Bản ngã sai lầm
SVO - Sự chấp ngã khởi đầu từ các tôn giáo có trước khi Đức Phật ra đời, trong đó nổi bật là tư tưởng của đạo Bà-la-môn. Họ tưởng tượng rằng con người sanh ra từ Brahma tức Phạm Thiên và nhìn vào hiện tượng xã hội, có người thông minh, có người quyền thế, có thợ thuyền, công nhân và có cả người nô lệ mà từ đó, đạo Bà-la-môn đã phân định rằng người sanh ra từ miệng của Phạm Thiên thì trở thành nhà thuyết giáo, tức đạo sĩ Bà-la-môn.
Người sanh ra từ vai của Phạm Thiên sẽ là hàng vua chúa, tức Sát-đế-lợi. Người sanh ra từ bàn tay của Phạm Thiên là công nhân và nếu sanh ra từ bàn chân của Phạm Thiên sẽ là người nô lệ. Căn cứ vào sự phân định như vậy mà họ chủ trương có bốn giai cấp trong xã hội, theo thứ tự từ trên xuống là giáo sĩ Bà-la-môn, hàng vua chúa Sát-đế-lợi, hàng thợ thuyền công nhân Vệ-xá và hàng nô lệ Thủ-đà-la. Căn cứ vào sự tưởng tượng như vậy mà tạo thành bốn giai cấp trong xã hội Ấn Độ và người ta cứ theo đó mà tuân thủ.
Nhưng về sau, theo các nhà nghiên cứu lịch sử thì giống dân Aryan là thủy tổ đã từ vùng Trung Á xuống chiếm Ấn Độ và họ đưa ra thuyết Brahma là cha đẻ của loài người để phân chia bốn giai cấp, trong đó giai cấp công nhân và giai cấp nô lệ chính là dân bản xứ đã ở đất Ấn từ lâu. Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến những người Âu châu di dân đến lập nghiệp ở nước Mỹ. Họ là người thông minh và có ý chí mới dám vượt trùng dương đi khai thác vùng đất hoang sơ có mỏ vàng để làm giàu, dĩ nhiên dân bản xứ người da đỏ ở đó còn sống lạc hậu cũng đã bị đối xử hà khắc. Giống dân Aryan đến khai thác đất Ấn cũng vậy. Họ là người trí thức và nắm quyền lãnh đạo được gọi là Bà-la-môn và Sát-đế-lợi. Những người còn lại là dân bản xứ làm công nhân, thợ thuyền phục vụ cho hai tầng lớp trên, thậm chí làm nô lệ sống nghèo khổ, tủi nhục.
Đức Phật ra đời nhận thấy cách phân chia giai cấp trong xã hội như vậy mà mọi người tuân thủ, nhìn bề ngoài có vẻ như yên ổn, nhưng Thái tử Sĩ Đạt Ta nhìn xa thấy cách phân chia này không hợp lý, không thể chấp nhận việc áp đặt vô lý rằng người làm nô lệ thì đời đời con cháu họ cũng phải làm nô lệ, không thể tiến thân được, dù có tài giỏi. Còn người làm vua không có tài, không có đức nhưng vẫn trị vì thiên hạ cho đến chết và con cháu hưởng chế độ tập ấm, được tiếp nối làm vua.
Ngoài ra, theo tầm nhìn sâu rộng của Thái tử Sĩ Đạt Ta, mọi sự việc trên cuộc đời này luôn thay đổi, không thể đặt ra luật cố định rằng hai giai cấp Bà-la-môn và Sát-đế-lợi toàn quyền sinh sát hai giai cấp thợ thuyền và nô lệ; vì nếu giai cấp lãnh đạo tốt, giỏi và đáp ứng được yêu cầu chánh đáng của quần chúng thì tồn tại, nhưng nếu giai cấp này chỉ biết hưởng thụ giàu sang và chèn ép giai cấp dưới, chắc chắn họ sẽ nổi loạn, chống lại.
Thái tử Sĩ Đạt Ta nhận thấy sự phân chia bốn giai cấp xã hội như vậy và ngài cũng cho điều tra dân số của thành Ca Tỳ La vệ để biết được dân số của mỗi giai cấp chiếm bao nhiêu phần trăm. Kết quả cho thấy giai cấp Sát-đế-lợi là tầng lớp vua quan chỉ có một số nhỏ, nhưng họ lại tiêu thụ quá lớn, chiếm đến 70% tài nguyên quốc gia và giai cấp đạo sĩ Bà-la-môn chiếm 10% tài nguyên quốc gia. Chỉ còn 20% tài nguyên quốc gia chia đều cho 80% người dân thuộc hai giai cấp thấp. Khi chưa tu, Thái tử Sĩ Đạt Ta đã có tầm nhìn chính xác rằng 80% người dân làm việc nhưng họ chỉ hưởng được 20% lợi tức, còn 80% quyền lợi dành cho hai giai cấp trên hưởng và họ có toàn quyền định đoạt mọi việc. Với tình trạng phân chia hà khắc như vậy khiến dân chúng bất mãn dẫn đến việc sản xuất bị yếu kém lần, vì họ sản xuất nhưng không được hưởng.
Giai cấp vua quan Sát-đế-lợi nghĩ rằng họ ở giai cấp cao thì được quyền hưởng cuộc sống giàu sang, sung sướng, còn những người khác phải phục vụ họ. Điều này đã thể hiện rõ nét bản ngã sai lầm.
Bấy giờ, bên cạnh thành Ca Tỳ La Vệ có một quốc gia hùng mạnh đã đến cầu thân với thành Ca Tỳ La Vệ và xin gả công chúa cho vua nước họ. Lúc đó, dòng họ Sakya yếu thế, nhưng với bản ngã sai lầm, nên vẫn thấy mình mạnh, còn bên kia yếu kém, nên cho đày tớ giả làm công chúa gả cho nước kia. Và công chúa này đã sanh được hoàng tử Lưu Ly, đến khi hoàng tử lớn lên mới trở về thăm thành Ca Tỳ La Vệ là quê ngoại, nhưng hoàng tộc Sakya không ai tiếp đón ông. Ông thấy lạ, tự nghĩ mình là con cháu nhưng hoàng tộc không ai tiếp đón, mới hỏi mẹ mình. Bà nói thật rằng bà không phải là công chúa, chỉ là người thuộc giai cấp thấp cải dạng. Từ đó, hoàng tử Lưu Ly mang mối hận trong lòng, nghĩ rằng khi nào làm vua sẽ đem quân tiêu diệt dòng họ Sakya và ông đã ba lần đem quân đánh thành Ca Tỳ La Vệ. Lần thứ nhất, Đức Phật đã hiện thân cản đường vua Lưu Ly, nửa đường vua đem quân chinh phạt thì thấy Đức Phật ngồi thiền, cho nên ông sợ và quay về. Lần thứ hai, vua đi đường khác đến thành Ca Tỳ La Vệ cũng thấy Phật ngồi thiền, nên lui quân. Nhưng đến khi vua Tịnh Phạn mất và tất cả hoàng tử của dòng họ Sakya như A Nan, La Hầu La, A Nan Đà… đã được Phật độ cho xuất gia và bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề cùng với năm trăm người trong hoàng tộc cũng xuất gia. Bấy giờ, vua Lưu Ly mới đem quân đánh thành Ca Tỳ La Vệ lần thứ ba. Mọi người xin Phật ra ơn cứu dòng họ, nhưng Phật nói nghiệp quả đã thành nên không cứu được. Phật cũng đã dạy rằng một trong bốn việc mà Phật không làm được là nghiệp quả đã thành. Nghiệp chưa tới còn chuyển được. Chuyển bằng cách nào? Phật nói chuyển bằng cách những người trong hoàng tộc theo Phật tu hành trong hạnh vô ngã vị tha, phá bản ngã, không còn tham quyền thế giàu sang sẽ lên Niết-bàn. Những người chấp thân này là ta, là tài sản của ta, sở hữu của ta thì quả tới, không cứu được, phải trả quả báo; đó là bài học vô cùng quan trọng. Ở đây, sai lầm này từ tổ tông của dòng họ Sakya đã phân chia giai cấp như vậy và hành hạ người ta đến mức độ cao và bản ngã càng lớn thì tội càng lớn. Thử nghĩ xem vua Tịnh Phạn cho xây ba lâu đài thích hợp với ba mùa, ngày nay gọi là xây khu nghỉ mát. Cũng như người Pháp đến Việt Nam phát hiện ra Đà Lạt là nơi có khí hậu tốt dùng để nghỉ dưỡng tốt. Người văn minh ngày xưa cũng vậy, tìm nơi thích hợp để mùa hè không bị nóng bức, mùa đông không bị lạnh, mùa mưa không bị ẩm ướt. Tìm nơi hoàn thành khu nghỉ mát cho Thái tử Sĩ Đạt Ta làm tốn kém tiền của quốc gia và công sức của người dân, còn phải có biết bao nhiêu người phục vụ nữa; đó chính là thể hiện bản ngã quá lớn sẽ tạo nên món nợ to lớn.
Đức Phật dạy rằng sống phải cân nhắc, mình làm cho xã hội bao nhiêu và hưởng thụ bao nhiêu, đủ hay thiếu. Ta kiểm lại một ngày, nếu làm một việc ác thì ghi nhận bằng một hột đậu đen, nếu làm được một việc tốt thì tính bằng một hột đậu trắng. Một tháng kiểm xem ta làm cho cuộc đời nhiều hay nợ nhiều. Nếu tiêu thụ nhiều, nhưng sản xuất ít, cuộc sống sẽ đi xuống.
Thái tử Sĩ Đạt Ta chưa tu đã nhận ra ý này và Ngài tu hành, tìm cách giải quyết việc này. Thật vậy, giáo lý Phật dạy rằng tất cả mọi người nên điều chỉnh làm sao sản xuất và tiêu thụ cân bằng được. Sản xuất nhiều, tiêu thụ ít, thặng dư còn. Ngược lại, người tiêu thụ đông, người sản xuất ít, chắc chắn kinh tế xuống thấp. Đức Phật dạy rằng người tu từ bản ngã lớn, nhưng phước đức không đáp ứng được yêu cầu của bản ngã, nói cách khác, nhu cầu của mình lớn hơn mức cung thì phải khổ. Vì vậy, trong giáo đoàn, bước đầu tu, Phật dạy cắt bỏ bản ngã cho nhỏ lần. Tất cả vương tôn công tử ở nhà tiêu thụ nhiều, nhưng xuất gia theo Phật, Ngài chỉ cho một bình bát, một y, một ngày ăn một bữa, khất thực được nhiều thì ăn nhiều, không xin được thì tập nhịn. Tu hành tập ăn ít, tập nhịn, vì không sản xuất. Tập như vậy lần lần cái ngã của những vị này nhỏ lại, chỉ còn một bát cơm không có giá trị, vì chỉ là cơm thừa canh cặn.
Khi tôi xuất gia có duyên gặp Hòa thượng Trí Tịnh. Đầu tiên ngài dạy tôi nên cân nhắc xem mình làm được gì cho cuộc đời, hưởng nhiều coi chừng hậu vận không trả nổi. Cố giảm tiêu thụ tối đa thì Niết-bàn có liền. Tôi thấy rõ thực tế tôi xài tiết kiệm, một ca nước đủ rửa mặt. Tập sống tiết kiệm như vậy quen, đến năm 1963, tôi bị nhốt ở Tổng Tham mưu gần chùa Phổ Quang, quả tình mỗi sáng họ chỉ cho một ca nước để súc miệng, rửa mặt, cũng thấy bình thường; nhưng đối với người quen sống đầy đủ thì liền thấy khổ. Sáng họ cho nắm xôi, trưa cho một chén cơm tù. Tôi nghĩ mình tu rồi, ăn cơm tù không có gì lạ, vì xin ăn cũng là ăn cơm thừa thì cơm tù cũng vậy thôi. Tôi tìm Niết-bàn trong tù. Phật nói nửa tháng tắm một lần, nay ở tù một tuần cho tắm một lần một xô nước, tôi vẫn cảm thấy an lạc thì đây là Niết-bàn. Bấy giờ, tôi chỉ còn một tiểu ngã là còn một ca nước mỗi sáng và một tuần một xô nước. Còn những người bản ngã lớn, đại ngã thì sống sang trọng quen, rơi vô hoàn cảnh này rất khổ.
Có thể nói ngã lớn thì khổ nhiều, nghiệp sanh. Người Việt chấp ngã lớn là thường nghĩ dòng họ mình cao quý. Dòng họ Sakya xưa kia cũng vậy, nghĩ mình dòng họ vua chúa nên có ý thức mình hơn mọi người; nhưng mọi việc trên cuộc đời này không bao giờ xảy ra đúng ý mình, nên thường phải khổ. Phật dạy phải vô ngã, chấp ngã sai lầm là chấp thân này của ta và vật của ta, nên phiền não từ đây phát sanh liên tục. Người ta đấu tranh với nhau vì chấp có cái ngã nên phải bảo vệ cái ngã và có sở hữu của ngã nên bảo vệ sở hữu của ngã. Bước đầu, nghĩ thân này là ta, nên bảo vệ thân thì cái gì chống lại thân ta, ta không bằng lòng và tức giận. Thực tế cho thấy ý này. Các Phật tử thấy người tu thì chắp tay xá và nói bạch thầy. Nhưng năm 1975 thống nhất đất nước, cán bộ miền Bắc không gọi người tu là thầy, gọi bằng anh chị. Tôi được mời họp, họ gọi tôi là anh, mình cũng gọi họ là anh, như vậy là bình thường. Có thầy nghe gọi anh thì cảm thấy buồn, vì chấp ngã mình là thầy, nên kêu anh không được. Phật dạy chúng ta tu hành vô ngã thì tùy duyên sanh, ở hoàn cảnh này, người ta gọi bằng thầy, nhưng ở hoàn cảnh khác, gọi bằng anh, thậm chí ở hoàn cảnh gọi bằng thằng cũng được. Năm 1963, tôi bị nhốt cạnh thầy Tâm Giác. Ông quản trại thấy thầy Tâm Giác nói chuyện với tôi thì bảo rằng thằng lớn nói với thằng nhỏ và hỏi thằng lớn nói với mày cái gì. Tôi nhớ Phật dạy vô ngã, thời gian trước mình là thầy, nay là thằng tù, phải thấy nhân duyên như vậy.
Trên bước đường tu, phải nhìn thực tế chung quanh để biết mình là gì và sống thích hợp với hoàn cảnh thì được an lạc. Trước giàu sang quyền thế, nay sống khổ thấy khó chịu. Người tu có trí tuệ quán sát biết giống Phật là biết trước kia dòng họ Sakya tốt nên được hưởng phước, nhưng hết phước, phải chịu khổ. Vì vậy, trong bài sám Pháp hoa, tôi nói rằng chưa vào địa ngục, phải nhận ra sai lầm. Nói cách khác, còn cứu kịp là nghiệp chưa thành, quả chưa thành thì còn cứu được, nhưng nếu đã vào địa ngục thì phải chấp nhận quả báo này.
Niết-bàn trong đạo Phật là vô ngã, tức triệt tiêu tất cả ngã, ta không là gì thì cuộc đời có đối xử như thế nào, ta cũng dễ dàng chấp nhận, chắc chắn sẽ được an lạc. Và có trí tuệ, nhìn xa hơn sẽ nhận ra tất cả mọi sự việc đều diễn tiến theo luật nhân quả. Vì vậy, Phật khuyên chúng ta tạo nhân tốt, chắc chắn có quả lành; đừng tạo nhân ác. Người chấp ngã luôn luôn tạo nghiệp ác, nên quả xấu tới làm họ hết khổ này đến khổ khác và khổ sau luôn cao hơn khổ trước.
Đức Phật sanh làm thái tử có sức mạnh phi thường, thông minh cực điểm, ngoại hình mà ai cũng thích nhìn, đó là công đức có được do tu tạo từ kiếp quá khứ. Thật vậy, Đức Phật thành đạo ở cội bồ-đề, Ngài quán sát nhân duyên một trăm kiếp đã tu và nay quả đã tới, không phải tự nhiên có. Tụng kinhPháp hoa, phẩm Bồ-tát Tùng địa dũng xuất thứ 15, chúng ta thấy vô số Bồ-tát bỗng nhiên xuất hiện. Phật cho biết những vị này do Ngài giáo hóa, tức do nhân tu trước, trải qua một trăm kiếp, Ngài tu Bồ-tát đạo mới có được thành quả tốt đẹp viên mãn này. Trong kinh thường nhắc rằng Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, thông minh tuyệt đỉnh và sức mạnh phi thường là vì trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp tu hạnh Thanh văn và Bồ-tát.
Đức Phật cho biết Ngài độ Kiều Trần Như đời này đắc quả A-la-hán, vì xưa kia, Phật hành Bồ-tát đạo, là Tiên nhân Sằn Đề tu hạnh nhẫn nhục ở trên núi. Lúc đó, Kiều Trần Như là Ca Lợi vương, ông vua tàn ác. Ngài tu hạnh nhẫn nhục và hảo tướng hiện, khiến những cung phi mỹ nữ thấy Tiên nhân mặc áo vỏ cây, nhưng có đạo lực đáng kính trọng, mới tìm đến nghe pháp. Ca Lợi vương khởi tâm ganh tỵ, nói rằng ông này tu hành nhưng dụ dỗ cung phi mỹ nữ, nên xử lăng trì là lóc thịt từng miếng cho chết dần chết mòn. Nhưng khi cắt hết thịt mà trái tim của Tiên nhân vẫn đập nhịp bình thường, vì ông đang trụ vô ngã, tức thân không phải của mình, nên không bị đau, không bị khổ, bị giết cũng không quan tâm.
Ca Lợi vương hành hạ Sằn Đề Tiên nhân như vậy, nhưng ông vẫn thanh thản, khiến cho vua cảm thấy hối hận. Và Tiên nhân còn nói rằng sau khi ta thành đạo, người đầu tiên mà ta độ phải là ông. Ca Lợi vương thức tỉnh, từ đó kiếp nào cũng tu khổ hạnh. Từ hạnh tu nhẫn nhục của Đức Phật khi còn hành Bồ-tát đạo từ kiếp quá khứ dẫn đến hiện tại, năm anh em Kiều Trần Như có duyên đó mới được Phật độ và họ phát tâm tu theo Phật.
Trên bước đường tập tu theo Phật, ta bỏ nghiệp ác, bỏ bản ngã. Tất cả những gì không bằng lòng là ác nghiệp thì mình bỏ lần và nhờ người giúp để mình bỏ. Được người kính trọng thì ta dễ tăng bản ngã. Họ chà đạp, nhưng ta không oán hận là cái ngã hết. Sằn Đề nhờ Ca Lợi cắt thịt, nhưng không giận, không buồn, lại nghĩ nhờ vậy mà ngài mau chứng quả Vô thượng Bồ-đề.
Quý vị tập vô ngã, cần chạm trán với thử thách, nếu không có thử thách, không biết mình tu đến đâu. Khi được người quý trọng, biết mình đã làm từng làm việc tốt cho họ. Nếu gặp sự xử tệ, tự biết mình đang rơi vô hoàn cảnh xấu, vui vẻ trả quả báo. Không có thử thách, không biết mức độ tu hành của mình đến đâu, hay vô ma khảo thì không thành đại đạo. Trên cuộc đời này, không có chướng duyên, không có hiểm nguy thì biết ai là người tốt. Gặp việc đáng buồn, đáng giận, đáng ham muốn, nhưng ta không buồn giận, không ham muốn, mới biết mình đã vượt ngoài cuộc đời.
Chấp ngã sai lầm dẫn đến kết quả ta không được gì, chỉ khổ mà thôi. Bỏ cái ngã, trở lại thực tế, lấy cuộc đời này làm gương soi bóng cho mình. Người nhìn ta, nói với ta và xử sự với ta như thế nào thì tự biết ta là gì. Họ tốt với ta, nên nỗ lực làm tốt hơn. Họ xấu với ta, hoan hỷ trả quả báo xấu đã gieo trồng và nguyện không làm việc xấu. Tất cả nghiệp ác chúng ta trả lần đến hết và nghiệp thiện đã có thì tăng trưởng, chưa có phải tạo dựng, đó là con đường Bồ-tát đạo mà Đức Phật Thích Ca đã thể nghiệm qua một trăm kiếp mới thành tựu quả vị Vô thượng Bồ-đề và chúng ta phát nguyện làm theo Ngài cho đến ngày viên mãn Bồ-tát hạnh, đến quả Vô thượng giác. Cầu mong tất cả đệ tử Phật luôn được an lạc trên bước đường tu.
HT.Thích Trí Quảng
Theo GNO