Tầm nhìn xuyên suốt về giáo lý Phật
May mắn là đất nước chúng ta độc lập thống nhất và Giáo hội chúng ta cũng thống nhất. Vì vậy, từ Đại hội Phật giáo toàn quốc năm 1981 cho đến nay Đại hội Phật giáo kỳ VII đã trải qua trên 35 năm, chúng ta vẫn sống chung hài hòa trong ngôi nhà Phật pháp. Đó là nét đẹp nhất của Phật giáo Việt Nam mà cộng đồng Phật giáo thế giới cũng công nhận nét son này. Thật vậy, trong các kỳ hội nghị Phật giáo thế giới, tôi đã gặp các vị cao tăng của các nước đều khen ngợi rằng chỉ ở Việt Nam mới có một Giáo hội và phải nói rằng Giáo hội chúng ta đã kế thừa từ Phật giáo Nguyên thủy cho đến Phật giáo Phát triển và Phật giáo Đại thừa. Điều đặc biệt hơn nữa, Phật giáo Đại thừa Việt Nam mang tính chất Việt Nam mới có sinh hoạt đạo pháp gắn liền với dân tộc, hay đạo Phật phục vụ dân tộc. Tại sao được như vậy. Vì chúng ta nhận thấy rõ đạo Phật Việt Nam đã thể hiện lòng từ bi một cách sâu sắc qua việc làm vô cùng quan trọng là cứu nước và cứu dân. Lịch sử Phật giáo thời Lý, Trần đã nói lên nét đẹp nhất của sự gắn liền đạo Phật với dân tộc. Thiết nghĩ chúng ta cần triển khai cốt lõi này rõ hơn để ứng dụng vào sinh hoạt của Phật giáo chúng ta trong hiện tại.
Tôi được Giáo hội giao trách nhiệm nghiên cứu Phật giáo để tư vấn cho Hội đồng Trị sự, tôi có cái nhìn xuyên suốt từ thời Phật tại thế cho đến ngày nay tạo thành một dòng chảy duy nhất là ĐẠO PHẬT TRÍ TUỆ. Ai nghĩ tu cách này đúng, cách khác sai là phạm sai lầm. Chỉ có một con đường duy nhất từ con người tiến lên thành Phật gọi là Phật thừa, không có con đường nào khác. Vì Phật khẳng định rằng Ngài đã thành Phật và chúng ta tu theo Ngài cũng sẽ thành Phật. Tuy nhiên, bước đường tu của chúng ta có khác nhau vì hoàn cảnh của từng người khác nhau, điểm này Phật gọi là nghiệp của chúng sanh không đồng nhau, cho nên phải áp dụng pháp tu khác nhau, ví như mọi người có bệnh khác nhau thì phải sử dụng thuốc khác nhau. Và thuốc hay pháp để chữa lành bệnh nghiệp của chúng ta, nhưng khi chữa lành rồi thì có sức khỏe giống nhau.
Khởi đầu Phật thuyết pháp độ năm anh em Kiều Trần Như, kế đến độ một ngàn đệ tử ngoại đạo do ba anh em Ca Diếp lãnh đạo. Sau đó, Phật độ hai trăm ngoại đạo thờ thần lửa do Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên dẫn tới. Tổng cộng một ngàn hai trăm vị này từ ngoại đạo đến với Phật, Ngài đã chuyển họ từ niềm tin mù quáng sang tu học theo Phật đạo, nói cách khác là Phật chuyển hóa sai lầm của họ, chuyển họ trở thành tu sĩ gồm có Thanh văn, Duyên giác là hàng nhị thừa. Phật giáo Nguyên thủy phát xuất từ gốc này. Theo ngoại đạo tu không đạt kết quả, nhưng theo Phật tu Bát chánh đạo, họ liền chứng Niết-bàn.
Pháp căn bản là Tứ Thánh đế dùng chữa tất cả bệnh của chúng sanh để cuối cùng chúng ta xa rời chấp trước pháp này pháp nọ thì chứng được Niết-bàn. Trên bước đường tu, Phật dạy tất cả Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni phải xóa bỏ vọng tưởng điên đảo. Còn ở thế gian, kẹt tiền tài, danh vọng, địa vị làm khổ chúng ta và theo ngoại đạo cũng bị sự chấp trước ràng buộc. Theo Phật dùng Tứ Thánh đế xóa sạch tâm chấp trước để tâm chúng ta trống không. Vì vậy, Phật dạy Tỳ-kheo tu Thiền Tứ niệm xứ, đó là giáo pháp căn bản trong đạo Phật. Tu theo Phật phải thực tập pháp này, cuối cùng chúng ta không kẹt bốn việc. Việc thứ nhất là kẹt vào sự chấp thân này làm chúng ta khổ. Ngoài ra, mối quan hệ giữa ta và người, giữa người và người cũng làm chúng ta khổ. Thí dụ có người tặng quà, chúng ta phải mang ơn, có người mời ăn, ta phải mời lại, nếu không thì mang nợ. Điều này Phật dạy rằng thọ là khổ, nên cắt bớt quan hệ để được giải thoát. Tuân thủ lời Phật dạy, tôi không quan hệ và cố tránh thọ lãnh bất cứ cái gì của ai, vì sợ mang ơn. Nhưng chúng ta còn mang ơn đàn na thí chủ cho chúng ta thực phẩm để sống. Đối với việc này, Phật dạy người tu sống tam thường bất túc, cắt bớt được thứ gì là cắt, thọ nhiều khổ nhiều, thọ ít khổ ít, không thọ không khổ. Tỳ-kheo bớt ăn mặc để không khổ.
Ngoài ra, trong mối quan hệ giữa ta với người, khi họ hứa điều gì nhưng không giữ lời khiến ta buồn. Chúng ta nên quán chiếu rằng giờ trước họ hứa vì thấy cái tốt của chúng ta, nhưng thời gian và không gian đổi khác, tâm lý họ theo đó thay đổi, thấy cái xấu của chúng ta nên họ không làm như đã hứa. Đối trước sự thay đổi của người khác, chúng ta nhớ lời Phật dạy rằng tâm con người là vô thường, nghĩa là sự thay đổi là điều bình thường, nên chúng ta không buồn giận.
Cuối cùng, Tỳ-kheo quán các pháp là vô ngã, tức các pháp đều hoàn không, thấy ngã không, pháp không, vì thân chúng ta không có thực và pháp cũng không thực. Tỳ-kheo quán sự vật là Không, không có gì tồn tại, nên được giải thoát, xóa được phiền não trần lao nghiệp chướng. Đạt được kết quả như vậy là hết bệnh thì không uống thuốc nữa. Thật vậy, sử dụng pháp Tứ Thánh đế chứng được Bát chánh đạo, tức thấy chính xác và dùng chánh kiến này thấy người có bệnh thì ta tùy bệnh mà cho thuốc, người không bệnh, chúng ta không cho thuốc. Thể hiện lý này, Duy Ma bảo Mục Kiền Liên rằng phải thấy bệnh mới cho thuốc, còn ông bốc thuốc gia truyền là sai, bệnh không hết còn nặng thêm. Vì những thanh thiếu niên dòng Da Xá có mục tiêu lớn, muốn làm việc lớn, nhưng ông lại đem pháp Tiểu thừa dạy họ, bảo họ không được làm gì cả, chỉ khất thực thì làm sao họ chấp nhận. Đức Phật không phải gặp ai cũng khuyên tu. Người tu không được, Phật không cho đi tu. Khi Phật thuyết pháp ở Lộc Uyển, năm mươi thanh niên dòng Da Xá nghe pháp xong, họ xin xuất gia và được Phật chấp nhận. Nhưng sau đó, cha mẹ vợ con của họ xin xuất gia, Phật không cho, vì với trí tuệ, Ngài thấy họ tu tại gia sẽ cứu đời giúp người tốt hơn. Bồ-tát tạng từ đây ra đời. Sinh hoạt của một Tỳ-kheo bị hạn chế nhiều mặt, không thể làm nhiều việc, trong khi sinh hoạt của cư sĩ rộng hơn, họ được làm quan, làm tướng, làm vua, hay kinh doanh, v.v… Bồ-tát thừa và Thanh văn thừa dành cho hai hạng người khác nhau ở hai hoàn cảnh khác nhau. Đối với người xuất gia, nếu không tuân thủ hạnh đầu đà là sai. Còn giới tại gia mà không thực hiện hạnh Đại thừa là sai.
Sau Phật Niết-bàn, Ngài di huấn chúng ta rằng đệ tử Phật phải lấy trí tuệ làm thầy, vì Như Lai suy nghĩ, nói và làm đều do trí tuệ chỉ đạo. Đệ tử Phật lấy trí tuệ làm thầy thì trí tuệ riêng của một người chưa đủ, phải là trí tuệ tập thể của chư Tăng hòa hợp. Vì vậy, Phật dạy mọi việc phải do chư Tăng quyết định chung. Ngày nay, Giáo hội chúng ta với trí tuệ tập thể đã xây dựng Hiến chương và có những quyết định thay đổi những điều khoản trong Hiến chương cho thích hợp với sinh hoạt hiện đại. Điển hình là Đại hội Phật giáo kỳ VII đã đưa ra những quyết định quan trọng là Hòa thượng trên 80 tuổi không được tham gia vào Hội đồng Trị sự, chỉ được suy tôn vào Hội đồng Chứng minh, vì sức khỏe bị giới hạn nên khó có thể điều hành công việc của lãnh đạo. Chúng ta có sự thay đổi như vậy, vì Giáo hội từ khi thành lập đến nay đã hơn 35 năm thì những người sáng lập đều trên 70 tuổi, 80 tuổi. Tôi trẻ nhất nhưng cũng đã 76 tuổi. Sự thay đổi thứ hai là một người lãnh đạo không quá hai nhiệm kỳ. Nếu làm mãi thì lớp sau làm sao lên được. Điều thứ ba là Hiến chương như thế, nhưng mỗi năm hoàn cảnh đất nước thay đổi, luật pháp bên ngoài xã hội cũng thay đổi. Chúng ta cố giữ cái cũ sẽ bị lạc hậu. Vì vậy, Giáo hội có thay đổi hàng năm, hay sáu tháng có sự thay đổi, tức đầu tháng 7 tới, Hội nghị thường trực Trung ương Giáo hội xem có gì cần thay đổi cho sáu tháng cuối năm thì sẽ ra nghị quyết cho sáu tháng cuối năm.
HT.Thích Trí Quảng
Nguồn: giacngo.vn