 6 Tướng và 10 huyền môn.
Bốn Pháp giới gồm có:
1. Sự pháp giới : Là thế giới các sự vật hiện tượng, các cá thể dị biệt, các hình tướng sai khác trong vũ trụ như núi, sông, con chim, cái nhà, cái xe… Nói tóm lại, Sự Pháp giới bao hàm các hiện tượng, các hình tướng sự vật có tính chất vô thường trong vũ trụ.
2. Lý pháp giới: Là thế giới của Nguyên lý trừu tượng nằm sâu bên trong sự vật hiện tượng. Tất cả các quy luật hay nguyên lý chi phối các biến cố trong thế giới hiện tượng thuộc phạm trù này. Các luận sư Phật học cho rằng chỉ có một “lý tối thượng uyên nguyên” gọi là “Tánh không”, Thể tính, Chân như, Pháp thân….
3. Lý sự vô ngại pháp giới: Là thế giới của lý tắc và thực tại được hợp nhất. Có thể hiểu rằng Sự là biểu thị của Lý và Lý là nhân hiển thị ra Sự. Một biến cố nào đó xảy ra (tức Sự) luôn luôn phải có một nguyên do ẩn khuất ở bên trong (tức là Lý). Vậy dưới nhãn quan của Hoa Nghiêm thì Lý và Sự viên dung vô ngại hay còn gọi là tương tức, tương nhập.
Lý – Sự hay Thể – Tướng dung thông nhau, trong Tướng có Thể và trong Thể có Tướng. Cái Lý siêu hình của vũ trụ vạn vật cùng với sự vật hữu hình vì thế không phải là hai, cũng chẳng phải là một, tương tự giáo lý Tánh Không quả quyết “Sức tắc thi Không, Không tức thị Sắc”.
Trên bình diện “tỉnh” thì chân lý tuyệt đối là Bản thể (Lý) nhưng trên trạng thái “động” thì chân lý đó đồng nhất với cái thể hiện của nó qua hiện tượng tức là (Sự). Hai trạng thái này không thể rời nhau và trở thành nguồn gốc cho tất cả hiện hữu tồn tại trong vũ trụ. Chúng đều đồng thời phát sinh bởi luật nhân duyên, tương dung, tương nhiếp.
4. Sự sự vô ngại pháp giới: Là thế giới các thực tại hay thực tế đan kết lại hoặc đồng nhất trong một nhịp điệu toàn vẹn. Chủ trương của Hoa Nghiêm các thực tại dị biệt phải tạo thành một toàn thể do sự tương tức tương nhập hay là viên dung để chứng ngộ được thế giới lý tưởng Nhất như. Ta hình dung thế giới này như bản hợp tấu vĩ đại vô tận, trong đó cái Một hoà điệu trong cái Nhiều, các âm thanh trầm bổng hoà với nhau tạo nên cái du dương, cái êm ái, tâm tức vật, vật tức tâm, bình đẳng vô phân biệt, vô sai khác, viên dung vô ngại.
Tuy nhiên, trong thế giới thực tế (Sự), dưới sắc thái của thế giới cá nhân chủ nghĩa, dưới sắc thái thế giới hoá ra phân chia thành mảnh vụn vặt, rời rạc, lẻ tẻ. Tất cả mọi (Sự) đều có lý do riêng rẻ để tồn tại hoặc huỷ diệt của nó. Để hoà điệu một trạng thái sinh tồn như vậy, và đưa đến một trạng thái nhu hoà, một thế giới tương giao, tương cảm cần phải được tạo lập ra. Thế giới lý tưởng, như vậy gọi là “Sự sự vô ngại pháp giới“.
Để thuyết minh một thế giới lý tưởng đó, Kinh Hoa Nghiêm đề ra “thập huyền môn” gồm có:
a) Đồng thời cụ túc tương ưng môn: mô tả vạn vật cộng đồng hiện hữu và đồng thời hiện hữu trong quan hệ cả thời gian lẫn quan hệ không gian. Mỗi vật không phải cách biệt với vật khác, hay không ảnh hưởng đến vật khác mà tất cả đều hợp thành một nhất thể, cùng chung một bản chất với bản thể của vũ trụ, theo quan điểm viên dung.
b) Quảng hiệp tự tại vô ngại môn: Nói về cái một và tất cả tương giao một cách tự do và bất tuyệt. Sự lớn nhỏ ở đây không còn là sự lớn nhỏ nữa, nếu ta từ bỏ cách nhìn chấp tướng của sự vật mà hướng vào phần bản thể bên trong, thì thấy mọi vật đều bình đẳng không sai khác.
Thế cho nên có vị Thiền sư đời Lý nói:
“Càn khôn tận thị mao đầu thượng
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung”
c) Nhất đa tương dung bất đồng môn: Nói về tất cả các hiện hữu tuy có những sự thể dị biệt nhau, mỗi cá thể giữ vị trí của mình nhưng vẫn có những điểm tương đồng, có tương quan chằng chịt tương dung, tương tức nhau.
d) Chư pháp tương tức tự tại môn: Điều này nói lên nguyên lý tương tức cơ bản, vượt ngoài sự sai biệt, tất cả các pháp đều hỗ tương trong sự tự do tự tại không hề chịu sự cản trở ngăn ngại nào cả. Do kết quả này ta có khái niệm Một trong Tất cả, Tất cả trong Một.
e) Bí mật ẩn hiển câu thành môn: Nói lên vạn hữu trong vũ trụ đều do sự tổng hợp của hai thể đối lập Hữu và Vô, ẩn và hiển để đi đến chỗ Chân Không – Diệu Hữu. Đây là nguyên lý tối hậu còn gọi là Trung Đạo, siêu cả thời gian lẫn không gian, thường trụ bất biến.
f) Vi tế tương dung an lập môn: Có ý nghĩa mỗi pháp có thể dung chứa bao trùm nhiều pháp nên gọi là tương dung. Một và nhiều không lẫn lộn gọi là an lập. Vật nhỏ gọi là vi tế, hay là cực vi. Theo Hoa Nghiêm, cực vi có sức hấp thụ và chan hoà khắp không gian vô biên, bao hàm cả vũ trụ để cấu tạo nên thế giới vạn hữu. Toàn bộ khối cực vi là Chân không của mọi pháp.
g) Nhân đà la võng cảnh giới môn: Ý muốn nói mỗi vật trong vũ trụ đều tương quan mật thiết nhau. Vạn hữu được phối trí như một xã hội đại đồng, mỗi trạng thái của một vật này đều ảnh hưởng dây chuyền ít nhiều đến vật khác.
h) Thác sự hiển pháp sinh giải môn: Nói về sự thuyết minh chân lý bằng các điển hình thực tế. Chân lý được biểu lộ trong sự vật và sự vật là nguồn gốc của trí tuệ khai mở.
i) Thập thể cách pháp vị thành môn: Pháp này nói về nhân quả trong thời gian.
- Trong quá khứ nói việc quá khứ, việc hiện tại hay việc vị lai.
- Trong hiện tại nói việc hiện tại, việc quá khứ hay việc vị lai
- Trong việc vị lai nói việc vị lai, việc quá khứ hay việc hiện tại.
Ba đời riêng rẻ không xen nhau gọi là cách pháp, xen nhau gọi là dị thành. Chín đời dung thông nhau thành toàn thể một đời, gọi là 10 đời. Chẳng hạn trong giấc mơ ta thấy rõ việc trăm năm: có việc quá khứ, việc hiện tại và việc vị lai, tất cả lại chỉ xảy ra trong vòng năm ba phút của giấc mơ.
j) Duy tâm hồi chuyển thiện thành môn: Tất cả mười huyền môn đều thiết lập bởi một nguyên lý của sự pháp hiện kỳ diệu của tâm, không ngoài giáo lý nhất tâm. Thế giới bên ngoài là sự phóng hiện của tâm và từ thế giới này ta cũng trực ngộ được Chân tâm, đây là nguyên lý “tùng tướng hiển tánh“. Không có vấn đề vật chất ngoài tinh thần, hay tinh thần ngoài vật chất, cả hai yếu tố chung một bản thể.
Pháp môn “Duy tâm hồi chuyển thiện thành” tức là Pháp môn tương tức vô ngại: Tâm tức cảnh và cảnh tức tâm. Khi cảnh “Tịch” thì cảnh là tâm, khi tâm “Chiếu” thì tâm là cảnh, nó không phải hai, mà chẳng phải một.
· Lục tướng viên dung:
Tức là sự hợp nhất hài hoà của sáu tướng, gồm 3 cặp đối đải, dường như là một cách khác để giải thích các nguyên lý cơ bản về tương tức và tương nhập bằng cách quan sát sự tương duyên của 3 cặp đối nhau: tổng tướng và biệt tướng, đồng tướng và dị tướng, thành tướng và hoại tướng vốn tạo nên lục tướng.
Điều nhấn mạnh ở đây, mỗi thành phần không thể hiện hữu trong sự cô lập riêng rẻ, chẳng hạn Không có biệt, dị, hoại tướng thì không có tổng, đồng và thành tướng. Thuyết về lục tướng như thế rất cần thiết để hội trung thực về thập huyền môn.
· Điều suy ngẫm
Thời đại ngày nay, vũ trụ đối với chúng ta hẳn đã không quá xa lạ nữa. Chúng ta đã vượt qua giai đoạn mà sự sống đã phó mặc hoàn toàn cho những thịnh nộ hay những ân sủng của Thần linh, Đất trời như một thời xa xôi.
Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày…
Khoa học đã nâng cao tri thức và đời sống nhân loại, nhưng khoa học mãi không bao giờ đi đến cuối cùng để hiểu hết các bí ẩn của vũ trụ cũng như sự tồn tại bản thân vũ trụ. Lý trí con người có những giới hạn nhất định không thể đạt đến chân lý tuyệt đối, như “định lý bất toàn” mà nhà toán học Godel đã công bố.
Thế nên, cho dù lý thuyết hỗn độn cùng với sự hỗ trợ tiến bộ của máy tính thế hệ mới thì mọi bí ẩn của vũ trụ vẫn ngự trị trong trí óc nhân loại, làm thế nào so sánh với cái nhìn như thật của Đức Phật đã khai thị trong pháp giới Hoa Nghiêm. Đúng như Egerton C. Baptist đã nói: “Kiến thức siêu việt của Phật giáo bắt đầu nơi mà ở đó khoa học kết thúc” . Điều này có nghĩa: Trong trường hợp mà khoa học không cung ứng một giải đáp thoả đáng, thì phải trông cậy vào phương pháp tư duy của Thiền để soi tỏ vấn đề được nêu ra đó.
Cách đây trên 26 thế kỷ, Đức Phật ở trong Hoa Nghiêm, Ngài trụ trong Đại định tam muội, là một loại thiền định hợp nhất của 2 yếu tố: Đại trí năng và Đại bi tâm, để trong một sát-na, tâm lực Đức Phật dàn trải phủ khắp cả thế giới. Nói rõ hơn, Ngài vẫn là con người bình thường nhưng cõi sống tâm thức hoàn toàn không giống như con người. Tâm thức ấy không bị chiêu cảm bởi sắc, thanh, hương, bởi lục dục thất tình, và tâm thức ấy không phải là biểu hiện của trí năng giàu tưởng tượng.
Ngài khai mở điều kỳ diệu như đã mô tả trong pháp giới Hoa Nghiêm, và pháp giới Hoa Nghiêm được khai thị ngay trong lòng của thế giới. Thế giới có không gian và thời gian, có biên tế đối lập và tận cùng bởi các quan năng hữu hạn của con người. Trí năng con người không thể đạt đến cảnh giới Hoa Nghiêm của chư Phật, chư Bồ Tát, chỉ có trực giác mới đưa con người đến được khi và chỉ khi trong con người lòng trần đã được buông xả.
Đối với chúng ta sự thể nhập vào thế giới “sự sự vô ngại” là vô cùng khó khi cái ngã nặng nề, trầm luân trói chặt trong vòng đai vô hình của nó. Chúng ta chỉ thâm nhập vào thế giới đó khi nhìn muôn sự ở cõi đời dàn trải ra trước mắt dưới cái của diễn biến vô thường, vô ngã và chỉ khi đó trực giác tâm linh mới mở được cánh cửa đi vào thế giới này mà thôi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1/ Garma G.C. Chang – Thích Thiện Sáng (dịch)
Triết học Phật giáo Hoa Nghiêm – NXB Tôn giáo, 2006
2/ Trịnh Xuân Thuận – Hỗn độn và hài hoà – NXB KHKT, 2005
3/ Daisetz T.Suzuki – Trúc Thiên (dịch)
Thiền luận – NXB Tổng hợp, 2001
4/ JunJiro Takakusu: Tuệ Sỹ (dịch)
Tinh hoa Triết học Phật giáo
NXB Phương Đông, 2007
Đặng Công Hanh