Niềm vui tinh tấn
Ngày đăng: 20:33:52 12-07-2015 . Xem: 7813
SVO - Trên con đường tu tập, niềm vui không phải chờ đợi đến những bước chân sau cùng. Chúng ta có thể sống với niềm vui ngay bây giờ.
Đức Phật thường so sánh sự khéo léo trong việc tu tập với sự khéo léo của nghệ sĩ, thợ mộc, nhạc sĩ, người bắn cung, người đầu bếp. Ngài dạy người tu hãy giữ tâm trung dung, không quá căng cũng không quá dùn, gống như người nhạc sĩ khi lên dây đàn. Người tu cũng cần nhìn thấy những nhu cầu của tâm – vui vẻ, ổn định, phấn chấn – giống như người đầu bếp trong hoàng cung nhìn thấy được sở thích để làm vui lòng nhà vua.
>> Tình ái
>> Bốn điều kiện cho Bồ Tát được "đại trí tuệ"
Những so sánh nầy cho chúng ta thấy một điểm quan trọng: Tu là một nghệ thuật cần sự khéo léo, và khi có được sự khéo léo nầy, người tu sẽ có được niềm vui, giống như một người thủ đắc được những sự khéo léo khác trong đời sống. Đức Phật dạy La Hầu La: “Khi ngươi thấy mình hành động, nói năng, suy nghĩ một cách khéo léo, đưa đến niềm vui mà không phương hại đến bản thân và người khác, hãy vui với việc làm đó và tiếp tục rèn luyện.”
>> Tình ái
>> Bốn điều kiện cho Bồ Tát được "đại trí tuệ"
Những so sánh nầy cho chúng ta thấy một điểm quan trọng: Tu là một nghệ thuật cần sự khéo léo, và khi có được sự khéo léo nầy, người tu sẽ có được niềm vui, giống như một người thủ đắc được những sự khéo léo khác trong đời sống. Đức Phật dạy La Hầu La: “Khi ngươi thấy mình hành động, nói năng, suy nghĩ một cách khéo léo, đưa đến niềm vui mà không phương hại đến bản thân và người khác, hãy vui với việc làm đó và tiếp tục rèn luyện.”
Nói rằng sự tu tập đem đến niềm vui không có nghĩa rằng sự tu tập luôn luôn dễ dàng và thoải mái. Mọi hành giả đều biết rằng tu tập đòi hỏi một kỹ luật nghiêm khắc, đương đầu với những khó khăn về thể xác cũng như những rối rắm trong tâm cần tháo gỡ. Nhưng nếu có thể tiếp cận với những khó khăn đó với lòng nhiệt thành, giống như lòng nhiệt thành của người nghệ sĩ đối với công việc, kỹ luật sẽ trở thành niềm vui. Những vấn đề sẽ được giải quyết bằng sự khéo léo, và tâm sẽ được tiếp tế sinh lực cho cả những phấn đấu lớn hơn.
Thái độ vui vẻ là thuốc giải cho sự bi quan thường được mang vào sự tu tập. Người tu thường có khuynh hướng rơi vào một trong hai thái cực. Có người cho rằng tu tập là những sự thực hành tẻ nhạt và buồn chán, không có chỗ cho tưởng tượng và tìm hiểu. Họ cho rằng chỉ cần bền bỉ chịu đựng, và đến cuối con đường dài, tâm sẽ đi vào trạng thái giác ngộ. Lại có người cho rằng cố gắng sẽ làm cản trở việc đạt đến sự an vui, do đó tu tập không cần một nỗ lực nào, chỉ chấp nhận sự việc như chúng là, điên rồ khi đòi hỏi chúng trở nên tốt hơn.
Trong khi sự tu tập cần cả sự cố gắng cũng như sự buông thả, nếu một trong hai cái được theo đuổi để loại trừ cái kia thì người hành giả sẽ bị đưa vào ngõ cụt. Tuy nhiên, nếu biết cách để trở nên thiện xảo hơn trong việc điều chỉnh mức độ cố gắng và buông thả cho thích hợp tùy thời điểm trong việc tu tập, chúng có thể đưa chúng ta tiến xa. Sự thiện xảo lớn hơn nầy đòi hỏi sức mạnh của chánh niệm, chánh định, và minh sát. Và nếu chúng ta không giãi đải trong sự tu tập nầy, nó có thể đưa chúng ta đi đến mục đích cuối cùng mà đức Phật dạy là Niết bàn, một trạng thái an vui không tùy thuộc vào điều kiện, giải thoát khỏi những giới hạn của không gian và thời gian.
Đó là mục đích mong đợi nhưng đòi hỏi sự thực hành. Và chiếc chìa khóa để duy trì niềm vui tu tập là coi sự tu tập như một cuộc chơi – một cơ hội để rèn luyện kỹ năng, tìm tòi và khám phá. Đó chính là cách đức Phật dạy về thiền quán. Thay vì công thức hóa một phương pháp, trước tiên ngài dạy đệ tử về những đức hạnh cá nhân, như thành thật và kiên nhẫn, những đức tính cần thiết để có được sự quán sát đúng đắn. Sau đó Ngài mới dạy về những kỹ thuật thiền quán, và ngài cũng không nói ra mọi thứ. Ngài nêu lên những vấn đề và đưa ra những lãnh vực để khám phá. Mục đích của Ngài là đánh thức khả năng sáng tạo của người đệ tử để họ có thể tự phát triển nhận thức và khả năng quán chiếu của mình.
Chúng ta có thể thấy điều nầy trong cách đức Phật dạy La Hầu La. Ngài bắt đầu với hạnh Nhẫn. Ngài dạy hãy rèn luyện tâm để cho nó giống như mặt đất. Mặt đất chấp nhận mọi thứ vứt bõ mà không kinh tởm. Khi tâm trở nên vững vàng như mặt đất, nó sẽ không còn có cảm giác chấp nhận hay không chấp nhận.
Tuy nhiên, đức Phật không dạy La Hầu La trở thành một hòn đất thụ động. Ngài dạy La hầu La đứng vững trên một nền tảng, phát triển những khả năng chịu đựng, để có thể dõi theo những biến cố cả vui vẻ và đau buồn nơi thân và tâm mà không bị lôi cuốn theo những điều vui hoặc né tránh những điều buồn. Đó là Nhẫn. Nhẫn giúp chúng ta ngồi xuống với những sự việc cho đến khi chúng ta hiểu được chúng và đáp ứng một cách thiện xảo.
Để phát triển đức tính trung thực, đức Phật dạy La Hầu La nhìn vào sự không kiên định của những sự việc xảy ra nơi thân và trong tâm để không phát triển một cảm nhận về “ngã” quanh chúng. Học nhìn vào những hành động của mình trước khi, trong khi và sau khi thực hiện. Nếu thấy rằng những hành động đó không khéo léo và gây tổn hại thì nguyện không tái phạm. Bày tỏ với người mà mình tôn kính.
Trong những bài học nầy, đức Phật còn dạy La Hầu La sự trung thực với chính mình và với người khác. Coi những hành động của mình là những bài học và có thể sữa đổi.
Thái độ nầy cũng cần thiết để phát triển sự trung thực trong tu tập. Nếu chúng ta có thái độ phê phán những niệm khởi lên trong tâm khi thiền quán, coi chúng như những dấu hiệu định loại chúng ta, chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc quán sát sự việc một cách trung thực. Khi một niệm không thiện xảo khởi lên, chúng ta liền coi mình như một hành giả tồi tệ hoặc tìm cách che đậy, từ chối. Khi một niệm thiện xảo khởi lên, chúng ta liền trở nên kiêu căng và tự mãn, coi đó như một dấu hiệu về bản chất tốt đẹp bên trong của chúng ta. Kết quả là chúng ta không bao giờ thấy được những niệm nầy có thực sự là thiện xảo như chúng có vẻ khi mới nhìn qua hay không.
Để tránh những cạm bẫy nầy, chúng ta có thể học cách nhìn thấy những sự kiện xảy ra đơn giản chỉ là những sự kiện, không phải là những dấu hiệu của Phật tánh hay sự bất thiện. Khi đó, chúng ta có thể quán sát những sự kiện nầy một cách trung thực, để thấy chúng đến từ đâu và đi về đâu. Trung thực, cùng với kham nhẫn, sẽ tạo điều kiện tốt hơn trong việc sử dụng những kỹ thuật thiền quán để khám phá tâm.
Kỹ thuật đầu tiên mà đức Phật dạy La Hầu La là quán hơi thở. Đức Phật đưa ra mười sáu bước trong việc theo dõi hơi thở [xem phần cuối]. Hai bước đầu đề cập đến những chỉ dẫn trực tiếp; những bước còn lại nêu lên những vấn đề để khám phá. Với cách nầy, hơi thở trở thành một phương tiện để rèn luyện sự khéo léo trong việc giải quyết những vấn đề của tâm, và rèn luyện sự nhạy bén trong việc đánh giá kết quả.
Khởi đầu sự tu tập, chỉ đơn giản nhận biết sự dài ngắn của hơi thở, khi hơi thở dài biết là hơi thở dài, khi hơi thở ngắn biết là hơi thở ngắn. Trong những bước còn lại, hành giả tự mình tìm cách tu tập thích hợp theo những điều đức Phật gợi ý.
Hai buớc tu tập đầu tiên là sự thở vào và thở ra được cảm nhận trên toàn thân. Sau đó tìm cách làm nhẹ ảnh hưởng mà hơi thở tạo lên thân. Để thực hiện điều nầy, chúng ta thử nhịp thở và cách cảm nhận thở sao cho nó không tạo nhiều ảnh hưởng trên thân. Quán tưởng hơi thở không phải là không khí đi vào và đi ra buồng phổi nhưng là năng lượng lưu chảy qua thân thể làm cho không khí ra vào. Quán tưởng năng lượng đó lưu chảy vào và ra ở phía sau cổ, trong bàn chân và bàn tay, đi theo những dây thần kinh và những mạch máu, trong xương của chúng ta. Quán tưởng hơi thở ra vào những lỗ chân lông trên da. Khi dòng năng lượng đó bị chận, chúng ta có thể thử thở qua nó, thở quanh nó hoặc thở thẳng vào nó, và xem cách nào có kết quả.
Trong quá trình thử nầy, chúng ta sẽ phạm một số sai lầm. Đôi khi bị nhức đầu vì ép hơi thở nhiều quá chẳng hạn. Nhưng với thái độ nghiêm túc, những sai lầm đó sẽ giúp chúng ta biết cách điều chỉnh phương pháp thở. Chúng ta cũng có thể sẽ cảm thấy không kiên nhẫn và thất vọng, nhưng khi chúng ta thở qua những cảm xúc nầy, chúng sẽ biến mất. Chúng ta bắt đầu nhìn thấy ảnh hưởng của hơi thở lên tâm.
Bước kế tiếp là thở vào và ra với cảm thọ tràn đầy và thanh thản. Cũng vậy, ở đây chúng ta cần thử cả cách thở và cách ý thức về hơi thở. Để ý cách những cảm thọ và ý thức về hơi thở tạo ảnh huởng lên tâm, và tìm cách làm nhẹ ảnh hưởng đó để tâm cảm thọ mọi sự một cách thanh thản.
Khi hơi thở trở nên nhẹ nhàng và chúng ta có được những cảm thọ thanh thản và tĩnh lặng, đó là lúc chúng ta đã sẵn sàng để nhìn vào trong tâm. Vẫn không rời hơi thở, chúng ta điều chỉnh sự tập trung một cách nhẹ nhàng sao cho khi nhìn vào tâm, tâm và hơi thở như gắn bó không rời nhau. Ở đây đức Phật nêu ra ba lãnh vực: Làm thế nào để làm vui tâm khi nó cần làm vui, làm thế nào để làm ổn định tâm khi nó cần ổn định, và làm thế nào để giải phóng tâm khỏi những bám víu và nặng nề khi nó sẵn sàng để được giải phóng.
Đôi khi việc làm cho tâm có được niềm vui và ổn định đòi hỏi những chủ đề khác để quán tưởng. Ví dụ, để tâm có được niềm vui, chúng ta có thể phát khởi một tâm từ không giới hạn, hoặc nhớ đến những việc làm đạo đức và rộng lượng của mình. Để tâm được ổn định khi bị chao động do dục vọng hoặc để thiết lập lại sự định tâm khi đầu óc mơ màng hay cảm thấy thỏa mãn, chúng ta có thể quán tưởng sự chết, biết rằng sự chết có thể đến bất cứ lúc nào, và chúng ta cần chuẩn bị để đối diện với nó một cách khéo léo. Hoặc chúng ta có thể tạo niềm vui hay sự ổn định cho tâm chỉ đơn giản bằng cách tập trung vào hơi thở. Dẫn hơi thở đến bàn tay và bàn chân có thể giữ tâm ổn định khi tâm bị chao động. Khi một chỗ trên thân thể không đủ để giữ sự chú tâm, cố gắng tập trung vào hai chỗ cùng một lúc.
Dần dần, chúng ta có thể nhìn thấy một cách rõ ràng và chính xác hơn những kết quả tu tập. Chúng ta cũng có thể tìm thấy sự thiện xảo trong việc điều tâm khi ra khỏi tọa cụ. Làm thế nào để giữ tâm an vui khi bị bịnh, làm thế nào giữ tâm ổn định khi đối phó với một người khó tính…
Để giải phóng tâm ra khỏi những trạng thái nặng nề, trước tiên chúng ta chuẩn bị cho sự tự do tối hậu của niết bàn bằng cách giải phóng tâm ra khỏi những vụng về trong việc định tâm. Một khi tâm đã định, tìm cách làm cho trạng thái định của tâm được tinh tế hơn. Ví dụ, trong những giai đọan đầu của sự nhiếp tâm (thiền định), chúng ta giữ niệm theo hơi thở, theo dõi và điều chỉnh hơi thở sao cho thích hợp. Nhưng có những lúc tâm bước vào trạng thái rất định tĩnh, khi đó sự theo dõi hơi thở không còn cần thiết. Từ đó chúng ta nhận ra cách làm cho tâm là một với hơi thở, đưa tâm vào một trạng thái thanh thoát sâu hơn.
Khi có được những sự khéo léo nầy, những phương pháp chúng ta sử dụng để điều chỉnh những trải nghiệm của thân và tâm càng lúc càng trở nên rõ ràng hơn. Ở đây, đức Phật khuyên chúng ta trở lại quán về tính chất không vững bền của mỗi niệm. Chúng ta sẽ thấy rằng ngay cả những trạng thái tốt nhất sinh ra do những niệm thiện xảo – những trạng thái tập trung ổn định và tinh tế nhất – cũng đều không vững bền và luôn thay đổi. Nhận thức nầy cho chúng ta một sự giải hoặc đối với các niệm tưởng và không mê bám vào chúng. Chúng ta thấy rằng chỉ có một cách duy nhất để vượt ra ngoài tính chất đổi thay nầy là làm cho tất cả những niệm tưởng kia chấm dứt. Chúng ta theo dõi mọi thứ và nhìn thấy chúng ta xả bõ chúng, ngay cả cái được gọi là Đạo. Điều còn lại là sự không bị ràng buộc trong điều kiện: sự bất tử. Ham muốn khám phá hơi thở đã đưa chúng ta ra khỏi ham muốn, ra khỏi hơi thở, thẳng đến niết bàn.
Trên con đường tu tập, niềm vui không phải chờ đợi đến những bước chân sau cùng. Trên con đường đi đến giác ngộ hoàn toàn, người hành giả thiết lập những mục tiêu tạm thời có thể kiểm soát được – những phấn đấu hấp dẫn, cho phép người hành giả nhìn thấy sự tiến bộ trong việc tu tập. Điều nầy làm cho sự tu tập trở thành một nguồn vui.
Đồng thời, tu tập không phải là dấng thân vào công việc bận rộn. Chúng ta đang phát triển một cái thấy bén nhạy về nhân quả, giúp thân và tâm trở nên trong sáng. Chỉ khi nào hoàn toàn trong suốt rõ ràng chúng ta mới buông bõ. Trong quá trình tu tập thiền quán hơi thở, chúng ta phát triển khả năng bén nhạy với sự tỉnh giác. Từ đó sự bất tử sẽ xuất hiện, khi chúng ta đủ bén nhạy để nhìn thấy.
Do đó dù con đường tu tập đòi hỏi sự cố gắng, đó là sự cố gắng cho việc mở ra những khả năng hạnh phúc và lợi ích trong phút giây hiện tại. Mặc dù những bước trong việc tu tập thiền quán hơi thở để đưa đến một sự giải hoặc, những bước chân đó không bước đi trên con đường thiếu vắng niềm vui. Đức Phật không bao giờ đòi hỏi chúng ta đóng khung tâm thức trong việc phủ nhận thế gian hay khẳng định thế gian. Ngài muốn chúng ta “khám phá thế gian.” Chúng ta dùng thế giới của hơi thở như phòng thí nghiệm để khám phá ra những niềm vui không tổn hại. Những niềm vui đó được thế giới như một toàn thể cung cấp khi tâm chúng ta ổn định và trong sáng. Chúng ta học những sự khéo léo để làm an tịnh thân thể, để phát triển những cảm thọ dễ chịu, tràn đầy và thanh thản. Chúng ta học cách an định tâm, làm cho tâm được an vui, giải phóng tâm ra khỏi những trạng thái nặng nề.
Chỉ khi nào chúng ta đến được giới hạn của những sự khéo léo nầy, chúng ta mới sẵn sàng từ bõ chúng, để khám phá những tiềm năng lớn hơn cho hạnh phúc. Trong cách nầy, sự giải hoặc phát triển không phải từ một thái độ hẹp hòi hay bi quan mà từ một niềm hy vọng rằng phải có cái gì đó tốt hơn. Điều nầy cũng giống như một đứa trẻ đã nắm vững một trò chơi đơn giản và cảm thấy sẵn sàng cho một trò chơi có nhiều phấn đấu hơn. Đó là thái độ của một người đã trưởng thành. Và như tất cả chúng ta đều biết, chúng ta không trưởng thành bằng việc co mình lại trước thế giới, nhìn nó một cách tiêu cực hoặc đòi nó ấp ủ chúng ta. Chúng ta trưởng thành bằng cách khám phá nó, bằng cách mở rộng những sự khéo léo có ích qua cuộc chơi.
16 Bước Thiền Quán Hơi Thở
1 Thở vào hơi dài, nhận rõ “Tôi đang thở vào hơi dài;” hoặc thờ ra hơi dài, nhận rõ: “Tôi đang thở ra hơi dài.”
2 Hoặc thở vào hơi ngắn, nhận rõ: “Tôi đang thở vào hơi ngắn;” hoặc thở ra hơi ngắn, nhận rõ: “Tôi đang thở ra hơi ngắn.”
3 Tự rèn luyện: “Tôi sẽ thở vào và ra với sự cảm nhận của toàn thân thể.”
4 Tự rèn luyện: “Tôi thở vào và ra làm dịu sự sinh khởi nơi cơ thể”
5 Tự rèn luyện: “Tôi sẽ thở vào và ra cảm nhận sự thoải mái.”
6 Tự rèn luyện: “Tôi sẽ thở vào và ra cảm nhận sự thanh thản.”
7 Tự rèn luyện: “Tôi thở vào và ra cảm nhận sự sinh khởi của tâm.”
8 Tự rèn luyện: “Tôi thở vào và ra làm dịu sự sinh khởi của tâm.”
9 Tự rèn luyện: “Tôi thở vào và ra cảm nhận tâm.”
10 Tự rèn luyện: “Tôi thở vào và ra làm cho tâm hoan hỉ.”
11 Tự ren luyện: “Tôi thở vào và ra làm cho tâm an định.”
12 Tự rèn luyện: “Tôi thở vào và ra làm cho tâm thanh thản.”
13 Tự rèn luyện: “Tôi thở vào và ra tập trung vào tính không kiên định.”
14 Tự rèn luyện: “Tôi thở vào và ra tập trung vào sự bình tịnh, an nhiên.”
15 Tự rèn luyện: “Tôi thở vào và ra tập trung vào sự chấm dứt.”
16 Tự rèn luyện: “Tôi thở vào và ra tập trung vào sự từ bõ.”
(Majjhima Nikaya 62)
Thị Giới dịch.
Các Tin Khác