Kham nhẫn theo tinh thần Kinh Pháp Hoa
Trong phẩm Pháp sư thứ 10, kinh Pháp hoa, Đức Phật dạy rằng sau khi Như Lai diệt độ, nếu có người nào muốn giảng kinh này, phải vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai và lên tòa Như Lai. Tòa của Như Lai là trí Bát-nhã, áo của Như Lai là hạnh nhu hòa, nhẫn nhục và nhà của Như Lai là tâm từ bi.
Như vậy, thể hiện lời Phật dạy, trên bước đường tự hành hóa tha theo Bồ-tát pháp, hành giả cần tu pháp nhẫn. Tuy nhiên, hành giả trang nghiêm bằng tâm nhẫn nhục, đi vào trần thế với mục tiêu làm người an vui hết khổ, nhưng họ lại nghĩ hành giả đến để lợi dụng. Va chạm thực tế phũ phàng này, hành giả tự nghĩ mình đến Ta-bà không cần bất cứ gì, tại sao lại chịu nhục như thế, liền rũ áo trở về ngay.
Thái độ dứt khoát như vậy không phải là Bồ-tát Pháp Hoa, không thể hiện hạnh nhẫn nhục của Bồ-tát Pháp Hoa.
Bồ-tát Pháp Hoa có sức kham nhẫn lạ lùng. Chúng sanh càng đối xử tệ ác bao nhiêu, tâm từ bi của các ngài càng phát triển bấy nhiêu. Nói cách khác, hình ảnh kham nhẫn kiểu mẫu không ai khác hơn là Đức Phật chịu đựng trong suốt bốn mươi chín năm ở Ta-bà. Trên bước đường giáo hóa độ sanh của Phật, không phải lúc nào cũng phẳng lặng, bình an. Với nhẫn lực siêu tuyệt, Ngài vượt mọi tai ách.
Điển hình như câu chuyện lịch sử có ghi rõ một Bà-la-môn giết con, rồi vu oan cho Phật hiếp dâm và giết con ông. Nhưng Phật kiên nhẫn ở lại cuộc đời, chỉ vì lòng thương tưởng đối với mọi người. Mười phương Phật hay Phật cửu viễn sai Kim Cang thủ hộ hữu hình và vô hình hộ vệ Phật Thích Ca. Và trên thực tế, vua Ba Tư Nặc là vị hộ pháp đắc lực nhất. Ông ra lệnh điều tra thì kết quả chính người Bà-la-môn đã giết con để vu khống, bôi lọ Phật.
Có một số người nghĩ đơn giản rằng ta chỉ nhịn đối phương, mọi việc sẽ êm. Trước hết cần xác định nhẫn nhục không phải là sự cố gắng nhịn nhục. Bằng nghiệp thức của con người hiểu biết, phân biệt, nhịn chịu, hành giả đang tu nhẫn nhục của thế nhân, không phải nhẫn nhục pháp của Bồ-tát, của Như Lai. Riêng chúng sanh trong địa ngục Vô gián, chịu đựng ngày này qua tháng nọ, nhưng không bao giờ thành Phật, càng chịu đựng, họ càng đau khổ, sân hận.
Cần hiểu rằng nhẫn nhục của Bồ-tát là làm thế nào kẻ ác không còn phá rối được nữa. Hành giả phải trừ tận gốc, vì nhịn hoài, họ kiếm chuyện hoài. Đến lúc không nhịn nổi, sẽ bung ra tâm ác và thái độ đối phó càng dữ hơn.
Pháp nhẫn Phật dạy thuộc giới tánh, có công năng đoạn sạch chướng ngại cho hành giả. Pháp nhẫn được triển khai thành ba loại là chúng sanh nhẫn, pháp nhẫn và đại nhẫn. Hội đủ ba pháp nhẫn này mới hình thành nhẫn nhục Ba-la-mật. Nói cách khác, khi nào không còn gì trên trần thế mà hành giả phải chịu đựng, mới đạt được pháp nhẫn Ba-la-mật.
Nhẫn của thế gian cắt lòng ta, nhưng mặc áo Như Lai rồi, hành giả thản nhiên trước mọi sự kiện, không phải nhịn bằng ý thức nhịn. Khoác áo giáp nhẫn của Như Lai, hành giả bình ổn lạ thường, không có đối phó, dù là đối phó bằng cách nhịn.
Sự nhẫn nhục do thọ trì đọc tụng kinh sanh ra, bộc phát tự đáy lòng, là một nhẫn lực tự nhiên, phát ra ngôn ngữ nhu hòa, xoa dịu lòng người.
Chúng sanh nhẫn
Phật hiện thân vào thế giới Ta-bà, biết rõ căn tánh hành nghiệp của chúng sanh, nên Ngài giáo hóa chúng sanh không chướng ngại.
Bồ-tát hành đạo cũng vậy, dùng vô số phương tiện điều phục chúng sanh cang cường. Các ngài tu pháp nhẫn, nhường nhịn chúng sanh để không chạm tự ái của họ và theo dõi nghiệp ác, suy nghĩ, ham muốn của chúng sanh, các ngài lần sửa đổi, phát huy tri thức và đạo đức cho họ tốt hơn.
Phật dạy hành giả Pháp hoa phải nhẫn nhục, vì tu Pháp hoa hiện thân con người thánh thiện ắt phải đối nghịch với người ác. Việc tốt mà hành giả làm nhứt định phải gây tác hại cho người xấu. Thật vậy, khi có hai hình, chúng ta dễ so sánh, cái xấu hiện rõ, vì có điều tốt, hình ác hiện rõ vì có hình thánh thiện. Phật tiêu biểu cho ánh sáng và ma tiêu biểu cho bóng đen, ánh sáng xuất hiện thì bóng tối phải tan biến.
Ở Ta-bà, luôn luôn tồn tại hai mặt tương phản. Hành giả Pháp hoa quan sát rõ như vậy, khởi tâm từ bi cứu người ác nghịch, sẵn sàng gánh chịu điều kỳ quặc, tệ xấu của họ. Tuy ông Phật trong họ quá nhỏ, chỉ có một điểm tâm thôi, hành giả cũng cố gắng tìm điểm dễ thương nhất, tìm điểm tốt nhất của họ để cứu giúp, nuôi dưỡng điểm thiện nhỏ nhất của họ cho phát triển.
Với trí tuệ chỉ đạo, Bồ-tát nhẫn nhục dễ dàng. Bồ-tát càng nhẫn, công đức càng tăng và quyến thuộc càng đông hơn. Thường Bất Khinh Bồ-tát thực hiện hạnh nhẫn cao độ với những người tăng thượng mạn. Sau này, họ đều trở thành quyến thuộc của ngài với đầy đủ các thành phần Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, cư sĩ, Bồ-tát.
Thực hành pháp nhẫn để chuyển hóa sự hiểu biết của người, đến khi tầm nhìn của họ và Bồ-tát giống nhau, thì họ và Bồ-tát đã thành một. Được như vậy, Bồ-tát đã thành tựu pháp chúng sanh nhẫn.
Pháp nhẫn
Nghĩa là tất cả pháp thuộc hữu hình, vô hình, hữu vi, vô vi, được hành giả quan sát cùng tột ngọn nguồn để phục vụ lợi lạc cho chúng sanh.
Đầu tiên, hành giả đối phó với pháp hữu hình, hữu vi. Thực tế là cơm ăn, áo mặc, nhà ở, thuốc men, phải giải quyết trước. Hành giả tự khắc phục, tập bỏ ăn ngon chỉ ăn no, tiến đến ăn vừa đủ để duy trì sự sống bình thường. Vì chúng ta ý thức rõ ba việc ăn, mặc, ở ràng buộc suốt cuộc đời. Hành giả tự hạn chế, bớt lệ thuộc chúng để dành thì giờ, trí khôn và sức khỏe cho việc tiến tu.
Đến khi thành tựu pháp nhẫn, tất cả pháp vô tình, vô vi, hay nói chung, hành giả tác động được mọi loài trong Pháp giới theo ý muốn, điều động thiên nhiên tự tại. Chẳng những hoàn cảnh thiên nhiên không chi phối, bức ngặt hành giả; ngược lại, hành giả chuyển vật, biến nó trở thành phục vụ cho mình và người.
Đại nhẫn
Sau khi đã chuyển chúng sanh và các pháp thuận theo hành giả, tự động pháp nhẫn thứ ba sanh ra, trở về ngũ uẩn pháp ở dạng nguyên thể thì ta, chúng sanh và pháp đồng nhất thể, hay Phật, tâm và chúng sanh trở thành một. Bấy giờ, hành giả đạt đến quả vị Như Lai.
Pháp đại nhẫn thuộc phần tâm chứng của đại Bồ-tát, khó dùng ngôn ngữ diễn bày được.
Ba pháp nhẫn là chúng sanh nhẫn, pháp nhẫn và đại nhẫn thành tựu, dẫn hành giả đến cứu cánh Phật quả.
Trên bước đường tu, muốn nhu hòa nhẫn nhục, hành giả phải tự hạ thấp mình xuống. Ngay như Phật ra đời để tuyên bày chân lý Pháp hoa, nhưng vì đại chúng chưa chấp nhận được, Ngài phải sống tùy thuận, để dần dần xây dựng tình thương rộng lớn cho họ.
Pháp sư thể hiện pháp nhẫn cao tột, sâu sắc là Nhật Liên Thánh nhân. Trên bước đường lập giáo khai tông, ngài chẳng những bác bỏ kinh sách của ngoại đạo, mà cả các kinh khác của Phật nói ra.
Ngài nói 14 phẩm đầu của kinh Pháp hoa dành cho chúng đương cơ, không phải của Bồ-tát hay chúng hậu thế. Vì chúng ta đâu có theo ngoại đạo mà phải cải tạo tư tưởng ngoại đạo sang tư tưởng Phật đạo, cũng như không theo Tiểu thừa, nên không phải chuyển từ Tiểu thừa sang Đại thừa.
Theo ngài, chúng ta trực tiếp nhận được giáo lý Đại thừa, thì cứ từ đó mà đi lên. Nếu tu các kinh khác chỉ là phú chướng giáo, hay vị đắc đạo giáo. Những người này sánh bằng cầm thú, không thể là nhà truyền giáo được và những danh sư thời đó, ngài coi là trùng độc trong thân sư tử.
Ngài chỉ trích mạnh mẽ như vậy, nhưng vì là Bồ-tát thị hiện, nên không giết ngài được mới đưa ngài đi lưu đày ngoài đảo. Khi sóng bủa ba đào, ngài đã hòa với thiên nhiên đến độ cao nhất, tạo thành một lực dụng bất khả tư nghì. Ngài chỉ niệm Nam-mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, tức thì sóng lặng bể yên.
Sau khi đày ngài ra đảo, tình hình trong nước càng ngày càng bi đát, gặp nhiều chống đối, kinh tế khủng hoảng, thiên tai dồn dập đổ xuống và ngoại xâm hăm dọa. Lúc đó vua mới ra lệnh rước ngài về và nước Nhật từ đó thay đổi sáng sủa hơn. Tất cả sự huyền nhiệm mà ngài tạo nên làm người Nhật vững niềm tin, tôn kính ngài như Thượng Hạnh Bồ-tát.
Hoằng truyền kinh Pháp hoa sẽ gặp khó khăn như vậy. Chúng ta tự lượng sức mình có đủ khả năng làm những việc thần bí như ngài Nhật Liên hay không. Nếu không, chúng ta phải nhu hòa, nhẫn nhục như Thánh Đức thái tử đã làm trước đó năm thế kỷ, tạo thành tư thế mà người chống đối phải mang vũ khí đến nộp để đúc tượng đồng Tỳ Lô Giá Na.
Chính ngài Nhật Liên khi được rước từ đảo về, cũng trở lại thái độ nhu hòa khiến mọi người ngạc nhiên. Ngài bảo đại chúng rằng nếu ngài tự thấy thành công, thì sẽ thành kẻ tăng thượng mạn, không phải là hành giả Pháp hoa.
Ngài khuyên chúng ta phải cẩn thận, nên truyền bá kinh Pháp hoa trong tư thế nhu hòa, nhẫn nhục. Đừng gây mâu thuẫn, tạo thành thế chống đối, khi thân phận chúng ta còn bất lực trước hoàn cảnh thiên nhiên và những kẻ tàn bạo.
HT.Thích Trí Quảng