Quán Âm Bồ-tát diệu thần thông
Bảo tượng Quán Thế Âm ngàn tay ngàn mắt tại chùa Bút Tháp, Bắc Ninh, VN, TK XVIII
Bồ-tát Quán Âm lần đầu tiên được nhắc đến trong kinh Diệu pháp liên hoa (Saddharma Pundarika Sutra), phẩm Phổ môn, cùng trong quyển ít biết hơn là Bi hoa kinh (Karuna Pundarika Sutra). Kinh Pháp hoa xuất hiện vào đầu thế kỷ thứ nhứt và được Đại sư Cưu-ma-la-thập dịch sang Hán ngữ vào năm 406.
Theo phẩm Phổ môn, cũng như trong kinh Thủ lăng nghiêm (Surangama Sutra), Quán Âm Bồ-tát có thể hóa thân 33 hình tướng để cứu độ chúng sanh trong mọi hoàn cảnh hoạn nạn hiểm nguy hay tâm linh điên đảo, bịnh hoạn. Theo Bi hoa kinh, thì Quán Âm được xem như là hóa thân nơi cõi trần gian này của Đức Phật Vô Lượng Thọ thường tồn, bất sanh bất diệt; bởi vì Quán Âm là vị hướng dẫn linh thức của người quá vãng - lúc còn sống với đức tin và hạnh nguyện sâu xa một lòng niệm danh hiệu Phật, được thác sanh về cõi Cực lạc của Đức Phật A Di Đà. Ngài cùng Bồ-tát Đại Thế Chí - biểu hiện cho trí tuệ - hầu cận hai bên tả hữu Phật A Di Đà; cả ba là Tam tôn của Tịnh độ giới.
Quán Âm còn được quan niệm là vị Bồ-tát bảo trì thế gian này từ thời hiện thế của Đức Phật Thích Ca cho đến lai thời hóa độ của Đức Phật Di Lặc. Ngài là biểu trưng cho lý tưởng cao tột nhất về đức năng của một Bồ-tát bởi vì Bồ-tát là một sinh thể (sattva) của trí tuệ, của giác ngộ, đã chứng đắc quả vị Phật nhưng nguyện không nhập Niết-bàn mà vẫn trú xứ tại thế gian này để cứu độ chúng sanh.
Với những đức năng như thế, Bồ-tát Quán Âm được biểu trưng qua nhiều hình ảnh khác nhau, như Quán Âm bốn tay, Quán Âm thập nhứt diện, Quán Âm ngàn mắt ngàn tay, v.v... Ngài còn được tôn sùng như là trú xứ tại rừng trúc tía (Quán Âm tỷ trúc), là chủ tể biển Nam (Quán Âm Nam Hải), thường ban ơn cho phụ nữ hiếm muộn (Quán Âm tống tử), hay mặc áo trắng (Bạch y Quán Âm), thưởng thức ánh trăng rằm (Thủy nguyệt Quán Âm), v.v...; mỗi một danh hiệu như thế đều có sự tích ly kỳ.
Bốn cánh tay của Quán Âm tượng trưng cho Bốn tâm vô lượng (catvàri apramànàni) hay Bốn Phạm hạnh của Ngài, tức tâm Từ (maitrì), tâm Bi (karunà), tâm Hỷ (mudità) và tâm Xả (upeksà) vô lượng. Chính Bốn tâm vô lượng này là phương tiện để Đại từ Đại bi Quán Thế Âm Bồ-tát cứu độ quần sanh. Hình ảnh quen thuộc gắn liền với Quán Âm là bình nước cam-lộ thanh tịnh biểu trưng cho từ bi và trí tuệ, và nhành dương liễu là sự uyển chuyển ứng hóa trong mọi hoàn cảnh mà Đức Quán Âm dùng để tẩy sạch phiền não bịnh hoạn trong tâm chúng hữu tình, đưa họ đến giải thoát mọi trói buộc đày đọa của trần gian. Trong khi đó, những hạt chuỗi Ngài đeo trên cổ tượng trưng cho số lượng chúng sanh và mỗi khi Ngài lần chuỗi là ý nghĩa Quán Âm đưa họ thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.
Thangka Bồ-tát Quán Âm tứ thủ, Tây Tạng
Tranh Bồ-tát Quán Âm, phong cách Triều Tiên, năm 1310
Câu thần chú của Quán Âm là “Om Mani Padme Hum” (Án ma-ni bát-mê hồng); một khi người đang mắc nạn chí thành trì niệm đà-ra-ni này thì Đức Quán Âm tức thời hiện thân đến cứu độ ngay. Phật tử tin tưởng là Quán Âm hiện đang ngự trị ở cõi Ta-bà kham nhẫn này, tại núi Phổ Đà, tỉnh Triết Giang, Trung Hoa, hoặc trên đỉnh Potala, vùng Lhasa, Tây Tạng. Potala chính là từ âm Phổ Đà. Cả hai nơi này đều được xem như là thánh địa của Phật giáo để Phật tử chiêm bái, nhất là Phổ Đà sơn.
Tượng Bồ-tát Quán Âm thiên thủ, Tây Tạng, năm 1750
Trải qua hơn hai ngàn năm, từ nơi những nền văn minh Nam Á, Trung Á, qua đến Trung Hoa, tín ngưỡng Quán Âm đã có thể được hùng hồn xác chứng qua sự hiện hữu của hàng ngàn hàng vạn các tôn tượng hùng vĩ trong những thạch động tại Đôn Hoàng; có những bức tranh vô giá về Ngài được tìm thấy nơi đây, đặc biệt là bức trường đồ về cõi Cực lạc của nước Đại Lý thuộc tỉnh Vân Nam, một bảo vật của nghệ thuật nhà Tống, đã được triển lãm, nghiên cứu trên phương diện thẩm mỹ và nghệ thuật và được vô cùng trân quý tại các viện bảo tàng Pháp và Anh quốc.
Tất cả những chứng liệu vô cùng thực tiễn này cho thấy đức tin về Quán Âm không phải là một phong trào cuồng tín (religious cult), đến ồ ạt rồi đi âm thầm trong thời gian không đủ một vài thập niên, như ta thường chứng kiến trong thời đại chúng ta.
Tây Tạng gọi Quán Âm là Chenrezig, ngoài một hóa thân là Green Tara, còn có hình tượng Ngài có ngàn tay, trong lòng mỗi tay có một con mắt (Thiên thủ thiên nhãn Quán Âm), trong ý nghĩa là Ngài nhìn thấy tất cả và duỗi tay cứu độ khổ nạn của toàn thể chúng sanh.
Theo Đại bi tâm đà-la-ni kinh thì Quán Âm là đệ tử của Đức Phật Vô Lượng Quang, từ vô thủy kiếp xa xưa. Vì lòng từ bi, Đức Phật này dạy cho Quán Âm thần chú Đại bi tâm; vừa niệm xong đà-ra-ni này, tức thời tâm của Quán Âm đang trụ tại đệ nhất Hoan Hỷ địa (Pramudità) liền đạt chứng đệ bát Bất động địa (Acalà) ngay. Vô cùng hoan hỷ, Quán Âm bèn lập nguyện rằng: “Nếu trong các đời sau, con có thể do lòng từ bi độ tận chúng sanh, xin cho được ngàn tay ngàn mắt”. Ngay lập tức, ngàn tay ngàn mắt liền hiện sanh y theo lời phát nguyện.
Không chỉ trong truyền thống Đại thừa, mà tín ngưỡng Quán Âm còn ảnh hưởng đến các nền văn minh theo truyền thống Nguyên thủy tại các nước như Thái Lan và Tích Lan, mà John Clifford Holt trong quyển Buddha in the Crown: Avalokitesvara in the Buddhist Traditions of Sri Lanka (Oxford, 1991) đã dày công nghiên cứu và trình bày một hệ luận hết sức độc đáo về tín ngưỡng Quán Âm tại Tích Lan.
Hàng năm, Phật tử thiết lễ Vía Đức Quán Âm đản sanh vào ngày 19 tháng 2, Quán Âm thành đạo vào ngày 19 tháng 6 và Quán Âm nhập diệt ngày 19 tháng 9 âm lịch. Những ngày lễ vía này, có lẽ là dựa trên truyền thuyết về công chúa Diệu Thiện, một huyền thoại lưu truyền vào thời nhà Nguyên Mông Cổ (1271-1368). Truyền thuyết Quán Âm Diệu Thiện là một công chúa giàu sang danh vọng này phổ biến nhất là tại các vùng Quảng Đông và Vân Nam; và ảnh hưởng sâu rộng tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam, như được sùng bái tại động Hương Tích.
Tuy nhiên, Phật giáo Việt Nam cũng có riêng truyền thuyết về Quán Âm Thị Kính, là một người bình dân, và là một người đàn bà phải chịu đựng những bất công trong gia đình và xã hội. Đây là một đặc thái của Phật giáo Việt Nam, không quá thiên về khổ hạnh theo như Phật giáo của Ấn Độ, cũng không quá triết lý theo Trung Hoa, mà là một đức tin có năng lực giải phóng con người thoát khỏi mọi khổ cảnh, là một phương pháp hành trì phổ cập có thể ứng dụng bởi bất kỳ tầng lớp nào trong xã hội, để được an lạc ngay trong cuộc đời nhập thế này, theo ý nghĩa “cư trần lạc đạo” của Đức Điều ngự Giác hoàng.
Bích họa Quán Âm, thạch động Ajantà, Ấn Độ, TK VI
Tượng Bồ-tát Quán Âm, đá, Campuchia, TK VII
Nguồn: giacngo.vn