“Đài sen” giữa lòng Trường Sư phạm
Ngày đăng: 04:38:46 11-02-2020 . Xem: 9852
Không chỉ nổi tiếng là chiếc nôi đào tạo các thầy cô giáo tương lai cho cả nước, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội còn được biết đến với nét độc đáo riêng khi cất giữ trong lòng một “đài sen” mang nhiều dấu tích của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Đó là chùa Thánh Chúa - ngôi chùa có quan hệ mật thiết với hai vị vua nổi tiếng là bậc minh quân trong lịch sử: Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông.
Chùa Thánh Chúa nổi bật với cổng tam quan và hai cây muỗm trên 500 tuổi chụm đầu vào nhau
Từ cổng chính và cổng phụ phía mặt đường Xuân Thủy (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy), đi qua các giảng đường của trường chừng hơn 100m là bắt gặp không gian thiền môn, với tấm biển lớn bằng đá hoa cương đặt ngoài cổng chùa: Chùa Thánh Chúa - Di tích lịch sử văn hóa đã xếp hạng.
Với tuổi đời gần một thiên niên kỷ, chùa Thánh Chúa đã trải qua những thăng trầm của lịch sử với biết bao biến động. Ngôi chùa không bề thế không nguy nga nhưng ủ ấp trong dáng dấp trầm mặc cổ kính là sự thanh tịnh và linh thiêng.
Ngôi chùa gắn với hai vua
Nói về chùa Thánh Chúa, bất kỳ người dân nào của phường Dịch Vọng Hậu cũng đều nhắc đến hai câu ca dao: “Ngàn năm nay có mấy chùa/ Có chùa Thánh Chúa hai vua tôn thờ”. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư (tập 1), chùa đã có từ trước năm 1064, đã là nơi lui tới của hai vua triều Lý và triều Lê.
Chùa bao gồm một hệ thống tượng thờ phong phú
Tương truyền, lúc bấy giờ vua xuân thu đã nhiều, tuổi 40 mà chưa có con trai nối dõi, sai Tri hậu nội thần Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa, sau đó Ỷ Lan phu nhân có mang sinh hoàng tử Càn Đức - tức Lý Nhân Tông.
Sử cũ cũng chép lại rằng: đầu thế kỷ XV, Nghi Dân có tội với triều đình không được nối ngôi, nên kết bè đảng làm phản, đang đêm bắc thang vào thành Thăng Long đốt cung điện, thái tử Lê Tư Thành phải chạy lánh nạn đổi áo ở lẫn với Tăng Tiểu tại chùa Thánh Chúa. Sau loạn, thái tử được hai vị tôi trung thành của triều đình là Đinh Liệt và Nguyễn Xí rước về lên ngôi hiệu là Lê Thánh Tông. Sau cùng về cung, vua nhớ ơn đã phong tặng cho sư sãi và trùng tu lại chùa.
Trang nghiêm ban thờ Phật
Ngày nay tại Hà Nội chỉ còn chùa Huy Văn, chùa Ngọc Hồ và chùa Thánh Chúa là những nơi in dấu tích về vua Lê Thánh Tông. Đây chính là một vị minh quân đã minh oan cho quan Nhập nội hành khiển Nguyễn Trãi trong vụ án Lệ Chi Viên thuở trước.
Ngay sau cổng tam quan là hai cây muỗm xanh ngắt, tính đến nay đã có trên 500 năm tuổi, thân vút cao, cành lá xum xuê chụm đầu vào nhau, án ngữ giữa sân chùa. Tương truyền rằng, sau khi đăng cơ, vua Lê Thánh Tông đã cho trồng hai cây muỗm trong chùa để ghi nhớ những tháng năm gian khó phải nương nhờ, náu thân nơi cửa Phật.
Kể từ đó, hai cây muỗm gắn chặt với tên tuổi chùa Thánh Chúa, chứng kiến những thăng trầm, không chỉ gợi không gian quen thuộc và gần gũi của làng quê Việt ngay giữa phố phường Hà Nội sau nhiều năm đô thị hóa, mà còn góp phần làm tăng thêm vẻ trầm mặc cổ kính của ngôi chùa.
Bài minh đặc biệt trên chuông cổ gần 200 năm
Là một trong những di tích quý hiếm còn lại từ thời Lý, một chứng tích văn hóa Thăng Long, chùa Thánh Chúa được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào ngày 21-1-1989.
Thượng điện chùa Thánh Chúa
Cổng tam quan chùa mang phong cách lầu ngũ môn được xây hai tầng, tầng trên có 3 cửa tò vò treo chuông, khánh. Trên gác tam quan có quả chuông đồng đúc năm Mậu Tý niên hiệu Minh Mạng thứ 9 (1828) và chiếc khánh đồng kiểu cánh dơi, nặng 125kg, mang niên hiệu Thiệu Trị thứ 5 (1845). Điều đặc biệt là trên quả chuông này có khắc bài minh do Tiến sĩ Nguyễn Huy Trạc soạn, mang đầy tính thiện và tính văn học.
Theo bản dịch của Hoàng Xuân Xứng thì bài minh có nội dung như sau: “Từng nghe: chuông là tiếng của nhạc. Hễ khua lên là có tiếng ngân vang. Thiện là tiếng của con người. Chớ bảo việc nhỏ mà không bàn đến. Cho nên bỏ cái cũ mưu tìm cái mới, âu cũng là trở lại cái xưa, dựng lại cái hỏng.
Ngẫm từ xưa, chuông vàng mới đúc thì danh lam cổ sái khắp bốn phương xa vọng tiếng kình. Xảy ra cơn binh hỏa bất kỳ, thì gác khói sương mây cũng ít thấy hào quang chiếu rọi. Cùng nhau bàn chuyện cũ ngày xưa, lòng xúc động mà nảy sinh mối thiện, nhà chùa quyên góp công góp của, được ít nhiều do tự phát lương tâm.
Lấy lửa văn lửa võ mà điều hòa khuôn đúc, nên phúc quả đã được vẹn tròn. Chỉ hai tháng cố gắng tạo thành, đạt ý nguyện muôn năm hòa bình chung hưởng. Khi thong thả trăng thanh gió mát, nghe ngân nga văng vẳng tiếng kình nghê, lúc vui vầy cõi thọ đài xuân, thấy rạng vẻ hà sa bày phúc lớn. Được thấy muôn vẻ tốt lành tụ hội, toàn nhờ Tam bảo chứng minh”.
Kiến trúc chùa và vị Đại lão Ni 105 tuổi
Chùa Thánh Chúa xây theo hình chữ Đinh, từng được chỉnh trang và nâng cấp nhiều lần. Riêng trong vòng trăm năm gần đây đã có các đợt tu bổ lớn vào năm 1934; sửa chữa tam quan năm 1992; xây mới điện thờ thái hậu Ỷ Lan năm 2009; trùng tu tòa Tam bảo năm 2014 và xây nhà Tổ năm 2017. Hình dáng chùa hiện nay chủ yếu mang phong cách nghệ thuật kiến trúc của thời Nguyễn.
Chùa Thánh Chúa là nơi lưu giữ các hiện vật gỗ sơn son thiếp vàng được chạm trổ tinh tế, các đồ thờ tự như hoành phi, câu đối, chuông đồng… có niên đại từ thế kỷ XVII - XIX. Đặc biệt, chùa có một hệ thống tượng phong phú, với 77 pho tượng Phật, Bồ-tát, A-la-hán, Hộ pháp, Bát bộ Kim cương, Thập điện Diêm vương, v.v..., bằng gỗ và đất nung; một số tượng mang phong cách thế kỷ XVII.
Toàn cảnh không gian chùa
Về hệ thống kiến trúc, Tam bảo chùa nhìn về hướng Tây nam, kết cấu theo hình chuôi vồ. Tiền đường rộng 5 gian 2 dĩ, đầu hồi bít đốc, bộ vì nóc kiểu chồng rường giá chiêng. Thượng điện sâu 5 gian, thờ Phật. Hai bên chính điện có vườn rộng và cửa ngách thông với mặt sau, dẫn đến hành lang và nhà Tổ, nhà thờ Đức Địa Tạng, nhà Mẫu, nhà Tăng; vườn tháp mộ.
Trụ trì chùa Thánh Chúa từ năm 1940 đến giữa năm 2019 là Ni trưởng Thích nữ Đàm Văn - người đã xuất gia nương nhờ cửa Phật từ năm 6 tuổi. Tháng 7-2019, Đại lão Ni trưởng đã thu thần thị tịch, trụ thế 105 tuổi, 100 tuổi trụ giới thiền môn, giới lạp 85 năm. Đại lão Ni trưởng đã cống hiến cả đời mình cho Phật pháp, cho chúng sinh và chùa Thánh Chúa.
Hội chùa Thánh Chúa hàng năm được tổ chức từ 24-26 tháng Giêng. Vào dịp này, nhiều hoạt động văn hóa cổ truyền đồng loạt được diễn ra như: hát chèo đò “Đưa thuyền về Tây Trúc”, hát chèo tích Phật, múa hoa sen, múa chim phượng, các trò chơi dân gian như bịt mắt đập niêu, thi đấu cờ bỏi, v.v...
Bài, ảnh: Lương Đình Khoa
Nguồn: Giác Ngộ
Chùa Thánh Chúa nổi bật với cổng tam quan và hai cây muỗm trên 500 tuổi chụm đầu vào nhau
Từ cổng chính và cổng phụ phía mặt đường Xuân Thủy (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy), đi qua các giảng đường của trường chừng hơn 100m là bắt gặp không gian thiền môn, với tấm biển lớn bằng đá hoa cương đặt ngoài cổng chùa: Chùa Thánh Chúa - Di tích lịch sử văn hóa đã xếp hạng.
Với tuổi đời gần một thiên niên kỷ, chùa Thánh Chúa đã trải qua những thăng trầm của lịch sử với biết bao biến động. Ngôi chùa không bề thế không nguy nga nhưng ủ ấp trong dáng dấp trầm mặc cổ kính là sự thanh tịnh và linh thiêng.
Ngôi chùa gắn với hai vua
Nói về chùa Thánh Chúa, bất kỳ người dân nào của phường Dịch Vọng Hậu cũng đều nhắc đến hai câu ca dao: “Ngàn năm nay có mấy chùa/ Có chùa Thánh Chúa hai vua tôn thờ”. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư (tập 1), chùa đã có từ trước năm 1064, đã là nơi lui tới của hai vua triều Lý và triều Lê.
Chùa bao gồm một hệ thống tượng thờ phong phú
Tương truyền, lúc bấy giờ vua xuân thu đã nhiều, tuổi 40 mà chưa có con trai nối dõi, sai Tri hậu nội thần Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa, sau đó Ỷ Lan phu nhân có mang sinh hoàng tử Càn Đức - tức Lý Nhân Tông.
Sử cũ cũng chép lại rằng: đầu thế kỷ XV, Nghi Dân có tội với triều đình không được nối ngôi, nên kết bè đảng làm phản, đang đêm bắc thang vào thành Thăng Long đốt cung điện, thái tử Lê Tư Thành phải chạy lánh nạn đổi áo ở lẫn với Tăng Tiểu tại chùa Thánh Chúa. Sau loạn, thái tử được hai vị tôi trung thành của triều đình là Đinh Liệt và Nguyễn Xí rước về lên ngôi hiệu là Lê Thánh Tông. Sau cùng về cung, vua nhớ ơn đã phong tặng cho sư sãi và trùng tu lại chùa.
Trang nghiêm ban thờ Phật
Ngày nay tại Hà Nội chỉ còn chùa Huy Văn, chùa Ngọc Hồ và chùa Thánh Chúa là những nơi in dấu tích về vua Lê Thánh Tông. Đây chính là một vị minh quân đã minh oan cho quan Nhập nội hành khiển Nguyễn Trãi trong vụ án Lệ Chi Viên thuở trước.
Ngay sau cổng tam quan là hai cây muỗm xanh ngắt, tính đến nay đã có trên 500 năm tuổi, thân vút cao, cành lá xum xuê chụm đầu vào nhau, án ngữ giữa sân chùa. Tương truyền rằng, sau khi đăng cơ, vua Lê Thánh Tông đã cho trồng hai cây muỗm trong chùa để ghi nhớ những tháng năm gian khó phải nương nhờ, náu thân nơi cửa Phật.
Kể từ đó, hai cây muỗm gắn chặt với tên tuổi chùa Thánh Chúa, chứng kiến những thăng trầm, không chỉ gợi không gian quen thuộc và gần gũi của làng quê Việt ngay giữa phố phường Hà Nội sau nhiều năm đô thị hóa, mà còn góp phần làm tăng thêm vẻ trầm mặc cổ kính của ngôi chùa.
Bài minh đặc biệt trên chuông cổ gần 200 năm
Là một trong những di tích quý hiếm còn lại từ thời Lý, một chứng tích văn hóa Thăng Long, chùa Thánh Chúa được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào ngày 21-1-1989.
Thượng điện chùa Thánh Chúa
Cổng tam quan chùa mang phong cách lầu ngũ môn được xây hai tầng, tầng trên có 3 cửa tò vò treo chuông, khánh. Trên gác tam quan có quả chuông đồng đúc năm Mậu Tý niên hiệu Minh Mạng thứ 9 (1828) và chiếc khánh đồng kiểu cánh dơi, nặng 125kg, mang niên hiệu Thiệu Trị thứ 5 (1845). Điều đặc biệt là trên quả chuông này có khắc bài minh do Tiến sĩ Nguyễn Huy Trạc soạn, mang đầy tính thiện và tính văn học.
Theo bản dịch của Hoàng Xuân Xứng thì bài minh có nội dung như sau: “Từng nghe: chuông là tiếng của nhạc. Hễ khua lên là có tiếng ngân vang. Thiện là tiếng của con người. Chớ bảo việc nhỏ mà không bàn đến. Cho nên bỏ cái cũ mưu tìm cái mới, âu cũng là trở lại cái xưa, dựng lại cái hỏng.
Ngẫm từ xưa, chuông vàng mới đúc thì danh lam cổ sái khắp bốn phương xa vọng tiếng kình. Xảy ra cơn binh hỏa bất kỳ, thì gác khói sương mây cũng ít thấy hào quang chiếu rọi. Cùng nhau bàn chuyện cũ ngày xưa, lòng xúc động mà nảy sinh mối thiện, nhà chùa quyên góp công góp của, được ít nhiều do tự phát lương tâm.
Lấy lửa văn lửa võ mà điều hòa khuôn đúc, nên phúc quả đã được vẹn tròn. Chỉ hai tháng cố gắng tạo thành, đạt ý nguyện muôn năm hòa bình chung hưởng. Khi thong thả trăng thanh gió mát, nghe ngân nga văng vẳng tiếng kình nghê, lúc vui vầy cõi thọ đài xuân, thấy rạng vẻ hà sa bày phúc lớn. Được thấy muôn vẻ tốt lành tụ hội, toàn nhờ Tam bảo chứng minh”.
Kiến trúc chùa và vị Đại lão Ni 105 tuổi
Chùa Thánh Chúa xây theo hình chữ Đinh, từng được chỉnh trang và nâng cấp nhiều lần. Riêng trong vòng trăm năm gần đây đã có các đợt tu bổ lớn vào năm 1934; sửa chữa tam quan năm 1992; xây mới điện thờ thái hậu Ỷ Lan năm 2009; trùng tu tòa Tam bảo năm 2014 và xây nhà Tổ năm 2017. Hình dáng chùa hiện nay chủ yếu mang phong cách nghệ thuật kiến trúc của thời Nguyễn.
Chùa Thánh Chúa là nơi lưu giữ các hiện vật gỗ sơn son thiếp vàng được chạm trổ tinh tế, các đồ thờ tự như hoành phi, câu đối, chuông đồng… có niên đại từ thế kỷ XVII - XIX. Đặc biệt, chùa có một hệ thống tượng phong phú, với 77 pho tượng Phật, Bồ-tát, A-la-hán, Hộ pháp, Bát bộ Kim cương, Thập điện Diêm vương, v.v..., bằng gỗ và đất nung; một số tượng mang phong cách thế kỷ XVII.
Toàn cảnh không gian chùa
Về hệ thống kiến trúc, Tam bảo chùa nhìn về hướng Tây nam, kết cấu theo hình chuôi vồ. Tiền đường rộng 5 gian 2 dĩ, đầu hồi bít đốc, bộ vì nóc kiểu chồng rường giá chiêng. Thượng điện sâu 5 gian, thờ Phật. Hai bên chính điện có vườn rộng và cửa ngách thông với mặt sau, dẫn đến hành lang và nhà Tổ, nhà thờ Đức Địa Tạng, nhà Mẫu, nhà Tăng; vườn tháp mộ.
Trụ trì chùa Thánh Chúa từ năm 1940 đến giữa năm 2019 là Ni trưởng Thích nữ Đàm Văn - người đã xuất gia nương nhờ cửa Phật từ năm 6 tuổi. Tháng 7-2019, Đại lão Ni trưởng đã thu thần thị tịch, trụ thế 105 tuổi, 100 tuổi trụ giới thiền môn, giới lạp 85 năm. Đại lão Ni trưởng đã cống hiến cả đời mình cho Phật pháp, cho chúng sinh và chùa Thánh Chúa.
Hội chùa Thánh Chúa hàng năm được tổ chức từ 24-26 tháng Giêng. Vào dịp này, nhiều hoạt động văn hóa cổ truyền đồng loạt được diễn ra như: hát chèo đò “Đưa thuyền về Tây Trúc”, hát chèo tích Phật, múa hoa sen, múa chim phượng, các trò chơi dân gian như bịt mắt đập niêu, thi đấu cờ bỏi, v.v...
Bài, ảnh: Lương Đình Khoa
Nguồn: Giác Ngộ