Những nỗi khổ của con người
Danh từ KHỔ của đạo Phật không chỉ có nghĩa là “đau khổ”, “khổ não”, “phiền muộn”, “khổ cực”… mà nó còn bao hàm những khái niệm sâu hơn như: “không hoàn thiện” “vô thường” , “xung đột”, “trống rỗng”, “không bản chất”. Khổ: tiếng Pali = dukkha, tiếng Phạn = duhkha. Trái với từ sukha = hạnh phúc, thoải mái, an lạc. Giáo lý đạo Phật trình bày Khổ có Tam khổ, Bát khổ:
TAM KHỔ:
- Khổ khổ: Bên trong sanh già bệnh chết, lại còn thọ thêm khổ bên ngoài như nắng mưa, nóng lạnh, tai nạn…
– Họai khổ: Vạn pháp vô thường, nay còn mai mất, niềm vui chỉ trong chốc lát. Sự thay đổi: trẻ già, sống chết, vui buồn, giàu nghèo, địa vị, mất địa vị…
– Hành khổ: Sự chuyển biến từng sát na (tích tắc) cho căn trần là thật, chấp ngã, chấp pháp. Nếu phân tích cái mà chúng sanh gọi “thực thể” “cá nhân” “cái tôi” theo triết học Phật giáo đó chỉ là sự kết hợp các lực hay các năng lực vật chất hay tinh thần. Gọi là năm mối ràng buộc (ngũ uẩn).
Chính bản thân ngũ uẩn là đau khổ, không phải hai cái khác nhau.
BÁT KHỔ:
- Sanh: Từ khi nằm trong bụng mẹ cho đến suốt cả cuộc đời, con người phải chịu bao nhiêu khổ sở.
– Già: Trẻ thì mạnh khỏe, già thì yếu đuối, tóc bạc, da nhăn, mắt lòa, tai điếc…
– Bệnh: Con người phải chịu bao nhiêu bệnh tật hành hạ suốt đời, không bệnh này thì bệnh nọ, nhất là các bệnh nan y.
– Chết: Là mối lo nhất của con ngưòi, lúc gần chết con người lo âu sợ sệt, không biết thần thức sẽ đi về đâu? Nhất là người trọn đời làm ác, không làm việc thiện, như người sắp đi xa mà không có lộ phí.
– Ái biệt ly khổ: Thương nhau mà phải xa lìa.
– Oán tăng hội khổ: Ghét nhau mà phải gần gũi như trường hợp vợ chồng ly thân.
– Cầu bất đắc khổ: Mọi sự ước mơ đều không thành tựu như ý.
– Ngũ uẩn xí thạnh khổ: Khi một uẩn trong năm thứ: sắc (cơ thể), thọ (cảm giác), tưởng (tri giác), hành (các hình thái tinh thần), thức (nhận thức) mạnh lên không bình thường thì làm cho con người đau khổ. Ví dụ: khi sắc uẩn thịnh thì thân hình mập phì. Thọ uẩn thịnh = sầu tư quá vì nợ đòi, hoặc vui sướng quá khi trúng số, thi đậu, được ra tù…
Khổ qua thơ và ca dao Việt Nam:
“Ôi ái ân không trọn vẹn,
Thương nhau mà phải xa lìa. – ái biệt ly.
Hy vọng thành công lại không đạt. – cầu bất đắc.
Ghét nhau mà vẫn phải sum vầy.” – oán tăng hội.
“Yêu nhau sao chẳng được gần nhau.
Ly biệt gây nên lắm hận sầu. – ái biệt ly.
Ghét nhau sao cứ lại gần nhau,
Giáp mặt người thù lắm khổ đau. – oán tăng hội.
Công danh phú quý với tình yêu,
Mong muốn cầu xin, khó toại nguyền.”- cầu bất đắc.
“Thoạt mới sinh, miệng đà khóc thé,
Đời có vui sao chẳng cười khì?”
(Nguyễn Công Trứ)
“Trắng răng đến kẻ bạc đầu,
Đều mang tiếng khóc ban đầu mà ra.”
(Ôn Như Hầu)
- “Mênh mông bể khổ tơi bời sóng,
Những chiếc thuyền con mãi lướt xông…
Xuôi ngược, ngược xuôi, đồng cảnh ngộ,
Vẫn sầu, vẫn thảm, vẫn long đong…”
- “Xin thú thật, giữa đêm trường con khóc.
Nước mắt con sao lai láng chảy hoài.
Nước mắt con sao mãi mãi không vơi.
Sao vẫn thấy cuộc đời cô độc quá !”
- “Trời sao trời ở không cân,
Kẻ ăn không hết người lần không ra.
Người thì mớ bảy, mớ ba,
Người thì áo rách như là áo tơi.”
- “Bốn bề công nợ eo sèo,
Chỉ vì một nỗi tội nghèo mà thôi.
Tôi làm tôi chẳng có chơi,
Nghèo đâu nghèo mãi, trời ơi hỡi trời !”
- “Van nợ lắm khi trào nước mắt
Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi.”
(Trần Tế Xương)
- “Giàu từ trong trứng giàu ra,
Khó từ ngã bảy, ngã ba khó về”.
- “Khổ như tôi, mới là thậm khổ,
Lên non đốn củi, đụng chỗ đốn rồi,
Xuống sông gánh nước, gặp chỗ cát bồi, sông khô.”
- “Cây khô xuống nước cũng khô,
Phận nghèo đi đến nơi mô cũng nghèo.”
- “Gánh cực mà đổ lên non,
Cong lưng mà chạy, cực còn theo sau.”
Nỗi khổ da diết nhất của con người có lẽ là Ái biệt ly khổ:
- “Một thương, hai nhớ, ba trông,
Bốn chờ, năm đợi, sáu mong kết nguyền.”
- “Nhớ ai bổi hổi bồi hồi,
Như đứng trong lửa, như ngồi đống rơm.”
- “Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ,
Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai.”
- “Xa chi mà xa oan xa ức,
Xa tức, xa tối, xa tội lỗi lắm ông trời,
Xa lời ăn tiếng nói, chỗ đứng ngồi cũng xa.”
- “Mong ngưòi chẳng thấy người sang,
Ngày ngày ra đứng cổng làng ngóng trông.
Con đường xa tít bên sông,
Bóng chiều đã xế mà không thấy người.”
- “Một đêm là mấy trống canh,
Ngủ đi thì nhớ, trở mình lại thương.
Ruột tằm bối rối tơ vương,
Rằng ai để nhớ, để thương trong lòng.”
- “Anh ở trên ni vừa thương vừa nhớ,
Em ở dưới nớ vừa cảm vừa sầu,
Biết răng chừ gặp mặt được nhau,
Để đêm khuya thanh vắng, phân giải mấy câu ân tình”.
- “Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội,
Người xa người tội lắm người ơi !
Chẳng thà không biết thì thôi,
Biết rồi, một đứa mỗi nơi sao đành”.
- “Đôi ta thương chắc mần ri.
Cha mẹ mần rứa,
Anh thì mần răng ?”
- “Nhớ chồng thắt đau từng đoạn ruột,
Nhìn con suối lệ cứ tuôn tràn.”
Kết luận cho chúng ta thấy Khổ là kết quả của bao tội lỗi phiền não của chúng sanh gây nên, đồng thời nó cũng là nguyên nhân để chúng sanh phát tâm tu hành. Như các cõi trời vì quá sung sướng, nên chúng sanh các cõi ấy mê theo dục lạc, để rồi khi hết phước báo lại đọa lạc sanh hồi sinh tử. Nên trong kinh có câu: “Thập phương ba đời chư Phật đều lấy tám thứ khổ làm thầy”.
Thích Minh Chiếu