Từ Tam Đề - Ngũ Quán trong nghi thức thọ trai của người xuất gia nghĩ về con đường giáo dục nhân cách cho người Phật tử tại gia
Đồng thời, Người cũng dạy thêm rằng: " Các vị Tỷ Kheo! Hãy theo Ta như là một người hướng dẫn".
Nếu chúng ta không theo con đường của người hướng dẫn, nhất định chúng ta sẽ lạc đường. Đó không phải là lỗi của người hướng dẫn. Người hướng dẫn chỉ có trách nhiệm chỉ đường, nếu kẻ bộ hành không đi theo thì sự giúp đỡ của người hướng dẫn không dùng làm gì. Cũng như vậy, Đức Phật đã chỉ cho chúng ta con đường giải thoát khỏi mọi sự đau khổ và đưa đến giải thoát an vui bằng phương pháp thân – khẩu và ý giáo. Kho tàng giáo pháp Phật vô cùng phong phú, nhưng “nội dung tri thức của lời Phật dạy chỉ là một nửa của sự đóng góp của Ngài. Nửa còn lại là đời sống thực mà Ngài đã sống...Thực vậy, Đức Phật đã hoàn tất việc rèn luyện chính mình và đem ra áp dụng cho các đệ tử. Ngài đã xác định một mục tiêu và đã được những kết quả mà các nhà hành động chân chính nổi danh của phương Tây phải ngã mình kính phục” Và, “Đức Phật là hiện thân của tất cả những đức hạnh mà Ngài giảng dạy. Trong suốt 45 năm thuyết giảng thành công và sinh động, Đức Phật đã thể hiện lời nói của mình bằng chính hành động”của một bậc Thánh đã tu tập và giác ngộ chân lý cuộc đời.
Dưới lăng kính tiếp cận, nghiên cứu những vấn đề giáo dục cũng như những đóng góp cho xã hội của giáo dục Phật giáo, người viết giới thiệu phần ứng dụng tam đề - ngũ quán trong nghi thức thọ trai thường nhật của Phật giáo vào đời sống thực tiễn con người – vừa ngắn gọn tiêu biểu nhưng hàm ý súc tích, được xem một trong số điểm nhấn tinh hoa trí tuệ của Phật giáo,chứa đựng nội dung lý thuyết định hướng và lộ trình hành trì nhằm đưa đến sự giải thoát cho người tu học Phật nói riêng và giáo dục nhân cách cho con người nói chung trên chặng đường truy tầm hạnh phúc.
Tam đề - ngũ quán trong nghi thức thọ trai của người xuất gia.
Trên đạo lộ tu hành của một người xuất gia Phật giáo, việc phát tâm và lập nguyện là vô cùng quan trọng. Nó trở thành "kim chỉ nam" định hướng cho hành động hành giả suốt cuộc đời và thậm chí nhiều kiếp tu học. Dẫu rằng, mỗi người ở mỗi hoàn cảnh, địa vị, tâm thế, ý nguyện dị biệt, tuy nhiên nó không ngoài công thức, mẫu số chung nhằm nhấn mạnh công hạnh quan trọng tu tập theo tuệ pháp giác ngộ của chư Phật.
Tam đề và ngũ quán là một phần nghi lễ, đặc biệt được ứng dụng trong giờ thọ trai bữa ngọ (giờ trưa) của chư Tăng – Ni, nó được xem như là một trong những hoạt động có ý nghĩa giáo dục khá quan trọng đối với người tu xuất gia nói riêng và người Phật tử tại gia nói chung. Thứ nhất, nhắc nhở cho con người nhận thức rõ căn bản của việc thọ thực đối với người tu là phương tiện duy trì thân mạng để làm lợi ích cho chúng sinh, để tiến đến cõi chân thường, bất sinh bất diệt:
“Biển khổ mênh mông sóng cuộc trào
Thay trôi theo sóng hướng bờ vào
Có ai níu lấy thay nổi ấy
Sớm muộn cùng thây tắp bờ cao” (HT. Thích Trí Tịnh)
Thứ hai, giáo dục người tu phải sống tỉnh giác, chánh niệm trong từng hơi thở, hành vi của chính mình và cảm nhận niềm hạnh phúc có mặt “tại đây và bây giờ” (hạnh phúc ở hiện tại). Hạnh phúc đó xuất hiện trong mỗi cử chỉ, hành vi đời thường như ăn, mặc, học hành, tu tập... chứ không phải đi tìm kiếm ở một nơi nào đó trên trời xanh cao thẳm hay xa vời kiếp sau.
Tam đề - ngũ quán là những điều quán, nguyện căn bản, dễ hiểu nhất làm phương hướng nhắc nhở cho người tu học nuôi lớn chí nguyện giải thoát giác ngộ, có công năng hạn chế các điều ác, tăng trưởng điều thiện, hướng đến hoàn thiện chính mình và giúp ích cho cuộc đời, cho tha nhân, và sau cùng là thanh tịnh tâm ý để đạt đến quả vị giải thoát rốt ráo, vượt ra khỏi đối đãi thế gian và luân hồi sinh - tử.
Nguyện – là sự xác lập, sự nhắc nhở, thôi thúc tâm, nuôi dưỡng ý chí, hướng tâm ý mạnh mẽ, thúc đẩy và dẫn dắt hành vi, một vấn đề hay một việc gì đó mà mình mong muốn thực hiện theo đúng đường hướng đã xác định. Khởi đầu của Nguyện bắt nguồn từ một niệm xuất phát từ Chân Tâm (bản tâm thanh tịnh). Theo Phật giáo, Chân Tâm - là một thực tại, một trạng thái tĩnh lặng nhất của Tâm. Muốn biết và hiểu về khái niệm này - thì con người phải tu thiền định để chứng ngộ chứ không thể dùng ngôn ngữ hay khái niệm mà có thể giải thích được. Nếu con người sử dụng các khái niệm hay ngôn từ để diễn đạt các trạng thái, cảnh giới chứng đắc Chân Tâm của bậc Thánh thì chẳng khác gì trò hý luận ngôn ngữ, không những không giải quyết được vấn đề mà còn rơi vào mạng lưới của vọng tưởng dày cộm vô minh.
Chỉ có những bậc Thánh giả đã từng tu tập nhiều đời kiếp và chứng ngộ mới tuệ giác Chân Tâm. Còn hàng phàm phu hay bậc thức giả hữu học thì phải phát nguyện, thực hành mới thấu đạt tuệ giác giải thoát, hàng phục vọng tưởng, vượt qua sự đối đãi thế gian hay phiền não kiếp người gọi là giác ngộ Chân Tâm hay trở về “Chân Như duyên khởi”.
Góc độ tiếp cận lời dạy của Đức Phật vào quá trình giáo dục con người đa diện nói chung và giáo dục nhân cách hoàn thiện nói riêng, vận dụng tam đề - ngũ quán đúng đắn thường xuyên có giá trị rất thiết thực, đem lại hiệu quả lợi ích an vui hạnh phúc cho con người trong ứng xử, sinh hoạt cá nhân gia đình hay các quan hệ xã hội bền vững dù ở hoàn cảnh hay môi trường nào.
Sơ đề, "Nguyện đoạn nhất thiết ác". Muỗng cơm thứ nhất để vào miệng, nguyện đoạn các điều ác. Đây là điều nguyện thứ nhất, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bước khởi đầu tu học của hành giả. “Nguyện đoạn nhất thiết ác” tức là phát tâm dũng mãnh trong việc đoạn trừ điều ác, quyết tâm dứt trừ cái ác, chú tâm đến việc loại bỏ hoàn toàn mọi động cơ, mọi hành vi ác, bất thiện về thân- khẩu- ý, kiên quyết không cho chúng sinh, phàm phu khởi mà nỗ lực đoạn tận chúng.
"Ác" là gì? Có nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm này. Trong ý nghĩa khái quát nhất của Phật giáo, "Ác" được hiểu là những ý nghĩ – lời nói – hành động trái lý, có hại cho mình và cho người trong hiện tại và tương lai. “Đoạn nhất thiết ác” là tâm nguyện căn bản của người con Phật, có năng lực mở lối cho tiến trình tu tập hoàn thiện bản thân. Thực hiện được điều nguyện thứ nhất này thì hai điều nguyện tiếp theo sẽ dễ dàng được thành tựu. Vì khi tâm con người hướng đến nỗ lực dứt trừ điều xấu ác, đặc biệt tận diệt ngay gốc rễ những tâm niệm tham lam, sân hận, ngu si xuất phát từ thân – miệng – ý thì chắc chắn rằng tâm sẽ được thay thế bằng các niệm tưởng hiền thiện, từ bi. Với tác ý dứt trừ gốc rễ xấu ác, chấm dứt nhân tố tham, sân, si và động cơ trong sáng thanh tịnh tâm ý (vô tham, vô sân, vô si) thì mọi hành vi, việc làm của con người sẽ hướng đến ngã rẽ của điều thiện lành, đưa đến cứu cánh an vui, lợi mình lợi người.
Đức Phật chỉ dạy rõ ràng: chính sự dứt trừ các ác nghiệp [sát sanh, trộm cắp (lấy của không cho), dâm dục (đối với người xuất gia), tà hạnh trong các dục (đối với người tại gia), vọng ngữ (nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói phù phiếm, tham dục, sân hận, tà kiến], sẽ dẫn con người đến đạo lộ Bát Chánh (chánh tư duy, chánh kiến, chánh niệm, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh ngữ, chánh tinh tấn, chánh định) đưa đến sự yên ổn và sáng suốt, giác ngộ từng phần đến giác ngộ hoàn toàn. Tuy nhiên, giá trị lời dạy của Ngài không chỉ giới hạn riêng trong phạm vi dành cho tu sĩ Phật giáo mà còn có tác dụng rộng lớn hơn đối với tất cả mọi người trong một cộng đồng, dân tộc hay xã hội rộng lớn.
Hẳn, trong mỗi con người chúng ta đều có chung nguyện "đoạn hết thảy điều ác". Đặc biệt, sống trong thực trạng hiện nay, khi bối cảnh đất nước chuyển mình thay đổi, từ một quốc gia phong kiến quá độ đi lên con đường xã hội chủ nghĩa, bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa với lối sống xô bồ đang diễn ra tình trạng "bằng mặt mà không bằng lòng", không theo lời dạy của đức Như Lai "tri hành hợp nhất", hay “lời nói đi đôi với việc làm”.. mà phần lớn con người vì tư lợi riêng nên họ sống trên sự đối đãi bề mặt, những hành vi, lời nói chứa tố chất lợi dưỡng tham, sân, si...đắm chìm trong ngũ dục tạo nên những ác nghiệp, ác quả, những sự "khủng hoảng" toàn diện hầu như trên tất cả các lĩnh vực của cuộc sống xã hội. Bao nhiêu vấn nạn xảy ra hằng ngày hằng giờ, chứng minh cho đạo đức con người đang dần bị sa đọa, tâm con người đang quá ư bất ổn. Lời "nguyện đoạn các điều ác" được hành trì trước mỗi bữa ăn trong cộng đồng tu sĩ Phật giáo chính là thông điệp đầu tiên ngõ hầu thức tỉnh con người hãy quay về chính mình, điều hòa hơi thở từ bữa ăn và vật phẩm thọ nhận thiện lành nuôi sống bản thân để tu học lợi mình, lợi người .
Lời nguyện thứ hai “làm các điều thiện”. Nhị đề này chính là lời phát nguyện tu tập hành trì những điều thiện. Nhờ “những việc làm, những hoạt động hợp lý, lợi mình lợi người” này mà nó góp phần nâng cao giá trị con người, vững vàng cho sự tiến hóa tâm linh trên con đường Thánh đạo. Điều thiện thì đối nghịch với điều Ác. Một khi ác tâm ác hạnh bị đoạn diệt, tất nhiên nó sẽ trở thành cơ sở để nảy mầm thiện tâm, thiện hạnh. Mảnh đất tâm của con người sẽ được cày xới, gieo trồng vun bón và nảy nở những đóa hoa Từ Bi, Trí tuệ - An Vui. Nó đem lại cho cuộc đời sự bình yên, thanh thoát, một hạnh phúc chân thật từ lối sống hiền thiện, trong sáng đầy trí tuệ và tình yêu thương vô ngã, không có ý niệm thân - thù. Hiểu một cách xa hơn nữa, điều nguyện này là động lực để con người chuyên cần tu Giới – Định – Tuệ, thực hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo cho đến trăm ngàn Tam Muội, vô lượng pháp môn của Đức Phật nói ra.
Lời nguyện thứ ba, “ thệ độ nhứt thiết chúng sanh”. Khi hành giả tu tập đoạn sạch các điều ác, tức cũng chính là đoạn trừ các chúng sanh tâm hay tánh phàm phu trong tâm và thành tựu các việc lành, tự mình hoàn thiện sẽ có được phương tiện thiện xảo cứu độ hết thảy các chúng sinh. Ba tâm nguyện lớn này tu trọn thì người đó xứng đáng thọ nhận bát cơm thanh tịnh từ đàn na tín thí cúng dường.
"Tâm bình thế giới bình" là nền tảng để thiết lập một xã hội trật tự, hài hòa, tốt đẹp bình an. Con người đầy vô minh vọng tưởng, thường không cảm nhận được hạnh phúc trong từng lời nói – hành vi của mình mà lại chạy dong duỗi để tìm một hạnh phúc giả tạo bên ngoài thân tâm, được che đậy dưới lớp vỏ gọi là sự thỏa mãn khát ái ngũ dục lục trần của tâm nhiễm ô, tâm tham đắm của con người, nó đem lại niềm vui thoáng qua và tan đi trong phút chốc để lại đằng sau là sự hụt hẫng trống vắng của cảm thọ, theo Phật giáo, đấy không phải là hạnh phúc thật sự của con người. Hạnh phúc thật sự của con người đến từ sự an tĩnh, thư thái của nội tâm tu tập vô tham, vô sân và vô si. Hạnh phúc chắc thật là sự vắng lặng của "cái tôi" mong muốn sở hữu mọi thứ và thay vào đó là trạng thái định tĩnh, năng lượng từ bi từ nội tâm tỏa ra và tuệ thấu suốt như thật về bản chất hiện hữu. Để đạt được điều đó, Phật giáo đã đề ra phương pháp giáo dục là thiết lập và ứng dụng hành trì sự chú tâm, thiền tập chánh niệm tỉnh giác trong từng ý nghĩ, hành vi của cuộc sống của mỗi con người ở trong gia đình, trong cơ quan hay trường học... thì kết quả tự khắc sẽ có hạnh phúc an vui từ nội tâm.
Tại các thiền viện, chùa chiền hay tăng xá, hầu như, tại mỗi bữa ăn trong ngày, đại chúng tập trung thọ trai chung nhưng ngồi theo thứ tự thứ lớp tuổi Đạo. Sau khi đã vào ghế ngồi, chư Tăng – Ni sẽ thỉnh khánh (chuông) báo hiệu cho đại chúng giữ trật tự thanh tịnh và bắt đầu chú nguyện, đọc tụng các bài kinh Phật: kinh Bát Đại Nhân Giác, hoặc bài kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm...như là lời nhắc nhở, cảnh tỉnh con người nhận chân bản chất luôn biến đổi của thực tại cũng như thân tâm con người luôn thay đổi trong từng sát na sinh diệt để sống có ích, sống an lạc. Không dừng lại ở đó, sự tập trung đại chúng thọ trai theo nghi thức thanh tịnh như thế còn mục đích kết nối tình huynh đệ,thương yêu giúp đỡ, phê và tự phê lỗi lầm cho nhau trên tinh thần tương thân tương ái, hòa hợp theo nguyên tắc đạo đức chung trong mái nhà Phật, cùng nâng đỡ dìu dắt nhau tinh chuyên tu tập thăng hoa trên con đường tâm linh, nó góp phần duy trì sức mạnh khối đại đoàn kết tập thể theo tinh thần Lục hòa kiến thiết một nhân gian Tịnh độ hay xã hội lý tưởng XHCN theo quan điểm triết học Mác.
Giáo dục vốn là một quá trình. Mục đích của giáo dục chính là để phục vụ hạnh phúc con người. Vậy câu hỏi đặt ra là, tại sao con người đặt ra nguyên tắc, nội dung , phương hướng, mục tiêu của giáo dục rồi bắt buộc chính mình thực hiện điều đó? Giải thích cho điều này, trong tác phẩm “ Lý thuyết nhân tính qua kinh tạng Pali”, có đoạn viết:
“Thật hiển nhiên rằng mọi người sinh ra là để hạnh phúc mà không phải để khổ đau, để phục vụ cho mục tiêu hạnh phúc thực tiễn mà không phải phục vụ cho các mục tiêu nào khác không có gắn liền thiết thân hạnh phúc. Cũng hiển nhiên rằng, con người tìm kiếm sự thật cuộc đời vì sự an lạc của tâm hồn trong hiện tại và tại đây. Vậy nên đối tượng chính của giáo dục và văn hóa là các cá nhân, và mục đích cơ bản của giáo dục phải là hạnh phúc cá nhân”.
Thật sự, khi bàn về vấn đề này, người viết đã nghiên cứu và đồng ý với quan điểm triết học Phật giáo về nguồn gốc xuất hiện loài người do những yếu tố cơ bản mà bắt nguồn từ vô minh, tham, sân, si cũng như quan niệm về sai lạc về hạnh phúc chân thật. Sở dĩ, con người đặt ra phương hướng giáo dục và ứng dụng nó để đạt hạnh phúc là bởi có nhiều nguyên do. Hạnh phúc thế gian là thứ hạnh phúc được xây dựng trên các pháp giáo dục của thế gian. Hạnh phúc đó vẫn còn nằm trong sự sanh – diệt, vẫn còn chất chứa những phiền não ưu tư từ gốc tham, sân, si mà cụ thể là do tham đắm ngũ dục thế gian. Vì vô minh – vọng tưởng, nghiệp lực chi phối mà có con đường luân hồi sanh tử, thế hệ sau ra đời tiếp nối thế hệ trước. Với vọng tưởng, kiến chấp dày đặc không thấy rõ con đường ánh sáng tuệ giác,không tu tập tỉnh thức lìa bỏ tham ái, đoạn trừ vô minh thì vấn đề luân hồi kéo dài từ kiếp hiện tại đến tương lai rồi xoay vần thành kiếp quá khứ. Hành trình tâm linh theo đó ngày càng đi xuống, đời sống sẽ đọa lạc với những đau khổ triền miên kiếp người. Ngược lại, nếu con người thiết lập phương pháp giáo dục đoạn trừ tham ái, cắt dòng vô minh, thực hành sống chánh niệm tỉnh giác trong từng tâm niệm thiện lành, vô ngã, thấy được bản chất sinh diệt của các pháp trên căn bản lý duyên sinh thì con người sẽ dần dần rèn luyện thân tâm mình thăng hoa trên nấc thang tiến đến đạo giác ngộ giải thoát và có được hạnh phúc chắc thật.
Quay trở lại với pháp tam đề, ngũ quán trong nghi thức thọ trai của người xuất gia hành trì hàng ngày, chúng ta thấy, với cách thức chú nguyện, sự tác ý của tâm tự dặn mình “đoạn ác, làm thiện, cứu giúp chúng sinh” và quá tưởng năm điều đã giúp cho người tu trở về với tâm phòng hộ các ác bất thiện pháp có thể sinh khởi trong tâm trong quá trình thọ thực, mang lại lợi ích giáo dục thiết thực nhất trên cả nhiều phương diện từ giáo dục lòng biết ơn, tình yêu thương đối với muôn loài chúng sinh, ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất và xây dựng hạnh phúc giữa người với người trong cuộc sống.
Như vậy, từ nghi thức thọ trai cụ thể với phương pháp luyện tâm tỉnh giác trong đề mục quán niệm thức ăn, cách dùng vật phẩm cúng dường, phát khởi tâm niệm thiện lành, thiết lập nền tảng giáo dục con đường giới – định – tuệ cho người xuất gia “chuyển phàm thành Thánh” trên hành trình giải thoát. Với nghi thức tam đề - ngũ quán lúc thọ trai, bữa cơm đạm bạc nhà Thiền ẩn chứa “nghệ thuật sống” rất thâm thúy, sâu sắc, giúp con người biết nhận chân lối sống hạnh phúc trong hiện tại, đồng thời góp phần chuyển tải thông điệp giáo dục nhân cách cho người Phật tử dần hoàn thiện mình trên chặng đường cùng đồng hành tu tập, giải thoát giác ngộ và an vui.
Người Phật tử tại gia với vấn đề giáo dục Phật giáo
Người Phật tử tại gia đến với Đạo Phật bằng nhiều con đường khác nhau. Có người đến bằng niềm tin theo kinh A Di Đà, có người đến bằng niềm kính phục Đức Phật Thích Ca, nhưng cũng có người đến với đạo Phật bằng quá trình liễu ngộ giáo pháp hay bằng kinh nghiệm hành trì mang lợi ích an vui.
Dù đến với Đạo Phật bằng những nhân duyên nào, tất cả mọi người đều có nhận xét chung rằng: Đạo Phật là Đạo Giác Ngộ và là Đạo Thiện. Chỉ bấy nhiêu thôi, Đạo Phật cũng đủ năng lực giúp con người có thể yên tâm khi ứng dụng các phương pháp giáo dục của Phật đà vào quá trình tự giáo dục bản thân mà không sợ mình bị lạc hướng. Cuộc đời muôn hình vạn trạng, pháp Phật theo đó mà cũng có tám vạn bốn ngàn pháp môn để giáo dục, chữa trị căn bệnh phiền não, trầm kha cho cuộc đời.
Thuật ngữ ‘giáo dục’ được dịch từ “education” của phương Tây, nó có gốc Latinh là “Éducatus”, động từ là “Educacere” nghĩa là nuôi nấng, dạy dỗ, dẫn đi tới...
Trong kinh điển Phật giáo không sử dụng thuật ngữ “Giáo dục” mà là dùng từ “giáo hóađược dịch từ chữ Phạn ngữ “Paripae”. “Giáo” là lấy thiện pháp mà dạy cho người; “Hóa” là làm cho người xa rời ác pháp. Giáo hóa là lấy thiện pháp dạy người khiến cho người cảm hóa, an vui và trú vào đạo chân chánh vô thượng, chuyển ác thành thiện, chuyển phàm thành Thánh. Chính vì lẽ đó nên có khi người ta còn sử dụng các từ như : nhiếp hóa, khai mở, khuyến hóa...thay cho từ “giáo hóa”.
Xét trên bình diện thế gian, tương đương ý nghĩa “giáo hóa”, người ta vẫn dùng từ “giáo dục” như là một khái niệm thường được hiểu là những gì làm nên văn hóa và văn minh của một xứ sở. Hầu hết các công trình sáng tạo là suối nguồn của nền văn minh, và các vai trò xây dựng và phát triển xã hội của giáo dục là nguồn suối của văn hóa một dân tộc.
Giáo dục, văn hóa, văn minh đều là sản phẩm của tư duy con người. Dù ở thời đại nào, con người luôn khát vọng được an ổn, hòa bình và hạnh phúc. Vì thế văn hóa và giáo dục phải đem lại an ổn, hòa bình hạnh phúc cho con người. Muốn đạt được điều đó thì vấn đề trọng tâm là làm sao khẳng định con người chính là trung tâm của mọi hoạt động, con người là chủ thể của quá trình kiến tạo hạnh phúc cho chính bản thân mình và cho cộng đồng xã hội.
Xác định vị trí con người trong cuộc đời cũng như mối tương quan giữa con người với các lĩnh vực liên quan là nền tảng để xây dựng triết lý giáo dục nói chung và giáo dục nhân cách con người thành mẫu người lý tưởng cho xã hội nói riêng.
Giáo dục nhân cách là một trong những chương trình trọng điểm của ngành giáo dục nói chung, của tâm lý giáo dục nói riêng, là cơ sở xây dựng nội dung của một hệ thống giáo dục. Giáo dục nhân cách, ở phương diện nào đó, với ý nghĩa là quá trình xây dựng phẩm cách, tính tình cho một con người hoàn thiện về mặt thân vật lý và tâm sinh lý để sống phù hợp với sự biến đổi của cuộc đời trên mọi phương diện quan hệ cá nhân, quan hệ xã hội... Cụ thể hơn, đây là một quá trình con người tự mình rèn luyện, thực tập các biện pháp kỷ luật hay hành trì nguyên tắc đạo đức nhằm tạo cho chính con người đạt tính cách, phẩm chất hoàn thiện, hoàn mỹ nhất, từ đó có niềm an vui, hạnh phúc trong cuộc sống.
Dưới góc độ nghiên cứu của giáo dục Phật giáo, giáo dục nhân cách vừa là khung lý thuyết nhưng vừa là mảng thực hành cho người tu học. Xét trên khung lý thuyết, giáo dục nhân cách Phật giáo là những lời dạy của Đức Phật nhằm giới thiệu một cái nhìn mới mẻ về mọi sự vật hiện hữu trong đó có con người. Bằng tuệ giác tu chứng, Đức Phật chỉ rõ “ Vạn pháp là vô ngã” và bản thân con người, tuy là một thực thể tối tôn giữa cuộc đời nhưng không phải là một thực thể bất biến, không thể tách rời khỏi xã hội và môi sinh, không thể tồn tại, hiện hữu ngoài xã hội; nói cách khác, xã hội hay môi sinh là một phần của chính cơ thể con người. Từ cách nhìn như thế, mở ra một đường hướng giáo dục mới để con người ứng dụng thực hành vừa hoàn thiện chính bản thân mình, vừa giải quyết các khủng hoảng xã hội. Giáo sư Rhys Davids từng phát biểu : “ Dầu là Phật tử hay không phải Phật tử, tôi nghiên cứu từng hệ thống tôn giáo lớn trên thế giới, và trong tất cả, tôi không tìm thấy trong tôn giáo nào có cái gì cao đẹp và toàn vẹn hơn Bát Chánh Đạo của Đức Phật. Tôi chỉ còn có một việc làm là thu xếp một nếp sống của tôi sao cho phù hợp với con đường ấy.”
Nhận định của giáo sư Rhys Davids cũng chính là quan điểm của người chia sẻ tham luận này. Bởi không phải ngẫu nhiên, người viết chủ động lựa chọn một trong số những nét tinh hoa Phật giáo thể hiện trong lối sống trí tuệ, đậm nhân văn, đầy tính thực tiễn, đạt được “hiện tại lạc trú” và thể hiện thường xuyên nhất, điển hình nhất diễn ra hàng ngày đó chính là bữa cơm thiền môn của người tu Phật như đã khái lược trên đây.
Theo truyền thống của người Việt Nam, bữa cơm gia đình chính là thời điểm mọi thành viên hội ngộ với nhau đầy đủ nhất. So với người xuất gia, người tại gia dùng số lượng bữa cơm nhiều hơn và thời gian dùng bữa cũng dài hơn. Bữa ăn thân mật gia đình là cơ hội để mọi người quây quần bên nhau, ngoài nhu cầu ăn uống, các thành viên còn quan tâm trao đổi chia sẻ những điều xảy ra trong cuộc sống như vấn đề công tác của cha mẹ, diễn tiến tình hình thời sự xã hội, học hành của con cái, thậm chí vấn đề các thành viên cùng góp ý giáo dục nhân cách cho nhau để cùng sống tốt hơn, thăng hoa hơn trong trong một mái ấm hạnh phúc gia đình.
Và con đường giáo dục nhân cách từ những bữa cơm gia đình...
“Học ăn, học nói, học gói, học mở” là khẩu ngôn đầu tiên mà cha mẹ thường dạy con cái trong bữa ăn khi phát hiện con mình có lời ăn tiếng nói hay hành vi chưa hoàn thiện.
Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến sự giáo hóa của Đức Phật đối với các đệ tử của Ngài thời xưa. Nghiên cứu trong tam tạng kinh điển, 12 năm đầu thành lập tăng đoàn, Đức Phật chưa từng đặt ra những điều giới luật hay nguyên tắc đạo đức bởi vì tăng đoàn luôn sống hòa hợp thanh tịnh, các đệ tử xuất gia lúc này là những người có ý thức trách nhiệm cao, sống có nề nếp kỷ cương và hầu như chưa gây ảnh hưởng xấu cho xã hội. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, đó đều là những bậc Thánh đệ tử - những vị có đầy đủ tư chất tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn, xứng đáng là những bậc Thầy của thế gian.
Mãi về sau này, khi chúng tăng ngày càng đông, thành phần xuất gia bao gồm nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội, chênh lệch về trình độ, địa vị... làm cho sinh hoạt Tăng đoàn bắt đầu nảy sinh những vấn đề vi phạm về nhân cách (phải có của một bậc Thánh), do đó, Đức Phật mới bắt đầu chế ra giới luật như là một ‘hàng rào căn bản” để bảo vệ người tu khỏi phạm phải lỗi lầm, củng cố tăng đoàn hòa hợp, thanh tịnh, xây dựng một tập thể trang nghiêm, vững mạnh trên nền tảng đạo đức – thiền định – trí tuệ và từ bi.
Hơn 2550 năm đã trôi qua, với biết bao sự thăng trầm của cuộc đời, Phật giáo vẫn tồn tại và phát triển với tư cách là một tôn giáo rất khoa học. Điều đó minh chứng lời dạy của Đức Phật cũng như Tăng đoàn của Ngài đã tu học, hành trì lời dạy vào cuộc sống thực tiễn là đúng đắn và có hiệu quả. Mỗi con người nói riêng và tập thể Tăng đoàn nói chung đều thanh tịnh, vững mạnh thể hiện văn hóa cá nhân và văn minh đại chúng trong nội bộ Phật giáo có sự liên kết chặt chẽ, đoàn kết cùng nhau. Bên cạnh đó, chính lối sống “hiện tại lạc trú” của cộng đồng Tăng – Ni trở thành xã hội lý tưởng có thực trong hiện tại cuộc đời, góp phần tạo cho người Phật tử hay người ngoài tôn giáo có niềm tin, sự kính quý và phát tâm cúng dường chúng tăng vào những ngày an cư kiết hạ thường kéo dài ba tháng mùa mưa trong năm.
Từ hiện tướng Tăng đoàn Phật giáo trang nghiêm thanh tịnh đầy sức sống hòa hợp như thế, quay trở lại với hiện trạng xã hội chúng ta đang sống ngày nay, một thực trạng báo động chung cho mọi người là các tệ nạn xã hội đang gia tăng. Vấn nạn con cái ngược đãi cha mẹ, lạm dụng tình dục trẻ em, cưỡng bức phụ nữ... lan tràn khắp nơi trên thế giới. Lối sống thực dụng, tinh thần vị kỷ, chủ nghĩa cá nhân bành trướng khắp mọi ngõ ngách trong cuộc sống. Tệ nạn phân biệt tôn giáo, xứ sở vùng miền, sự phân chia “hố thẳm” giàu nghèo đang ngày càng tạo nên sự khủng hoảng cho xã hội. Thay vì con người chung sống với nhau và biết được mình đang“hiện hữu” để cảm nhận hạnh phúc, an vui trong nền hòa bình, thiện lành thì con người lại sống trong tham vọng, khát khao “sở hữu”, tự nhấn chìm mình trong hạnh phúc giả tạo...Cứ như thế, xã hội loài người tự tạo một bức tranh hỗn loạn và tang thương.
Nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề thời sự nóng bỏng của thời đại, mong muốn xây dựng và phát triển một cộng đồng ổn định, hòa bình vì hạnh phúc cho con người, cho xã hội, từ việ kinh nghiệm thẩm thấu trong nhiều môi trường tu học từ đời đến đạo, người viết thiết nghĩ nên chăng đã đến lúc xã hội phải ứng dụng lối sống nhân bản của Phật vào trong chương trình giáo dục nhân cách con người giáo như là giải pháp tối ưu nhằm giải quyết các vấn đề khủng hoảng xã hội hiện nay. Một trong những cách thức giáo dục con người muốn tiến bộ thì phải bắt đầu từ sự rèn luyện nhân cách con người từ bữa cơm trong mỗi gia đình và xác định giáo dục gia đình chính là nền tảng của nền giáo dục xã hội. Con người nhận được sự giáo dục tốt từ gia đình thì chắc chắn sẽ tạo nên thành viên tốt cho xã hội.
Quá trình giáo dục nhân cách được áp dụng thông qua bữa cơm gia đình có hiệu quả, theo thiển ý người viết, cần hội tụ các nội dung và phương pháp cụ thể như sau:
- Nội dung giáo dục:
· Thiện tâm
“Thiện tâm” là tâm thiện của con người.
Dòng thiền Vô Ngôn Thông, thế hệ thứ 12 có Sư Thường Chiếu, từng khuyên bảo học trò mình “Liễu tâm tu đạo đắc tĩnh lực nhi dị thành, bất liễu tâm tu đạo nãi phí công vô ích”. Nghĩa là hiểu tâm tu đạo, thì ít mất sức, mà dễ thành công. Không hiểu tâm mà tu đạo thì uổng công vô ích.
Rõ ràng, đối với đạo Phật – mà trước tiên là đạo làm Người – thì thiện tâm là cơ sở, là đối tượng, đồng thời cũng là công cụ của việc thực nghiệm đời sống tâm linh. Tâm là gốc của sinh - tử, là cội nguồn của mọi bất hạnh cũng như hạnh phúc. Tâm thiện là cái chìa khóa vàng mở cho chúng ta cánh cửa vào hạnh phúc, sự bất tử.
Cuộc sống hiện đại lại có xu thế hướng ngoại, lôi kéo con người chạy xa cái tâm thiện lành của mình. Suốt ngày, có khi suốt đời cứ chạy đuổi theo danh vọng và quyền lực hão, sắc đẹp hào nhoáng bên ngoài mà không biết dừng nghỉ. Mãi tới khi sống gần hết cuộc đời, mới giật mình, sợ hãi cảm nhận cuộc đời mình đã và đang sống vô nghĩa, tất cả những cái suốt đời mình đeo đuổi đều là hư giả, như bèo bọt, không thực...
Con người ngay từ khi mới được hình thành do sự kết hợp tinh cha – huyết mẹ, ở trong bào thai 9 tháng 10 ngày, đã được hấp thu các tinh chất dinh dưỡng từ người mẹ đưa vào để dần dần phát triển, lớn lên. Ngoài những nhân tố thuộc về tâm lý... thì yếu tố thức ăn cũng đóng vai trò khá quan trọng trong vấn đề giáo dục con người ngay từ bụng mẹ (thai giáo) cho đến khi trưởng thành.
Khoa học đã chứng minh, những thức ăn được chuẩn bị, được mời ăn bởi người có thiện tâm, chắc chắc rằng năng lượng lòng từ được chuyển hóa vào trong khẩu phần thức ăn sẽ tốt hơn, có lợi ích hơn và quá trình giáo dục “thiện tâm” vô hình đối với người thọ nhận thức ăn đó cũng sẽ được thực hiện. Đây cũng là lý do vì sao đức Phật dạy khi thọ nhận thức ăn phải thực hành nghi thức tam đề - ngũ quán như là lời nhắc nhở, cảnh tỉnh đệ tử biết phát khởi tâm nguyện đoạn trừ ác nghiệp và tăng trưởng thiện tâm.
Trong kinh “Tương Ưng ”, Đức Phật cũng khẳng định:
“Sabbe sattā āhāraṭṭhika:
Tất cả hữu tình tồn tại do vật thực” và Ngài đã phân chia thức ăn thành 4 loại , phân tích các loại thức ăn rất căn bản, rõ ràng giúp cho con người nhận thức được giá trị của các loại thức ăn có ý nghĩa quan trọng đối với con người dưới cái nhìn đầy trí tuệ của bậc giác ngộ.
· Hiếu từ
“Hiếu từ” ở đây có nghĩa là hiếu sinh và từ bi. “Hiếu” mang nhiều ý nghĩa và có mức độ rộng hẹp trong mỗi phạm vi khác nhau. Ở phương diện này, người viết muốn đề cập đến tâm hiếu và tâm từ trong quá trình sản xuất, chế biến thức ăn trong sạch, đầy tình thương. Đạo Phật còn gọi là Đạo hiếu. Đức Phật dạy “Tâm hiếu chính là tâm Phật. Điều thiện tối cao không gì bằng Hiếu. Điều ác cùng cực không gì hơn bất hiếu.” Một khi phát khởi tâm hiếu, mà trước hết là hiếu với ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình sau là hiếu với tất cả mọi người, thì chắc chắn sẽ huấn luyện trong tâm lòng từ, hiếu sinh không muốn làm tổn hại đến những người xung quanh và cao hơn là muôn loại sinh linh. Với tâm hiếu từ như thế, chắc chắn rằng quá trình giáo dục và tự giáo dục một nhân cách sống tốt đẹp cho người chế biến thức ăn lẫn người thọ nhận sẽ được từ năng lượng tâm hiếu từ đó.
Hành trì quán tưởng năm điều trước khi ăn còn chính là rèn luyện hiếu tâm, lời động viên hành giả tinh chuyên tu học để tri ân và báo ân cha mẹ, thầy tổ, quốc gia và muôn loài.
· Tuệ dũng
Tuệ là trí tuệ. Dũng là dũng mãnh, kiên cường. Sở dĩ, người viết giới thiệu “tuệ dũng” như là một phạm trù cần thiết trong nội dung giáo dục nhân cách con người. Bởi lẽ, trong dòng chảy cuộc đời, ranh giới giữa thiện và ác, giữa hiếu sinh và hiếu sát là rất mong manh, không phải ai cũng dễ dàng phát khởi thiện tâm và có đủ can đảm để dũng mãnh vượt qua cám dỗ hư ảo của cuộc đời hay bản năng dục vọng của bản thân. Đặc biệt trong bối cảnh xã hội ngày ngay, hầu như con người sống thiếu tuệ giác và luôn nuông chiều dục vọng bản thân như là một thói quen không còn xa lạ, nó biện minh cho một tâm hồn sống hạ liệt, một tính cách hèn nhát yếu đuối không tự chủ chính mình. Điều này quả thật là đáng buồn khi nó trở thành vấn nạn xã hội, biểu hiện qua thực trạng bạo lực gia đình, nghiện ngập ma túy, tham nhũng và mại dâm...
Con người phải có một cái nhìn đúng đắn, chân thật về bản chất của cuộc đời, và hơn thế nữa phải tự chính bản thân mình nỗ lực, dũng mãnh hành trì thiện tâm vào trong lối sống lành mạnh, có lý tưởng được trang bị bởi sự giáo dục chân chánh từ gia đình. Có như thế thì may ra, kiến thiết được xã hội tốt đẹp.
Người tu xuất gia, với lý tưởng “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”, quyết tâm dấn thân trên con đường Đạo Pháp vì thấy được bản chất thật của cuộc đời, thấy được duyên sinh – vô ngã và hạnh phúc giả tạm thế gian nên dũng mãnh xuất thế để sống trong mái nhà Đạo an vui, tu học, giải thoát:
“Nhất bát thiên gia phạn.
Cô thân vạn lý du.
Kỳ vi sanh tử sự.
Giáo hoá độ Xuân Thu”
Dịch là :
“Một bát cơm ngàn nhà
Thân chơi muôn dặm xa.
Mắt xanh xem trần thế
Mây trắng hỏi đường qua.”
· Giải thoát
Thoát khỏi sự ràng buộc gọi là giải thoát. Đối với người xuất gia, ngũ dục thế gian chính là sợi dây tơ ràng buộc. Tuy vô hình nhưng khó đứt, khó thoát. Vậy thì làm sao để thoát được? Đó chính là nhờ giáo pháp Phật. Như đã trình bày, giáo pháp Phật tuy phong phú đa dạng, nhưng mỗi bài pháp có giá trị chữa lành một căn bệnh phiền não của chúng sanh, miễn là vị hành giả chánh niệm vận dụng và hành trì đúng pháp, đúng thời, đều đặn. Chỉ cần một pháp thôi là đủ để giải thoát tự thân dù là người xuất gia hay tại gia. Ở đây, người viết giới thiệu pháp tam đề - ngũ quán thực hành trong mỗi bữa ăn hằng ngày như là giải pháp để nhằm giúp hành giả thiết lập lối sống chánh niệm trên thân – khẩu –ý của mình hành trì vào trong giờ thọ thực nhằm ít nhất là giúp cho con người có hạnh phúc ở hiện tại trong sự ăn uống thanh tịnh, ít vọng tưởng, nhẹ nhàng, dễ tiêu hóa mà lại có oai nghi từ tốn, rèn luyện phong cách sống hài hòa, chậm rãi mà thâm trầm sâu sắc trong từng “hơi thở của cuộc sống”.
- Phương pháp giáo dục:
Phương pháp giáo dục Phật giáo là phương pháp phát xuất từ cơ sở thực tế. Trước lúc chưa xuất gia, còn là thái tử, Đức Phật đã từng trải qua kinh nghiệm cuộc đời người thế tục. Nhưng Ngài đã không tìm thấy ở đó niềm hạnh phúc chân thật nên quyết chí xuất gia, học Đạo và tu chứng thành bậc Giác Ngộ. Niềm thấu hiểu, sự xót thương, tâm cảm thông vô hạn và lòng từ bi, Ngài quyết tâm trở lại cõi trần giáo hóa chúng sanh và thuyết giảng bài pháp “Tứ Diệu Đế” nói lên bốn Chân lý của cuộc đời. Với tuệ giác siêu việt của một bậc Thầy xuất thế, ngài vận dụng phương pháp giáo hóa rất thực tiễn, chuyển bánh xe pháp khai ngộ con người thấy được đường Bát Chánh Đạo giải thoát và phương pháp hành trì con đường ấy như một liều thuốc hữu hiệu chữa bách bệnh khổ não của con người. Đức Phật quả thật là một nhà giáo dục rất vĩ đại, rất thực tiễn.
Quay trở lại với phương pháp tam đề - ngũ quán và vận dụng vào phương pháp giáo dục nhân cách con người, với thiển ý của người viết muốn giới thiệu các bước ứng dụng phương pháp thọ thực đơn giản của người tại gia theo lộ trình đơn giản như sau:
· Quán tưởng bốn ân trước khi ăn.
Bốn ân : Ơn cha mẹ, ơn thầy Tổ, ơn đàn-na thí chủ, ơn quốc gia.
Người thọ nhận bữa cơm lắng tâm tưởng bốn ân này dù chỉ trong thời gian ngắn là đã khởi phát được nhiều thiện niệm trong tâm. Nhờ thiện niệm này mà diệt được vô số ác niệm, từ đó hướng về nẻo thiện và là cách để cho “tính Người” sống dậy trong bản thân mình.
· Quay trở lại chính mình
Con đường chánh niệm vào từng hoạt động khi dùng vật phẩm, hành giả không nói chuyện vô bổ, bàn luận thị phi ...mà tập trung vào việc thọ thực sẽ dễ dàng cảm nhận vị giác tiếp xúc giữa thức ăn và đầu lưỡi. Chính đây là phương pháp giúp hành giả quay về với nội tâm mình. Khi hành trì được điều này có nghĩa là con người đang tự rèn cho mình sự lắng nghe nhiều hơn. Tác dụng của quá trình lắng nghe nhiều hơn nói sẽ dừng bớt vọng tưởng và bớt phiền não do chính khẩu nghiệp tạo ra.
· Chánh niệm tỉnh giác khi thọ dụng và chuyển hóa nội tâm.
Thọ dụng thức ăn trong tỉnh giác có nghĩa là con người đang điều hòa chính mình. Ở một khía cạnh nào đó, sự chánh niệm tỉnh giác trong lúc ăn cơm giúp con người biết mình đang thở, đang ăn, đang tiêu hóa các thực phẩm trong thiên nhiên, thấy mối quan hệ giữa mình và môi trường rồi từ “cái thấy” đó mà chuyển hóa nội tâm hướng thiện, hướng thượng. Nhờ đó mà rèn luyện phong cách sống an nhiên, tự tại với chính mình, với cuộc đời, sống có trách nhiệm với thân tâm mình và với môi trường với xã hội.
Nhận định về giáo dục Phật giáo và con đường giáo dục nhân cách
“… Bằng một lần thị hiện tại mảnh đất trần thế qua hình ảnh bằng xương bằng thịt của Ngài – Đức Phật là người đã Thánh hóa cuộc đời.”
Nhận định của đại thi hào Ấn Độ - Rabindranath Tagore về Đức Phật thật chính xác và tuyệt vời như chính những giá trị lớn lao và vĩ đại nhất mà Đức Phật cống hiến cho nhân loại. Sự im lặng của Đức Phật hay một nụ cười hàm tiếu của Ngài khi trả lời đáp án cho câu hỏi bản thể luận của vũ trụ đến bây giờ vẫn luôn là bài học quý giá trong lòng người viết. Hơn thế nữa, vấn đề giáo dục mà Ngài truyền dạy bằng chính kinh nghiệm thực chứng nội tâm, khám phá và thuyết giảng là chân lý vượt qua mọi giới hạn của thời gian, vô tận của không gian càng đúng là phương thuốc diệu dụng cho mỗi người trong đời sống của mình tồn tại với tư cách là một sự hiện hữu cụ thể trong vũ trụ - cuộc đời này.
Một “nghệ thuật sống” chánh niệm tỉnh giác rất bình thường dung dị gần gũi mà định tĩnh của Ngài cũng như tăng đoàn có ý nghĩa thực tiễn qua mọi thời đại, góp phần giải quyết những vấn đề khủng hoảng bế tắc, chuyển hóa nôĩ khổniềm đau thành an lạc hạnh phúc cho kiếp người.
Trong giá trị nhận thức, nó chuyển hóa cái nhìn thực tế, đủ tự tin để đối diện với những khó khăn thách thức của cuộc đời để sống hướng thiện, hướng thượng, nâng con người lên tầm cao của sự tiến bộ thân tâm.
Qua hơn hai mươi lăm thế kỷ, sức sống của Đạo Phật vẫn bền bỉ và luôn tỉnh táo, bình thản giữa muôn ngàn ngả nghiêng của thế sự. Bởi lẽ, Đức Phật – vị sứ giả của hòa bình – mà nếp sống của Ngài cũng như của những đệ tử chân chính của Ngài – là bài kinh vô ngôn sống động hiện thực về sự phát triển toàn diện - hài hòa về các phẩm chất đạo đức, tâm linh và trí tuệ, làm nên lịch sử phát triển trọn vẹn của Đạo Phật chân chính xuyên suốt mấy ngàn năm đem lại thái bình cho nhiều quốc gia dân tộc châu Á lan truyền đến châu Âu ngày nay.
Thật phúc duyên cho những ai đang được sống yên bình trong ánh sáng từ bi – trí tuệ của Đức Phật! Và cũng may mắn cho những ai được hữu duyên nghe lại một trong số những lời chỉ dạy đầy thực tiễn nhưng rất sâu sắc của Ngài:
“Chư Hiền, thế nào là thức ăn, thế nào là tập khởi của thức ăn, thế nào là đoạn diệt của thức ăn, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của thức ăn?
Chư Hiền, có bốn loại thức ăn này, khiến các loài hữu tình đã sanh được an trú (bhūtānaṃ vā sattānaṃ ṭhitiyā), hay các loài hữu tình sẽ sanh được phò trợ (sambhavesinaṃ vā anuggahāya). Thế nào là bốn? Đoàn thực thô hay tế (ālāra oḷāriko và sukhumo), xúc thực là thứ hai (phasso dutiyo), tư niệm thực là thứ ba (manosañcetana tatiyo), thức thực là thứ tư (viññanaṃ catuttho).Từ tập khởi của Ái có tập khởi của thức ăn (taṅhā samudayā āhārasamudayo). Từ đoạn diệt ái có đoạn diệt thức ăn (taṅhānirodha āhāranirodho). Thánh đạo tám ngành (ariyo aṭṭhanigiko maggo) là con đường đưa đến đoạn diệt của thức ăn, tức là: Chánh kiến (sammādiṭṭhi), chánh tư duy (sammāsaṅkappo), chánh ngữ (sammāvācā), chánh nghiệp (sammākammanto), chánh mạng (sammā-ājīvo), chánh tinh tấn (sammāvāyāmo), chánhniệm (sammāsati), chánh định (sammāsamādhi)” để hiểu và làm kim chỉ nam hành động cho chính mình trong cuộc sống tu học mang lại niềm an vui hạnh phúc, giải thoát từng phần để dần tiến thẳng đến giác ngộ Phật quả.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Kinh Tạp A Hàm, Bốn loại thức ăn – bài kinh số 373, nxb
2. Kinh Trung Bộ, tập I, nxb Tôn giáo, 2006
3. Thích Minh Châu, Đức Phật – nhà đại giáo dục, NXB Tôn giáo, 2004.
4. Thích Nhất Hạnh, Nhật tụng thiền môn (Ấn bản miền Nam), nxb Hồng Đức, 2012
5. Thích Chơn Thiện, Lý thuyết nhân tính qua Kinh tạng Pali, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1999
6. Thích Tâm Minh, Đức Phật vị sứ giả hòa bình, NXB Tôn giáo, 2006
7. Viên Trí, Phật giáo qua lăng kính xã hội, nxb Phương Đông, 2013.
8. Hương Vân, Chuỗi Ngọc Trai, NXB Phương Đông, 2009
9. Narada Thera - Tịnh Minh dịch, Đức Phật và Giáo Pháp của Ngài, nxb Tôn giáo, 2006
10. Nguyệt san Giác Ngộ, số 156 ra 3.2009
11. Báo Giác Ngộ, số ra ngày 11/04/2014.
Phương Hà