Vì sao gọi là đức Phật?
Ngày nọ, nhân khi vãng cảnh chùa con gái tôi chợt hỏi : “Nhà mình theo Phật phải không ba?”. Tôi gật đầu không do dự. Nó chỉ vào tượng Đức Phật ở chánh điện đang mĩm cười an lạc, lại hỏi tiếp : “Tại sao gọi là Đức Phật mà không gọi là Đức Chúa, Đức Thánh Trần, Đức Khổng Tử…? Tôi ưỡm ờ: “Tại vì Đức Phật sáng lập ra đạo Phật, Đức Khổng Tử sáng lập ra đạo Nho, Đức Chúa khai sinh ra đạo Thiên Chúa..?”. Con gái tôi dường như chưa hài lòng: “Vì khác đạo nên tên gọi của vị giáo chủ khác nhau, còn hàm ý nào không?”. Nghe đến đây, tôi hiểu rằng câu hỏi này không phải trả lời một cách đơn giản mà cần phải phân tích một cách tỷ mỉ. Điều này thực bất ngờ với tôi, bởi vì nó đụng chạm đến tinh túy giáo pháp, nó nêu ra một nhận thức luận cần phải chứng minh.
Chúng tôi cùng đến ngồi nghỉ chân tại gốc cây bồ đề. Những đám mây trên bầu trời trong xanh thật đẹp. Nếu bầu trời không có mây chắc hẳn nó không tròn vẹn ý nghĩa của mình. Cũng vậy, tôi nghĩ Đức Phật nếu không hiện thân làm người thì giá trị giải thoát của Ngài không toàn bích.
Theo tôi, danh từ riêng về các vị thánh không đơn thuần chỉ để phân biệt đạo nào. Lý giải như thế nào đối với danh từ riêng là “Đức Chúa”, “Đức Ahla”, “Đức Khổng Tử”…, tôi không hiểu rõ. Song, danh từ riêng “Đức Phật” mang ý nghĩa sâu sắc và có nguyên cớ để mọi người được hiểu tường tận. Đức Phật là danh từ riêng do đạo sĩ Gautama sau khi chứng đắc chánh đẳng chánh giác đặt tên. Nhưng giai thoại nổi tiếng về ngữ nghĩa của danh từ riêng này, được lưu truyền trong thời đó, và sau này được ghi lại trong “Tăng chi bộ kinh” quyển II
…Một ngày nọ, một vị đại Bà la môn tìm đến hỏi Đức Phật vì sao gọi là như vậy? Phật mỉm cười trả lời: “Ta được gọi là Đức Phật bởi vì có được 3 điều sau: Thứ nhất là ta biết những gì cần phải biết. Thứ hai là ta xả ly những gì cần xả ly. Thứ ba là ta tu pháp nào đáng phải tu. Nhờ vậy, ta được gọi là Đức Phật”.
Từ lời xác quyết của Ngài có thể suy ra, bất kỳ ai thực hiện được như thế sẽ được gọi là Đức Phật. Ngược lại thì không thể ! Ngoại đạo vì thiếu những điều kiện cần và đủ ấy mà trôi lăn theo dòng sinh tử luân hồi. Chúng ta là con Phật đương nhiên có mầm mống chủng tử Phật, thì chúng ta cần phải biết 3 điều đó mang ý nghĩa gì? Khi biết rồi, như hạt mầm đã được gieo chúng ta cần tưới tẩm thường xuyên để hạt mầm nảy nở, sinh ra cành lá hoa và cuối cùng là quả.
Trong điều thứ nhất Phật dạy cần “biết những điều cần phải biết”. Đây là sự biết siêu việt, khác biệt với những hiểu biết của ngoại đạo. Những giáo chủ ngoại đạo cùng thời Đức Phật nhiều hiểu biết uyên thâm, nhưng cái biết của họ không đáng để biết. Ngụ ý ở đây Đức Phật muốn nhấn mạnh là cái biết nào đem lại lợi lạc cho mình, cho người, và cuối cùng là giải thoát rốt ráo mới gọi là “biết những gì cần phải biết”. Đó gọi là tri kiến giải thoát. Nếu không được như vậy, tất cả sự biết đó chỉ là kiến thức trang hoàng giá trị phù du của đời người.
Thực tế ở đời, dù chỉ là quan hệ đối đãi người ta cũng tuân thủ theo những quy phạm xã hội, đừng nói gì đến phạm trù giải thoát. Người xưa dạy “học ăn, học nói, học gói, học mở”, hoặc là “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Tất cả đó đều quy về một luận điểm là cần phải biết. Trong triết lý về nhu cầu cần biết này, Đức Khổng Tử là bậc minh triết của Nho học, nghi biểu cho mẫu mực lễ nghi của văn hóa xã hội thế gian, đã từng huấn thị: “Trên đời có 3 cái dại cần phải tránh. Đó là biết những gì không cần phải biết; biết không rành những gì đã biết; không biết những gì cần phải biết”. Đức Khổng Tử sinh ra sau Đức Phật, suốt đời ngài du hóa khắp nơi để cổ súy cho lễ nghĩa phong hóa loài người. Luận điểm mà Ngài đúc kết qua thực tế bản thân và xã hội từ hằng ngàn năm trước, vẫn còn giá trị thiết thực cho đến ngày nay. Thực tế trong thế kỷ hiện đại này, được coi là thời kỳ văn minh nhất của nhân loại thì con người luôn có khuynh hướng chuyên sâu lĩnh vực của mình, chuyên nghiệp hóa mọi phương diện, không phân tán năng lực vào những góc cạnh phụ của vấn đề nếu không phục vụ được cho mục đích chính.
Tuy nhiên, trên bình diện giải thoát sinh tử, Đức Khổng Tử còn chưa rốt ráo bởi vì Ngài mới chỉ ra cách “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, rồi sau khi chết đi không biết sẽ về đâu? Có lần môn đồ thỉnh vấn Ngài : “Bạch Thầy, con người sau khi chết có thấy biết?” . Khổng Tử trả lời: “Nếu ta nói sau khi chết con người vẫn còn thấy biết, e rằng con cái chết theo cha mẹ, ông bà. Ngược lại nếu nói con người sau khi chết không còn thấy biết gì cả, e rằng không có ai thờ cúng ông bà! Bởi vậy, đợi đến khi chết, các ngươi sẽ tự biết!”. Câu chuyện này cho thấy Đức Khổng Tử còn hạn chế về tri kiến giải thoát.
Các đạo sư khác, như những vị Thầy dạy đạo cho Đức Phật trước khi thành đạo như ngài Kalama, Uất đầu lâm phất chứng thiền cao siêu, từ tứ thiền đến tứ không, nhưng chỉ biết được sau khi chết tái sanh vào cõi trời. Cõi trời dù an lạc thù thắng nhưng vẫn còn nằm trong vòng tròn sanh tử luân hồi.
Nói tóm lại, vì biết những gì không cần phải biết nên con người tiêu tốn thời gian, sức lực vào những mục tiêu vô bổ hoặc lợi ích có giới hạn. Riêng những người tu hành, tuy biết thác sanh lên cõi trời nhưng cõi trời vẫn còn hạn chế. Biết đến đâu họ tu đến đó, rốt lại khi chết chẳng được giải thoát. Đây gọi là tri kiến lầm lạc.
Vậy thì những gì là cần phải biết mà Phật nêu lên luận đề thứ nhất? Phật nêu rõ đó là cần biết những gì gọi là khổ, đâu là nguyên nhân khổ, đây là phương thức diệt khổ, và đây là cảnh giới thoát khổ. Bốn chân lý cao cả này được gọi là “Tứ diệu đế”. Đặc biệt là họ không nhận ra chân tướng của nguyên nhân khổ, nên không bao giờ diệt được khổ. Đã không diệt được khổ thì làm sao đạt đến cảnh giới thoát khổ? Tất cả 96 ngoại đạo cùng thời Đức Phật không biết được “Tứ diệu đế” nên mới rơi vào trường hợp biết những điều không đáng để biết. Thứ đến Phật dạy cần phải biết mọi sự đều do nhân duyên mà tạo lập. Nhân duyên đi theo 12 vòng móc xích trói buộc gọi là “Thập nhị nhân duyên”, từ chỗ đầu tiên là “vô minh” (tức là ngu si, không hiểu biết) cho đến cuối cùng là “cái chết”. Từ 12 nhân duyên cơ bản này, biến hiện trùng trùng nhân duyên huyễn khởi, đưa con người vào trận đồ sanh tử luân hồi. Sau đó Phật dạy tất cả vạn pháp là vô thường, tức là có sanh là có diệt, không bao giờ có sự vĩnh hằng như nhiều lập luận của ngoại đạo. Kinh “Kim cang” chỉ ra vô thường của muôn pháp bằng hình ảnh ẩn dụ là “điện chớp, hoa tuyết giữa hư không, trò huyền thuật, sương mai..”. Có lẽ cụ thể hơn là lời dạy của đạo sư Thogme Zangpo được viết ra trong trước tác vĩ đại: “Ba mươi bảy pháp hành Bồ tát đạo” như sau: “Thân bằng quyến thuộc lâu năm rồi sẽ phải chia tay. Tài sản tạo dựng bằng mồ hôi nước mắt rồi cũng phải bỏ lại. Thần thức là khách trọ trong căn nhà thân xác rồi sẽ phải ra đi. Đừng bám víu vào kiếp sống này. Đó là pháp hành Bồ tát đạo” (pháp thứ 4)”. Có thể hiểu đơn giản là những gì không còn lại với ta sau khi chết, gọi là vô thường. Một tỷ phú sau khi chết cũng trở thành trắng tay. Ong ấy không đem theo được tiền của theo thân trung ấm, cũng không thể được một miếng ăn nào dù là lúc sống có thể được thưởng thức hàng trăm món trong một bửa ăn. Tương tự như thế những hiện tượng khác của thế gian này.
Luận đề thứ hai Phật tuyên thuyết là “xả ly những gì cần xả ly”. Ở đây chúng ta hiểu rằng xả ly tức là buông bỏ, rời bỏ, không nắm giữ. Vậy thì cái gì cần xả ly, cái gì không nên xả ly mà Phật dạy? Ngoại đạo cũng xả ly, nhưng hành động mà họ cho là xả ly có nhiều điều lạ. Có đạo không ăn cơm mà ăn những thứ khác. Có đạo không chịu mặc áo quần, họ lõa thể trong mọi lúc mọi nơi. Có đạo không chịu đi như con người mà bắt chước cách đi đứng của loài vật… Tất cả những điều kỳ dị đó họ gọi là xả ly để …đạt đạo?! Phật không dạy xả ly như thế. Phật dạy xả ly chủ yếu trên tâm chứ không phải trên thân. Tức là rời bỏ những quan niệm chấp thủ. Có người bỏ nhà rồi vào chùa khoác lên người một bộ đạo phục, tụng vài quyển kinh, tự cho mình là “cắt ái, ly gia”. Song, khi ở chùa họ vẫn sống trong vọng tưởng thế gian, nghĩ chuyện đời, mong cầu vật dưỡng. Vậy thì họ chưa phải xả ly vì tất cả những gì họ làm chỉ là hình thức bên ngoài của thân và khẩu. Thánh tăng Atisa, vị sư An Độ đến Tây Tạng vào thế kỷ 11 để chấn hưng Phật giáo Mật tông, dạy rằng “Đừng nói rằng mình là tỳ kheo nếu các người tìm kiếm những vật cần thiết của đời sống giống như người tại gia. Sống trong tu viện là đã bỏ các hoạt động thế gian nhưng nếu cứ nghĩ tới những gì mình đã bỏ thì các người không được quyền tuyên bố : “Ta là tỳ kheo sống trong tu viện”. Nếu vẫn còn ham muốn những vật đẹp và vẫn còn những ý nghĩ có hại thì đừng nói: “Tôi là một tu sĩ sống trong tu viện”. Nếu còn hòa trộn với người ngoài và lãng phí thời giờ vì những chuyện thế gian vô nghĩa với họ thì dù sống trong một tu viện cũng đừng nói: “Ta là một tỳ kheo sống trong tu viện”. Nếu không kiên nhẫn mà tự cảm thấy mình thua thiệt, nếu không thể giúp đỡ một chút gì cho người khác, thì cũng đừng khoe: “Tôi là một bồ tát tỳ kheo.”.
Phật dạy xả ly chủ yếu chính là tâm mình không bám chấp vào 8 ngọn gió thế tục, chứ không phải rời bỏ chỗ ở, mặc bộ đồ đạo phục. Bạn của con gái tôi pháp danh là Diệu Thanh thích đi đến chùa tụng kinh. Đến đó thì nó vui vẻ, khi về lại nhà lại buồn dàu dàu. Bởi vậy, nó có ý định xuất gia vì cố chấp là ở chùa mới an lạc. Song, quả đúng như Diệu Thanh nhận xét thì tại sao ở chùa cũng có nhiều chuyện khó coi? Quả đúng như Diệu Thanh nhận xét rằng ở nhà là phiền muộn thì tại sao người ta gọi là mái ấm gia đình? Rốt lại, vấn đề đều quy về một đầu mối: xả ly trên tâm mới có thể an lạc bởi vì lúc đó họ không còn chấp thủ vào hiện tượng, sự kiện. Bởi vậy, từ xa xưa ông bà ta từng nhận định: “Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”. Thực tế, nếu ở chùa mà lại vọng kiến, ảo tưởng như Đức Atisa đã nêu trên thì cũng không thể gọi mình là tỳ kheo. Không ngẫu nhiên Đức Phật khẳng định trong kinh “Pháp cú”:
Đích thực bậc tỳ kheo
Không phải đi khất thực
Bậc tỳ kheo đích thực
Là sống theo giới luật.
Trong khi tu nhiều người cố ăn chay trường, tự cho đó là xả ly ẩm thực. Họ bài bác những người ăn mặn, hoặc xem thường những người ăn mặn như là đang bị uế trược. Điều đó thực chất là chấp thủ chứ không xả ly. Bởi vì trong đạo Phật chưa có đoạn kinh nào xác quyết phải là ăn chay hoàn toàn. Thời Đức Phật tại thế, Tăng đoàn khất thực có gì dùng nấy, không thể lựa chọn thực phẩm chay mặn được. Hiện nay, Tăng đoàn các nước Phật giáo Nguyên thủy cũng như vậy. Phật giáo Tây Tạng có trường phái ăn chay và không ăn chay. Song, không vì ăn mặn mà các nhà sư không được gọi là tỳ kheo.
Thực chất đúng nguyên nghĩa của từ “CHAY”, tức là “TRAI”. Trai có nghĩa là tịnh. Tịnh là từ tâm là quan yếu chứ không thể chỉ từ thân và khẩu. Vì vậy có cụm từ “TỊNH TÂM TRAI”, cụm từ “TRAI TỊNH, TRAI GIỚI”, chứ không dùng là “CHAY TỊNH, CHAY GIỚI”. Nếu người tu hành thích ăn chay để tránh ăn thịt động vật nhằm phát triển thêm lòng từ thì đó là đúng cách xả ly. Ngược lại họ ăn chay vì ngon miệng hoặc để lấy đó là mục đích “đề cao” bản ngã của mình thì chỉ là hình thức chấp thủ. Nếu như vậy, ngoại đạo cũng làm được bởi vì An độ giáo luôn trường chay, đạo Cao đài, Hòa Hảo cũng ăn chay. Thậm chí, vào thời Đức Phật có nhiều đạo giáo ăn chỉ một nắm mè để giữ mạng sống mà tu hành, vượt quá sự ăn chay thường tình. Nhưng vì không biết cách xả ly trên tâm nên không thể giải thoát rốt ráo, đạt cứu cánh Niết bàn.
Nếu một tỷ phú nước Mỹ mà không ghi nhớ biết đủ thì cũng không bao giờ ngừng việc kinh doanh kiếm lợi nhuận, đồng nghĩa với sự tự thú là họ cảm thấy thiếu thốn, chưa mãn nguyện, vừa ý. Họ không chịu xả ly tài lộc. Do vậy mà họ khổ. Một kẻ nghèo nhưng biết đủ thì tự họ cảm thấy đủ và vui với hiện tại của mình. Do vậy mà họ an lạc. Đây mới gọi là xả ly đúng nghĩa. Đã có trường hợp tỷ phú nước ngoài là Tổng giám đốc Tập đoàn bia Heneiken, chỉ chịu dừng việc ở tuổi 72 vì bị ung thư. Ngược lại, tỷ phú Bill Gatses nhường lại đài vinh quang khi lên tới đỉnh. Ông rời chức vụ cao nhất của Tập đoàn, dâng hiến hơn nửa gia tài cho mục đích từ thiện. Từ đó, ông bắt đầu hăng say với công tác này. Ngôi sao điện ảnh nổi tiếng Thành Long đã dành nửa gia tài vào quỹ từ thiện, và mới đây Thành Long còn định tiếp tục gửi hết gia tài còn lại. Đó là xả ly tài sản, một phần của việc lìa bỏ bám víu vào tiền bạc. Song, đó vẫn chưa phải là toàn diện của xả ly. Phật dạy bản chất của xả ly là không so sánh, phân biệt, tùy nghi thích ứng. Điều này có nghĩa là “Đơn sơ với thực phẩm, đơn sơ với tọa cụ, đơn sơ với y phục, đơn sơ với thuốc men”. Rõ nhất là lời dạy của Phật trong kinh “Bát đại nhân giác” (Tám nguyên nhân quan yếu của sự giác ngộ): Điều giác ngộ thứ ba: Tâm không hề biết chán, chỉ ôm ấp tham cầu, tăng trưởng nhiều tội ác. Bồ tát không như thế, luôn ghi nhớ biết đủ, sống nghèo gìn giữ đạo, dùng trí tuệ làm nghiệp.
Trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng nổi tiếng một giai thoại tượng trưng về cách dạy xả ly mà Đạo sư Dromtonpa dạy cho một cụ già tín tâm… Câu chuyện như sau: “Một hôm có một cụ già đi nhiễu quanh tu viện Radreng, tôn giả Dromtopa nói: “Thưa cụ, tôi rất vui thấy cụ nhiễu quanh tu viện này, nhưng cụ có nên thực hành Giáo pháp hơn không ạ?”.
Suy nghĩ về điều này, cụ già thấy mình nên đọc kinh Đại thừa. Khi cụ đang đọc kinh trong sân tu viện, tôn giả Dromtonpa nói: “Tôi rất vui thấy cụ tụng kinh, nhưng cụ có nên tu tập Giáo pháp hơn không ạ?”.
Cụ già nghĩ có lẽ mình nên tham thiền. Cụ ngồi xuống trên một tấm nệm, nhắm mắt. Tôn giả Dromtonpa lại nói: “Tôi rất vui thấy cụ tham thiền, nhưng có nên tu tập Giáo pháp hơn không ạ?”.
Bây giờ thì hoàn toàn thắc mắc, cụ già hỏi: “Thưa tôn giả, xin cho tôi biết tu tập như thế nào?”.
Lúc đó, Ngài Dromtonpa nói: “Ngừng bám giữ vào đời này, ngay bây giờ. Vì nếu vẫn để cho đời này lôi cuốn thì có làm điều gì đi nữa cũng không phải là thực hành tu tập Giáo pháp, vì chưa vượt được tám điều quan tâm thế tục (Được-mất; Vinh-nhục; Khen-chê; Sướng-khổ). Khi đã bỏ được lối nghĩ của người đời và không bị tám điều quan tâm thế tục lôi cuốn nữa, thì tất cả những gì mình làm đều đưa tới giải thoát”.
..Đây là bài pháp sống động về xả ly. Sau này khi viết trước tác “Luyện tâm bát đoạn”, tôn giả Dromtonpa kết thúc vẫn bằng thi kệ khuyên mọi người xả ly thế tục:
“..Xin cho họ không bị nhiễm hoen
Bởi bát phong kiến chấp trần trược
Và thức giác vật tướng ảo huyền
Xin họ xả ly mọi ràng buộc”.
Trong luận đề thứ ba Phật dạy là “tu những pháp đáng phải tu”. Điều này có nghĩa là ngoại đạo cũng tu hành, thiền định nhưng không đúng pháp nên không giải thoát vòng sanh tử. Ví như vị Bà là môn tu hành để được thác sanh lên cảnh trời Phạm thiên. Đạo sĩ Kỳ na giáo sống khổ hạnh, suốt ngày thiền định để kết hợp tiểu vụ trụ trong con người với đại vũ trụ của Thần ngã…Hầu như tất cả đạo sĩ thời đó đều tu với động cơ vị kỷ là chán cõi trần tục và muốn lên cõi trời hưởng lạc.
Loài trời cõi Dục giới tuy sống lâu hàng vạn năm nhưng cũng có lúc chết. Kinh điển ghi lại, trước khi mạng chung, loài trời lộ ra “năm tướng suy hao” như là hoa trên đầu héo úa, thân đổ mồ hôi, ngồi lâu bất an, thiên y dơ bẩn, hào quang không còn chiếu sáng. Trước khi tái sanh cõi thấp, vị trời này được đưa vào vườn Địa đàng trong 7 ngày chờ đợi. Đây là quãng thời gian vô cùng sầu não của họ. Họ không còn được vui chơi, hưởng lạc tự tại như trước nữa. Mặt khác, họ biết trước là mình sẽ tái sanh vào cõi thấp nào, nghĩ đến đó họ càng thảm thương hơn! Vì sao như vậy? Bởi vì loài trời ngao du, ăn uống tự tại, say sưa đàn hát, dục lạc nam nữ, suốt ngày chỉ hưởng lạc thú, chẳng làm được chút phước đức nào thì làm sao có thể thác sanh vào cõi người? Ngay cả Đế Thích là thiên chủ cõi trời Đao lợi, làm chủ 33 nước trời nhưng khi sắp mạng chung, hoảng hốt cực độ. Ngài tìm đến các vị trời cao hơn để hỏi cách đối phó, nhưng không ai trả lời được. Còn loài trời cõi Vô sắc, tuy là cao tột trong luân hồi, nhưng khi bị mạng chung đau đớn như hàng ngàn mũi tên bắn vào ngực.! Tóm lại, trong 28 cõi trời, từ Dục giới cho đến Vô sắc giới đều có kết cuộc bi thảm. Cho nên, ngoại đạo tu những pháp không đáng để tu!
Thế nào là pháp đáng để tu mà Phật dạy? Trong đạo Phật cho dù có nhiều pháp tu khác nhau, tùy theo căn cơ mỗi chúng sanh mà áp dụng phù hợp, đều đạt giải thoát khỏi luân hồi sanh tử. Riêng vào giai đoạn hậu kỳ Phật giáo thì Mật thừa hay còn gọi là Kim cương thừa phát triển với những pháp tu giải thoát đặc thù. Mật thừa xuất phát từ quan điểm đạt Sắc thân bằng phương pháp Quán tưởng Bổn tôn hay là Hộ Phật Du già (Yidam Yoga), nghĩa là hành giả quán tưởng chính mình có hình dạng giống như một Sắc thân của bậc Đại trí (vị Phật). Bên cạnh đó một phương tiện được sử dụng song hành là Mật chú (Mantra). Đức Đạt lai Lạt ma XIV dạy trong tác phẩm “Mật thừa Tây Tạng” rằng Mật thừa dùng kết quả như một con đường tương tự với Sắc thân. Điều này có nghĩa là thiền định (thực hành chiêm ngưỡng) một thánh tướng Bổn tôn đến khi những đường nét của nó xuất hiện rõ ràng và vững chắc, đến lúc hình như có thể sờ chạm nó được bằng bàn tay mình và thấy nó bằng mắt mình. Đây gọi là thiền quán vị Phật bên ngoài.
Thứ đến là quán tưởng mình chính là Bổn tôn, phát sinh niềm kiêu hãnh thiêng liêng, tức là ta bỏ đi thái độ tự hạ cho rằng mình là phàm phu, vô dụng. Ngược lại là chuyển tất cả những gì xấu kém đó qua “bộ máy” quán tưởng, chế tạo thành những gì cao cả như vị Phật. Vào lúc đầu, việc quán tưởng mình là vị Phật (Bổn tôn) phần lớn dường như gượng gạo.
Song, nếu kiên trì thực hành chúng ta sẽ có thể cảm nhận vị Phật tự sinh trong tâm mình, ngày càng rõ nét trong sinh hoạt thường nhật., nâng phẩm tính của ta lên một chiều kích mới. Chúng ta sẽ hộp nhất tâm mình với vị Phật trong những kinh nghiệm qua các giác quan thuộc thân, ngữ, tâm. Đó là nguyên nhân đặc biệt của loại tương tự để đạt đến Phật tánh. Đây gọi là thiền quán vị Phật bên trong.
Còn Mật chú tức là Mật ngữ của chư Phật, chư Bồ tát đẳng giác lưu xuất từ đại định tam muội, đã đúc kết tất cả tinh túy vi diệu trong vũ trụ. Mật chú (thần chú) theo tiếng Phạn là “Mantra” có nghĩa là “bảo hộ tâm thức” thoát khỏi uế trược, phiền não. Do đó, có thể hiểu nôm na, thần chú là phương tiện ban vui cứu khổ. Công năng của thần chú được mô tả trong nhiều kinh sách Mật giáo, tựu trung có 5 chức năng sau đây: KÍNH ÁI ( ai đọc thần chú đến mức độ nào đó sẽ được người, trời, quỷ thần kính trọng và quý mến); TĂNG ÍCH (được gia tăng tiện ích đời thường như tuổi thọ, sức khỏe, thành đạt); TIÊU TAI (tai ách sữ được tiêu trừ theo diễn trình từ nặng hóa nhẹ, từ nhẹ thành không có gì); CÂU TRIỆU (tập trung được các năng lực vi tế của vũ trụ); HÀNG PHỤC (trừ tà, khử ma, tức là những thế lực vô hình chuyên tìm cách phá hại con người). Trong pháp hội Lăng nghiêm, Đức Phật dạy rằng ngay cả những bậc đại Bồ tát cũng phải trì chú.
Mật giáo sử dụng và khai thác năng lượng của Mật chú. Đó là một trong những phương tiện thiện xảo của Mật giáo, kết hợp với thiền quán Bổn tôn, tạo nên sự vĩ đại và siêu diệu của Mật thừa.
Tựu trung, danh từ Đức Phật không đơn thuần là khái niệm về một giáo chủ, mà là một nhận thức luận về bậc toàn tri, bậc giải thoát. Đó là những luận đề mà đạo sĩ Gautama đã tìm ra và nhờ đó mà trở thành Phật. Khi đã là Phật, có nghĩa là bậc thức tỉnh, giải thoát khỏi sanh tử luân hồi, Phật đúc kết kinh nghiệm và dạy cho ngoại đạo Bà la môn bài học về tri kiến giải thoát: BIẾT NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT, XẢ LY NHỮNG GÌ ĐÁNG XẢ LY, TU NHỮNG PHÁP ĐÁNG TU.
Nguyên Thành