Ấn tượng Sắc Tứ Thiên Ân tự - nơi Bồ tát Thích Quảng Đức ẩn tu
Cổng Tam quan Sắc Tứ Thiên Ân tự nới Bồ tát Quảng Đức ẩn tu
Thiên tường hưng thịnh, đạo tại thế năng hằng tịnh niệm, thiên thu tăng củng cố,
Ân triêm Phước Thuận, quả do nhân nhi khởi thiền môn, vạn cổ vĩnh trang nghiêm.
Vượt hơn 40 km đường bộ, chiếc xe ô tô 7 chỗ từ thành phố Nha Trang theo đường Quốc lộ 1 hướng Nam Bắc Nha Trang - Ninh Hòa, xe qua đèo Bánh Ít (Ninh Hòa) rẽ phía tay trái đi về hướng Tây Bắc, theo hương lộ xã Ninh Đông, qua cổng thôn Văn hóa Phước Thuận là đến chùa Sắc Tứ Thiên Ân.
Chùa Sắc Tứ Thiên Ân, nằm ẩn minh dưới những tàng cây um tùm bao phủ chung quanh. Chùa do Tổ Thiên Phước, húy thượng Chương hạ Chí, tự Thiên Phước hiệu Bửu Tịnh, thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh, đời thứ 38, hệ thứ 5 của Tổ Minh Hải- Pháp Bảo. Ngài thế danh Huỳnh Văn Dự, sinh năm Ất Hợi (1755) quê quán làng Phú Vinh, phủ Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngài xuất gia hành đạo tại quê nhà, sau vào phủ Tân Định, tỉnh Khánh Hòa, đến xã Phước Thuận, tổng Phước Khiêm khai sơn sáng lập chùa Thiên Ân vào khoảng năm 1802.
Chánh điện Sắc Tứ Thiên Ân tự, Phước Thuận, Ninh Đông, Ninh Hòa
Chùa Thiên Ân, nằm về phía Tây Bắc thôn Phước Thuận, dọc tả ngạn sông Chò, dòng sông mang phù sa màu mỡ và nước tưới cho đồng ruộng Phước Thuận. Sắc Tứ Thiên Ân tự Đông giáp tư thổ viên gia Cao Bồ, tư điền Nguyễn Chức, Nguyễn Cương, Đặng Bổn và thổ mộ chùa. Tây giáp sông Chò, hạ lưu sông Đá Bàn, chảy xuông sông Lốt, chảy về sông Dinh Ninh Hòa. Nam giáp tư thổ Nguyễn Đẹt và Nguyễn Khao. Bắc giáp tư điền Nguyễn Cương, Cao Tuyền và tư thổ Nguyễn Quận. Chùa tọa lạc trên sở ruộng đất thứ nhất: 5 mẫu 9 sào 12 thước ta (trong 3 sở ruộng đất của chùa, diện tích tất cả 9 mẫu 6 sào 3 thước ta, trong đó sở thứ hai là 2 mẫu 5 sào 10 thước ta, sở thứ ba là 1 mẫu 11 thước ta theo các văn kiện sơ đồ hồ sơ gốc từ trước năm 1975 còn lư lại).
Đại hùng Bảo điện chùa Sắc Tứ Thiên Ân
Tháp tổ khai sơn Bửu Tịnh
Năm 1825, dưới thời vua Minh Mạng năm thứ 6, nhà vua tổ chức đại lễ siêu độ Thuỷ Lục Đạo Tràng tại kinh đô Huế. Các vị danh tăng trong nước được vua mời về kinh dự hội. Tổ Bửu Tịnh là một trong những vị danh tăng thạc đức của Khánh Hòa được vua mời tham dự. Khi trở về Tổ được vua sắc phong Giới đao Độ Điệp. (Hộp đựng Giới đao Độ Điệp hiện đang thờ tại bàn Tổ chùa Sắc Tứ Thiên Ân)
Sau gần 30 năm khai sơn kiến lập gắn bó với chùa, Tổ Bửu Tịnh viên tịch vào ngày mùng 5 tháng 8 năm Bính Tuất (1826), trụ trì 24 năm, thọ thế 72 tuổi. Long vị còn thờ tại bàn Tổ. Hiện ngôi tháp Tổ Khai sơn tôn trí tại phía Đông, trong khu thổ mộ của chùa.
Đại Hồng Chung cổ
Từ năm 1926 đến năm Ngài Đại sư Chơn Truyền viên tịch 73 năm. Khoảng thời gian này quá lâu mà không thầy long vị của Tổ kế tiếp, chắc lúc chôn giấu, một số long vị bị thất lạc chăng? Chỉ nghe các cụ hào lão kể lại, có Thầy Dị, Thầy Côn ở chùa trông coi sửa sang và hướng dẫn phật tử tu học.
Kế thừa trụ trì chùa Thiên Ân: Đại sư Chơn Truyền, tự Đạo Thọ, hiệu Pháp Thuận, đời thứ 40, tông Lâm Tế Chúc Thánh, sinh năm Giáp Dần (1854), viên tịch ngày 25/4 năm Kỷ Hợi (1899) Long vị hiện còn thờ tại bàn Tổ.
Nối tiếp trụ trì chùa Thiên Ân là là Đại sư Hoằng Kim, húy thượng Trừng hạ Tấn đời thứ 42, tông Lâm Tế Liễu Quán. Ngài có công vận động quyên góp đại trùng tu chùa Thiên Ân lần thứ nhất và đúc Đại Hồng Chung vào năm Khải Định năm thứ 4, Đại Hồng Chung nay là pháp bảo cổ quý còn lưu giữ tại chùa. Tổ còn vận động phật tử làm công ích xã hội như năm Ất Mão (1915) làm Cầu Ké (cầu làm bằng gỗ cây Ké) bắt qua mương khai đi về chợ Ninh Hòa, cầu ông Ngỗng bắt qua mương Văn Định đi sang thôn Nội Mỹ. Tổ Hoằng Kim trụ trì 20 năm, căn cứ Long vị hiện thờ tại bàn Tổ Ngài viên tịch ngày 08 tháng 4 năm Kỷ Mùi (1919).
Năm 1919, Đại sư Nhơn Gia húy thượng Trừng hạ Vinh, đời thứ 42 tông Lâm Tế Liễu Quán, trụ trì từ năm 1919 đến năm 1930 thì lâm bệnh và già yếu. Đại sư đã cùng bổn đạo phật tử cung thỉnh Hòa thượng Thích Quảng Đức, trụ trì chùa Thiên Bửu (thôn Điềm Tịnh, Ninh Phụng) về kế thế trụ trì. Tổ Nhơn Gia xin lui về Cốc phía sau chùa để tịnh tu. Ba năm sau Ngài viên tịch vào ngày 06 tháng 9 năm Quý Dậu (1933).
Năm 1930, Hòa thượng Thích Quảng Đức thừa kế trụ trì. Ngài trụ trì chùa Thiên Ân từ năm 1930 đến năm 1945, vì thế phật tử ở Ninh Hòa gọi Bồ tát Quảng Đức là Hòa thượng Phước Thuận (trụ trì chùa làng Phước Thuận), hoặc Hòa thượng Thiên Ân (trụ trì chùa Sắc Tứ Thiên Ân). HT.Thích Quảng Đức thuộc tông Lâm Tế Chúc Thánh, đời thứ 42, Ngài húy thượng Thị hạ Thủy, tự Hành Pháp, hiệu Nhơn Tri Quảng Đức. Ngài sinh năm Đinh Dậu (1897) tại Vạn Ninh, Khánh Hòa. Trong thời gian trụ trì, Ngài trùng tu chùa Thiên Ân, (trùng tu lần thư hai) xây dựng cổng Tam quan, tạo cảnh quang, phạm vũ huy hoàng. Hòa thượng mở lớp đào tạo Tăng chúng. Có khoảng 20 tu sĩ theo học trong đó có Hòa thượng Thích Hạnh Hải…, phật tử tại gia về Quy y và hộ pháp ngày càng đông. Năm 1936, Hòa thượng Thích Quảng Đức phát nguyện nhập thất tại chùa Thiên Ân, tịnh tâm, tịnh khẩu trong 100 ngày. Thời gian này có Đại lão Hòa thượng Thích Phước Huệ (Hải Đức) về chùa Thiên Ân trao đổi phật sự. Sau khi ra thất Ngài nhận giữ chức Kiểm Tăng tỉnh Giáo hội Phật giáo Khánh Hòa và Chứng minh Đạo sư Chi hội Phật giáo Ninh Hòa.
Năm Bảo Đại thứ 13 (1937), Hòa thượng Thích Quảng Đức gởi đơn xin vua phong sắc tứ cho chùa Thiên Ân. Khi tiếp nhận đơn, vua bí mật cử người đến xin vào hàng ngũ Tăng chúng làm đệ tử Ngài, theo dõi thật hư. Năm 1938 người của vua mới thố lộ sự việc và cũng trong năm ấy Lễ rước Sắc tứ được tổ chức trang nghiêm bằng xe kéo và xe ngựa, làm chay ba ngày đêm, trong đêm làm chay cọp đã về chùa lạy Phật, mọi người rất ngạc nhiên, việc chưa từng thấy! Thật đúng là “Cọp Khánh Hòa…”. Hòa thượng Thích Quảng Đức trụ trì chùa Sắc Tứ Thiên Ân nhưng còn kiêm nhiệm trụ trì, hay cố vấn những ngôi chùa khác như Tổ đình Linh Sơn (Vạn Ninh), chùa Thiên Tứ, chùa Sắc Tứ Thiên Lộc, chùa Pháp Hải…Ngài thường hướng dẫn bổn đạo đi làm công quả nhiều nơi.
Bia tưởng niệm Bồ tát Quảng Đức tại Sắc Tứ Thiên Ân
Trong những năm 1937 đến năm 1943, Hòa thượng Thích Quảng Đức cử đệ tử là Đại sư Đồng Trí (Thủ Thiên) trụ trì chùa Thiên Lộc và tri sự chùa Thiên Tứ. Năm 1943 trước khi lên đường vào Nam hành đạo Ngài đã gọi Đại sư Đồng Trí (Thủ Thiên) về trụ trì chùa Sắc tứ Thiên Ân, rồi Ngài lên đường vân du hành đạo.
Năm 1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã vị pháp thiêu thân ngày 20 tháng 4 nhuần năm Quý Mão (11.6.1963) tại thành phố Sài Gòn, cứu Phật giáo miền Nam vượt qua thời kỳ pháp nạn.
Năm 1943, vâng lệnh Bổn sư, Đại sư Thích Đồng Trí (Thủ Thiên) trụ trì chùa Sắc Tứ Thiên Ân từ năm 1943 đến năm 1949. Ngài trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp làm cơ sở mật liên lạc Việt Minh với thế danh Đỗ Chánh. Từ tháng 10 đến tháng 11 năm 1945, chính quyền cách mạng mượn vườn chùa, nhà sau để làm phòng mổ, cấp cứu thương binh nặng và nhà Đông để nằm tạm hồi sức, rồi đưa thương bệnh binh ra nhà dân ở, nhờ nhân dân chăm sóc nuôi dưỡng, cho nên nơi đây được gọi là “Bệnh viên dã chiến hậu phương” của Mặt trận Ninh Hòa và Buôn Mê Thuột.
Chùa Sắc Tứ Thiên Ân (Phước Thuận) rất tự hào chùa là địa điểm bầu cử Quốc hội khóa I, nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa vào ngày 06-01-1946. Chính quyền cách mạng đã mượn gian nhà Đông của chùa để đơn vị bầu cử làm văn phòng, sân chùa là nơi đặt thùng phiếu, để cử tri đến bỏ phiếu.
Ngày 19/12/1946 hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, do Hồ Chủ tịch kêu gọi với khẩu hiệu “Vườn không nhà trống”, “Tiêu thổ kháng chiến”. Một số hộ dân là phật tử có nhà xây, chùa, đình miếu, trường học…nhân dân đã tự nguyện dỡ bỏ, phá sập, không để giặc lợi dụng làm đồn, bót khủng bố đồng bào. Chùa đã chặt cây Dầu Rái cổ thụ trên 300 năm, trước sân chùa, vì sợ Pháp đến làm chòi canh gác. Tháng 8 năm 1948, giặc Pháp đóng đồn tại làng Phước Thuận, chúng đã thu toàn bộ cây, gỗ, gạch, ngói cũ của các nhà dân cũng như chùa, đình, miếu, trường học…đem về xây công sự. Sắc Tứ Thiên Ân tự (Phước Thuận) cũng chịu chung số phận. Thầy Đồng Trí (Thủ Thiên) và bổn đạo đem từ khí, pháp khí của chùa chôn giấu chung quanh vườn chùa, hy vọng sau chiến tranh sẽ tìm lại. Bấy giờ chùa Sắc Tứ Thiên Ân chỉ còn là đống gạch vụn.
Năm 1950, hoạt động của Thầy Đồng Trí (Thủ Thiên) bị bại lộ, giặc Pháp bắt Thầy đem về đồn Phước Thuận đánh đập, tra tấn dã man, thương tích quá nặng. Khi được thả về, ba ngày sau Ngài viên tịch ngày 29.2.Tân Mão (1951). Lúc bấy giờ Ngài mới 45 tuổi. Ghi nhớ công ơn của Ngài, Nhà nước Việt Nam đã công nhận Thầy Đồng Trí (Thủ Thiên) là liệt sĩ và tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng nhất số 399 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký ngày 10-7-1987. Bằng liệt sĩ và phụ cấp được gia đình thân nhân là Đặng Thị Hộ nhận thờ phụng, cúng giỗ.
Năm 1951, phật tử mời đạo hữu Hồ Chẳng về thủ tự cùng bà con xây dựng lại chùa tạm mái tranh, vách đất. Tìm kiếm khai quật từ khí đã chôn, đem chùi rửa và dựng lập lại thờ phụng.
Năm 1951, vì tuổi già, sức yếu, đạo hữu Hồ Chẳng xin về nhà, bổn đạo đề cử đạo hữu Lê Thành pháp danh Đồng Cảm tự Giác Huệ làm thủ tự. Từ năm 1952 Đạo hữu Đồng Cảm đã vận động phật tử, bà con trong làng quyên góp xây lại ngôi chùa gồm chánh điện, nhà Đông, nhà Tây bằng tường gạch, lợp ngói móc (trùng tu chùa lần thứ ba). Đạo hữu còn xin lập lại giấy tờ ruộng đất của chùa, vì đã bị hủy mất trong thời kỳ chiến tranh. Đến năm 1961, Thầy Đồng Cảm già yếu xin về nhà dưỡng bệnh…
Hòa thượng Thích Quảng Đức, còn có một đệ tử xuất gia ở chùa Thiên Ân là Thầy Đồng Thiện, thế danh Nguyễn Tích (thường gọi là ông Bốn Bịch). Sau khi Hòa thượng Thích Quảng Đức vân du hành đạo tại miền Nam, Thầy Đồng Thiện vẫn ở chùa với Thầy Đồng Trí (Thủ Thiên) và đến mấy đời trụ trì kế tiếp. Thầy tham gia hoạt động bí mật, tiếp tế lương thực, thông tin cho cách mạng, từ kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ. Đêm khuya sáng ngày mùng 8 tháng 4 năm Quý Sửu (10.5.1973) Thầy bị vướn mìn gài của địch lúc đi đưa tin tức cho nhóm công tác: ông Lê Xang và Bà Trần Thị Quế ở làng Phước Thuận, Thầy đã hy sinh. Nhà nước đã ghi ơn, công nhận cấp Bằng Liệt sĩ số GE324cm, quyết định số 1077/QĐ-TTg ngày 29.9.2003. Bằng Liệt sĩ hiện còn thờ tại chùa.
Từ năm 1961-1962, phật tử thỉnh cầu huyện hội Phật giáo Ninh Hòa bổ nhiệm trụ trì kế thế. Huyện hội cử Đại đức Thích Thiện Phước về trụ trì. Thời gian này, Ngài đã Quy y cho rất nhiều đệ tử. Đại đức Thích Quảng Căn trụ trì chùa Sắc Tứ Thiên Ân hiện nay là đệ tử của Ngài Thích Thiện Phước. Sau vì phật sự Thầy chuyển đi nơi khác.
Từ năm 1962-1963 Giáo hội cử Thầy Thiện Trí về trụ trì Thầy đã vận động phật tử quyên góp xây dựng nhà Tây, nhà hậu Tổ, nhà bếp. Đến sau pháp nạn cuối năm 1963, Đại đức Thích Thiện Trì chuyền vào Sài Gòn hành đạo. Lúc này Phật giáo miền Nam lâm vào cảnh pháp nạn 1963 (Chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo, giữa chùa và làng không còn mối quan hệ chặt chẽ như đời Thầy Thiện Phước trở về trước.
Từ năm 1964 đến năm 1967, Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Ninh Hòa cử quý Thầy về trụ trì kế tiếp nhưng chỉ ở trong thời gian ngắn, đó là: Thầy Đồng Hộ, Thầy Minh Ngọc, Thầy Thiện Huệ, Thầy Không Lạc, Thầy Thiện Liên, Thầy Thiện Hải, Thầy Thiện Quán, Thầy Minh Hưng….
Năm 1977, điều kiện kinh tế của chùa lúc bấy giờ quá khó khăn, Thầy Minh Hưng rời chùa. Phật tử trong làng luân phiên về chùa trông coi hương khói, như các đạo hữu Cao Tuyền, Đoàn Phiêu, Phan Chất, Nguyễn Khao nhưng không có vị nào ở chùa được lâu.
Đến năm 1983, chùa không có ai trông coi hương khói, chính quyền địa phương cho Hợp tác xã Nông nghiệp sử dụng, cải tạo vườn chùa làm sân phơi lúa và đất trồng cây bạt hà cất tinh dầu, nhà Đông làm phòng học, nhà Tăng làm kho lúa, ruộng đất của chùa đưa vào Hợp tác xã Nông nghiệp Ninh Đông sử dụng.
Năm 1990 theo nguyện vọng của phật tử, Hợp tác xã giao lại ngôi chùa và vườn cây cho phật tử. Bổn đạo, phật tử muốn quy ngưỡng về chùa lễ bái tu tập. Chính quyền địa phương tạo điều kiện cho phật tử mở cuộc họp ngày 27.3.1990, gồm Ban Nhân dân thôn, hão lão và phật tử. Thỉnh Ngài Thích Thiện Phước, Phó Ban Đại diện GHPG Ninh Hòa về chứng minh. Cuộc họp nhất trì cử đạo hữu Nguyễn Đương làm Trưởng Ban Hộ tự, đạo hữu Phan Lịch làm Phó Ban Hộ tự, đạo hữu Dương Công Căn làm Thư ký, Từ đây, Ban Hộ tự cùng phật tử chung lo Phật sự cho chùa.
Ngôi chùa lúc này đã dột nát, hư hại, xuống cấp trầm trọng. Ban Hộ tự vận động Phật tử quyên góp lợp lại chánh điện và nhà Đông, trang nghiêm nơi thời phụng để phật tử sinh hoạt ổn định.
Năm 1991, phật tử thống nhất cử đạo hữu Dương Công Cán, pháp danh Quảng Căn làm thủ tự. Cũng trong năm này, đạo hữu Quảng Căn phát nguyện thế phát xuất gia, dưới sự chứng minh của HT.Thích Hạnh Hải và Bổn sư HT.Thích Thiện Phước. Từ khi, Thầy Quảng Căn kế thừa, Phật sự tại chùa Sắc tứ Thiên Ân từng bước ổn định và khởi sắt.
Ngày 19.02 Canh Thìn (24.3.2000), lễ đặt đá đại trùng tu chùa Sắc Tứ Thiên Ân. Sau một năm trùng tu tôn tạo, ngày 19.02 Quý Mùi (21.3.2003) tổ chức lễ khánh thành dưới sự chứng minh của HT.Thích Ngộ Tánh và chư Tôn đức Tăng Ni Ninh Hòa cùng Phật tử xa gần tham dự.
Trụ trì chùa Sắc Tứ Thiên Ân hiện nay, Đại đức Thích Quảng Căn, tự Huệ Hải, hiệu Viên Như trụ trì từ năm 2005 đến nay.
Đại đức Thích Quảng Căn, trụ trì và các phật tử
Những câu đối tại chùa Sắc Tứ Thiên Ân:
Bước vào cổng tam quan xây năm 2011, hai bên cổng chính câu đối viết bằng chữ Hán:
“Tịnh độ Thanh u, nhất trần bất đáo Bồ đề địa,
Thiền quan tịch chiếu, vạn thiện đồng quy bát nhã môn”
Nghĩa:
Cõi tịnh độ trầm u, không hạt bụi nào bám vào chốn bồ-đề,
Ánh thiền quan lặng chiếu, mọi thiện lành đều tụ về của bát - nhã.
Câu đối hai bên cổng phụ:
“Nhãn tiền sắc giai thành huyễn
Tịnh lý càn khôn bất kế tha”
Nghĩa:
Trước mắt, sắc đều thành huyễn
Trong tịnh, trời đất vẫn y nguyên.
Vào đại hùng bửu điện câu đối hai bên đức Thế Tôn:
“Thất thất niên giáo pháp tuyên dương, vô lượng vô biên vô số kiếp,
Vạn thế chúng sinh hóa độ, đại hùng đại lực, đại từ bi”
Nghĩa:
Bốn chín năm tuyên dương giáo pháp, vô lượng vô biên vô số kiếp,
Muôn vạn đời hóa độ chúng sinh, đại hùng đại lực đại từ bi.
Phía trước bái đường hai câu đối:
“Phật chánh biến tri vô lượng quang, vô lượng thọ, vô lượng công đức,
Học chơn thiệt nghĩa như thi văn, như thị tư, như thị tu trì”
Nghĩa:
Đức Phật có trí biết cùng khắp, vô lượng quan, vô lượng thọ, vô lượng công đức,
Học nghĩa chân thật là nghe như thế, suy nghĩ như thế, tu trì như thế.
Thật đúng là:
“Thiên tường hưng thịnh, đạo tại thế năng, hằng tịnh niệm thiên thu tăng củng cố,
Ân triêm Phước Thuận, quả do nhân nhi khởi thiền môn vạn cỗ vĩnh trang nghiêm”
(Trời lành hưng thạnh, đạo tại người làm, thường tịnh niệm ngàn năm thêm bền vững,
Ơn sâu Phước Thuận, quả do người tạo, chốn cửa chùa muôn thuở mãi trang nghiêm”:
Chùa Sắc tứ Thiên Ân ngày nay không chỉ là nơi Phật tử sớm tối đi về tụng kinh, niệm Phật, tu nhân hướng thiện mà còn là địa chỉ tâm linh của những người nông dân một nắng hai sương tại làng quế yên bình Phước Thuận, Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa.