Nghĩ về hương đức hạnh
Nói đến mùi hương, người ta vẫn khao khát các loại nước hoa như Chanel No.5 hay Clive Christian No.1. Tuy nhiên, ngay cả những loại nước hoa siêu đẳng và hết sức đắt tiền ấy cũng chỉ có thể tỏa hương theo chiều gió trong một khoảng thời gian nhất định. Thế nhưng có một loại mùi hương chẳng những lan xa hơn, mà lại có khả năng bay ngược chiều gió đến tận muôn phương, hơn nữa, có thể xông ngát tận chư thiên và giữ mãi về sau. Đó là Hương Đức Hạnh.
Thật vậy, trong kinh Pháp Cú, phẩm Hoa (Puphavagga), Đức Phật dạy: Hương các loại hoa thơm – Không ngược bay chiều gió – Nhưng hương người đức hạnh – Ngược gió khắp tung bay (kệ số 54).
Có người sẽ hỏi: Vậy chúng ta phải làm những gì mới có thể có được mùi hương kỳ diệu ấy? Xin thưa: bất cứ ai có tâm nguyện thực hành những điều hết sức đơn giản trong cuộc sống hàng ngày, sẽ “sở hữu” được loại nước hoa “Đức Hạnh” mà không tốn kém gì cả. Điều đơn giản ấy là gì? Cũng trong kinh Pháp Cú, phẩm Phật Đà(Buddhavagga), Đức Phật dạy, Không làm mọi điều ác – Thành tựu các hạnh lành – Tâm ý giữ trong sạch… (kệ số 183). Quả thật, chỉ cần làm được điều đơn giản ấy thì hiện đời ta được an vui, mà đời sau cũng được viên mãn ý nguyện. Không làm các điều ác – bao gồm tất cả những hành vi dù nhỏ mà có thể gây tổn hại đến người khác hoặc chúng sinh khác nói chung, như khiến cho người khác phải băn khoăn phiền não đau khổ. Người ta thường nghĩ chỉ có những “việc lớn” như gây thương tích, giết hại… hoặc làm tổn thương đến đời sống, danh dự, hạnh phúc… của người chung quanh thì mới gọi là việc“ác”; nhưng“việc nhỏ”, như sống phóng túng, buông lung, dùng lời khiếm nhã, ác ý, vu oan… chẳng lẽ lại không hề gì? Người ta đâu có hay rằng, Chớ khinh điều ác nhỏ – Cho rằng ‘chưa đến mình’ – Như nước nhỏ từng giọt – Rồi bình cũng đầy tràn – Người ngu chứa đầy ác – Do chất chứa dần dần. (PhẩmÁc – Papavagga – kệ số 121).
Lại có người nghĩ, vì hoàn cảnh đời sống của bản thân khó khăn, chẳng hạn như nghèo khó, rất ít thời gian… nên khó làm được “điều lành lớn” để có công đức, đức hạnh nên không cố gắng “thành tựu các hạnh lành”, nhưng họ đâu có biết rằng, Chớ khinh điều thiện nhỏ – Cho rằng ‘chưa đến mình’ – Như nước nhỏ từng giọt – Rồi bình cũng đầy tràn – Người trí chứa đầy thiện – Do chất chứa dần dần. (như dẫn trước, kệ số 122). Một lời nói khiêm nhu, hòa nhã, thiện lành, tùy hỷ với mọi người cũng là một điều lành vô cùng cần thiết mà tất cả ai ai cũng có thể làm tốt được. Đức Phật đã căn dặn rất kỹ: Hãy gấp làm điều lành – Ngăn tâm làm điều ác – Ai chậm làm việc lành – Ý ưa thích việc ác (như dẫn trước, kệ số 116).
Khuyên dạy về hương Đức Hạnh cần thiết cho mỗi người – nhất là Phật tử – Đức Từ phụ đã từng nhắc lại trong nhiều kinh điển; ở đây, Ngài đã ba lần nói về mùi hương kỳ diệu vô cùng thiết yếu ấy: Hoa chiên-đàn, già-la – Hoa sen, hoa vũ quý – Giữa những hương hoa ấy – Giới hương là vô thượng. (phẩm Hoa, kệ số 55). Tiếp theo, Đức Thế Tôn lại dạy: Ít giá trị hương này – Hương già-la, chiên-đàn – Chỉ hương người đức hạnh – Tối thượng tỏa Thiên giới(như dẫn trước, kệ số 56).
Khi đã ‘Không làm mọi điều ác – Thành tựu các hạnh lành’ thì tâm ta sẽ luôn trong sáng, an tịnh trước mọi cám dỗ, mọi cấu uế của đời sống. Có Tâm an bình, thanh tịnh, thì tất cả sẽ dần dần tốt đẹp: Tâm không đầy tràn dục – Tâm không hận công phá – Ðoạn tuyệt mọi thiện ác – Kẻ tỉnh không sợ hãi. (Phẩm Tâm – Cittavagga – kệ số 39). Ngược lại, người có tâm luôn dao động, tối tăm thì sẽ “như cá bị quẳng lên bờ, luôn sợ sệt vùng vẫy” để chờ chết!
Hương Đức Hạnh cũng có thể gọi là Hương Từ Bi, bởi vì cũng xuất phát từ ngọn nguồn Yêu Thương, Cảm Thông và Chia Sẻ!
Mùa Phật đản lại đến, niềm hân hoan chung cho cả Trời người đang trở về; ngày tưởng nhớ tri ân Đấng Cha Lành đã vì nỗi khổ đau của chúng sinh mà thị hiện, người con Phật cần phải “sở hữu” cho được thứ “hương Đức Hạnh” để thành tâm cúng dường chư Phật. Đó là phẩm vật cao quý nhất mà Đức Phật luôn mong đợi ở mỗi chúng ta… ■
Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 177.