Người vợ hiền trí
Trong Kinh tạng Nikāya thuộc văn hệ Pāli, có một số Pháp thoại do đệ tử tại gia của Đức Phật trực tiếp nói cho những người thân của mình về những kinh nghiệm tâm linh lợi lạc mà bản thân họ chứng nghiệm được nhờ thực hành Giáo pháp giác ngộ của Đức Phật. Bản kinh Cha Mẹ của Nakula lưu ở tuyển tập Tăng Chi Bộ là một trong số các pháp thoại như vậy. Gia chủ, cha của Nakula bị trọng bệnh , tỏ ý lo lắng thương cảm cho những người thân yêu của mình sẽ gặp phải những khó khăn trong cuộc sống, không có đủ nghị lực để duy trì gia thế ổn định, không giữ được vị thế tốt đẹp của người cư sĩ sau khi mình qua đời. Phúc lành thay cho gia chủ, cha của Nakula, vì nữ gia chủ , mẹ của Nakula là một người vợ hiền trí, đã kịp thời cũng cố tâm thức dao động luyến ái của ông trong lúc bệnh tật với những lời xác tín mạnh mẽ và sáng suốt, được mệnh danh là những lới nói “hòa ái”, “từ mẫn” đưa đến lợi ích giác ngộ”
“Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Bhagga, tại núi Cá Sấu, rừng Bhesakàla, vườn Lộc Uyển. Lúc bấy giờ, gia chủ, cha của Nakula bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. Rồi nữ gia chủ, mẹ của Nakula nói với cha của Nakula như sau:
-Thưa Gia chủ, chớ có mạng chung với tâm còn mong cầu ái luyến. Thưa Gia chủ, đau khổ là người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung còn mong cấu ái luyến. Thưa Gia chủ, Gia chủ có thể suy nghĩ: "Nữ gia chủ, mẹ của Nakula, sau khi ta mệnh chung, không có thể nuôi dưỡng các con và duy trì nhà cửa". Thưa Gia chủ, chớ có nghĩ như vậy! Thưa Gia chủ, tôi khéo léo dệt vải và chải lông cừu. Thưa Gia chủ, sau khi Gia chủ mệnh chung, tôi có thể nuôi dưỡng các con và duy trì nhà cửa. Do vậy, thưa Gia chủ, chớ có mệnh chung với tâm còn mong cầu ái luyến! Ðau khổ, này Gia chủ, là người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung tâm còn mong cấu ái luyến.
Thưa Gia chủ, Gia chủ có thể suy nghĩ như sau: "Nữ Gia chủ, mẹ của Nakula, sau khi ta mệnh chung, sẽ đi đến một gia đình khác". Thưa Gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Thưa Gia chủ, Gia chủ cũng đã biết, trong mười sáu năm chúng ta sống làm người gia chủ, tôi đã sống thực hành Phạm hạnh như thế nào. Do vậy, thưa Gia chủ, chớ có mệnh chung với tâm còn mong cầu ái luyến! Ðau khổ, thưa Gia chủ, là người khi mệnh chung còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung còn mong cầu ái luyến.
Thưa Gia chủ, Gia chủ có thể suy nghĩ như sau: "Nữ gia chủ, mẹ của Nakula, sau khi ta mệnh chung, sẽ không còn muốn yết kiến Thế Tôn, sẽ không còn muốn yết kiến chúng Tăng". Thưa Gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Sau khi gia chủ mệnh chung, tôi sẽ muốn yết kiến Thế Tôn nhiều hơn, sẽ muốn yết kiến chúng Tăng nhiều hơn. Do vậy, thưa Gia chủ, chớ có mệnh chung với tâm còn mong cầu ái luyến! Ðau khổ, này Gia chủ, là người khi mệnh chung, còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến.
Thưa Gia chủ, Gia chủ có thể suy nghĩ như sau: "Nữ gia chủ, mẹ của Nakula, sau khi ta mệnh chung, sẽ không giữ giới một cách đầy đủ". Thưa Gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Thưa Gia chủ, cho đến khi nào, các nữ đệ tử gia chủ mặc áo trắng của Thế Tôn còn giữ Giới Luật một cách đầy đủ, tôi là một trong những người ấy. Nếu ai có nghi ngờ hay phân vân, hiện nay, Thế Tôn đang ở giữa dân chúng Bhagga, tại núi Cá Sấu, rừng Bhesakàla, vườn Lộc Uyển, người ấy hãy đi đến Thế Tôn và hỏi. Do vậy, thưa Gia chủ, chớ có mệnh chung với tâm còn mong cầu ái luyến! Ðau khổ, thưa Gia chủ, là người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến.
Thưa Gia chủ, Gia chủ có thể suy nghĩ như sau: "Nữ gia chủ, mẹ của Nakula không có chứng được nội tâm tịnh chỉ". Thưa Gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Thưa Gia chủ, cho đến khi nào, các nữ đệ tử gia chủ mặc áo trắng của Thế Tôn còn chứng được nội tâm tịnh chỉ, tôi sẽ là một trong những vị ấy. Nếu ai có nghi ngờ hay phân vân, hiện nay Thế Tôn đang ở giữa dân chúng Bhagga, tại núi Cá Sấu, rừng Bhesakàla, vườn Lộc Uyển, người ấy hãy đi đến Thế Tôn và hỏi. Do vậy, thưa Gia chủ, chớ có mệnh chung với tâm còn mong cầu ái luyến! Ðau khổ, thưa Gia chủ, là người khi mệnh chung, tâm còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến.
Thưa Gia chủ, Gia chủ có thể suy nghĩ như sau: "Nữ gia chủ, mẹ của Nakula, trong Pháp và Luật này không đạt được thể nhập, không đạt được an trú, không đạt được thoải mái, không vượt khỏi nghi hoặc, không rời được do dự, không đạt được vô úy, còn phải nhờ người khác sống trong lời dạy đức Bổn Sư". Thưa Gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Thưa Gia chủ, cho đến khi nào, các nữ đệ tử gia chủ mặc áo trắng của Thế Tôn, trong Pháp và Luật này đạt được thể nhập, đạt được an trú, đạt được thoải mái, vượt khỏi nghi hoặc, rời được do dự, đạt được vô úy, không phải nhờ người khác sống trong lời dạy đức Bổn Sư, tôi sẽ là một trong những người ấy. Nếu có ai có nghi ngờ hay phân vân, hiện nay Thế Tôn đang ở giữa dân chúng Bhagga, tại núi Cá Sấu, rừng Bhesakàla, vườn Lộc Uyển, người ấy hãy đi đến Thế Tôn và hỏi. Do vậy, thưa Gia chủ, chớ có mệnh chung với tâm còn mong cầu ái luyến! Ðau khổ, thưa Gia chủ, là người khi mệnh chung, tâm còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến.
Rồi cha của Nakula được nữ gia chủ, mẹ của Nakula giáo giới với lời giáo giới này, bệnh hoạn liền khi ấy được khinh an và gia chủ, cha của Nakula thoát khỏi bệnh ấy. Ðược đoạn tận như vậy là bệnh ấy của gia chủ, cha của Nakula. Rồi gia chủ, cha của Nakula được lành bệnh, sau khi lành bệnh không bao lâu, chống gậy đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với gia chủ, cha của Nakula đang ngồi xuống một bên:
- Thật lợi ích thay cho Ông, này Gia chủ! Thật khéo lợi ích thay cho Ông, này Gia chủ! Ðược nữ gia chủ, mẹ của Nakula với lòng từ mẫn, vì muốn hạnh phúc, đã giáo giới, đã khuyên dạy Ông. Cho đến khi nào, này Gia chủ, Ta còn có những đệ tử gia chủ mặc áo trắng gìn giữ Giới Luật viên mãn, nữ gia chủ, mẹ của Nakula là một trong những vị ấy. Cho đến khi nào, này Gia chủ, Ta còn có những đệ tử gia chủ mặc áo trắng chứng được nội tâm tịnh chỉ, nữ gia chủ, mẹ của Nakula là một trong những vị ấy. Cho đến khi nào, này Gia chủ, Ta còn có những đệ tử gia chủ mặc áo trắng, trong Pháp và Luật này đạt được thể nhập, đạt được an trú, đạt được thoải mái, vượt khỏi nghi hoặc, rời được do dự, đạt được vô úy, không còn phải nhờ người khác sống trong lời dạy đức Bổn Sư, nữ gia chủ, mẹ của Nakula là một trong những vị ấy. Thật lợi ích thay cho Ông, này Gia chủ! Thật khéo lợi ích thay cho Ông, này Gia chủ, được nữ gia chủ, mẹ của Nakula với lòng từ mẫn, vì muốn hạnh phúc, đã giáo giới, đã khuyên dạy Ông.”
Nữ gia chủ, mẹ của Nakula là một đệ tử tại gia xuất sắc của Đức Phật, được Đức Thế Tôn xác chứng là người luôn luôn nói những lời sáng suốt đầy từ ái. Trong văn cảnh bài kinh trên, Đức Thế Tôn xem những lời xác tín của nữ gia chủ, mẹ của Nakula là những lời giáo giới, những lời khuyên dạy đầy từ mẫn và lợi ích cho gia chủ, cha của Nakula. Đọc lại những lời tuyên bố mạnh mẽ của bà thì không những bà là người phụ nữ đức hạnh đảm đang mà còn là bậc sáng suốt có trí tuệ , chứng đạt nội tâm tịch tịnh, thành tựu quán hạnh và với trí tuệ thể nhập Thánh đạo thấy rõ gốc rễ của khổ đau. Bà khuyên gia chủ, cha của Nakula, chớ để tâm rơi vào luyến ái gia đình, vợ con trong lúc mệnh chung, vì như thế là khiến cho mình rơi vào vòng lẫn quẩn khổ đau. Đây là lới khuyên nhắc đầy từ ái của người vợ hiền trí đối với vợ phu quân của mình, một lời khuyên sáng suốt có khả năng đưa đến đoạn trừ khổ đau, chỉ được phát ra từ những người đã đạt nội tâm thanh tịnh, và với trí tuệ thể nhập thấy rõ luyến ái là gốc rễ của khổ đau. Thông thường thì người đời hay lo lắng và sợ nhất là không nhận thấy được hay đánh mất đi tình cảm thương mến của người khác, đặc biệt là trong trường hợp đời sống tình cảm vợ chồng, vì vậy mà hiếm khi người ta trao cho nhau những lời trái ngược. Chỉ có đạo Phật mới nói rõ tình cảm luyến ái là nguyên nhân của khổ đau, và cũng chỉ những người đã thực nghiệm sâu về khổ đau và cội gốc của khổ đau mới có thể nói lên những điều sáng suốt chân thực tưởng chừng như không có tình cảm như thế!” Hoàng hậu Mallika chứng thực cho vua Pasenadi điều mà Đức Thế Tôn gọi là “Ái luyến sinh sầu ưu” :
- Tâu Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Ðại vương có thương công chúa Vajiri của thiếp không?
-- Phải, này Mallika, ta thương công chúa Vajiri.
-- Tâu đại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nếu có một sự biến dịch, đổi khác xảy đến cho công chúa Vajiri của Ðại vương. Ðại vương có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?
-- Này Mallika, nếu có sự biến dịch, đổi khác xảy đến cho công chúa Vajiri của ta, thì sẽ có một sự thay đổi đến đời sống của ta, làm sao không khởi lên nơi ta, sầu, bi, khổ, ưu, não?
-- Chính liên hệ đến sự tình này, tâu Ðại vương mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã nói: "Sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái". Tâu Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nữ Sát-đế-lị Vasabha, Ðại vương có thương yêu không?
-- Này Mallika, ta có thương yêu nữ Sát-đế-lị Vasabha.
-- Tâu Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nếu có một sự biến dịch, đổi khác xảy đến cho nữ Sát-đế-lị Vasabha, Ðại vương có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?
-- Này Mallika, nếu có một sự biến dịch, đổi khác xảy đến cho nữ Sát-đế-lị Vasabha, thì sẽ có một sự đổi khác xảy đến cho đời sống của ta, làm sao không khởi lên nơi ta sầu, bi, khổ, ưu não?
-- Chính liên hệ đến sự tình này, tâu Ðại vương, mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã nói: "Sầu, bi, khổ, ưu, não khởi lên do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái". Tâu Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Tướng quân Vidudabha, Ðại vương có thương quý không?
-- Này Mallika, ta có thương quý tướng quân Vidudabha.
-- Tâu Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nếu có một sự biến dịch, đổi khác xảy đến cho tướng quân Vidudabha, Ðại vương có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?
-- Này Mallika, nếu có một sự biến dịch, đổi khác xảy đến cho tướng quân Vidudabha thì sẽ có sự đổi khác xảy đến cho mạng sống của ta, làm sao không khởi lên nơi ta, sầu, bi, khổ, ưu não?
-- Chính liên hệ đến sự tình này, tâu Ðại vương, mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã nói: "Sầu, bi, khổ, ưu, não khởi lên do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái". Tâu Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Ðại vương có yêu thương thiếp không?
-- Phải, này Mallika, ta có thương yêu Hoàng hậu.
-- Tâu Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nếu có một sự biến dịch, đổi khác xảy đến cho thiếp, Ðại vương có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?
-- Này Mallika, nếu có một sự biến dịch, đổi khác xảy đến cho Hoàng hậu, thì sẽ có một sự đổi khác xảy đến cho mạng sống của ta, làm sao không khởi lên nơi ta sầu, bi, khổ, ưu, não?
-- Chính liên hệ đến sự tình này, tâu Ðại vương, mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã nói: "Sầu, bi, khổ, ưu, não khởi lên do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái". Tâu Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Ðại vương có yêu thương dân chúng Kasi và Kosala không?
-- Phải, này Mallika, ta thương yêu dân chúng Kasi và Kosala. Này Mallika, nhờ sức mạnh của họ, chúng ta mới có được gỗ chiên-đàn từ nước Kasi và dùng các vòng hoa, hương liệu, phấn sáp.
-- Tâu Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nếu có một sự biến dịch, đổi khác xảy đến cho dân chúng Kasi và Kosala, Ðại vương có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu não không?
-- Này Mallika, nếu có một sự biến dịch đổi khác xảy đến cho dân chúng nước Kasi và Kosala, thì sẽ có một sự đổi khác xảy đến cho mạng sống của ta, làm sao không khởi lên nơi ta sầu, bi, khổ, ưu não?
-- Chính liên hệ đến sự tình này, tâu Ðại vương, mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã nói: "Sầu, bi, khổ, ưu não khởi lên do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái".
Theo các quan điểm của đạo Phật thì ái (tanhà) là một trong số các mắt xích trói buộc chúng sanh ở trong vòng luân hồi sanh tử khổ đau. Nó là tình cảm quyến luyến đối với mọi thứ quyến luyến trên cuộc đời, có gốc rễ là vô minh hay si mê , chịu sự tác động trực tiếp bởi cảm xúc hay cảm thọ. Nó là một dạng tâm thức luyến ái, muốn ôm ấp nắm giữ mọi thứ mà nó đã trãi nghiệm, tiếp tục tìm cầu lạc thú trong các cảnh giới hành hoạt của nó một cách thích thú mê đắm , không buông bỏ. Chính tâm thức ái luyến đó là năng lực tạo ra sự tái sinh, khiến cho sự sống tiếp tục diễn ra dưới hình thức này hay hình thức khác ở trong các cảnh giới khác nhau của thế giới luân hồi khổ đau.
“ Chính ái này đưa đến tái sinh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia, tức là dục ái, hữu ái và phi hữu ái”.
Theo tuệ giác Phật đà thì sự hiện hữu của bất kỳ sự vật hay hiện tượng nào trong thế giới luân hồi là đồng nghĩa với sự hiện hữu của khổ đau., vì chúng là pháp hữu vi chịu sự thay đổi biến dịch, hủy hoại thuộc bản chất khổ đau, không ai làm chủ được và không ai can thiệp được. Đã là pháp hữu vi chịu sự thay đổi biến dịch, hủy hoại mà sinh tâm ái luyến, muốn ôm ấp nắm giữ tức là mời gọi khổ đau.
“ Này Ananda, Ta không quán thấy một sắc pháp (pháp hữu vi) nào trong ấy có hoan hỷ, trong ấy có hoan lạc, chịu sự biến dịch , chịu sự đổi khác mà không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu não.”
Do không thấy được bản chất hoại diệt khổ đau của pháp hữu vi nên chúng sanh rơi vào thích thú, luyến ái khao khát , tìm cầu cái hiện hữu , chính tâm lý ái luyến khao khát đối với sự kiện hiện hữu như vậy khiến cho một đời sống mới tiếp tục được tạo ra , cũng đồng nghĩa với khổ đau tiếp tục được tạo ra và kéo dài mãi mãi. Chính vì thế mà đạo Phật xem tâm lý luyến ái là nguyên nhân dẫn đến khổ đau và khuyên nhắc mọi người nỗ lực nhiếp phục và vượt qua cảm thức luyến ái để giải thoát khổ đau. Đây là quan điểm rất trí tuệ của đạo Phật trong trong phương pháp nhận thức và giải quyết khổ đau, được vận dụng dựa trên nền tảng sự thực hành Bát Thánh Đạo hay sự nỗ lực phát triển các phẩm chất đạo đức, tâm linh và trí tuệ tự nội đưa đến đoạn tận khổ đau.
Trong đạo Phật, người nào nỗ lực phát huy và đạt đến sự hiểu biêt theo cách trên thì được gọi là “Thánh đệ tử có trí tuệ về sanh diệt (thấy rõ tính chất vô thường, khổ đau của hết thảy các pháp hữu vi), thành tựu Thánh thể nhập (quyết trạch) đưa đến chon chánh đoạn diệt khổ đau” Nữ gia chủ, mẹ của Nakula được gọi là bậc hiền trí là vì thế.
Đáng chú ý rằng trong giáo pháp của Đức Phật thì trí tuệ luôn đóng vai trò hết sức quan trọng vì chỉ có trí tuệ thấy rõ bản chất như huyễn của thân ngũ uẩn, tính chất vô thường mong manh của hết thảy các pháp hữu vi mới có công năng giúp cho chúng sanh thoát khỏi si mê, rời bỏ thói quen tham ái, xa lìa tâm chấp thủ thoát ly mọi hệ lụy của khổ đau. Trong bài kinh Xứng đôi dạy cho cha mẹ Nakula, Đức phật có đề cập đến bốn đức tính đồng đẳng và khuyên cặp vợ chồng này nên nỗ lực nuôi dưỡng và phát huy nhằm đảm bảo đời sống hôn nhân được tiến triển bền vững theo chiều hướng tiến dần đến cứu cánh giải thoát , cứu cánh giác ngộ. Trong bốn đức tính đồng đẳng đó, đồng trí tuệ được xem là đức tính quan trọng và lớn nhất bên cạnh ba đức tính khác là đồng tín, đồng giới, đồng bố thí.
Theo lời Phật thì những người thương yêu nhau muốn có đời sống hôn nhân hạnh phúc và muốn tiếp tục gặp gỡ các đời sau theo hướng cùng song hành đi đến mục đích giác ngộ thì cần phải khuyến khích nhau nuôi dưỡng và phát huy bốn đức tính đồng đẳng gồm đồng tín, đồng giới, đồng thí và đồng trí tuệ. Đây là pháp môn tu tập rất hay của đạo Phật dành cho những người yêu thương nhau, mong muốn sống có hạnh phúc với nhau lâu đời lâu kiếp, không đổ vỡ không chia lìa. Sỡ dĩ có sự hòa hợp gắn kết nhiều đời như vậy giữa hai người thương yêu nhau ấy là bởi hai người cùng song hành trên một đạo lộ, cùng nỗ lực tu tập để hoàn thiện bản thân, lấy giới đức và thiền định làm lẽ sống, lấy mục đích đoạn trừ khổ đau làm cứu cánh, tuy sống giữa gia đình nhưng tâm thiên về viễn ly. Nói cách khác đó là phạm hạnh của những người cư sĩ có trí tuệ đã hành sâu pháp giác ngộ của Phật, tuy sống đời sống gia đình nhưng hoàn toàn ly dục, tâm tư được nhiếp phục, không còn dục ái, đã hiểu rõ Thánh đế, thể nhập Thánh đạo, đang từng bước diệt trừ các kiết sử, đi ra khỏi khổ đau, quyết chắc đạt đến giác ngộ tối hậu.