Thất tình lục dục
>> Thoát khỏi lo âu phiền muộn
>> Tu cái miệng là tu hơn nửa đời người
Thất tình lục dục, là bảy thứ tình cảm biểu lộ ra bên ngoài và sáu việc ham muốn của con người gồm chung trong câu nói ngắn gọn là “thất tình lục dục”.
1. Thất tình:
Bảy thứ tình cảm mà mỗi chúng ta đều có như: Vui mừng, giận dữ, buồn bã, vui vẻ, yêu thương, ghét và ham muốn hay nói cách khác là hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố và dục vậy.
Bảy trạng thái tâm lý nầy luôn luôn tiềm ẩn ở nơi tâm thức chúng ta, hễ khi nào gặp một cơ hội thuận tiện, tự nhiên cái tình cảm ấy sẽ hiện nguyên ra bên ngoài như bộc lộ ra nơi nét mặt hay nơi cử chỉ, trong lời nói v.v… Như khi vui, người ta có bộ mặt tươi tắn, lúc buồn mặt ủ dột, lạnh nhạt. Còn giận thì mặt tái mét, xanh xao; yêu thương mặt đỏ, nóng bừng v.v…
Một trong 7 thứ tình cảm trên thái quá cũng khiến cho tâm sinh lý con người xáo trộn mất quân bình và gây ra những hành động thiếu ý thức và tai hại. Để đối trị lại với thất tình, Phật giáo đưa ra Thất-giác-chi tức là 7 điều hiểu biết đúng đắn là: Chọn lựa phương pháp, chuyên cần, mừng vui, nhẹ nhàng, suy nghĩ, định tĩnh tâm thức và xã bỏ những ý tưởng thấp hèn.
2. Lục dục:
Là 6 điều ham muốn đã trở thành thói quen khó sửa đổi:
- Sắc dục: Thấy các sắc xanh, vàng, đỏ, trắng và hình sắc nam nữ rồi tham đắm vào đó.
- Hình mạo dục: Thấy hình dung đoan chánh, tướng mạo tốt đẹp mà sanh lòng tham đắm.
- Uy nghi tư thái dục: Thấy tướng đi, đứng, nằm ngồi, nói cười mà sanh lòng ái nhiễm.
- Ngữ ngôn âm thanh dục: Nghe tiếng nói trau chuốt êm ái thích ý vừa lòng, giọng ca lảnh lót, tiếng nói dịu dàng mà sanh lòng yêu mến.
- Tế hoạt dục: Thấy da thịt của nam nữ mịn màng, trơn láng mà sanh lòng yêu mến.
- Nhân tượng dục: Thấy hình nam nữ dễ thương mà sanh lòng đắm trước.
Thế gian là giả huyễn, vô thường, vô ngã, sanh sanh diệt diệt. Khi nhân duyên hòa hợp thì vạn pháp sanh và khi nhân duyên tan rã thì vạn pháp diệt cho nên tuy vạn pháp sanh sanh diệt diệt, diệt diệt sanh sanh mà chúng ta vẫn luôn luôn tự tại trước sự sanh diệt, diệt sanh nầy. Nếu biết áp dụng huyền nghĩa của đoạn kinh nầy vào trong cuộc sống, con người sẽ không còn chấp Tướng tức là chấp vào hình sắc, âm thanh, ngôn ngữ, lời nói, văn tự…thì cuộc sống sẽ an vui tự tại, không còn ràng buộc khổ đau. Nếu không chấp vào hình tướng thì con người sẽ không còn quan trọng đến nhà sang, xe đẹp, áo lụa quần là, se sua chưng diện xa hoa…mà chỉ cần đứng đắn chỉnh tề, tâm tư thanh thoát và ung dung tự tại. Nếu không chấp âm thanh, lời nói, văn tự vì chúng là giả huyễn, là sinh diệt thì con người sẽ dững dưng trước lời khen tiếng chê và xem những tiếng thị phi như gió thoảng ngoài tai mà hướng tâm thanh tịnh để thấy rằng:”Nhất thế sắc giai thị Phật sắc, nhất thế thanh giai thị Phật thanh” nghĩa là nếu có tâm thanh tịnh thì tất cả hình tướng đều là hình tướng Phật và tất cả âm thanh đều là âm thanh Phật.
Thất tình lục dục ví như những cục nam châm lúc nào cũng muốn hút con người vào trong quỷ đạo đam mê tham đắm sắc dục mà không có lối thoát. Bây giờ có Tỉnh thức Chánh niệm thì tâm liền bừng sáng nên sống với tánh giác thanh tịnh của mình. Một khi tâm đã thanh tịnh thì cũng cái thế giới mà người đời gọi là “thất tình lục dục” đó, nhưng đối với ta thì bình yên thanh thản, không còn cái gì quyến rũ nữa.
Những mong muốn tìm cầu được thỏa mãn là vị ngọt, thích một thứ âm thanh, một loại nhạc nào đó mà nghe được nó là thỏa mãn, sự thỏa mãn đó chính là vị ngọt của dục lạc, là cái đã đáp ứng được cho lòng ham muốn, làm cho người ta cảm thấy hạnh phúc khi vừa mới đạt được. Bản tính của dục lạc là không bao giờ được thỏa mãn.
Từ ham muốn này đến ham muốn khác nên con người không bao giờ dừng lại ở cái gọi là hạnh phúc. Vì khi sự khao khát mong muốn vừa mới đạt được, vừa mới chớm thấy hạnh phúc, con người lại thấy tham muốn cái khác, cái cao hơn và cao hơn nữa. Chưa bao giờ lòng dục, lòng tham về dục lạc có một điểm dừng vì vậy mà tạo nên một trạng thái bức bách, khát khao không bao giờ được bình yên. Nói thế thì dục lạc chỉ là cái vui tạm bợ, nhất thời và thường đưa đẩy chúng sinh lún sâu vào vòng sinh tử triền miên. Chính Đức Phật cũng thừa nhận rằng dục lạc là một sự thật có mặt ở thế gian, dục lạc ấy cũng đem đến hạnh phúc, đem đến sự khả ái, khả lạc, sự thỏa mãn cho con người nghĩa là Ngài cũng thừa nhận niềm vui của dục, công nhận nó có vị ngọt, làm quyến rũ con người. Nói khác đi, Ngài vẫn thấy rằng sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc êm dịu có vị ngọt làm say đắm lòng người. Nhưng đó chỉ là một khía cạnh bên ngoài, còn khía cánh tâm lý sâu xa hơn bên trong là bất cứ hiện tượng dục lạc nào cũng đều dẫn đến khổ đau.
Cho dù bạn có ham thích bất cứ thứ gì trên thế gian này thì sự đam mê này sẽ thay đổi bởi vì bất cứ vật gì rồi cũng sẽ bị thời gian vô thường thay đổi, biến hoại. Muốn đạt được hạnh phúc, thỏa mãn dục lạc, con người phải ra sức tìm cầu, phải tạo dựng để gặt hái kết quả. Con người cần có nhà đẹp, xe tốt, nhiều tiền, danh vọng, ăn ngon, mặt đẹp . . . nên phải cố gắng làm lụng vất vã, chịu đủ sự khổ đau nhọc nhằn đến với bản thân như ốm đau bệnh tật, chịu đựng nắng gió, mưa lạnh và vô số chướng ngại khác để đạt được mục tiêu, có khi còn phương hại đến cả tính mạng.
Vì lý do này hay lý do khác, con người không ngừng cố công tìm cầu nhằm thỏa mãn cái mà người ta gọi là “giá trị của cuộc sống”. Nhưng cuộc sống thì không đứng yên, giá trị cuộc sống mà con người quan niệm thay đổi từng giây, từng phút. Cái giá trí của ngày hôm qua thì hôm nay đã bị thay thế bằng một cái khác, giá trị hơn. Cuộc tìm cầu “giá trị của cuộc sống” cứ xoay quanh lẩn quẩn, xem ra không có lối thoát. Nhưng rồi con quỷ vô thường không tha cho một ai cả, những gì con người trân quý thì cũng không nắm giữ nó mãi.
Con người sẽ khổ đau khi tài sản, hạnh phúc tan rã, cuộc sống gặp trắc trở rủi ro. Họ sẽ buồn khóc, than trời, trách đất và thái độ tiêu cực đó chỉ mang lại cho bản thân họ thêm khổ đau vướng mắc. Vì thế Đức Phật dạy rằng “Này các Tỳ kheo, nếu thiện nam tử ấy nỗ lực như vậy, tinh cần như vậy, tinh tấn như vậy mà tài sản ấy không đến tay mình, vị ấy than vãn, buồn phiền khóc than, đấm ngực mê man bất tĩnh: ‘ôi! sự nỗ lực của ta thật sự vô ích, sự tinh cần của ta thật sự không có kết quả’. Này các tỳ kheo, như vậy là sự nguy hiểm của các dục”.
Nhưng làm thế nào để thoát khỏi khổ ách?
Tuy Bát Nhã Tâm Kinh chỉ vỏn vẹn có 260 chữ, nhưng quan trọng nhất của Tâm Kinh vẫn nằm ở câu đầu: “Quán tự tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thế khổ ách”. Đoạn kinh Bát Nhã này chú trọng đến vấn đề thoát khổ.
Con người sẽ thoát khổ, theo Bát-nhã, khi thực hành trí tuệ Bát-nhã sâu xa soi rọi rõ ngũ uẩn là Vô ngã tức là Không. Thấy biết ngũ uẩn là Vô ngã là thấy biết tất cả các pháp là Vô ngã nghĩa là khổ là Vô ngã và người cảm thọ khổ cũng là Vô ngã, bởi cả hai đều là duyên sinh. Như thế rõ ràng, không thực có khổ, cũng không thực có cái gọi là con người thọ khổ, thì hẳn là không còn có một thứ khổ ách nào ràng buộc cả.
Quan trọng nhất là chúng sinh thấy rõ ngũ uẩn là Vô ngã thì không còn chấp thủ ngũ uẩn là mình, là của mình, hay là tự ngã của mình nghĩa là thân này không phải là Ta, là của Ta và thế gian vạn vật cũng không phải là của Ta. Chấp thủ diệt thì ái diệt, khổ diệt. Đấy là ngõ vào giải thoát.
Sưu tầm